CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Easter Sunday The Resurrection of the Lord
The Mass of Easter Day
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Jn 20:1-9
On the first day of the week,
Mary of Magdala came to the tomb early in the morning,
while it was still dark,
and saw the stone removed from the tomb.
So she ran and went to Simon Peter
and to the other disciple whom Jesus loved, and told them,
“They have taken the Lord from the tomb,
and we don’t know where they put him.”
So Peter and the other disciple went out and came to the tomb.
They both ran, but the other disciple ran faster than Peter
and arrived at the tomb first;
he bent down and saw the burial cloths there, but did not go in.
When Simon Peter arrived after him,
he went into the tomb and saw the burial cloths there,
and the cloth that had covered his head,
not with the burial cloths but rolled up in a separate place.
Then the other disciple also went in,
the one who had arrived at the tomb first,
and he saw and believed.
For they did not yet understand the Scripture
that he had to rise from the dead.
TIN MỪNG : Ga 10,1-9
Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
SUY NIỆM
NGÔI MỘ TRỐNG
Một hôm, Đức Giáo hoàng Innocentê IX mời người bạn thân của mình là một linh mục vào phòng riêng. Thấy trên bàn làm việc của Đức Thánh cha có một chiếc hộp, và trong hộp là một xác người nhỏ xíu nằm ngay ngắn. Cha đang phân vân không biết tại sao thì Đức Innocentê IX tâm sự: “Này Cha, hình người chết nằm trong hộp đó là điều rất quí giá. Bởi vì nó gợi lại cho tôi nhớ đến lúc mình sẽ phải chết. Và mỗi lần tôi cần phải quyết định điều gì quan trọng thì sau khi đã cầu nguyện, xin ơn Chúa soi sáng, tôi vào đây, mở hộp này ra, nhớ đến giây phút tôi phải chết rồi mới quyết định. Trước mọi quyết định, tôi đều tự hỏi: Nếu tôi phải chết ngay trong lúc này thì tôi sẽ phải quyết định như thế nào. Chính vì thế mà chiếc hộp này rất quý đối với tôi”.
Chiếc quan tài là dấu chỉ của sự chết. Nhìn vào chiếc quan tài con người nhận ra sự mong manh của kiếp người. Có sinh – có tử. Đó là định mệnh không tránh khỏi của mỗi người.
Tin Mừng thuật lại chuyện những người phụ nữ ra thăm mộ từ sáng sớm. Họ nhìn vào nấm mồ, nhưng không thấy gì. Nấm mồ không còn thân xác vị Thầy yêu dấu. Đây là nơi mai táng Thầy Giêsu hôm qua. Thế mà, hôm nay chỉ còn là một nấm mồ trống rỗng. Nếu chiếc quan tài là dấu chỉ sự mong manh của kiếp người thì ngôi mộ trống là minh chứng cho thấy Đức Giêsu đã phục sinh. Người đã sống lại để bảo đảm cho những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại như vậy. Sự sống lại của Đức Giêsu là câu trả lời cho người đời về ý nghĩa của cuộc sống và là niềm hy vọng hồng phúc cho mỗi người.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Chúa đã sống lại! Hallêluia! Hallêluia! Nguyện xin bình an và niềm vui của Đấng Phục Sinh luôn ở với chúng con luôn mãi. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
LỄ PHỤC SINH TRONG PHỤNG VỤ
Trong phụng vụ Rôma, Lễ Phục sinh bắt đầu với Canh thức trọng thể vào đêm Thứ Bảy Tuần Thánh và tiếp tục trong 50 ngày của Mùa Phục sinh, kết thúc bằng Lễ Hiện xuống. Đây là thời gian mà Giáo hội hân hoan với Chúa Kitô Phục sinh, như đang chờ đợi Ngài trở lại trong vinh quang. Chúng ta sẽ noi theo sự gợi ý từ các bản văn của Sách Lễ Rôma mới.
