LỜI CHÚA THỨ NĂM TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Thursday of the Twenty-seventh Week in Ordinary Time

SNG LI CHÚA

GOSPEL : Lk 11:5-13

Jesus said to his disciples:
“Suppose one of you has a friend
to whom he goes at midnight and says,
‘Friend, lend me three loaves of bread,
for a friend of mine has arrived at my house from a journey
and I have nothing to offer him,’
and he says in reply from within,
‘Do not bother me; the door has already been locked
and my children and I are already in bed.
I cannot get up to give you anything.’
I tell you, if he does not get up to give him the loaves
because of their friendship,
he will get up to give him whatever he needs
because of his persistence.

“And I tell you, ask and you will receive;
seek and you will find;
knock and the door will be opened to you.
For everyone who asks, receives;
and the one who seeks, finds;
and to the one who knocks, the door will be opened.
What father  among you would hand his son a snake
when he asks for a fish?
Or hand him a scorpion when he asks for an egg?
If you then, who are wicked,
know how to give good gifts to your children,
how much more will the Father in heaven give the Holy Spirit
to those who ask him?”

LỄ và CÁC BÀI ĐỌC

Ca nhập lễ : Et 13,9.10-11

Lạy Chúa,

Chúa an bài mọi sự theo thánh ý của Ngài

mà không ai cưỡng nổi.

Ngài tạo thành vũ trụ

cùng muôn loài hiện hữu dưới bầu trời.

Chính Ngài là Chúa Tể càn khôn.

Bài đọc 1 : Gl 3,1-5

Anh em đã nhận được Thần Khí vì đã làm những gì Luật dạy, hay vì đã tin nhờ được nghe ?

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

1 Hỡi những người Ga-lát ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt ? 2 Tôi muốn anh em cho tôi biết điều này thôi : anh em đã nhận được Thần Khí vì đã làm những gì Luật dạy, hay vì đã tin nhờ được nghe ? 3 Anh em ngu xuẩn như thế sao ? Anh em đã khởi sự nhờ Thần Khí, nay lại kết thúc nhờ xác thịt sao ? 4 Bấy nhiêu kinh nghiệm anh em đã trải qua, lại uổng công sao ? Mà quả thật là uổng công ! 5 Vậy Đấng đã rộng ban Thần Khí cho anh em và thực hiện những phép lạ giữa anh em, có phải vì anh em làm những gì Luật dạy, hay vì anh em đã tin nhờ được nghe ?

Đáp ca : Lc 1,69-70.71-72.73-75 (Đ. x. c.68)

Đ. Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm dân Người.

69Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,
70như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ
mà phán hứa tự ngàn xưa :

Đ. Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm dân Người.

71Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét ;
72sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước ;

Đ. Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm dân Người.

73Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,
74và cho ta chẳng còn sợ hãi,
75để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

Đ. Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm dân Người.

Tung hô Tin Mừng : x. Cv 16,14b

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Lc 11,5-13

Anh em cứ xin thì sẽ được.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

5 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói : ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp : ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi : cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’ ? 8 Thầy nói cho anh em biết : dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

9 “Thế nên Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ? 12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ? 13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?”

Ca hiệp lễ : Ac 3,25 

Chúa nhân hậu từ bi

với những kẻ một niềm trông cậy,

và tha thiết kiếm tìm Người.

SUY NIỆM

THÁI ĐỘ KHI CẦU XIN

Lời cầu xin của người Kitô hữu không làm giảm bớt phẩm giá con người, nhưng cầu xin là biểu lộ của một người con khiêm tốn, kiên tâm chạy đến với cha nhân lành của mình. 

Hôm nay, trong cuộc đối thoại với các môn đệ, Đức Giêsu đã chỉ dẫn các ông biết phải tin tưởng phó thác và xin như thế nào cho đúng đắn. Trước hết, chúng ta cần tin vào Thiên Chúa là Cha, một người Cha bao dung quảng đại luôn yêu thương con cái mình; tin vào Người là một vị Thiên Chúa quyền năng làm chủ mọi vật mọi loài, Người biết rõ những nhu cầu và hoàn cảnh của chúng ta là con cái của Người. 

