Friday of the Thirty-third Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Lk 19:45-48
Jesus entered the temple area and proceeded to drive out
those who were selling things, saying to them,
“It is written, My house shall be a house of prayer,
but you have made it a den of thieves.”
And every day he was teaching in the temple area.
The chief priests, the scribes, and the leaders of the people, meanwhile,
were seeking to put him to death,
but they could find no way to accomplish their purpose
because all the people were hanging on his words.
Bài đọc :
Bài đọc 1 : 1 Mcb 4,36-37.52-59
Họ cử hành lễ cung hiến bàn thờ, và hoan hỷ dâng lễ toàn thiêu.
Bài trích sách Ma-ca-bê quyển thứ nhất.
36 Bấy giờ, ông Giu-đa và các anh em nói : “Này, kẻ thù của chúng ta đã bị đập tan, chúng ta hãy lên thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh.” 37 Tất cả đoàn quân tập hợp lại và lên núi Xi-on.
52 Ngày hai mươi lăm tháng chín -tức là tháng Kít-lêu- năm một trăm bốn mươi tám, họ dậy sớm 53 và theo như Luật truyền, họ dâng lễ tế trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu họ vừa mới xây. 54 Họ đã cử hành lễ cung hiến bàn thờ giữa tiếng đàn tiếng hát, tiếng hạc cầm và tiếng não bạt, vào đúng lúc đúng ngày trước đây dân ngoại đã làm cho ra ô uế. 55 Toàn dân sấp mặt xuống thờ lạy và chúc tụng Trời, Đấng đã giúp họ thành công. 56 Họ cử hành lễ cung hiến bàn thờ trong tám ngày liên tục, hoan hỷ dâng lễ toàn thiêu, hy lễ hiệp thông và tạ ơn. 57 Họ lấy các triều thiên bằng vàng và những tấm biển mà trang trí mặt tiền Đền Thờ, đồng thời cũng sửa sang các lối ra vào, các phòng ốc và làm lại các cửa phòng. 58 Dân chúng vui mừng khôn kể xiết và quên hẳn nỗi nhục nhằn dân ngoại đã gây ra. 59 Ông Giu-đa cùng với anh em và toàn thể đại hội Ít-ra-en quyết định là hằng năm, trong thời gian tám ngày từ hai mươi lăm tháng Kít-lêu, phải cử hành lễ Cung Hiến bàn thờ thật tưng bừng rộn rã.
Đáp ca : 1 Sb 29,10b.11abc.11d-12a.12bcd (Đ. c.13b)
Đ. Lạy Chúa, xin ca tụng Danh Thánh hiển vinh.
10bLạy Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en,
tổ phụ chúng con,
xin dâng lên Ngài lời chúc tụng
từ muôn thuở đến muôn ngàn đời.
Đ. Lạy Chúa, xin ca tụng Danh Thánh hiển vinh.
11abcLạy Chúa, Ngài vĩ đại quyền năng,
Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ,
vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc về Ngài.
Đ. Lạy Chúa, xin ca tụng Danh Thánh hiển vinh.
11dNgài nắm giữ vương quyền, lạy Chúa,
và địa vị tối cao, vượt trên tất cả.
12aNgài cũng là nguồn phú quý vinh quang.
Đ. Lạy Chúa, xin ca tụng Danh Thánh hiển vinh.
12bcdChính Chúa làm bá chủ muôn loài :
nắm trong tay dũng lực quyền năng,
nhờ tay Ngài, tất cả lớn lên và mạnh sức.
Đ. Lạy Chúa, xin ca tụng Danh Thánh hiển vinh.
Tung hô Tin Mừng : Ga 10,27
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG : Lc 19,45-48
Các người đã biến Nhà Thiên Chúa thành sào huyệt của bọn cướp.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
45 Khi ấy, Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán 46 và nói với họ : “Đã có lời chép rằng : Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp !”
47 Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. 48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.
SUY NIỆM
TÔN TRỌNG ĐỀN THỜ
Năm 2019, Chùa Ba Vàng nổi lên như một hiện tượng. Người ta kéo đến để xin “giải vong”. Ai nghiệp nặng, vong lớn thì phải chi nhiều tiền. Cách nào đó, người ta đã lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để buôn thần bán thánh.
Không chỉ thời nay, hiện tượng này mới xuất hiện. Từ thời Đức Giêsu, hiện tượng này đã có. Bài Tin Mừng kể lại: Đức Giêsu đi vào Đền thờ và gặp cảnh buôn bán náo nhiệt. Người ta làm Đền thờ mất đi ý nghĩa đích thực. Đức Giêsu đến và trả lại sự tôn nghiêm cho Đền thờ. Quả thật, Người “xua đuổi những kẻ đang buôn bán” trong Đền thờ, vì Đền thờ là nơi để thờ phượng Thiên Chúa: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện”.
