LỜI CHÚA THỨ BẢY TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Saturday of the Thirtieth Week in Ordinary Time

Lc 14: 1.7-11 - GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG

SNG LI CHÚA

GOSPEL : Lk 14:1,7-11

On a sabbath Jesus went to dine
at the home of one of the leading Pharisees,
and the people there were observing him carefully.

He told a parable to those who had been invited,
noticing how they were choosing the places of honor at the table.
“When you are invited by someone to a wedding banquet,
do not recline at table in the place of honor.
A more distinguished guest than you may have been invited by him,
and the host who invited both of you may approach you and say,
‘Give your place to this man,’
and then you would proceed with embarrassment
to take the lowest place.
Rather, when you are invited, 
go and take the lowest place
so that when the host comes to you he may say,
‘My friend, move up to a higher position.’
Then you will enjoy the esteem of your companions at the table.
For everyone who exalts himself will be humbled,
but the one who humbles himself will be exalted.”

LỄ và CÁC BÀI ĐỌC

Ca nhập lễ : Tv 104,3-4

Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ.

Hãy tìm Chúa và sức mạnh của Người,

chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan.

Bài đọc 1 : Pl 1,18-26

Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

18 Thưa anh em, có những kẻ rao giảng về Đức Ki-tô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người khác lại làm công việc đó vì ý ngay lành, nhưng dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Ki-tô được rao giảng là tôi mừng. Và tôi sẽ còn mừng nữa, 19 bởi vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi đạt được ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô phù trợ. 20 Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng. Sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Ki-tô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết : 21 vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. 22 Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. 23 Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng : ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần : 24 nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em. 25 Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em. 26 Như thế, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em càng có lý do để hãnh diện về tôi, khi tôi lại đến gặp anh em.

Đáp ca : Tv 41,2.3.5bcd (Đ. c.3a)

Đ. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.

2Như nai rừng mong mỏi
tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong
được gần Ngài, lạy Chúa.

Đ. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.

3Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến
vào bệ kiến Tôn Nhan ?

Đ. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.

5bcdTôi tiến về lều thánh cao sang
đến tận nhà Thiên Chúa,
cùng muôn tiếng reo mừng tán tạ,
giữa sóng người trẩy hội tưng bừng.

Đ. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.

Tung hô Tin Mừng L Mt 11,29ab

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Lc 14,1.7-11

Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa : họ cố dò xét Người.

7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này : 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói : ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Ca hiệp lễ : Tv 19,6 

Chúng ta hãy vui mừng vì ơn Chúa cứu độ,

phất cao cờ mừng danh Chúa chúng ta.

SUY NIỆM

HÃY NGỒI CHỖ CUỐI

Chu Công thời nhà Chu đã dạy con mình là Bá Cầm bài học về đức khiêm nhường: “Đạo Trời có huỷ diệt điều gì cũng để lại sự khiêm tốn, đất có biến đổi bao nhiêu cũng lưu lại tính khiêm tốn; quỷ thần, con người tất cả đều không thích kẻ kiêu căng, mà lại ưa chuộng người khiêm tốn”. 

Bài học ấy phần nào làm sáng lên mỗi khi đoạn Tin Mừng hôm nay được đọc và suy ngẫm. Trong bữa tiệc của người Do Thái, càng ngồi gần chủ tiệc thì càng vinh dự. Thế nên, ra sức giành lấy chỗ nhất trong bàn tiệc là tâm thức của những người được mời dự tiệc. Đó chỉ là sự kiêu ngạo vì họ muốn được chỗ ngồi cao trọng với tất cả mọi người trong bữa tiệc. Qua dụ ngôn hôm nay, Đức Giêsu cho thấy để có vinh dự lớn lao trước người đồng bàn, tâm thế cần có của người dự tiệc phải là khiêm nhường. 

Đức Giêsu đã nêu gương cho mọi tín hữu khi Người tự hạ mình đến nỗi chấp nhận cái chết đau đớn, nhục nhã trên thập giá. Và rồi Chúa Cha đã nâng Người lên, vượt trên mọi vinh quang và danh dự. 

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mỗi Kitô hữu chúng con hiểu biết và sống trọn vẹn bài học về sự khiêm nhường như lời Ngài dạy. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

ĐTC Phanxicô: Đừng trốn tránh nỗi buồn nhưng hãy học cách hiểu nó

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Sự phân định, như chúng ta đã thấy trong các bài giáo lý trước, chủ yếu không phải là một tiến trình lý luận; nó dựa trên các hành động, và các hành động cũng có một hàm ý tình cảm, điều này phải được thừa nhận, bởi vì Thiên Chúa nói với trái tim. Bây giờ chúng ta hãy đi vào cảm xúc đầu tiên, đối tượng của sự phân định: đó là sự sầu khổ thiêng liêng. Điều đó có nghĩa là gì?

