LỜI CHÚA CHÚA NHẬT TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Twenty-seventh Sunday in Ordinary Time

A picture containing grass

Description automatically generated

SNG LI CHÚA

GOSPEL : Lk 17:5-10

The apostles said to the Lord, “Increase our faith.”
The Lord replied,
“If you have faith the size of a mustard seed,
you would say to this mulberry tree,
‘Be uprooted and planted in the sea,’ and it would obey you.

“Who among you would say to your servant
who has just come in from plowing or tending sheep in the field,
‘Come here immediately and take your place at table’?
Would he not rather say to him,
‘Prepare something for me to eat.
Put on your apron and wait on me while I eat and drink.
You may eat and drink when I am finished’?
Is he grateful to that servant because he did what was commanded?
So should it be with you.
When you have done all you have been commanded,
say, ‘We are unprofitable servants;
we have done what we were obliged to do.'”

TIN MỪNG : Lc 17,5-10

Nếu anh em có lòng tin !

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

5 Khi ấy, các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” 6 Chúa đáp : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.

7 “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó : ‘Mau vào ăn cơm đi’, 8 chứ không bảo : ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !’ ? 9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? 10 Đối với anh em cũng vậy : khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

SUY NIỆM

PHỤC VỤ TRONG KHIÊM TỐN

“Niềm kiêu hãnh đã biến đổi thiên thần thành ma quỷ; chính sự khiêm tốn khiến con người trở thành những thiên thần” (Thánh Augustinô). 

Trong đời sống Kitô hữu, con người rất dễ bị cám dỗ có những suy nghĩ và hành động ngược lại với đức tính khiêm tốn. Người phục vụ thường có khuynh hướng thích “làm lớn”, dễ tự mãn với thành quả mình đã đạt được, luôn cho rằng thành công là do mình tạo nên. Rốt cục những điều đó chẳng mang lại được thành quả gì ngoài nỗi buồn là sự chia rẽ. 

Qua dụ ngôn trên đây, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta thái độ khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, bởi vì tất cả những gì chúng ta có đều không ngoài hồng ân của Người, như lời Người đã nói: “Không có Thầy các con không thể làm gì được.” Đức Giêsu nhấn mạnh rằng người môn đệ chỉ là một “tôi tớ” và là tôi tớ “vô dụng”. Như thế, dường như chúng ta không có công trạng gì để khoe với Chúa hay để đòi buộc Người phải đáp trả lại. Mọi việc đạo đức chúng ta làm chỉ là bổn phận chúng ta phải chu toàn. 

Hãy luôn là người đầy tớ trung tín khiêm nhượng, chu toàn những bổn phận Chúa trao phó và nhìn nhận rằng, tất cả trong đời sống chúng ta có đều là do ân sủng của Chúa. Chúng ta có đón nhận mọi hồng ân Chúa ban cho chúng ta, để rồi từ đó nhờ ơn Chúa chúng ta phát triển đức tin ngày một thêm lớn mạnh. 

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết sống tinh thần khiêm nhường của Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, hầu trở nên người môn đệ đích thực của Chúa giữa đời. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

KINH MÂN CÔI, LỜI KINH GẦN GŨI

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Một người đàn ông chạy xe ôm, đang khi ngồi chờ khách, anh cầm tràng chuỗi trên tay để lần hạt. Người đi đường chụp tấm hình đưa lên mạng xã hội. Thi sĩ nhìn hình, cảm hứng làm thơ. Nhạc sĩ cảm hứng từ thơ nên viết nhạc, ca sĩ hát và đưa lên YouTube.

Graphical user interface, application

Description automatically generated

1. LẦN HẠT BẤT CỨ KHI NÀO VÀ Ở ĐÂU.

Không buộc phải đọc 50 Kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian mình có. Có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân Côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh… thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, mình cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu mình cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”. Kinh Mân Côi chính là người bạn chân tình, dễ tính, trung thành luôn sẵn sàng hiện diện mọi lúc, mọi nơi.

Kinh Mân Côi chính là hành trang gọn nhẹ giúp thánh hóa bản thân gia đình và xã hội. Theo nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời mình vào mạng sự sống thiêng liêng.

2. LỜI KINH KẾT NỐI

Ai cũng có điện thoại, xài wifi, 4G. Đi đâu cùng có kết nối. Thời đại hôm nay, mạng internet được gọi là xa lộ thông tin cung cấp rất nhiều thông tin về mọi lãnh vực, cho con người mối quan hệ rộng lớn và nhiều cơ hội diễn đạt cảm xúc và suy nghĩ của mình. Hòa vào mạng internet, con người trên khắp thế giới được kết nối với nhau. Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối.

