SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Lk 19:1-10
At that time Jesus came to Jericho and intended to pass through the town.
Now a man there named Zacchaeus,
who was a chief tax collector and also a wealthy man,
was seeking to see who Jesus was;
but he could not see him because of the crowd,
for he was short in stature.
So he ran ahead and climbed a sycamore tree in order to see Jesus,
who was about to pass that way.
When he reached the place, Jesus looked up and said,
“Zacchaeus, come down quickly,
for today I must stay at your house.”
And he came down quickly and received him with joy.
When they saw this, they began to grumble, saying,
“He has gone to stay at the house of a sinner.”
But Zacchaeus stood there and said to the Lord,
“Behold, half of my possessions, Lord, I shall give to the poor,
and if I have extorted anything from anyone
I shall repay it four times over.”
And Jesus said to him,
“Today salvation has come to this house
because this man too is a descendant of Abraham.
For the Son of Man has come to seek
and to save what was lost.”
Bài đọc :
Bài đọc 1 : 2 Mcb 6,18-31
Tôi để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết, vì các Lề Luật đáng kính và thánh thiện.
Bài trích sách Ma-ca-bê quyển thứ hai.
18 Hồi ấy, có một người tên là E-la-da, một trong những kinh sư quan trọng tuy tuổi đã cao nhưng trông rất đẹp lão. Ông bị ép phải há miệng ăn thịt heo. 19 Nhưng ông thà chết vinh hơn sống nhục, nên đã tự ý tiến ra nơi hành hình, 20 sau khi đã khạc nhổ hết thịt ra. Ông đã làm như vậy theo thói thường của những người can đảm là từ chối những thứ Luật Lệ không cho phép ăn, dù phải ăn để sống. 21 Vì quen biết ông E-la-da đã lâu năm, nên những người chủ toạ bữa tiệc cúng thần trái với Lề Luật, kéo riêng ông ra một chỗ. Họ khuyên ông nói với người ta đem thịt đến, thứ thịt được phép dùng, tự tay ông dọn lấy, rồi giả vờ như thể mình đang ăn thịt cúng do vua truyền. 22 Làm như vậy ông mới thoát chết, lại còn được đối xử nhân đạo, vì trước kia ông đã xử tốt với họ. 23 Nhưng ông đã có một quyết định dứt khoát, thật xứng với tuổi cao, và uy thế của bậc lão thành, với vẻ khả kính của mái tóc trắng phau vì lao tâm khổ tứ, với tác phong hoàn hảo từ buổi thiếu thời, nhất là phù hợp với Luật thánh do chính Thiên Chúa lập ra. Ông trả lời họ thật đích đáng là cứ việc đưa ngay ông xuống âm phủ. 24 Ông nói : “Ở tuổi chúng tôi, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già E-la-da đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại. 25 Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già. 26 Dù hiện nay tôi có tránh được hình phạt của người ta, thì sống hay chết tôi cũng sẽ không thoát khỏi bàn tay của Đấng Toàn Năng. 27 Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già, 28 và để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện.”
Nói thế rồi, ông đi thẳng đến nơi hành hình. 29 Những người điệu ông đến nơi đó đổi thiện cảm họ vừa có đối với ông thành ác cảm, vì họ cho những lời ông nói là điên khùng. 30 Khi sắp chết vì đòn vọt, ông vừa rên vừa nói : “Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn Người biết là dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn dữ dằn trong thân xác, còn trong tâm hồn, tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người.”
31 Con người ấy đã từ giã cuộc đời như thế đó. Cái chết của ông để lại không những cho các thanh niên, mà còn cho đại đa số dân chúng một tấm gương về lòng cao thượng và một hình ảnh đáng ghi nhớ về nhân đức.
Đáp ca : Tv 3,2-3.4-5.6-7 (Đ. c.6b)
Đ. Có Chúa đỡ nâng tôi.
2Lạy Chúa, thù địch con đông vô kể,
người nổi dậy chống con thật quá nhiều !
3Quá nhiều kẻ đang nói về con :
“Chúa Trời đâu cứu hắn !”
Đ. Có Chúa đỡ nâng tôi.
4Nhưng lạy Chúa, chính Ngài là khiên che thuẫn đỡ,
là vinh dự của con,
là Đấng cho con được ngẩng đầu bất khuất.
5Tôi vừa cất tiếng kêu lên cùng Chúa,
Chúa liền đáp lại từ núi thánh của Người.
Đ. Có Chúa đỡ nâng tôi.
6Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ,
rồi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi.
7Tôi chẳng còn phải sợ
lũ người đông vô số đang vây bọc quanh tôi.
Đ. Có Chúa đỡ nâng tôi.
