Saturday of the Twenty-seventh Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Lk 11:27-28
While Jesus was speaking,
a woman from the crowd called out and said to him,
“Blessed is the womb that carried you
and the breasts at which you nursed.”
He replied, “Rather, blessed are those
who hear the word of God and observe it.”
LỄ và CÁC BÀI ĐỌC
Ca nhập lễ : Et 13,9.10-11
Lạy Chúa,
Chúa an bài mọi sự theo thánh ý của Ngài
mà không ai cưỡng nổi.
Ngài tạo thành vũ trụ
cùng muôn loài hiện hữu dưới bầu trời.
Chính Ngài là Chúa Tể càn khôn.
Bài đọc 1 : Gl 3,22-29
Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.
22 Thưa anh em, Kinh Thánh đã giam hãm mọi sự trong vòng tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô, điều Thiên Chúa đã hứa được ban cho các kẻ tin.
23 Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, cho tới khi đức tin được mặc khải. 24 Như thế Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin. 25 Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa. 26 Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. 27 Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. 28 Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. 29 Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa.
Đáp ca : Tv 104,2-3.4-5.6-7 (Đ. c.8a)
Đ. Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
2Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa,
và suy gẫm mọi kỳ công của Người.
3Hãy tự hào vì danh thánh Chúa,
tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ.
Đ. Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
4Hãy tìm Chúa và sức mạnh của Người,
chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan.
5Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện,
những dấu lạ và những quyết định Người phán ra.
Đ. Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
6Hỡi anh em, dòng dõi Áp-ra-ham tôi tớ Chúa,
con cháu Gia-cóp được Người tuyển chọn !
7Chính Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta,
những điều Người quyết định
là luật chung cho cả địa cầu.
Đ. Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
Tung hô Tin Mừng : Lc 11,28
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Lc 11,27-28
Phúc thay người mẹ đã cưu mang Thầy. Đúng hơn : phúc thay kẻ lắng nghe lời Thiên Chúa.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
27 Khi ấy, Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !” 28 Nhưng Người đáp lại : “Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”
Ca hiệp lễ : Ac 3,25
Chúa nhân hậu từ bi
với những kẻ một niềm trông cậy,
và tha thiết kiếm tìm Người.
SUY NIỆM
ÂN PHÚC CHO AI?
Ai trong chúng ta là người có phúc? Ai trong chúng ta đã sống được một trong tám mối phúc mà Đức Giêsu đã đề ra?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại cho chúng ta được biết thêm về một mối phúc mới, đó là: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”. Đây là mối phúc mà Đức Giêsu tinh tế tôn vinh Đức Maria. Bởi vì Mẹ đã không chỉ “cưu mang và cho Người bú mớm” mà còn là vì Mẹ đã nêu gương sống khiêm nhu, đón nhận Lời Chúa, suy đi gẫm lại trong lòng, và đem ra thực hành. Mẹ đúng là người có phúc.
Chúng ta cũng có biết bao nhiêu cơ hội được nghe Lời Chúa: khi tham dự thánh lễ, khi đọc và suy niệm Lời Chúa trong tư cách cá nhân hoặc trong gia đình. Chúng ta đã tận dụng tốt những dịp này để thực sự lắng nghe Lời Chúa chưa? Có thể chúng ta vẫn nghe, nhưng không đem ra thực hành, và như thế, sẽ vẫn là người chưa có phúc. Chúng ta cần suy xét lại cung cách lắng nghe và sống Lời Chúa, đừng để Lời Chúa đến rồi qua đi cách vô ích.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, để chúng con cũng được hưởng ân phúc mà Chúa đã ban thưởng cho Mẹ. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Kinh truyền tin (02/10/2022): ĐTC kêu gọi ngừng chiến tranh ở Ucraina
Trưa Chúa nhật 02/10/2022, từ cửa sổ Dinh Tông toà, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin cùng với các tín hữu và khách hành hương đang hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC bày tỏ quan ngại về mối đe dọa hạt nhân và sự leo thang quân sự trong cuộc chiến ở Ucraina, ngài dành toàn bộ bài suy tư của mình tại buổi đọc Kinh truyền tin cho tình hình ở Ucraina và đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
Bài huấn dụ của ĐTC trước khi đọc kinh Truyền tin
ĐTC bắt đầu bài suy niệm của mình bằng lời chào: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Diễn biến của cuộc chiến ở Ucraina đã trở nên nghiêm trọng, tàn khốc và đầy đe dọa, gây ra những lo ngại lớn. Vì vậy, hôm nay tôi muốn dành toàn bộ bài suy tư trước kinh Truyền tin, để nói về cuộc chiến này. Quả thực, vết thương khủng khiếp và không thể tưởng tượng đối với nhân loại của cuộc chiến này, thay vì hàn gắn, lại tiếp tục đổ máu nhiều hơn, có nguy cơ lan rộng hơn nữa.
