Wednesday of the Twenty-seventh Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Lk 11:1-4
Jesus was praying in a certain place, and when he had finished,
one of his disciples said to him,
“Lord, teach us to pray just as John taught his disciples.”
He said to them, “When you pray, say:
Father, hallowed be your name,
your Kingdom come.
Give us each day our daily bread
and forgive us our sins
for we ourselves forgive everyone in debt to us,
and do not subject us to the final test.”
LỄ và CÁC BÀI ĐỌC
Ca nhập lễ : Et 13,9.10-11
Lạy Chúa,
Chúa an bài mọi sự theo thánh ý của Ngài
mà không ai cưỡng nổi.
Ngài tạo thành vũ trụ
cùng muôn loài hiện hữu dưới bầu trời.
Chính Ngài là Chúa Tể càn khôn.
Bài đọc 1 : Gl 2,1-2.7-14
Các Tông Đồ nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.
1 Thưa anh em, sau mười bốn năm, tôi lại lên Giê-ru-sa-lem một lần nữa cùng với ông Ba-na-ba ; tôi cũng đem theo anh Ti-tô đi với tôi. 2 Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại, -cách riêng cho các vị có thế giá-, vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích.
7 Các ngài thấy rằng tôi đã được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt bì, cũng như ông Phê-rô được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người được cắt bì. 8 Thật vậy, Đấng đã hoạt động nơi ông Phê-rô, biến ông thành Tông Đồ của những người được cắt bì, cũng đã hoạt động biến tôi thành Tông Đồ các dân ngoại. 9 Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông : chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì. 10 Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm.
11 Nhưng khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. 12 Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến ; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì. 13 Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ.
14 Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người : “Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái ?”
Đáp ca : Tv 116,1.2 (Đ. Mc 16,15)
Đ. Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.
1Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa,
ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người !
Đ. Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.
2Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,
lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.
Đ. Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.
Tung hô Tin Mừng : x. Rm 8,15bc
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên rằng : “Áp-ba ! Cha ơi !”. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Lc 11,1-4
Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
1 Khi ấy, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2 Người bảo các ông : “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói :
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
3xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy ;
4xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
Ca hiệp lễ : Ac 3,25
Chúa nhân hậu từ bi
với những kẻ một niềm trông cậy,
và tha thiết kiếm tìm Người.
SUY NIỆM
CÁCH THẾ CẦU NGUYỆN
Cầu nguyện là hoạt động thường ngày của mọi Kitô hữu. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa biết cách cầu nguyện làm sao cho đẹp lòng Chúa.
Chính các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thực sự không biết cầu nguyện như thế nào cho phải. Vì thế, họ đã hỏi thầy mình là Đức Giêsu về cách thế cầu nguyện. “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.” Đức Giêsu đã cho các môn đệ một mẫu thức cầu nguyện mà sau này đã trở nên nền tảng cho mọi lời nguyện cầu của chúng ta. Đó là mẫu thức “Kinh Lạy Cha”, được giải bày một cách trình tự trong lời cầu xin.
Trước hết là tìm thánh ý Chúa Cha, và ước muốn cho Nước Thiên Chúa được lan rộng khắp nơi. Kế đến, chúng ta sẽ cầu xin cho những nhu cầu trong cuộc sống, nhưng không ngoài sự quan phòng của Chúa và vì ích lợi của tha nhân. Cuối cùng, xin cho chúng ta trở nên công dân Nước Trời trong trần thế, biết yêu thương tha thứ cho những lỗi lầm của nhau và vâng theo thánh ý Chúa mọi đàng nhằm lướt thắng mọi sự dữ.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con trung thành sống theo lời Chúa dạy. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Kinh truyền tin (02/10/2022): ĐTC kêu gọi ngừng chiến tranh ở Ucraina
Trưa Chúa nhật 02/10/2022, từ cửa sổ Dinh Tông toà, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin cùng với các tín hữu và khách hành hương đang hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC bày tỏ quan ngại về mối đe dọa hạt nhân và sự leo thang quân sự trong cuộc chiến ở Ucraina, ngài dành toàn bộ bài suy tư của mình tại buổi đọc Kinh truyền tin cho tình hình ở Ucraina và đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
Bài huấn dụ của ĐTC trước khi đọc kinh Truyền tin
ĐTC bắt đầu bài suy niệm của mình bằng lời chào: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Diễn biến của cuộc chiến ở Ucraina đã trở nên nghiêm trọng, tàn khốc và đầy đe dọa, gây ra những lo ngại lớn. Vì vậy, hôm nay tôi muốn dành toàn bộ bài suy tư trước kinh Truyền tin, để nói về cuộc chiến này. Quả thực, vết thương khủng khiếp và không thể tưởng tượng đối với nhân loại của cuộc chiến này, thay vì hàn gắn, lại tiếp tục đổ máu nhiều hơn, có nguy cơ lan rộng hơn nữa.