Tung hô Tin Mừng : 1 Ga 4,10b
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG : Lc 19,1-10
Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
1 Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. 2 Ở đó có một người tên là Da-kêu ; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. 5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !” 6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” 8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng : “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” 9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. 10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
SUY NIỆM
THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG THƯƠNG XÓT
Ngày 25/8/2017, tờ EWNT News tại Montreal Canada đã đưa tin về linh mục Claude Paradis – một người từng nghiện rượu và ma túy – đã thay đổi cuộc đời. Nay cha đang sống và phục vụ những người nghèo khổ, vô gia cư trên các đường phố của Montreal, Canada.
Câu chuyện của cha Claude Paradis cũng có nét giống với cuộc đời của ông Giakêu trong Tin Mừng. Cả hai đều được Thiên Chúa biến đổi. Đức Giêsu nhìn thấy Giakêu và muốn vào nhà ông. Ông biết mình được Thiên Chúa thương xót. Tình yêu của Thiên Chúa chạm vào tâm hồn ông. Và Giakêu đã thay đổi.
Chúng ta thường nghĩ mình phải cố gắng rất nhiều mới có thể lại gần Thiên Chúa. Thực tế là Thiên Chúa luôn đến với chúng ta trước. Nhờ đó, chúng ta mới có cơ hội nhận lấy tình yêu của Người. Thiên Chúa luôn dành những điều tuyệt vời nhất cho chúng ta, chỉ là chúng ta có muốn mở lòng ra để đón nhận Chúa hay không.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn biết khiêm tốn và tinh tế như ông Giakêu để chúng con có thể dễ dàng nhận ra Chúa trong mọi biến cố và trong từng giây phút cuộc đời. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
ĐTC Phanxicô: Chúng ta phải đánh thức Chúa đang hiện diện trong lòng mình
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 10/11/2021, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu rằng trong những lúc khó khăn, hãy đánh thức Chúa Kitô như các tông đồ đã đánh thức Người khi gặp giông bão giữa hồ Galilê. Đức Thánh Cha cũng mời gọi các tín hữu hãy siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, xin Người đến trợ giúp cho sự yếu đuối của chúng ta.
Đức Thánh Cha đã kết thúc loạt bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi các tín hữu Galát bằng bài giáo lý cuối cùng về lời thúc giục của thánh Phaolô: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí”. Thánh nhân mời gọi các tín hữu Galát đừng rơi vào cám dỗ quay trở lại đàng sau, đừng rơi vào tình trạng nô lệ tội lỗi như xưa.
Đức Thánh Cha nói rằng Kitô hữu “tự do” không bám chặt vào quá khứ, theo nghĩa xấu của từ này, không dính chặt vào những thực hành luật lệ. Trên hết, Kitô hữu là những người hăng hái nhiệt thành, đối nghịch với sự mệt mỏi, nản chí, đôi khi ngăn cản chúng ta làm điều thiện.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta đã đi đến phần cuối của loạt bài giáo lý về Thư gửi các tín hữu Galát. Chúng ta còn có thể suy tư về rất nhiều nội dung khác trong thư này của thánh Phaolô. Lời của Thiên Chúa là một nguồn vô tận. Và trong thư này, thánh Tông đồ đã nói với chúng ta như một người loan báo Tin Mừng, như một nhà thần học và như một mục tử.
Thánh Phaolô – nhà truyền giáo, nhà thần học và mục tử
Thánh Inhaxiô Giám mục thành Antiokia đã diễn tả rất hay khi ngài viết: “Chỉ có một vị Tôn sư, Đấng đã nói và những gì Người nói đều đã được thực hiện; trong khi những việc Người đã làm dù trong âm thầm cũng xứng đáng với Chúa Cha. Ai sở hữu lời Chúa Giêsu, cũng có thể lắng nghe sự im lặng của Người” (Ad Ephesios 15,1-2). Chúng ta có thể nói rằng Tông đồ Phaolô đã có thể nói tiếng nói của sự im lặng này. Những hiểu biết nguyên thuỷ nhất của ngài giúp chúng ta khám phá ra sự mới lạ, chất vấn chúng ta, được chứa đựng trong mặc khải của Chúa Giêsu Kitô. Ngài là một nhà thần học thực thụ, người đã chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Kitô và truyền lại mầu nhiệm ấy bằng trí thông minh sáng tạo của mình. Và ngài cũng có thể thi hành sứ vụ mục tử của mình đối với một cộng đoàn bị lạc hướng và hoang mang. Ngài thực hiện điều đó với nhiều phương pháp khác nhau: khi thì ngài sử dụng sự mỉa mai hài hước, lúc thì nghiêm khắc, hoặc nhu mì … Ngài đã tỏ rõ quyền tông đồ của chính ngài nhưng đồng thời không che dấu sự yếu đuối trong tính cách của mình. Sức mạnh của Thần Khí đã thực sự đi vào tâm hồn ngài: cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh đã chinh phục và biến đổi toàn bộ cuộc đời ngài, và ngài đã dành trọn cuộc đời đó cho việc phục vụ Tin Mừng.
