Thursday of the Third Week of Easter
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Jn 6:44-51
Jesus said to the crowds:
“No one can come to me unless the Father who sent me draw him,
and I will raise him on the last day.
It is written in the prophets:
They shall all be taught by God.
Everyone who listens to my Father and learns from him comes to me.
Not that anyone has seen the Father
except the one who is from God;
he has seen the Father.
Amen, amen, I say to you,
whoever believes has eternal life.
I am the bread of life.
Your ancestors ate the manna in the desert, but they died;
this is the bread that comes down from heaven
so that one may eat it and not die.
I am the living bread that came down from heaven;
whoever eats this bread will live forever;
and the bread that I will give
is my Flesh for the life of the world.”
LỄ và CÁC BÀI ĐỌC
Ca nhập lễ : Xh 15,1-2
Nào ta hát mừng Chúa,
Đấng cao cả uy hùng.
Chúa là sức mạnh tôi,
là Đấng tôi ca ngợi,
chính Người cứu độ tôi. Ha-lê-lui-a.
Bài đọc 1 : Cv 8,26-40
Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không ?
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
26 Ngày ấy, thiên sứ của Chúa nói với ông Phi-líp-phê : “Đứng lên, đi về hướng nam, theo con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Ga-da ; con đường này vắng.” 27 Ông đứng lên đi. Khi ấy có một viên thái giám người Ê-thi-óp, làm quan lớn trong triều của bà Can-đa-kê, nữ hoàng nước Ê-thi-óp. Ông này làm tổng quản kho bạc của bà. Ông đã lên Giê-ru-sa-lem hành hương 28 và bấy giờ đang trên đường về. Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ I-sai-a. 29 Thần Khí nói với ông Phi-líp-phê : “Tiến lên, đuổi kịp xe đó.” 30 Ông Phi-líp-phê chạy lại, nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ I-sai-a, thì hỏi : “Ngài có hiểu điều ngài đọc không ?” 31 Ông quan đáp : “Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải ?” Rồi ông mời ông Phi-líp-phê lên ngồi với mình. 32 Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn này : Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. 33 Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ bỏ. Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt.
34 Viên thái giám ngỏ lời với ông Phi-líp-phê : “Xin ông cho biết : vị ngôn sứ nói thế về ai ? Về chính mình hay về một ai khác ?” 35 Ông Phi-líp-phê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giê-su cho ông.
36 Dọc đường, các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói : “Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không ?” 37 Ông Phi-líp-phê đáp : “Nếu ngài tin hết lòng, thì được.” Viên thái giám thưa : “Tôi tin Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa.” 38 Ông truyền dừng xe lại. Ông Phi-líp-phê và viên thái giám, cả hai cùng xuống chỗ có nước, và ông Phi-líp-phê làm phép rửa cho ông quan. 39 Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Phi-líp-phê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa. Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. 40 Còn ông Phi-líp-phê thì người ta gặp thấy ở Át-đốt. Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Xê-da-rê.
Đáp ca : Tv 65,8-9.16-17.20 (Đ. c.1)
Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.
8Nào chúc tụng Chúa Trời chúng ta, muôn dân hỡi,
trổi vang lên lời tán dương Người,
9Người là Đấng bảo toàn mạng sống
và giữ gìn ta khỏi lỡ bước sa chân.
Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.
16Tất cả những ai kính sợ Chúa Trời,
đến mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi.
17Vừa mở miệng kêu lên cùng Chúa,
tấc lưỡi tán dương, tôi đã sẵn sàng.
Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.
20Xin chúc tụng Thiên Chúa
đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng,
lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình.
Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.
Tung hô Tin Mừng : x. Ga 6,51
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Ga 6,44-51
Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
44 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng : “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy ; và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. 45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ : Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. 46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. 47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. 48 Tôi là bánh trường sinh. 49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. 50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. 51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Ca hiệp lễ : 2 Cr 5,15
Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người,
để những ai đang sống,
không còn sống cho chính mình nữa,
nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ. Ha-lê-lui-a.
SUY NIỆM
MANA VÀ BÁNH HẰNG SỐNG
“Thiên đường là bàn tiệc, cuộc đời cũng vậy, chỉ cần một mẩu bánh hằng sống để hiệp nhất mọi người” – Dorothy Day.
