Friday of the Fifth Week of Lent
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Jn 10:31-42
The Jews picked up rocks to stone Jesus.
Jesus answered them, “I have shown you many good works from my Father.
For which of these are you trying to stone me?”
The Jews answered him,
“We are not stoning you for a good work but for blasphemy.
You, a man, are making yourself God.”
Jesus answered them,
“Is it not written in your law, ‘I said, ‘You are gods”‘?
If it calls them gods to whom the word of God came,
and Scripture cannot be set aside,
can you say that the one
whom the Father has consecrated and sent into the world
blasphemes because I said, ‘I am the Son of God’?
If I do not perform my Father’s works, do not believe me;
but if I perform them, even if you do not believe me,
believe the works, so that you may realize and understand
that the Father is in me and I am in the Father.”
Then they tried again to arrest him;
but he escaped from their power.
He went back across the Jordan
to the place where John first baptized, and there he remained.
Many came to him and said,
“John performed no sign,
but everything John said about this man was true.”
And many there began to believe in him.
BÀI ĐỌC
Bài đọc 1 : Gr 20,10-13
Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng.
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
10 Khi ấy, ông Giê-rê-mi-a thưa với Chúa rằng :
Con nghe biết bao người vu cáo :
“Kìa, lão ‘Tứ phía kinh hoàng !’,
hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi !”
Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.
Họ nói : “Biết đâu nó chẳng mắc lừa,
rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó !”
11Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con
như một trang chiến sĩ oai hùng.
Vì thế những kẻ từng hại con
sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con.
Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề :
đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.
12Lạy Đức Chúa các đạo binh,
Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can,
con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng,
vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.
13Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa,
vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.
Đáp ca : Tv 17,2-3a.3bc-4.5-6.7 (Đ. x. c.7)
Đ. Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa : Người đã nghe tiếng tôi.
2Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con ;
3alạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con ;
Đ. Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa : Người đã nghe tiếng tôi.
3bcLạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn,
là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.
4Tôi kêu cầu Chúa là Đấng xứng muôn lời ngợi khen,
và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.
Đ. Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa : Người đã nghe tiếng tôi.
5Sóng tử thần dồn dập chung quanh,
thác diệt vong làm tôi kinh hãi,
6màng lưới âm ty bủa vây tứ phía,
bẫy tử thần ập xuống trên tôi.
Đ. Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa : Người đã nghe tiếng tôi.
7Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa,
kêu lên Người là Thiên Chúa của tôi.
Từ thánh điện, Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu,
lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Người.
Đ. Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa : Người đã nghe tiếng tôi.
Tung hô Tin Mừng : x. Ga 6,63c.68c
Lạy Chúa, Lời Chúa là Thần Khí và là Sự Sống ;
Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời.
TIN MỪNG : Ga 10,31-42
Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
31 Khi ấy, người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. 32 Người bảo họ : “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm ; vì việc nào mà các ông ném đá tôi ?” 33 Người Do-thái đáp : “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng : ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” 34 Đức Giê-su bảo họ : “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao : ‘Ta đã phán : các ngươi là những bậc thần thánh’ ? 35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, 36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi : ‘Ông nói phạm thượng !’ vì tôi đã nói : ‘Tôi là Con Thiên Chúa’ ? 37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng : Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” 39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau : “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” 42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.
SUY NIỆM
TIN VÀO ĐỨC GIÊSU
Nếu có ai hỏi làm sao tin được Đức Giêsu là Thiên Chúa, thì câu trả lời hẳn là phải quy chiếu đến các việc làm của Người. Và để nhận ra Người thì chỉ có cách quay về với nội tâm, như thánh Augustinô đã nói: “Ngài vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con và vì thế con tìm Ngài ở bên ngoài” (Tự thuật X, 27,38).
Đức Giêsu không đến trần gian để kết án, nhưng là để mặc khải cho con người biết về tình yêu của Chúa Cha qua các việc làm cụ thể: cho kẻ chết sống lại, chữa lành bệnh tật, trừ khử ma quỷ, tha thứ tội lỗi… Những hành động ấy cho thấy Người có uy quyền của Thiên Chúa và chính Người là Thiên Chúa.