a. Kết nối với Đức Maria

Khi lần chuỗi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta được nối kết với Đức Maria. Chiêm ngắm Mẹ chỉ là “Nữ tỳ hèn mọn”, nhưng “Chúa đã đoái thương nhìn tới”. Vì thế, “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Một thiếu nữ nhỏ bé sống ở làng quê nghèo Nadaret đã trở thành Mẹ Thiên Chúa. Sứ thần Gabriel đến Nadaret chào thôn nữ Maria: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Ba tiếng “Đầy-ân-sủng” gộp lại trở thành như là tên gọi riêng của Đức Maria. Mẹ được tràn đầy ân sủng. Mẹ luôn luôn có Thiên Chúa ở cùng. Không có giây phút nào mà Mẹ không có Thiên Chúa với mình. Không có giây phút nào mà Mẹ không trọn vẹn thuộc về Chúa. Không có bất cứ dấu vết tội lỗi chen vào giữa Mẹ và Thiên Chúa. Là một tâm hồn luôn luôn nghiền ngẫm Kinh thánh, chắc hẳn Đức Maria nhớ lại Lời Chúa đã dùng Ngôn sứ Nathan mà thề hứa với vua Đavit xưa. Nhưng điều mà Mẹ không bao giờ nghĩ tới là mình có thể đóng vai trò gì trong việc thực hiện lời tiên tri ấy. Chuyện “không thể” được đầu tiên là làm sao mình sinh con được vì đã quyết “không biết đến chuyện vợ chồng” để sống trọn vẹn cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Sau khi được Sứ thần giải thích rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, Maria khiêm nhường thưa lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Và thế là Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong lòng Đức Trinh Nữ. Và thế là Đức Maria khiêm nhường đã trở thành Thánh Mẫu của Thiên Chúa.

Đức Maria là người diễm phúc vì Mẹ đã tin như bà Êlisabet đã thốt lên: “Phúc cho em vì đã tin những lời Chúa phán”.

Đọc Kinh Mân Côi là kết nối hai chiều đi đi về về giữa Đức Maria xuống với con người và giữa con người lên với Đức Maria, cách tự nhiên như tình mẫu tử.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thổ lộ tâm tình: “Từ thuở niên thiếu, lời Kinh Mân Côi đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi… Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ… Kinh Mân Côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó.”

b. Kết nối với Chúa Giêsu

Điều huyền diệu làm cho chuỗi Mân Côi hữu hiệu là khi đọc chúng ta vừa cầu nguyện vừa suy niệm. Kinh Lạy Cha dâng lên Chúa Cha, Kinh Kính Mừng dâng lên Đức Maria và Kinh Sáng Danh dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Những tâm tình suy niệm hướng về Chúa Giêsu Kitô.

Chuỗi Mân Côi là một bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối.

Đọc Kinh Mân Côi là suy niệm các mầu nhiệm của Phúc Âm. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Kinh Mân Côi không thay thế việc đọc Kinh thánh, Lectio Divina; trái lại, Kinh Mân Côi giả định trước và cổ võ việc đọc Kinh thánh. Trong Kinh Mân Côi, chúng ta cầu xin Mẹ giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn. Khi suy ngẫm về Kinh Mân Côi, chúng ta bước vào trường học của Đức Maria để Mẹ dạy chúng ta về Chúa Giêsu vì Mẹ đã nuôi dưỡng Chúa Giêsu, đồng hành với Chúa Giêsu và cùng chịu khổ với Chúa Giêsu dưới cây thánh giá”.

Các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng hòa quyện trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu. Chuỗi Mân Côi lần lượt diễn tả:

– Mầu nhiệm Vui: đồng hành với mầu nhiệm Nhập thể và đời sống âm thầm của Chúa Giêsu.

– Mầu nhiệm Sáng: đồng hành với những mốc thời gian hoạt động đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.

– Mầu nhiệm Thương: đồng hành với những đau khổ của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu.

– Mầu nhiệm Mừng: đồng hành với vinh quang phục sinh của Đức Kitô.

Chuỗi Mân Côi là quà tặng quí báu, Thiên Chúa và Đức Mẹ trao cho chúng ta. Các mầu nhiệm Mân Côi còn được gọi là cuốn sách Phúc Âm rút gọn. Cứ 10 Kinh Kính mừng lại suy gẫm về một mầu nhiệm mùa Vui, Sáng, Thương, Mừng.

c. Kết nối với mọi người với nhau

Đọc kinh Mân Côi mỗi người được kết nối với Đức Maria và với Đức Kitô, từ đó được hiệp thông với mọi tín hữu.

Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh của mọi tín hữu. Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.

Cầu nguyện với Đức Mẹ bằng lời kinh Mân Côi, chúng ta được kết nối với Chúa Giêsu là nguồn mạch ban sự sống. Bóng đèn muốn được toả sáng thì phải được nối kết với nguồn điện. Cành nho muốn được trổ sinh hoa trái thì phải được tháp nhập vào thân nho. Bàn tay muốn sống còn và hoạt động thì phải liên kết với cơ thể. Con người muốn được sống dồi dào và vĩnh cửu thì phải nối kết với cội nguồn là Chúa Giêsu.

Chuỗi Mân Côi mang đến vô vàn huyền diệu cho con người. Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân Côi dắt về ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân Côi giúp bình tĩnh tìm ra hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân Côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh.

Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối mỗi người với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria và với nhau. Đó là kinh nguyện phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn.

3. HÃY SIÊNG NĂNG LẦN HẠT

Chuỗi Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria. Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến.

Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta quyết tâm sống theo lời Mẹ trong dịp hiện ra lần cuối tại Fatima là “hãy siêng năng lần hạt”. “Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (Đường Hy vọng số 947).

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết yêu mến tràng Chuỗi Mân Côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống, nhờ đó chúng con được hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau. Xin Mẹ khẩn cầu cho chúng con bên tòa Chúa. Amen.

https://hdgmvietnam.com