Lễ Phục sinh như một nghi thức vượt qua
Một trong những ý nghĩa của “Phục sinh” là “vượt qua”. Điều đó đã xảy ra với người Do Thái, và giờ đây cũng như vậy với những Kitô hữu, như chúng ta hát trong Lễ Phục sinh: “Này là đêm, mà cha ông chúng tôi: là con cháu Israel thoát ly Ai Cập xưa, Chúa đã cho tiến qua Biển Đỏ vẫn khô chân.” (Bài ca Exsultet công bố Tin mừng Phục sinh)
“Vượt qua” diễn ra qua nước rửa tội: “Lạy Thiên Chúa […], điều mà Ngài đã từng ban cho một dân tộc, giải thoát họ khỏi sự đàn áp của Pharaoh nhờ quyền năng của cánh tay phải của Ngài, bây giờ Ngài mang lại sự tái sinh nhờ nước của sự tái sinh.” Trên thực tế, Biển Đỏ “là hình ảnh tiên trưng của giếng nước thánh thiêng, và “dân tộc được giải phóng khỏi ách nô lệ là dấu chỉ báo trước những Kitô hữu”, những người có được “đặc ân của Israel nhờ đức tin,” và “được tái sinh nhờ dự phần vào Thần Khí. ” Do đó, “bản tính con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa, và được rửa sạch nhờ Bí tích Rửa tội,” được coi là “xứng đáng tiến đến cuộc sống của con trẻ mới sinh nhờ nước và Chúa Thánh Thần” và đạt được “sự tự do hoàn hảo”.
Thật vậy, chúng ta được kêu gọi “chuyển từ những lối sống cũ sang cuộc sống mới.” Sự phục sinh của Chúa Kitô làm cho chúng ta trở thành “những tạo vật mới được định sẵn cho sự sống vĩnh cửu.” Thiên Chúa đã “chọn để đổi mới” dân Ngài “bằng những bí tích này của sự sống đời đời.” Vào ngày này Thiên Chúa Cha đã “mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến vĩnh cửu,” cho phép chúng ta “đạt được hạnh phúc bất tận.” Sự vượt qua này ngụ ý rằng chúng ta cũng được “biến đổi thành của lễ đời đời” đáng được Thiên Chúa “chấp nhận”. Tất cả những điều này là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Chúa Cha, “bằng việc tôn vinh Con Ngài và sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần đã mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu.”
Trong phụng vụ Do Thái, Lễ Vượt Qua đã được cử hành như một nghi thức vượt qua, như chúng ta đọc trong Kinh Vượt Qua Haggadah: “Vì vậy, chúng ta phải công bố chiến thắng của Đấng đã thực hiện cho tổ phụ chúng ta và cho chúng ta rất nhiều điều kỳ diệu như vậy. Ngài đã dẫn dắt chúng ta từ nô lệ đến tự do, từ đau buồn đến vui sướng, từ tang tóc đến lễ mừng, từ bóng tối đến ánh sáng, từ nô lệ đến sự cứu chuộc” (Pesachim X, 5). Trong một trong những bài giảng lễ Phục sinh sớm nhất, những giọng điệu tương tự vang lên: “Ngài là Đấng đã đưa chúng ta từ nô lệ đến tự do, từ bóng tối đến ánh sáng, từ cái chết đến sự sống, từ bạo quyền đến vương quốc vĩnh cửu” (Melito of Sardis [thế kỷ thứ 2], Bài giảng lễ Phục sinh 68).
Trong thời đại của chúng ta, viễn cảnh này đặc biệt xuất hiện nơi những người lãnh nhận phép rửa trong đêm Phục sinh. Như một tác giả cổ đại đã viết, “bất cứ ai thực sự nhận thức được rằng lễ Phục sinh được dâng lên là để cứu rỗi mình […] thì hãy nhanh chóng bắt đầu cuộc sống mới và không bao giờ trở lại cuộc sống cũ. Vì, ‘Chúng ta là những kẻ đã chết đối với tội lỗi, thì làm sao còn sống mãi trong tội được?’ (Rôma 6: 2)” (Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Các Bài Đọc Thứ Hai Tuần Thứ Hai Phục Sinh). Khi một cộng đoàn được ân ban chào đón những người mới được rửa tội, thì dân chúng được dẫn dắt làm mới lại những cam kết rửa tội của chính họ, để sống lại “cuộc vượt qua” Phục sinh.