Bảo vệ sự tự do Kitô giáo
Thánh Phaolô không bao giờ nghĩ đến một Kitô giáo với những nét giao hảo mà không có sự cương quyết và nhiệt huyết, trái lại. Ngài bảo vệ sự tự do Chúa Kitô mang lại bằng một niềm đam mê mà cho đến nay vẫn đang gây xúc động, đặc biệt nếu chúng ta nghĩ đến sự đau khổ và cô đơn mà ngài đã phải chịu. Ngài tin chắc rằng mình đã nhận được một lời kêu gọi mà chỉ ngài mới có thể trả lời; và ngài muốn giải thích cho các tín hữu Galát rằng họ cũng được kêu gọi đến với sự tự do đó, điều đã giải phóng họ khỏi mọi hình thức nô lệ, bởi vì điều đó làm cho họ trở thành những người thừa kế lời hứa xưa kia và, trong Chúa Kitô, trở thành con của Thiên Chúa. Nhận thức được những rủi ro mà tự do Kitô giáo mang lại, nhưng ngài đã không nói bớt những hậu quả đó đi.
Tự do Kitô giáo không có nghĩa là phóng túng, nhưng được thể hiện trong việc phục vụ bác ái
Với sự táo bạo dũng cảm, nghĩa là với lòng can đảm, ngài nhắc lại với các tín hữu rằng tự do không hề có nghĩa là phóng túng, cũng như không dẫn đến những hình thức tự phụ tự mãn. Ngược lại, thánh Phaolô đặt tự do dưới bóng của tình yêu và quy định việc thực thi nó cách nhất quán trong việc phục vụ bác ái. Tất cả tầm nhìn này đã được đặt trên toàn cảnh của cuộc sống theo Chúa Thánh Thần, Đấng đưa Lề Luật được Thiên Chúa ban cho dân Israel đến chỗ hoàn thiện và ngăn họ lại rơi vào tình trạng nô lệ của tội lỗi.
Kitô hữu không quay trở lại với đời sống nô lệ luật lệ
Nhưng cám dỗ thì luôn đi ngược trở lại, đúng không? Một định nghĩa trong Kinh Thánh về Kitô hữu nói rằng Kitô hữu chúng ta không phải là những người quay ngược trở lại. Một định nghĩa thật hay. Và cám dỗ ở đây chính là quay trở lại để được an toàn hơn. Và trong trường hợp đó, quay trở lại chỉ với Lề Luật nhưng bỏ quên sự sống mới của Chúa Thánh Linh. Đây là điều thánh Phaolô dạy chúng ta: Lề Luật thật sự được hoàn thành trong sự sống này của Chúa Thánh Linh, sự sống mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Và sự sống này của Chúa Thánh Linh chỉ có thể được sống trong tự do, sự tự do Kitô giáo. Và đây là một trong những điều đẹp nhất.
Khi gặp khó khăn, hãy đánh thức Chúa Kitô!
Đối với tôi, vào cuối loạt bài giáo lý này, dường như trong chúng ta có thể nảy sinh một thái độ kép. Một mặt, giáo huấn của thánh Tông đồ khơi dậy trong chúng ta lòng nhiệt thành; chúng ta cảm thấy được thúc đẩy ngay lập tức đi theo con đường tự do, “sống theo Thần Khí”. Mặt khác, chúng ta ý thức về những giới hạn của mình, bởi vì chính chúng ta hàng ngày cảm nhận thấy khó khăn thế nào để vâng theo Thần Khí, khuất phục trước hành động ích lợi của Người. Rồi sự mệt mỏi có thể tràn đến kìm hãm sự nhiệt tình. Chúng ta cảm thấy nản chí, yếu đuối, hoặc đôi khi cảm thấy thiệt thòi so với lối sống thế gian. Thánh Augustinô gợi ý cho chúng ta cách phản ứng trong tình huống này, khi ngài đề cập đến đoạn Tin Mừng về cơn giông bão trên hồ Galilê. Ngài nói thế này: “Đức tin vào Chúa Kitô trong lòng bạn cũng giống như Chúa Kitô trên thuyền. Bạn nghe những lời lăng mạ, bạn mệt mỏi, bạn khó chịu, và Chúa Kitô ngủ. Hãy đánh thức Chúa Kitô, hãy đánh thức niềm tin của bạn! Ngay cả trong tình trạng hỗn loạn, bạn vẫn có thể làm được điều gì đó. Hãy đánh thức niềm tin của bạn. Chúa Kitô tỉnh dậy và nói với bạn… Vì vậy, hãy đánh thức Chúa Kitô … Hãy tin những gì đã được nói với bạn, và tâm hồn bạn sẽ có được sự bình tĩnh vô cùng” (Discorsi 163/B6).