Sầu khổ thiêng liêng: kinh nghiệm chung

Sự sầu khổ thiêng liêng đã được định nghĩa như sau: “Đêm tối của tâm hồn, sự xáo trộn nội tâm, sự thúc đẩy hướng đến những thứ thấp hèn và trần thế, sự bồn chồn bởi những kích động và cám dỗ khác nhau: cứ thế linh hồn hướng đến sự mất tin tưởng, không hy vọng, không yêu thương; linh hồn cảm thấy mình hoàn toàn lười biếng, buồn tẻ, buồn bã và như thể bị chia cách với Đấng Tạo Hóa và Chúa của mình” (Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, 317). Tất cả chúng ta có kinh nghiệm này. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm về sự sầu khổ thiêng liêng này, theo một cách nào đó. Vấn đề là làm sao có thể giải thích nó, bởi vì nó cũng có điều gì đó quan trọng để nói với chúng ta, và nếu chúng ta vội vàng lẩn tránh nó thì chúng ta có nguy cơ đánh mất điều này.

Cắn rứt lương tâm

Không ai muốn cảm thấy trống vắng, buồn bã. Đây là sự thật. Tất cả chúng ta đều mong muốn một cuộc sống luôn vui vẻ, hạnh phúc và viên mãn. Tuy nhiên, điều này, ngoài việc là không thể, cũng sẽ không tốt cho chúng tôi. Thật vậy, sự thay đổi của một cuộc sống đang nghiêng về tội lỗi có thể bắt đầu từ một tình cảnh đau buồn, hối hận về những gì mình đã làm. Nguyên ngữ của từ này, “cắn rứt”, rất hay: nghĩa đen là lương tâm cắn rứt, không cho phép an bình. Alessandro Manzoni, trong tác phẩm The Betrothed, đã mô tả cách tuyệt vời về sự hối hận như một cơ hội để thay đổi cuộc đời của một người. Đó là cuộc đối thoại nổi tiếng giữa Đức Hồng Y Federico Borromeo và Người Vô danh, người mà sau một đêm kinh hoàng, đã đến với Đức Hồng y trong tâm trạng suy sụp; Đức Hồng y đã nói với anh những lời khiến anh ngạc nhiên: “‘Anh có tin tốt cho tôi; tại sao anh lại ngần ngại nói về nó?’ – ‘Tin tốt à? Tôi có địa ngục trong tâm hồn […]. Hãy nói cho tôi biết, hãy nói cho tôi biết, nếu ngài biết, tin tốt nào ngài có thể chờ đợi từ một người như tôi.’ – ‘Thiên Chúa đã chạm vào trái tim bạn, và đang kéo bạn đến với Người’, vị Hồng y trả lời một cách bình tĩnh” (ch. 23). Thiên Chúa chạm vào trái tim và có điều gì đó xảy ra trong lòng bạn, nỗi buồn, sự day dứt vì điều gì đó là một lời mời gọi bắt đầu lại hành trình. Con người của Thiên Chúa biết cách để ý sâu xa những gì đang chuyển động trong trái tim.

Cần học cách đọc nỗi buồn

Điều quan trọng là học cách đọc nỗi buồn. Tất cả chúng ta đều biết buồn là gì. Nhưng chúng ta có biết đọc nó không? Chúng ta có biết nỗi buồn này có ý nghĩa gì với mình không? Trong thời đại của chúng ta, nỗi buồn hầu như bị coi là tiêu cực, như một căn bệnh phải tránh bằng mọi giá. Nhưng nó có thể là một hồi chuông cảnh báo không thể thiếu cho cuộc sống, mời gọi chúng ta khám phá những cảnh quan phong phú và sinh động hơn mà sự nhất thời và triết lý trốn tránh ngăn cản chúng ta. Thánh Tôma định nghĩa nỗi buồn như một nỗi đau của tâm hồn: giống như dây thần kinh của thân thể, nó hướng sự chú ý của chúng ta đến một mối nguy hiểm có thể xảy ra, hoặc một lợi ích không được chú ý (x. Summa Theologica I-II, q. 36, a.1). Vì vậy, nó không thể thiếu đối với sức khỏe của chúng ta; nó bảo vệ chúng ta khỏi gây hại cho bản thân và những người khác. Sẽ nghiêm trọng và nguy hiểm hơn rất nhiều nếu chúng ta không cảm nhận được tình cảm này. Nỗi buồn đôi khi giống như đèn giao thông, nhắc chúng ta: “Dừng lại! Dừng lại! Đang đèn đỏ, dừng lại! Bạn đang buồn, nghĩa là có điều gì ở đó.”