Lễ Phục sinh như sự tái sinh và đổi mới
Chủ đề thứ hai rất hay xuất hiện trong các bản văn phụng vụ là chủ đề “sự tái sinh đổi mới”. Nhờ ân sủng của Mầu Nhiệm Vượt Qua “chúng ta đã được mai táng với Đức Kitô qua Bí tích Rửa tội trong sự chết,” để “được sống lại với Ngài.” Thật vậy, “chúng ta đã được sinh ra trong cuộc sống mới trong nước của Phép Rửa.” Qua Mầu nhiệm Vượt qua, Thiên Chúa hoàn thành “công cuộc cứu độ loài người”, để “cả thế giới có thể biết và thấy rằng những gì đã bị ném xuống sẽ được nâng lên, những gì đã trở nên cũ được làm mới, và mọi sự được khôi phục lại nguyên vẹn.” Do đó, chúng ta được “đổi mới về thể xác và linh hồn.” Chúng ta cầu xin Chúa “đổi mới bên trong chúng ta,” Đấng “đổi mới nhân loại tội lỗi của chúng ta” trong phép rửa.
Vào lễ Phục sinh, vốn được hiện thực hóa trong mọi cử hành Thánh Thể, Giáo hội “được tái sinh và nuôi dưỡng cách lạ lùng”. Dân Chúa được tái sinh “nhờ các bí tích Phục sinh”, để “thoát khỏi men của tội lỗi xưa,” chúng ta được biến đổi “thành những tạo vật mới”, “theo hình ảnh của Chúa Phục sinh.” “Được giải thoát khỏi sự hư hỏng của tội lỗi, chúng ta được đổi mới hoàn toàn trong Thánh Thần.” Thật vậy, chúng ta đã được tái sinh trong Thánh Thần. Điều này không chỉ có nghĩa là được phục hồi “phẩm giá đã mất của chúng ta,” mà còn được nâng lên “trên phẩm giá cội nguồn của chúng ta.” Hội thánh cầu nguyện rằng Chúa sẽ làm cho chúng ta có thể “được tái sinh trong cuộc sống mới bởi quyền năng của Thánh Thần tình yêu của Ngài”. Thật vậy, trong “sự tái sinh qua phép rửa”, Thiên Chúa đã “chia sẻ sự sống của mình”, đó là “sự sống mới mà Ngài đã hứa, vì Ngài là Lời chân lý.”
Chủ đề này hoàn toàn có trong kinh thánh. Tin Mừng Gioan nói về một cuộc sinh hạ mới, “bởi nước và bởi Thần Khí,” như một điều kiện để vào Nước Thiên Chúa (Gioan 3: 5). Phaolô, khi đề cập đến phép rửa, nói: “Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Ngài thương xót, nên Ngài đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Titô 3: 5-6). Cần phải công nhận rằng trong linh đạo Công giáo, khái niệm về cuộc sống của Kitô hữu như một “sự tái sinh” không mấy nổi bật, không giống, chẳng hạn như, trong phái Tin lành truyền giảng. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, họ nói về những Kitô hữu được tái sinh, nghĩa là về những người đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Kitô trong đời sống của họ, từ tội lỗi hoặc thờ ơ lãnh đạm sang con đường thánh thiện. Loại hoán cải này còn được gọi là “phép rửa trong Thánh Linh.” Người Công giáo thích cách nói: “sự hoán cải lần thứ hai” hoặc “sự đổi mới trong Thánh Thần” hơn.
Mầu nhiệm Vượt qua bao trùm tất cả các dân tộc.