Tôi đau buồn bởi những dòng đầy sông máu và nước mắt đã đổ trong những tháng vừa qua. Tôi rất đau buồn trước hàng ngàn nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, và sự tàn phá đã khiến nhiều người và nhiều gia đình mất nhà cửa và đe dọa những vùng lãnh thổ rộng lớn sẽ bị lạnh và đói. Những hành động như vậy không bao giờ có thể được biện minh, không bao giờ! Điều đáng lo ngại là thế giới đang biết về địa lý của Ucraina thông qua những địa danh như Bucha, Irpin, Mariupol, Izium, Zaparizhzhia và những khu vực khác, những vùng đã trở thành nơi đau khổ và sợ hãi không thể diễn tả thành lời. Vậy còn việc nhân loại một lần nữa phải đối mặt với hiểm họa nguyên tử thì sao? Thật là phi lý.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Phải chảy bao nhiêu máu nữa để chúng ta nhận ra rằng chiến tranh không bao giờ là giải pháp, nhưng chỉ là sự hủy diệt? Nhân danh Thiên Chúa và nhân danh cảm thức nhân loại vốn có trong mỗi trái tim, tôi lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Hãy dừng sử dụng vũ khí, hãy kiếm tìm các điều kiện để đàm phán, điều đưa đến những giải pháp không bị áp đặt bởi sức mạnh nhưng bằng sự đồng thuận, công bằng và ổn định. Chúng ta sẽ làm được điều này nếu chúng ta biết tôn trọng các giá trị bất khả xâm phạm của sự sống con người, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, các quyền của những nhóm thiểu số và các mối bận tâm chính đáng.
Tôi vô cùng lấy làm tiếc về tình hình nghiêm trọng đã gia tăng trong những ngày gần đây, với thêm những hành động tiếp tục trái với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Điều này làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân, làm dấy lên lo ngại về những hậu quả thảm khốc và không thể kiểm soát trên toàn thế giới.
Lời kêu gọi của tôi trước hết được gửi tới Tổng thống Liên bang Nga; tôi thỉnh cầu tổng thống Nga chấm dứt vòng xoáy bạo lực và chết chóc này, cũng vì lợi ích của chính người dân Nga. Mặt khác, đau buồn trước những đau khổ to lớn của người dân Ucraina do hậu quả của sự xâm lược mà họ phải gánh chịu, tôi cũng tin tưởng gửi lời thỉnh cầu Tổng thống Ucraina hãy cởi mở với những đề nghị nghiêm túc về hòa bình. Tôi kêu gọi tất cả những người quan trọng trên đấu trường quốc tế và các nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia hãy làm mọi thứ có thể để chấm dứt chiến tranh, và không để mình bị cuốn vào những leo thang nguy hiểm, đồng thời thúc đẩy và ủng hộ các sáng kiến đối thoại. Xin hãy giúp cho các thế hệ trẻ được hít thở bầu khí lành mạnh của hòa bình, thay vì sự ô nhiễm của chiến tranh, vốn là sự điên rồ!
Sau bảy tháng chiến sự, chúng ta hãy sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao, ngay cả những biện pháp chưa từng được sử dụng trước đó, để chấm dứt thảm kịch khủng khiếp này. Chiến tranh tự nó là một sai lầm và là một nỗi kinh hoàng!
Chúng ta hãy tin tưởng vào lòng Chúa thương xót, Đấng có thể biến đổi trái tim, và vào sự chuyển cầu của Đức Maria, Nữ Vương Hòa Bình, khi chúng ta cất cao lời cầu xin với Đức Mẹ Mân Côi ở Pompei, hiệp nhất cách thiêng liêng với các tín hữu đang quy tại Đền thánh và tại nhiều nơi trên thế giới.
Văn Cương, SJ – Vatican News