LỜI CHÚA THỨ BẢY TUẦN VI PHỤC SINH

Saturday of the Sixth Week of Easter

LỜI CHÚA THỨ BẢY TUẦN VI PHỤC SINH NĂM LẺ (01/6/2019) – (Ga 16, 23b-28) –  THÁNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU - GIÁO XỨ TÂN VIỆT

SNG LI CHÚA

GOSPEL : Jn 16:23b-28

Jesus said to his disciples:
“Amen, amen, I say to you,
whatever you ask the Father in my name he will give you.
Until now you have not asked anything in my name;
ask and you will receive, so that your joy may be complete.

“I have told you this in figures of speech.
The hour is coming when I will no longer speak to you in figures
but I will tell you clearly about the Father.
On that day you will ask in my name,
and I do not tell you that I will ask the Father for you.
For the Father himself loves you, because you have loved me
and have come to believe that I came from God.
I came from the Father and have come into the world.
Now I am leaving the world and going back to the Father.”

LỄ và CÁC BÀI ĐỌC

Ca nhập lễ : 1 Pr 2,9

Anh em là dân riêng của Thiên Chúa,

hãy loan truyền những công trình vĩ đại của Người,

Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối,

vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Ha-lê-lui-a.

Bài đọc 1 : Cv 18,23-28

Ông A-pô-lô dẫn lời Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

23 Sau khi lưu lại An-ti-ô-khi-a một thời gian, ông Phao-lô ra đi, lần lượt qua miền Ga-lát và Phy-ghi-a và làm cho tất cả các môn đệ được vững mạnh.

24 Có một người Do-thái tên là A-pô-lô, quê ở A-lê-xan-ri-a, đã đến Ê-phê-xô ; ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh. 25 Ông đã được học Đạo Chúa ; với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giê-su, tuy rằng ông chỉ biết có phép rửa của ông Gio-an. 26 Ông bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Pơ-rít-ki-la và ông A-qui-la mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn.

27 Ông A-pô-lô muốn sang miền A-khai-a thì các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các môn đệ tiếp đón ông. Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông đã giúp ích nhiều cho các tín hữu, 28 vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do-thái, dẫn Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.

Đáp ca : Tv 46,2-3.8-9.10 (Đ. c.8a) 

Đ. Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu.

2Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi !
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo !
3Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.

Đ. Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu.

8Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,
hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.
9Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.

Đ. Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu.

10Kìa vương hầu các dân tề tựu
cùng dân Thiên Chúa, Chúa của Áp-ra-ham.
Mọi thủ lãnh trần gian thuộc quyền Thiên Chúa,
Đấng siêu việt ngàn trùng.

Đ. Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu.

Tung hô Tin Mừng : Ga 16,28

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Ga 16,23b-28

Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy và tin vào Thầy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

23b Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

25 “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. 27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. 28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”

Ca hiệp lễ : Ga 17,24

Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho con. Ha-lê-lui-a.

SUY NIỆM

DÒNG CHẢY TÌNH YÊU

Trong một buổi tiếp kiến chung, Đức Phanxicô nói rằng: “Nếu anh chị em có chân lý của tình yêu, có sự chân thành, có tình yêu, thì tất cả sẽ có thể hiểu anh chị em, ngay cả nếu chúng ta không thể nói, nhưng với sự dịu dàng chân thật và yêu thương.” 

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến dòng chảy tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giêsu và các môn đệ. Dòng chảy ấy khởi đi từ Chúa Cha đến với các môn đệ và qua trung gian là Đức Giêsu. Người là Đấng trung gian tuyệt hảo dẫn đưa ta đến với tình yêu. Và tình yêu của Người dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. 

Dòng chảy tình yêu vừa là lời chứng trước tất cả mọi người về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, vừa là lời mời gọi mọi người tin vào Đức Giêsu để bước vào dòng chảy tình yêu mang lại sự sống đích thực.  

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương Chúa để trở nên trung gian dẫn đưa nhiều người đến với tình yêu của Chúa. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Đêm tối không chắc chắn về ý nghĩa cuộc sống

Sáng thứ Tư, 25/5, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chung thường lệ tại quảng trường Thánh Phêrô với các tín hữu. Đức Thánh Cha nhận xét: “với tất cả sự tiến bộ của mình, tất cả sự sung túc của mình, chúng ta đã thực sự trở nên một ‘xã hội mệt mỏi’”. Ngài mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ đôi chút về điều này: “chúng ta trở nên một xã hội mệt mỏi”.