Tin vào Thiên Chúa không chỉ là tuyên xưng ngoài miệng, cũng không chỉ đơn thuần chấp nhận một công thức mang tính rập khuôn, mà là dám gắn bó cuộc đời mình với Thiên Chúa, phó thác và tin tưởng đồng thời thực hành những điều Chúa chỉ dạy. Như thế, khi có một nhu cầu chính đáng, chúng ta cầu xin thì Chúa ắt sẽ nhậm lời. 

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết kiên trì trong việc tìm kiếm thánh ý Chúa. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Đức Thánh Cha: Lãng phí thực phẩm là lãng phí con người

Nhân Ngày Quốc tế Nhận thức về Thất thoát và Lãng phí Thực phẩm, ngày 29/9, Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp đến ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO), trong đó ngài mời gọi mỗi người tái định hướng lối sống của mình một cách có ý thức và trách nhiệm, để mọi người đều có được lương thực cần thiết, đồng thời nhấn mạnh rằng “lãng phí thực phẩm là lãng phí con người”.

Trong sứ điệp, trước hết Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, khi thực phẩm không được sử dụng đúng cách, bị thất thoát hoặc lãng phí, là người ta đang sống một “nền văn hóa vứt bỏ”. Đây chính là biểu hiện của sự không quan tâm đến những gì có giá trị cơ bản.

Đức Thánh Cha viết: “Cả sự thất thoát và lãng phí lương thực đều là những sự thật đáng trách, vì chúng chia rẽ nhân loại giữa những người có quá nhiều và những người thiếu những thứ cần thiết, làm gia tăng bất bình đẳng, tạo ra bất công và từ khước người nghèo”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, tiếng kêu của những người đói khát, phải được vang lên ở các trung tâm nơi đưa ra quyết định. Tiếng kêu này không thể bị im lặng hoặc bị bóp nghẹt bởi những lợi ích khác. Ngài nhắc lại: “Cần phải thu gom để tái phân phối, không sản xuất để vung vãi. Tôi đã nói điều này, và tôi sẽ không mệt mỏi nhấn mạnh, lãng phí thực phẩm là lãng phí con người”.

Để điều này không xảy ra, theo Đức Thánh Cha toàn thể cộng đồng quốc tế phải dấn thân hành động để chấm dứt “nghịch lý của sự dư thừa”, mà Thánh Gioan Phaolô II đã tố cáo tại Hội nghị Quốc tế về Dinh dưỡng vào năm 1992. Thực tế, thế giới có thực phẩm cần thiết để không ai đi ngủ với bụng đói. Tuy nhiên, vấn đề là sự công bằng xã hội, nghĩa là cách thức quản lý các nguồn lực và việc phân phối của cải phải được điều chỉnh.

Thực phẩm không thể là đối tượng của đầu cơ. Sẽ là điều gây tai tiếng khi các nhà sản xuất lớn khuyến khích tiêu dùng để làm giàu nhưng không quan tâm đến nhu cầu thực sự của con người. Mặt khác, lãng phí hoặc thất thoát thực phẩm còn góp phần đáng kể vào sự gia tăng phát thải khí nhà kính, do đó, gây ra biến đổi khí hậu và các hậu quả tai hại của nó.

Đức Thánh Cha kết luận: “Điều cấp bách hiện nay là các quốc gia, các hiệp hội và mọi người phải phản ứng một cách hiệu quả và trung thực với tiếng kêu đau lòng của những người đói khát đòi công lý. Mỗi người chúng ta được mời gọi định hướng lại lối sống của mình một cách có ý thức và trách nhiệm, để không ai bị bỏ lại phía sau và mọi người đều nhận được lương thực cần thiết, cả về số lượng và chất lượng. Chúng ta mắc nợ những người thân yêu của chúng ta, các thế hệ tương lai và những người đang bị ảnh hưởng bởi sự khốn cùng về kinh tế và hiện sinh”.

Ngọc Yến – Vatican News