Ngày Lễ Tạ ơn (USA)
Thanksgiving Day
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : LK 17:11-19
As Jesus continued his journey to Jerusalem,
he traveled through Samaria and Galilee.
As he was entering a village, ten persons with leprosy met him.
They stood at a distance from him and raised their voices, saying,
“Jesus, Master! Have pity on us!”
And when he saw them, he said,
“Go show yourselves to the priests.”
As they were going they were cleansed.
And one of them, realizing he had been healed,
returned, glorifying God in a loud voice;
and he fell at the feet of Jesus and thanked him.
He was a Samaritan.
Jesus said in reply,
“Ten were cleansed, were they not?
Where are the other nine?
Has none but this foreigner returned to give thanks to God?”
Then he said to him, “Stand up and go;
your faith has saved you.”
Bài đọc :
Bài đọc I : Hc 50, 22-24
“Thiên Chúa đã thực thi những việc vĩ đại trên khắp địa cầu”.
Bài trích sách Huấn Ca
Hãy chúc tụng Thiên Chúa muôn loài,
Đấng đã làm những điều vĩ đại ở khắp nơi,
Đấng đã làm cho đời sống chúng ta nên cao quý
Ngay từ thuở ta còn trong lòng mẹ
Và đối xử với chúng ta theo lòng lân tuất của Người.
Xin Thiên Chúa ban cho tâm hồn chúng ta niềm hoan hỷ,
Và cho đời chúng ta được hưởng phúc bình an,
tại đất Ít-ra-en đến muôn thuở muôn đời!
Xin Thiên Chúa hằng tỏ lòng lân tuất với chúng ta,
Và giải cứu chúng ta trong những ngày chúng ta đang sống!
ĐÁP CA : Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 4-5
Đ. Lạy Chúa, con xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương.
Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,
Ngài đã nghe lời miệng con xin.
Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa,
hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ.
Đ. Lạy Chúa, con xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương.
Xin cảm tạ danh Chúa,
vì Ngài vẫn thành tín yêu thương,
đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài
trên tất cả mọi sự.
Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại,
đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.
Đ. Lạy Chúa, con xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương.
Lạy Chúa, mọi đế vương dưới trần đều cảm tạ
khi nghe những lời miệng Ngài phán ra.
Họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa:
“Vinh quang Chúa vĩ đại dường bao!”
Đ. Lạy Chúa, con xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 3-9
“Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em”.
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.
Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu.
Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
TIN MỪNG : Lc 17,11-19
Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng : “Lạy thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !” Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ : “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói : “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” Rồi Người nói với anh ta : “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
SUY NIỆM
LÒNG BIẾT ƠN
Cám ơn đời, bao điều ta trông thấy,
Cảnh đất trời, vẻ đẹp với ngàn mây.
Cám ơn Người, mỗi sớm mai ta dậy,
Vẫn tình thương dịu hiền ở nơi đây.
(Tâm gia)
Người Samari trở lại sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà lớn tiếng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã chữa lành khỏi bệnh phong hủi cho anh. Người không những chữa lành cho anh căn bệnh phong hủi thể xác mà còn giúp anh được tái hòa nhập với cộng đồng và ban ơn đức tin cho anh.
Cuộc đời chúng ta được đan dệt bằng hồng ân của Thiên Chúa. Vì vậy mà thánh Phao-lô đã nói: “Tất cả là hồng ân”. Đối với Thiên Chúa, lời cảm tạ của chúng ta không thêm gì cho Người, nhưng mưu ích cho chính chúng ta.
Lời tạ ơn này được thể hiện mỗi khi chúng ta thức dậy, mỗi khi ta cầu nguyện lúc đêm về, khi tham dự hy tế tạ ơn, đặc biệt trong ngày Lễ Tạ Ơn hôm nay. Ngoài ra, lòng biết ơn ấy còn phải được thể hiện qua những chia sẻ tương thân, tương ái cho tha nhân về tinh thần cũng như vật chất.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, con nguyện dâng hiến trọn cuộc đời con cho Chúa như của lễ tạ ơn mọn hèn!