Thánh Phaolô đã viết “anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần?” (1Cr 6,19). Đức Giêsu đã làm gương về việc thánh hóa Đền thờ. Hơn thế nữa, Người còn dâng hiến chính mình làm Đền thờ sống động. Chúng ta cũng được mời gọi, không chỉ thể hiện sự tôn trọng những nơi thờ phượng Thiên Chúa như nhà thờ hay nhà nguyện, nhưng còn tôn trọng cả đền thờ tâm hồn của mỗi người nữa.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết giữ gìn thân xác luôn trong sạch. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
ĐTC Phanxicô: Thánh Giuse là gương mẫu và chứng tá cho thời đại chúng ta
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 17/11/2021, Đức Thánh Cha bắt đầu loạt bài giáo lý về thánh Giuse. Ngài nói rằng thánh Giuse nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương những người ở vùng ngoại vi địa lý cũng như ngoại vi của cuộc sống hơn. Giáo hội được kêu gọi loan báo Tin Mừng cho những người ở những vùng ngoại vi của thế giới chúng ta. Những người nghèo và bị lãng quên ở giữa chúng ta có thể tìm đến thánh Giuse như một người hướng dẫn và người bảo vệ chắc chắn trong cuộc sống của họ.
Loạt bài giáo lý về thánh Giuse được bắt đầu nhân Năm đặc biệt về thánh Giuse, từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng thánh Giuse, người thợ mộc khiêm nhường làng Nadarét, người cha nuôi dưỡng Chúa Giêsu và quan thầy của Giáo hội hoàn vũ, đã sống hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Bêlem và Nadarét, hai thị trấn nhỏ bé gắn liền với cuộc sống của thánh nhân, nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương những người nghèo và những người bị gạt ra bên lề cuộc sống hơn. Thiên Chúa đã chọn Bêlem, thành của Đa-vít, làm nơi cho Con của Người sinh ra dưới sự chăm sóc cẩn thận của thánh Giuse, thuộc dòng dõi Vua Đa-vít.
Bằng cuộc đời và gương sáng của mình, thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng, trong thời đại của chúng ta, Giáo hội được kêu gọi để loan báo tin mừng Chúa Kitô đến, bắt đầu từ những vùng ngoại vi cuộc sống của thế giới chúng ta. Những người nghèo và bị lãng quên ở giữa chúng ta có thể tìm đến ngài như một người hướng dẫn và người bảo vệ chắc chắn trong cuộc sống của họ. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy cầu xin thánh Giuse cầu bầu cho Giáo hội, để chúng ta luôn có thể khởi hành lại từ Bêlem, để nhìn thấy và đánh giá đúng những gì là quan trọng thiết yếu đối với Thiên Chúa.
Chứng tá và gương mẫu của thánh nhân soi sáng chúng ta hơn nữa
Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha giải thích lý do ngài sẽ trình bày những bài giáo lý về thánh Giuse: “Ngày 8 tháng 12 năm 1870, chân phước Piô IX đã công bố thánh Giuse là quan thầy của Giáo hội hoàn vũ. 150 năm sau sự kiện đó, chúng ta đang sống năm đặc biệt dâng kính thánh Giuse, và trong Tông thư Patris corde, tôi đã thu thập một số suy tư về con người của ngài. Chưa bao giờ như ngày hôm nay, trong thời điểm được ghi dấu bởi một cuộc khủng hoảng toàn cầu với nhiều khía cạnh khác nhau, thánh nhân có thể là người hỗ trợ, an ủi và hướng dẫn chúng ta. Do đó, tôi đã quyết định dành một loạt bài giáo lý về ngài; tôi hy vọng điều này sẽ giúp chúng ta để mình được mẫu gương và chứng tá của ngài soi sáng nhiều hơn nữa.