Trích Sách Thánh trước bài giáo lý của Đức Thánh Cha từ sách Giảng Viên.

Tôi đâm ra chán ghét cuộc đời, vì đối với tôi, dưới ánh mặt trời, mọi việc làm ra đều xấu cả: quả thế, tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát. Tôi đã chán ghét mọi gian lao vất vả tôi phải chịu dưới ánh mặt trời, những gì tôi để lại cho người đến sau tôi. Lời kết luận cho tất cả mọi điều bạn đã nghe ở trên đây là: hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người, vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng như xấu. (Gv 2,17-18; 12,13-14)

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong phần tiếp tục suy tư về tuổi già, hôm nay chúng ta gặp thấy Sách Giảng Viên, một viên ngọc khác được đặt trong Kinh Thánh. Ngay khởi đầu của cuốn sách, chúng ta bị đánh động và bối rối bởi điệp khúc nổi tiếng: “Phù vân, quả là phù vân”, tất cả chỉ là phù vân: một vòng lặp đến rồi đi; tất cả chỉ là phù vân, tất cả chỉ là “sương”, “khói”, là “trống rỗng”. Thật ngạc nhiên khi chúng ta đọc thấy trong Sách Thánh những cách diễn đạt này, vốn đặt nghi vấn về ý nghĩa của sự tồn tại. Trên thực tế, sự đung đưa nối tiếp nhau giữa có nghĩa và vô nghĩa của ông Cô-he-lét là cách diễn tả chế giễu về một cái biết tách khỏi sự say mê công lý, nơi đó chính Thiên Chúa là Đấng xét xử. Và phần kết của Cuốn sách chỉ ra con đường để thoát khỏi thử thách này: “hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người” (12,13).

Đối diện với một thực tế mà, vào những thời điểm nhất định, dường như tất cả những người đối lập đều ở chung một nơi, đều có chung một số phận, đến kết cục là hư vô, chúng ta dễ có nguy cơ chọn sự thơ ơ như là phương thuốc duy nhất cho sự vỡ mộng của mình. Khi đó, nơi chúng ta có những câu hỏi nổi lên: Những nỗ lực của chúng ta đã làm thay đổi được gì thế giới? Có ai có khả năng đưa ra khẳng định sự khác biệt giữa đúng và sai không? Dường như tất cả những điều này là vô ích: tại sao lại phải cố gắng quá nhiều?

Đó là một loại trực giác tiêu cực có thể nảy sinh trong bất kỳ thời điểm nào của cuộc đời, nhưng chắc chắn rằng tuổi già sẽ gần như không thể tránh khỏi giây phút gặp thấy sự tỉnh ngộ này. Trong tuổi già, sự tỉnh ngộ sẽ đến. Và do đó sự kiên vững của tuổi già trước những tác động tiêu cực bởi sự thất vọng này sẽ có ý nghĩa quyết định: nếu những người già, nay đã nhìn thấy mọi thứ, giữ được nguyên vẹn niềm đam mê sự công chính, thì họ sẽ có được niềm hy vọng về tình yêu, và cả niềm tin. Và đối với thế giới đương đại, việc vượt qua cuộc khủng hoảng này, một cuộc khủng hoảng lành mạnh, đã trở nên hết sức quan trọng, vì sao? Bởi vì một nền văn hóa cân đo mọi thứ và lều lái mọi thứ sẽ đến hồi kết với một sự sụp đổ về ý nghĩa, về tình yêu và về điều thiện.

Sự thoái lòng này làm chúng ta mất đi ước muốn dấn thân. Một “sự thật” phỏng chừng như thế, vốn chỉ gắn mình ở thế giới này, cũng sẽ thờ ơ với những người đối lập và bỏ mặt họ, chẳng cứu vớt, để chạy theo dòng chảy thời gian và kết cục với sự hư vô. Trong hình thức này – được che đậy bằng tính khoa học, nhưng cũng rất vô cảm và vô đạo đức, việc tìm kiếm chân lý thời hiện đại bị cám dỗ xa rời niềm say mê công lý. Nó không còn tin vào số phận của mình, lời hứa của mình, sự cứu chuộc của mình.