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Nạn lao động trẻ em cướp đi tương lai của các em và của chính nhân loại
Sáng 19/11/2021, ngỏ lời với các tham dự viên Hội nghị “Xoá bỏ lao động trẻ em”, Đức Thánh Cha nói rằng nạn lao động trẻ em cướp đi tương lai của các em và của chính nhân loại. Để xoá bỏ tệ nạn này cần cùng nhau xoá nghèo, thay đổi hệ thống kinh tế vốn chỉ tăng lợi ích cho một số ít người, thúc đẩy nền giáo dục chất lượng và miễn phí, và một hệ thống y tế dành cho mọi người.
Hội nghị “Xoá bỏ lao động trẻ em, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn” được Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện tổ chức vào chiều ngày 19/11/2021.
ĐTC tiếp các tham dự viên Hội nghị “Xoá bỏ lao động trẻ em, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”
Việc bảo vệ quyền của trẻ em có ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại
Mở đầu diễn văn, Đức Thánh Cha nhận định: “Tai họa của việc bóc lột sức lao động đối với trẻ em, đề tài hôm nay quý vị cùng nhau suy tư, có tầm quan trọng đặc biệt đối với hiện tại và tương lai của nhân loại chúng ta. Cách chúng ta có tương quan với trẻ em, mức độ chúng ta tôn trọng phẩm giá con người bẩm sinh và các quyền cơ bản của chúng, thể hiện chúng ta là loại người lớn nào và chúng ta muốn trở thành người lớn như thế nào và chúng ta muốn xây dựng xã hội nào”.
Trẻ em bị bóc lột vì lợi nhuận của người khác
Trái với những công việc nho nhỏ mà các trẻ em có thể giúp trong gia đình trong những khi rảnh rỗi, theo lứa tuổi, giúp các em phát triển và nhận thức về trách nhiệm, theo Đức Thánh Cha, lao động trẻ em “là sự bóc lột trẻ em trong quá trình sản xuất của nền kinh tế toàn cầu hóa vì lợi nhuận và thu nhập của người khác. Đó là sự phủ nhận quyền của trẻ em về sức khỏe, giáo dục, sự phát triển hài hòa, bao gồm cả khả năng vui chơi và mơ ước. Nó đang cướp đi tương lai của trẻ em và của chính nhân loại nữa. Đó là sự vi phạm nhân phẩm”.
Để xoá bỏ tệ nạn lao động trẻ em
Đức Thánh Cha nêu lên một số lý do khiến trẻ em dễ bị bóc lột sức lao động, như nghèo đói cùng cực, thiếu việc làm và hậu quả là sự tuyệt vọng trong các gia đình. Từ đó, ngài nói rằng nếu muốn xoá bỏ tệ nạn lao động trẻ em, “chúng ta phải làm việc cùng nhau để xóa nghèo, sửa chữa những méo mó của hệ thống kinh tế chỉ tập trung của cải vào tay một số ít; cần khuyến khích các quốc gia và các tổ chức kinh doanh tạo cơ hội làm việc với mức lương đủ để đáp ứng nhu cầu của gia đình và con cái không bị ép buộc phải làm việc; phải cùng nỗ lực thúc đẩy nền giáo dục chất lượng ở mọi quốc gia, miễn phí cho tất cả mọi người, cũng như một hệ thống y tế mà mọi người đều có thể tiếp cận”.
Dấn thân của Giáo hội
Cuối cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người tiếp tục các sáng kiến và nỗ lực đã được thực hiện ở tất cả các cấp trong cuộc chiến chống lao động trẻ em, kiên trì trong hành trình này dù có những khó khăn, và mở rộng mạng lưới nhân sự và tổ chức tham gia vào nỗ lực này. (CSR_7508_2021)
Hồng Thủy – Vatican News