Cái nhìn của Thiên Chúa
Trong những khoảnh khắc khó khăn, như thánh Augustinô nói ở đây, chúng ta giống như ở trên con thuyền giữa cơn giông bão. Và các tông đồ đã làm gì? Đánh thức Chúa Kitô. Hãy đánh thức Chúa Kitô đang ngủ và bạn đang ở trong cơn bão tố; nhưng Người hiện diện. Điều duy nhất chúng ta có thể làm trong những khoảnh khắc tồi tệ: hãy đánh thức Chúa Kitô đang ở trong chúng ta, nhưng đang ngủ say như trên thuyền. Đúng như thế. Chúng ta phải đánh thức Chúa Kitô trong tâm hồn chúng ta và chỉ khi đó chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng mọi sự bằng cái nhìn của Người, bởi vì Người nhìn vượt trên cơn bão tố. Qua ánh mắt thanh thản đó, chúng ta có thể thấy được một bức tranh toàn cảnh mà nếu chỉ tự mình, chúng ta cũng không thể tưởng tượng nổi.
Đừng nản chí khi làm điều thiện
Trong cuộc hành trình đầy cam go nhưng hấp dẫn này, thánh Tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đừng nản chí khi làm điều tốt. Đừng nản chí khi làm điều tốt. Chúng ta phải tin tưởng rằng Chúa Thánh Linh luôn đến để trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta và ban cho chúng ta sự hỗ trợ mà chúng ta cần. Vì vậy, chúng ta hãy học cách cầu khẩn Chúa Thánh Thần thường xuyên hơn!
Cầu xin Chúa Thánh Thần hãy đến
“Thưa cha, cầu nguyện với Chúa Thánh Thần như thế nào? Bởi vì con biết cầu nguyện với Chúa Cha, con đọc kinh Lạy Cha; con biết cầu nguyện với Đức Mẹ bằng cách đọc kinh Kính Mừng; con biết cầu nguyện với Chúa Giêsu bằng kinh Kính các vết thương, nhưng với Chúa Thánh Thần thì đọc kinh nào?” Lời cầu nguyện với Chúa Thánh Thần là tự phát: nó phải xuất phát từ trái tim bạn. Bạn phải cầu nguyện trong những lúc khó khăn: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”. Từ ngữ căn bản là: Xin hãy đến. Xin hãy đến. Nhưng bạn phải nói điều đó bằng ngôn ngữ của bạn, bằng lời nói của bạn. Xin hãy đến vì con đang gặp khó khăn, hãy đến vì con đang ở trong bóng tối, trong bóng đêm; xin hãy đến bởi vì con không biết phải làm gì; xin hãy đến bởi vì con sắp ngã. Xin hãy đến, hãy đến. Đó là lời của Thần Khí để kêu cầu Thần Khí. Chúng ta hãy học cách cầu khẩn Chúa Thánh Thần thường xuyên hơn.
Chúng ta có thể kêu cầu Chúa Thánh Thần bằng những từ đơn giản, vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Và chúng ta có thể mang theo mình, có thể là trong cuốn Tin Mừng bỏ túi của chúng ta, kinh nguyện thật hay mà Giáo Hội đọc trong Lễ Chúa Thánh Thần hiện Xuống: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, và tự trời toả ánh quang minh. Lạy Cha kẻ cơ bần xin Ngài ngự đến, Đấng ban ân huệ chiếu soi tâm hồn. Lạy Đấng an ủi tuyệt vời là khách trọ hiền lương của tâm hồn…”. Và như thế chúng ta theo kinh nguyện thật đẹp này.
Từ ngữ trung tâm là “xin hãy đến”. Đức Mẹ và các thánh Tông đồ đã cầu nguyện sau khi Chúa Giêsu về trời; các ngài đơn độc trong Nhà Tiệc Ly và đã cầu khẩn Chúa Thánh Thần. Thật tốt cho chúng ta khi thường xuyên cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến. Và với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, chúng ta gìn giữ sự tự do. Chúng ta sẽ tự do, sẽ là những Kitô hữu tự do, không bám chặt vào quá khứ theo nghĩa tiêu cực của từ này, không bị buộc chặt vào những thực hành, nhưng tự do trong sự tự do của Kitô hữu, điều giúp chúng ta trưởng thành. Lời cầu nguyện này sẽ giúp chúng ta bước đi trong Chúa Thánh Thần, trong tự do và niềm vui, bởi vì khi Chúa Thánh Thần đến thì niềm vui đến, niềm vui đích thực. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.
Hồng Thủy – Vatican News