Thánh Giuse – người tràn đầy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa
Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý với suy tư về bối cảnh Kinh Thánh của cuộc đời thánh Giuse. Ngài nói: “Có hơn mười nhân vật trong Kinh Thánh có tên Giuse. Quan trọng nhất trong số này là người con trai ông Giacóp và bà Rakhen; người này đã trải qua nhiều thăng trầm, từ một nô lệ trở thành người quan trọng thứ hai ở Ai Cập sau vua Pharaô (x. St 37-50). Trong tiếng Do Thái, Giuse có nghĩa là “xin Chúa gia tăng, xin Chúa làm cho tăng trưởng”. Đó là một lời cầu chúc, một lời chúc lành dựa trên sự tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và đặc biệt là nói đến sự sinh sản và sự gia tăng con cái. Thật vậy, chính tên này đã tỏ lộ cho chúng ta một khía cạnh quan trọng trong tính cách của thánh Giuse thành Nadarét. Ngài là một người tràn đầy niềm tin vào Thiên Chúa, vào sự quan phòng của Người. Mỗi hành động của thánh nhân được Phúc Âm thuật lại đều được xác định bằng sự xác tín rằng Thiên Chúa “làm cho lớn lên”, “gia tăng”, “thêm vào”, nghĩa là Thiên Chúa chuẩn bị để thực hiện chương trình cứu độ của Người. Và, về điều này, Giuse thành Nadarét rất giống với Giuse ở Ai Cập”.
Bêlem và Nadarét – những vùng ngoại vi
Theo Đức Thánh Cha, Bêlem và Nadarét, những tham chiếu địa lý đầu tiên về thánh Giuse, cũng đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta hiểu biết về thánh nhân. Đức Thánh Cha giải thích: “Trong Cựu ước, thành phố Bêlem được gọi là Beth Lechem, ‘Nhà bánh mì’, hay còn gọi là Épratha, theo tên bộ lạc định cư ở đó. Tuy nhiên, trong tiếng Ả Rập, tên này có nghĩa là ‘Ngôi nhà của thịt’, có lẽ vì có nhiều đàn cừu và dê ở khu vực này. Thật vậy, không phải ngẫu nhiên mà khi Chúa Giêsu sinh ra, các mục đồng là những người đầu tiên chứng kiến sự kiện này (x. Lc 2,8-20). Dưới ánh sáng của câu chuyện về Chúa Giêsu, những ám chỉ về bánh và thịt nói đến mầu nhiệm Thánh Thể: Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống (x. Ga 6,51). Người sẽ nói về mình: ‘Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì có sự sống đời đời’ (Ga 6,54)”.
“Bêlem được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh, từ ngay trong sách Sáng Thế. Bêlem cũng được liên kết với câu chuyện của bà Rút và bà Naômi, được thuật lại trong sách Rút, một cuốn sách ngắn gọn nhưng tuyệt vời. Bà Rút sinh một người con trai tên là Obed, và người này sinh ra ông Giêsê, cha của Vua Đavít. Và chính từ dòng dõi của Vua Đavít mà thánh Giuse, cha của Chúa Giê-su theo pháp lý, đã được sinh ra. Bấy giờ, tiên tri Mikha đã báo trước những điều tuyệt vời về Bêlem: ‘Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel’ (Mk 5,1). Thánh sử Mátthêu sẽ lấy lời tiên tri này và kết nối nó với câu chuyện về Chúa Giêsu như sự ứng nghiệm rõ ràng của nó”.
“Quả thật, Con Thiên Chúa không chọn Giêrusalem làm nơi Người nhập thể làm người, mà là Bêlem và Nadarét, hai làng ở ngoại ô, cách xa tiếng ồn ào của tin tức và những người quyền lực thời bấy giờ. Tuy nhiên, Giêrusalem là thành phố được Chúa yêu thương (x. Is 62,1-12), là ‘thành thánh’ (Dn 3,28), được Chúa chọn làm nơi cư ngụ (x. Dc 3,2; Tv 132,13). Thực ra, đây là nơi cư ngụ của các tiến sĩ Luật, kinh sư và người Pharisêu, các thượng tế và các kỳ lão trong dân (xem Lc 2,46; Mt 15,1; Mc 3,22; Ga 1,19; Mt 26,3)”.
Vùng ngoại vi và bên lề đều được Thiên Chúa ưu ái
Đức Thánh Cha nhận định rằng đây là lý do tại sao việc lựa chọn Bêlem và Nadarét cho chúng ta biết rằng vùng ngoại vi và bên lề đều được Thiên Chúa ưu ái. Chúa Giêsu không sinh ra ở Giêrusalem cùng với toàn thể triều đình … Không: Người sinh ra ở vùng ngoại ô và sống cuộc đời của mình, tới 30 năm, ở vùng ngoại ô đó, làm thợ mộc, giống như thánh Giuse. Đối với Chúa Giêsu, những vùng ngoại vi và những người bị thiệt thòi được ưu tiên hơn. Đức Thánh Cha lưu ý: “Không xem xét sự kiện này một cách nghiêm túc đồng nghĩa với việc không coi trọng Tin Mừng và hoạt động của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục tỏ mình ra trong các vùng ngoại vi địa lý và cuộc sống. Chúa luôn hành động âm thầm: Người luôn hành động âm thầm, ở ngoại vi. Ngay cả trong tâm hồn chúng ta, ở những vùng ngoại vi của linh hồn, của những tình cảm, có lẽ những tình cảm khiến chúng ta xấu hổ, nhưng Chúa ở đó để giúp chúng ta tiến bước. Chúa tiếp tục tỏ mình ra ở các vùng ngoại vi, dù là về mặt địa lý hay về cuộc sống”.