Đối với nền văn hóa hiện đại của chúng ta, nền văn hóa thực tế muốn giao phó mọi thứ cho kiến thức chính xác về sự vật, thì sự xuất hiện của lý trí hoài nghi mới này – kết hợp giữa tri thức và sự vô trách nhiệm – là một hậu quả khắc nghiệt. Thật vậy, tri thức không có đạo đức cho chúng ta thấy thoạt đầu có vẻ là nguồn tự do, là nguồn năng lượng, nhưng nhanh chóng biến thành sự tê liệt của tâm hồn.

Ông Cô-hê-lét, với sự chế giễu của mình, đã vạch trần cám dỗ chết người này về sự toàn năng của hiểu biết con người – một “ảo tưởng về sự toàn tri” – tạo ra sự nản lòng về ước muốn. Các ẩn sĩ thuộc truyền thống Kitô giáo cổ xưa nhất đã xác định chính xác căn bệnh tâm hồn này, họ bất ngờ phát hiện ra sự hư vô của “tri thức không đức tin và không đạo đức”, sự ảo tưởng về một “sự thật không công lý”. Họ gọi đó là “sự lười biếng uể oải”. Đây là một cám dỗ của tất cả, ngay cả đối với người già. Nó không chỉ đơn giản là sự lười biếng mà còn hơn thế nữa. Nó không đơn giản là sự trì trệ. Mà đúng hơn, “sự lười biếng uể oải” là sự dừng lại ở kiến ​​thức của thế giới mà không còn say mê công lý và hành động theo sau đó.

Sự trống rỗng về ý nghĩa và về ý chí là sản phẩm của cái biết này, một cái biết từ chối mọi trách nhiệm đạo đức và từ chối mọi khao khát điều thiện thật, một cái biết có hại. Nó không chỉ lấy đi ước muốn làm điều tốt: mà còn mạnh hơn, nó mở ra cánh cửa cho sự hung hãn của sự dữ. Đó là sức mạnh của một lý trí điên cuồng, bị dẫn dắt bởi một hệ tư tưởng thái quá. Thật sự, với tất cả sự tiến bộ của mình, tất cả sự sung túc của mình, chúng ta đã thực sự trở nên một “xã hội mệt mỏi”. Chúng ta hãy suy nghĩ đôi chút về điều này: “chúng ta trở nên một xã hội mệt mỏi”. Chúng ta bị áp lực phải tạo ra phú quý khắp nơi, và chúng ta dung túng cho một thị trường chọn lọc sức khỏe theo tiêu chí khoa học. Chúng ta đã đặt ra một ranh giới cấm vượt qua đối với hòa bình, và chúng ta chứng kiến ​​những cuộc chiến tàn khốc hơn bao giờ hết chống lại những người không có khả năng tự vệ. Tất nhiên, khoa học ngày càng tiến bộ và điều đó thật tốt. Nhưng sự khôn ngoan của cuộc sống là một điều hoàn toàn khác, mà dường như đang bị bế tắt.

Cuối cùng, lý trí vô cảm và vô trách nhiệm này cũng tước đi ý nghĩa và ý chí tìm biết sự thật. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đang ở trong mùa của tin giả, của những mê tín tập thể và sự thật nguỵ khoa học. Đây là một điều nghịch lý. Trong văn hoá hiểu biết này, hiểu biết tất cả mọi sự, ngay cả hiểu biết chính xác, thì lại lan tràn nhiều phép thuật, mà là những phép thuật trí thức nữa. Phép thuật sẽ dẫn đến một cuộc sống mê tín. Một đàng, người ta tiến bộ về sự thông minh hiểu biết sự vật đến tận gốc rễ; đàng khác, linh hồn lại cần một thứ khác, nên người ta đi đến con đường mê tín và kết cục với phép thuật.

Tuổi già có thể học được từ sự khôn ngoan chế giễu của ông Cô-hê-lét, nghệ thuật vạch trần sự lừa dối ẩn giấu trong cơn mê về một “sự thật lý trí không say mê công lý”. Những người cao niên giàu khôn ngoan và hài hước đã làm điều rất tốt cho người trẻ! Họ cứu những người trẻ khỏi sự cám dỗ chỉ hiểu biết về một thế giới buồn tẻ và chẳng có sự khôn ngoan của cuộc sống. Và họ đưa người trẻ trở lại với lời Chúa Giêsu đã hứa: “Phúc cho ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5, 6).

https://www.vaticannews.va