Bài Tin Mừng hôm nay kể về hai loại bánh: mana và bánh hằng sống. Bao lớp người trước Đức Giêsu đã ăn mana và đã chết. Cho đến thời Đức Giêsu, mọi người mới được biết thứ bánh mới: bánh hằng sống từ trời xuống (c. 51). Bánh này là chính Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu nói tặng bánh này cho thế gian, Người có ý trao tặng toàn thể con người Người cho những ai được Chúa Cha lôi kéo (c. 44), cho những người nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha (c. 45). Và họ sẽ gặt được sự sống đời đời nhờ tin vào Đức Giêsu.
Để được sống muôn đời, một người cần tin vào Đức Giêsu là Đấng Chúa Cha sai đến, đồng thời đón nhận lấy bánh hằng sống là rước lấy Mình Thánh Đức Giêsu.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con đức tin kiên vững và lòng yêu mến thiết tha bí tích Thánh thể mà Ngài ban tặng cho nhân loại. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
ĐTC Phanxicô: gia đình thiết lập mối dây liên kết hoàn thiện lẫn nhau
Sáng ngày 29/4, Đức Thánh Cha đã gặp các tham dự viên Hội nghị toàn thể của Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội. Bài diễn văn của Đức Thánh Cha dành cho các tham dự viên tập trung vào thực tế của gia đình, là chủ đề của Hội nghị.
Đức Thánh Cha nhận xét: “những thay đổi của xã hội đang làm thay đổi điều kiện sống của hôn nhân và gia đình trên khắp thế giới. Hơn nữa, bối cảnh khủng hoảng kéo dài và đa dạng hiện nay đang gây sức ép lên các dự án xây dựng gia đình hạnh phúc và ổn định. Tình trạng này có thể được giải đáp bằng cách khám phá lại giá trị của gia đình như nguồn gốc và cội nguồn của trật tự xã hội, như tế bào quan trọng của một xã hội huynh đệ và có khả năng chăm sóc ngôi nhà chung.”
Cần chân nhận rằng “gia đình luôn ở vị trí đầu tiên trong thang giá trị của các dân tộc khác nhau, bởi vì nó được khắc sâu trong chính bản chất của người nữ và người nam. Theo nghĩa này, hôn nhân và gia đình không phải là những thiết chế thuần túy của con người, mặc dù đã có nhiều thay đổi qua nhiều thế kỷ và sự đa dạng về văn hóa và tinh thần giữa các dân tộc khác nhau. Vượt lên trên tất cả những khác biệt, những đặc điểm chung và vĩnh viễn thể hiện tầm quan trọng và giá trị của hôn nhân và gia đình.”
Tuy nhiên, nếu giá trị này được trải nghiệm theo chủ nghĩa cá nhân thì gia đình có thể bị cô lập và phân tán trong bối cảnh xã hội. Theo cách này, các chức năng xã hội mà gia đình đảm trách giữa các cá nhân và trong cộng đồng bị mất đi, đặc biệt là đối với những người yếu nhất như trẻ em, người khuyết tật và người già không đủ khả năng tự lập.
Do đó, vấn đề đặt ra là phải hiểu rằng gia đình tốt cho xã hội, không phải như một tập hợp đơn thuần của các cá nhân, nhưng là một mối quan hệ được thiết lập trong một “mối dây liên kết hoàn thiện lẫn nhau”. Tình yêu lẫn nhau giữa người nam và người nữ là sự phản ánh của tình yêu tuyệt đối và vĩnh viễn mà Thiên Chúa yêu thương con người, được định sẵn để đơm hoa kết trái và được hoàn thiện trong công việc chung của trật tự xã hội và chăm sóc tạo vật.
Lợi ích của gia đình cũng không thuộc loại tổng hợp, nghĩa là, nó không bao gồm việc tổng hợp các nguồn lực của các cá nhân để làm tăng tính hữu ích của mỗi người, nhưng nó là một mối quan hệ của sự hoàn thiện, bao gồm các mối quan hệ chia sẻ của tình yêu chung thủy, sự tin cậy, sự hợp tác, hỗ tương, từ đó tạo nên thiện ích của các thành viên trong gia đình và do đó, là hạnh phúc của họ.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến khía cạnh chào đón trong gia đình. Những phẩm chất của nó được thể hiện một cách cụ thể trong những gia đình có các thành viên yếu ớt hoặc tàn tật. Những gia đình này phát triển những đức tính đặc biệt, giúp nâng cao khả năng yêu thương và sự nhẫn nại trước những khó khăn của cuộc sống. Bên cạnh đó, vấn đề mùa đông nhân khẩu học cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Cần có một chính sách để hỗ trợ các gia đình. Một xã hội thân thiện với gia đình là hoàn toàn có thể.
Văn Yên, SJ – Vatican News