Chúa Giêsu đến viếng thăm cả những vùng ngoại vi của tâm hồn
Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúa Giêsu đi tìm kiếm những người tội lỗi; Người vào nhà họ, nói chuyện với họ, mời gọi họ hoán cải. Chúa Giêsu cũng bị quở trách về điều này: ‘Nhưng hãy nhìn xem vị Thầy này – các tiến sĩ luật nói – hãy nhìn vị Thầy này: ông ăn uống với tội nhân, người ô uế, đi tìm những tội nhân đã làm điều ác và cũng đi tìm những người không làm điều ác nhưng đã phải chịu đựng nó, chẳng hạn như những người bệnh tật, đói khổ, nghèo khó, rốt cùng’. Chúa Giêsu luôn luôn hướng về những vùng ngoại vi. Và điều này phải mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm tin, đúng không? Bởi vì, Chúa biết vùng ngoại vi của trái tim chúng ta, vùng ngoại vi của tâm hồn chúng ta, vùng ngoại vi của xã hội chúng ta, của thành phố của chúng ta, của gia đình chúng ta, tức là phần hơi tăm tối, nơi có lẽ chúng ta không thể hiện ra vì xấu hổ, đúng không?”
Giáo hội được kêu gọi loan báo tin mừng đến các vùng ngoại vi
Đức Thánh Cha nhận xét: “Về mặt này, xã hội lúc bấy giờ không khác chúng ta là mấy. Ngay cả ngày nay vẫn có một trung tâm và một vùng ngoại vi. Và Giáo Hội biết rằng mình được kêu gọi để loan báo tin mừng đến các vùng ngoại vi. Thánh Giuse, một thợ mộc từ làng Nadareth và là người tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa dành cho vị hôn thê của ngài và cho ngài, nhắc nhở Giáo hội hãy chú ý đến những gì mà thế giới cố tình phớt lờ. Hôm nay thánh Giuse dạy chúng ta: ‘Đừng quá chú trọng vào những điều mà thế gian ca tụng, nhưng hãy nhìn vào những góc khuất, những bóng tối, hãy nhìn ra ngoại vi, những điều thế gian không mong muốn’. Ngài nhắc nhở mỗi chúng ta phải quý trọng đến những người mà người khác loại bỏ”.
Nhận ra điều cốt yếu
Theo nghĩa này, Đức Thánh Cha khẳng định rằng thánh Giuse “thực sự là một bậc thầy về điều cốt yếu: ngài nhắc nhở chúng ta rằng những gì thực sự có giá trị không thu hút sự chú ý của chúng ta, nhưng đòi hỏi sự phân định kiên nhẫn để được khám phá và đánh giá cao”.
Đức Thánh Cha mời gọi cầu xin thánh Giuse cầu bầu “để toàn thể Giáo hội có thể tìm lại được cách nhìn này, khả năng phân định và đánh giá điều cốt yếu này. Chúng ta hãy lại bắt đầu từ Bêlem, chúng ta hãy bắt đầu lại từ Nadarét”.
Thánh Giuse – chứng nhân và người bảo vệ
Cuối cùng Đức Thánh Cha gửi một thông điệp đến tất cả những người sống ở những vùng ngoại vi địa lý hay cuộc sống, bị lãng quên nhất trên thế giới, hoặc những người đang bị gạt ra ngoài lề của cuộc sống. Ngài nói: “Chớ gì anh chị em tìm thấy nơi thánh Giuse chứng nhân và người bảo vệ để mình tìm đến”. Và ngài mời gọi dâng lên thánh nhân lời cầu nguyện này:
Lạy Thánh Giuse,
ngài là người luôn tín thác vào Thiên Chúa,
và đưa ra những chọn lựa theo sự hướng dẫn quan phòng của Người,
xin dạy chúng con đừng quá dựa trên những kế hoạch của mình
nhưng theo kế hoạch tình yêu của Người.
Ngài là người đến từ những vùng ngoại vi,
xin giúp chúng con chuyển đổi cách nhìn
và thích chọn những gì thế giới loại bỏ và những thứ bị gạt ra bên lề hơn.
Xin an ủi những người cảm thấy cô đơn
và nâng đỡ những người làm việc âm thầm để bảo vệ sự sống và phẩm giá con người. Amen
Hồng Thủy – Vatican News