Kinh nghiệm Phục sinh bắt đầu với kinh nghiệm về sự cứu rỗi của chính mình, nhưng thực tế cảm thấy được Chúa Kitô yêu thương và cứu độ không khép lại trong một hình thức tôn giáo tự yêu chính mình, nhưng mở lòng chúng ta ra cho Giáo hội và thế giới. Vào Lễ Phục sinh, Giáo hội nhìn thấy “kế hoạch cứu độ phổ quát” đã hoàn thành, do đó nhận ra lời hứa với Ábraham “biến ông trở thành tổ phụ của mọi dân tộc”. Thật vậy, phép rửa là “vì sự cứu rỗi của mọi dân tộc,” và nhờ phép rửa mà Giáo hội luôn phát triển, “mời gọi những người con mới từ mọi quốc gia”. Thật vậy, Thiên Chúa trong Mầu nhiệm Vượt qua đã “ban cho nhân loại giao ước hòa giải,” và Giáo hội cầu nguyện rằng “hồng ân đức tin có thể được mở rộng cho mọi dân nước”. Vào lễ trọng Phục sinh, Thiên Chúa hành động “để cứu rỗi thế giới.” Giáo hội cầu nguyện rằng “nhờ việc chấp nhận Tin Mừng, sự cứu rỗi vốn có được nhờ hy tế của Chúa Kitô có thể được thành toàn ở mọi nơi.” Khi các tín hữu cử hành “việc tưởng niệm tình yêu bao la” của Chúa Kitô, họ cầu nguyện “để kết quả công việc cứu chuộc của Ngài, qua sứ vụ của Giáo hội, có thể phục vụ sự cứu rỗi của toàn thế giới,” để “tất cả mọi người được nếm trải hoa trái của sự cứu chuộc” và rằng “tự do và hòa bình được ban tặng trên Thập giá” có thể được mở rộng cho tất cả mọi người. Vì Thiên Chúa đã muốn nhân danh Chúa Giêsu “mọi đầu gối phải cúi đầu và mọi người tìm được ơn cứu độ,” và “từ đông sang tây danh Ngài được tôn vinh nơi mọi dân nước.” Vì Chúa Kitô đã chết thay cho mọi người và Giáo hội, trong Chúa Kitô, vốn là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” (Lumen Gentium, số 1), trái tim của Kitô hữu không thể không có các chiều kích của thế giới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là rơi vào một chủ nghĩa toàn cầu, nơi đó mọi thứ đều được lên kế hoạch và tiêu chuẩn hóa, tước đi ân huệ quý giá nhất của chúng ta là tự do.
Chiên Con đích thật
Trọng tâm của Lễ Vượt Qua không phải là cuộc vượt qua Biển Đỏ, mà là việc sát tế một con chiên. Trong chương 12 của sách Xuất hành, một nghi lễ cực kỳ tỉ mỉ được đặt ra về cách thực hiện nghi thức Lễ Vượt Qua: khi nào thì lấy thịt chiên, loại thịt chiên nào, khi nào sát tế, lúc mấy giờ, nấu như thế nào, nên ăn ở đâu và ăn theo cách nào, nên làm gì với thức ăn thừa, cần hạn chế ăn gì. Các Giáo phụ đã tham gia vào việc giải thích theo Kitô học cho tất cả những chi tiết này, theo gợi ý của Thánh Phaolô, là người đã viết: “Chúa Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5, 7), và trên hết là theo Tin Mừng của Gioan, là người đã thấy những gì đã được hoàn thành trong Chúa Kitô trên thập giá về con chiên vượt qua: “Không một khúc xương nào của Ngài sẽ bị đánh giập.” (Gioan 19:36).
Phụng vụ tiếp sau các Giáo phụ khi hát trong kinh tiền tụng Lễ Phục sinh: “Vì Ngài là Chiên thật, Đấng đã gánh tội trần gian; bằng cách chết, Ngài đã tiêu diệt sự chết của chúng ta, và bằng cách trỗi dậy, phục hồi sự sống của chúng ta.” Trong hy tế của Thánh lễ, chúng ta dâng lên Chúa Cha “Chiên Con không tỳ vết,” chờ đợi để “được thấy trước niềm vui của Lễ Vượt Qua đời đời”.