Sầu khổ là trở ngại cho người muốn làm điều thiện

Ngược lại, đối với những người mong muốn thực hiện điều tốt, nỗi buồn là một trở ngại mà kẻ cám dỗ muốn làm chúng ta nản lòng. Trong trường hợp đó, chúng ta phải hành động theo cách hoàn toàn ngược lại với những gì được đề nghị, quyết tâm tiếp tục những gì chúng ta dự định làm (x. Linh Thao, 318). Chúng ta hãy nghĩ đến công việc, học tập, cầu nguyện, một cam kết thực hiện: nếu chúng ta từ bỏ chúng ngay khi chúng ta cảm thấy chán nản hoặc buồn bã, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành được bất cứ điều gì. Đây cũng là một kinh nghiệm chung cho đời sống thiêng liêng: Phúc Âm nhắc nhở chúng ta rằng con đường dẫn đến sự thiện thì hẹp và lên dốc, nó đòi hỏi phải chiến đấu, chiến thắng chính mình. Tôi bắt đầu cầu nguyện, hoặc dấn thân cho một công việc tốt, và kỳ lạ thay, ngay sau đó tôi nghĩ ra những điều cần phải làm gấp – để không cầu nguyện và không làm điều tốt. Tất cả chúng ta có kinh nghiệm này.

Không nên thay đổi quyết định khi bạn đang ở trong tình trạng sầu khổ thiêng liêng

Điều quan trọng là đối với những ai muốn phục vụ Chúa, đừng để mình bị sự sầu khổ thiêng liêng dẫn dắt. Thật không may, một số người, bị thúc đẩy bởi sự sầu khổ thiêng liêng, đã quyết định từ bỏ đời sống cầu nguyện, hoặc lựa chọn của họ, hôn nhân hoặc đời sống tu trì, mà trước đó không dừng lại để xem xét trạng thái tâm trí này, và đặc biệt là không có sự giúp đỡ của một người hướng dẫn. Một quy tắc khôn ngoan nói rằng không nên thay đổi khi bạn đang ở trong tình trạng sầu khổ thiêng liêng. Chính thời gian sau đó, thay vì tâm trạng lúc này, sẽ cho thấy sự tốt đẹp hay mặt khác của những lựa chọn của chúng ta.

Chúa Giêsu đẩy lui các cám dỗ bằng thái độ kiên quyết mạnh mẽ

Điều thú vị là trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đẩy lui các cám dỗ bằng thái độ kiên quyết mạnh mẽ (x. Mt 3,14-15; 4,11-11; 16,21-23). Những hoàn cảnh thử thách đến với Người từ nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng chúng luôn luôn đụng phải sự kiên định nơi Người, sự kiên định quyết tâm thực hiện ý muốn của Chúa Cha, và chúng thất bại và không còn cản trở hành trình của Người. Trong đời sống thiêng liêng, thử thách là một thời điểm quan trọng, Kinh Thánh nhắc rõ ràng điều đó khi nói: “Nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách” (Hc 2,1). Nếu bạn muốn đi đúng đường, hãy chuẩn bị tinh thần: sẽ có trở ngại, sẽ có cám dỗ, sẽ có lúc buồn bã.

Không có thử thách nào quá sức của chúng ta

Nếu chúng ta biết cách vượt qua sự cô đơn và sầu khổ với sự cởi mở và nhận thức, chúng ta có thể thoát ra được và mạnh mẽ hơn trong chiều kích nhân bản và thiêng liêng. Không có thử thách nào vượt quá khả năng của chúng ta; không có thử thách nào sẽ vượt quá những gì chúng ta có thể làm. Nhưng đừng chạy trốn những thử thách: hãy xem thử thách này có nghĩa gì, điều tôi đang buồn có nghĩa gì: tại sao tôi buồn? Việc tôi đang ở trong sự sầu khổ ngay bây giờ có nghĩa gì? Việc tôi đang ở trong tình trạng sầu khổ và không thể tiến tới có nghĩa gì?

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng không ai bị cám dỗ quá sức của họ vì Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, và khi Người ở gần, chúng ta có thể chiến thắng mọi cám dỗ (x. 1Cr 10,13). Và nếu chúng ta không chiến thắng được nó ngày hôm nay, chúng ta hãy đứng dậy lần nữa, bước đi và chúng ta sẽ chiến thắng được nó vào ngày mai. Nhưng đừng chết luôn, đừng để một phút giây buồn bã, trống vắng chiến thắng chúng ta: hãy tiến bước. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em trên cuộc hành trình can đảm của đời sống thiêng liêng, luôn luôn bước đi. Cảm ơn anh chị em.

Hồng Thủy – Vatican News