Tôi đau buồn bởi những dòng đầy sông máu và nước mắt đã đổ trong những tháng vừa qua. Tôi rất đau buồn trước hàng ngàn nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, và sự tàn phá đã khiến nhiều người và nhiều gia đình mất nhà cửa và đe dọa những vùng lãnh thổ rộng lớn sẽ bị lạnh và đói. Những hành động như vậy không bao giờ có thể được biện minh, không bao giờ! Điều đáng lo ngại là thế giới đang biết về địa lý của Ucraina thông qua những địa danh như Bucha, Irpin, Mariupol, Izium, Zaparizhzhia và những khu vực khác, những vùng đã trở thành nơi đau khổ và sợ hãi không thể diễn tả thành lời. Vậy còn việc nhân loại một lần nữa phải đối mặt với hiểm họa nguyên tử thì sao? Thật là phi lý.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Phải chảy bao nhiêu máu nữa để chúng ta nhận ra rằng chiến tranh không bao giờ là giải pháp, nhưng chỉ là sự hủy diệt? Nhân danh Thiên Chúa và nhân danh cảm thức nhân loại vốn có trong mỗi trái tim, tôi lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Hãy dừng sử dụng vũ khí, hãy kiếm tìm các điều kiện để đàm phán, điều đưa đến những giải pháp không bị áp đặt bởi sức mạnh nhưng bằng sự đồng thuận, công bằng và ổn định. Chúng ta sẽ làm được điều này nếu chúng ta biết tôn trọng các giá trị bất khả xâm phạm của sự sống con người, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, các quyền của những nhóm thiểu số và các mối bận tâm chính đáng.
Tôi vô cùng lấy làm tiếc về tình hình nghiêm trọng đã gia tăng trong những ngày gần đây, với thêm những hành động tiếp tục trái với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Điều này làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân, làm dấy lên lo ngại về những hậu quả thảm khốc và không thể kiểm soát trên toàn thế giới.
Lời kêu gọi của tôi trước hết được gửi tới Tổng thống Liên bang Nga; tôi thỉnh cầu tổng thống Nga chấm dứt vòng xoáy bạo lực và chết chóc này, cũng vì lợi ích của chính người dân Nga. Mặt khác, đau buồn trước những đau khổ to lớn của người dân Ucraina do hậu quả của sự xâm lược mà họ phải gánh chịu, tôi cũng tin tưởng gửi lời thỉnh cầu Tổng thống Ucraina hãy cởi mở với những đề nghị nghiêm túc về hòa bình. Tôi kêu gọi tất cả những người quan trọng trên đấu trường quốc tế và các nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia hãy làm mọi thứ có thể để chấm dứt chiến tranh, và không để mình bị cuốn vào những leo thang nguy hiểm, đồng thời thúc đẩy và ủng hộ các sáng kiến đối thoại. Xin hãy giúp cho các thế hệ trẻ được hít thở bầu khí lành mạnh của hòa bình, thay vì sự ô nhiễm của chiến tranh, vốn là sự điên rồ!
Sau bảy tháng chiến sự, chúng ta hãy sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao, ngay cả những biện pháp chưa từng được sử dụng trước đó, để chấm dứt thảm kịch khủng khiếp này. Chiến tranh tự nó là một sai lầm và là một nỗi kinh hoàng!
Chúng ta hãy tin tưởng vào lòng Chúa thương xót, Đấng có thể biến đổi trái tim, và vào sự chuyển cầu của Đức Maria, Nữ Vương Hòa Bình, khi chúng ta cất cao lời cầu xin với Đức Mẹ Mân Côi ở Pompei, hiệp nhất cách thiêng liêng với các tín hữu đang quy tại Đền thánh và tại nhiều nơi trên thế giới.
Văn Cương, SJ – Vatican News