Hoa trái của lễ Phục sinh
Việc cử hành Mầu nhiệm Vượt qua không thể khiến dân Chúa không sinh hoa trái. Như Chúa Giêsu đã nói: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái,” (Gioan 15: 5). Do đó, được nuôi dưỡng bằng các bí tích Vượt qua, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta được lớn lên “trong sự hiệp thông với Thần Khí của Ngài và trong tình yêu của anh chị em chúng ta, cho đến khi chúng ta đạt tới sự bác ái toàn vẹn của Thân Mình Chúa Kitô”. Người tín hữu nên cầu xin “ơn hiệp nhất và bình an”, để được “kiên trì trong tình yêu thương của Ngài,” “một tình yêu đích thực và trong sáng,” và “ở giữa những người làm việc vì nền hòa bình mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta như một ân huệ.” Những ai đã “ăn bánh hằng sống là Chúa Kitô,” phải cố gắng “để nhờ ánh sáng đức tin và sức mạnh của lòng bác ái, họ có thể xây dựng Giáo hội của Ngài, làm cho Giáo hội tràn đầy niềm vui.” “Được nuôi dưỡng bởi bữa tiệc của thiên đàng,” chúng ta cầu xin rằng chúng ta có thể là “men sự sống và khí cụ cứu rỗi,” cho thế giới để nó có thể “biết chân lý của Chúa và biến chân lý đó thành của chúng ta bằng một lối sống xứng đáng.” Hoa trái của lễ Phục sinh cũng là “lớn lên trong tự do và kiên trì trong sự trọn hảo của đời sống Kitô hữu”, tức là phát triển “trong sự tự do hoàn hảo và giữ gìn sự toàn vẹn của đức tin,” để đảm bảo rằng “Lời lớn lên trong chúng ta và làm cho trái tim của chúng ta sinh hoa kết trái thiêng liêng.” Những hoa trái khác là “ơn thánh thiện” và “sự hiệp nhất trong đức tin,” ơn phụng sự Chúa “ngày càng nhiều hơn trong sự thánh thiện của đời sống,” để “đáp lại một cách trung tín tình yêu của Đấng đã lập ra Giáo hội” tức là, Chúa Kitô. Việc làm chứng cho sự sống lại phải được sinh ra “trong niềm vui”, “ở mọi nơi” và “với đời sống thánh thiện”. Vì lý do này, các tín hữu phải “đồng tâm nhất trí trong đức ái,” “cùng nhau, trong Chúa Kitô, tạo thành một thân thể và một thần khí,” để “họ có thể là những chứng nhân can đảm cho chân lý Tin Mừng” và làm cho Giáo Hội “luôn hiện diện và năng động.”
Do đó, Giáo hội trông đợi những hoa trái dồi dào từ việc tham gia vào Mầu nhiệm Vượt qua, chẳng hạn như “đạt được sự hiệp thông giữa các dân tộc”; “Lớn lên trong tình yêu thương huynh đệ”; “Hợp tác, trong tự do và hòa thuận, trong vương quốc công lý và hòa bình của Ngài”; được “kiên vững trong tình yêu của Ngài và trong tình bác ái hỗ tương”; được “đầy dẫy các ân huệ của Chúa Thánh Thần,” mà sự giàu có của Ngài là “vô tận”, để “nhận được sự tuôn tràn ngày càng nhiều hơn các ân huệ Thánh Thần của Ngài”; được thúc đẩy “phục vụ Giáo hội và mọi người với lòng bác ái nhiệt thành”; “Xây dựng Hội Thánh bằng chứng tá đời sống của họ,” “bằng lời nói và việc làm”; “Hợp tác bằng tất cả sức mạnh của họ trong việc xây dựng vương quốc của Thiên Chúa” và “kiên trì trong sự hiệp nhất và bình an.”
Kết luận
Khi đối diện với những văn bản giàu tính thánh thiêng như vậy, chúng ta tự hỏi chúng có thể có tác động gì đến các tín hữu. Đối mặt với những tệ nạn đang hoành hành trên thế giới, ngay cả những người tin Chúa cũng bị cám dỗ trở nên nản lòng và sợ hãi, không còn biết mình là ai, đến từ đâu và sẽ đi đâu, và vì vậy họ bị dẫn đến việc đọc các sự kiện của lịch sử chỉ bằng các tiêu chí nhân loại. Cũng giống như người đầy tớ của tiên tri Êlisê, khi nhìn thấy thành phố bị bao vây bởi ngựa và xe, đã thất kinh kêu lên: “Chết rồi, ngài ơi ! Làm sao bây giờ ?” Êlisê trả lời, bảo anh ta đừng sợ hãi, “vì những người đi theo chúng ta thì đông hơn những người đi theo chúng.” Sau đó, Êlisê cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin mở mắt cho nó thấy.” Và Chúa đã mở mắt người đầy tớ của ông và nó thấy núi đầy những ngựa và xe đỏ như lửa vây quanh ông Êlisê” (2 Các Vua 6: 15-17). Có lẽ chúng ta cũng vậy, cần ai đó cầu nguyện cho đôi mắt của chúng ta được mở ra để nhìn xa hơn chân trời trần thế.
Phêrô Phạm Văn Trung – https://hdgmvietnam.com
Chuyển ngữ từ: laciviltacattolica.com (15.4.2022)