Tuy nhiên, giữa một xã hội đầy biến động hôm nay, làm sao để vững lòng tin vào Đức Giêsu là một câu hỏi đầy thách đố. Người vẫn ở đây, ngay lúc này, ngay trong chính những đau khổ và ưu tư của chúng ta để đồng hành và nâng đỡ chúng ta, nhưng liệu chúng ta có nhận ra điều đó? Lời mời gọi tin vào Người trong Tin Mừng hôm nay cũng là lời mời gọi dành cho mỗi Kitô hữu qua mọi thời.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết trở lại với lòng mình để nhận ra sự hiện diện của Chúa. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Trả lời phỏng vấn, ĐTC cho biết ngài sẵn sàng thăm Ucraina
Chiều tối Chúa Nhật 3/4/2022, trên chuyến bay từ Malta trở về Roma, Đức Thánh Cha đã trả lời một số câu hỏi của các nhà báo. Ngài nói về tình hình sức khỏe của ngài, về tình hình chiến tranh ở Ucraina và cho biết ngài luôn sẵn sàng viếng thăm Ucraina.
Đau đầu gối
Trả lời câu hỏi đầu tiên có liên quan đến sức khỏe, Đức Thánh Cha cho biết sức khỏe của ngài hơi thay đổi. Ngài có vấn đề về đầu gối, gây khó khăn cho việc đi lại. Nó hơi phiền phức nhưng bây giờ có khá hơn. Ngài nói: “Hai tuần trước, tôi không thể làm gì cả. Đây là điều tiến triển chậm chạp và để xem nó có tái diễn nữa không. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, khó biết được trò chơi sẽ kết thúc thế nào. Hy vọng nó sẽ tiến triển tốt đẹp.”
Vấn đề di dân
Về chuyến thăm Malta, Đức Thánh Cha hài lòng: ngài thấy các thực tế của Malta, sự nhiệt tình ấn tượng của dân chúng. Một vấn đề ngài quan tâm đặc biệt, đó là về người di dân. Ngài nhắc lại: “Những người di cư phải luôn được chào đón! Vấn đề là mỗi chính phủ phải cho biết họ có thể đều đặn nhận được bao nhiêu người để sống ở đó. Điều này đòi hỏi một thỏa thuận giữa các quốc gia châu Âu và không phải tất cả các quốc gia này đều sẵn sàng tiếp nhận người di cư. Chúng ta quên rằng Châu Âu được tạo ra bởi những người di cư, phải không? Nhưng mọi chuyện là vậy, nhưng ít nhất chúng ta đừng để lại gánh nặng cho những quốc gia láng giềng quá quảng đại này, và Malta là một trong số đó.”
Sẵn sàng thăm Ucraina nhưng…
Một ký giả nói rằng với tình hình chiến tranh tại Ucraina, sự hiện diện của Đức Thánh Cha ở đây ngày càng cần thiết, và hỏi ngài rằng một chuyến đi như vậy có khả thi không và ngài phải có những điều kiện gì để có thể đến đó. Trả lời câu hỏi, Đức Thánh Cha lặp lại rằng “chiến tranh luôn là một hành động man rợ, một điều vô nhân, chống lại tinh thần nhân đạo… Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần được thực hiện, và Tòa Thánh… đang làm mọi việc có thể.
Về việc thăm Ucraina, Đức Thánh Cha nói: “Tôi thành thật trả lời rằng tôi đang có ý định đi, rằng khả năng sẵn sàng của tôi vẫn không đổi… Tôi sẵn sàng.” Đức Thánh Cha nói rằng một chuyến đi đến Ucraina là một trong những đề xuất mà ngài đã nhận được, nhưng ngài không biết liệu nó có thể thực hiện được không, nó có phù hợp không và liệu điều đó có tốt nhất không hoặc nếu nó phù hợp để thực hiện, liệu ngài có nên đi không… Tất cả điều này còn mơ hồ.
Khả năng về cuộc gặp gỡ Đức Thượng phụ Kirill
Đức Thánh Cha cho biết thêm: “Trong một thời gian, đã có những cân nhắc về việc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Kirill; đó là những gì đang được nghiên cứu, với khả năng Trung Đông là địa điểm tổ chức một cuộc gặp như vậy. Đây là cách mọi thứ đang được xem xét vào lúc này.”
Thông điệp cho Tổng thống Putin nếu có…
Câu hỏi cuối cùng được đặt ra cho Đức Thánh Cha là nếu có cơ hội nói chuyện với Tổng thống Putin thì ngài sẽ trao cho ông những thông điệp gì. Đức Thánh Cha trả lời: “Những thông điệp tôi đã đưa ra cho tất cả các chính quyền là những thông điệp tôi đã thực hiện một cách công khai. Tôi không nói hai lời. Tôi luôn nói như vậy.”
“Tôi nghĩ trong câu hỏi của bạn cũng có sự nghi ngờ về các cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa. Mọi cuộc chiến đều bắt nguồn từ sự bất công, luôn luôn, bởi vì đó là kiểu mẫu của chiến tranh. Đây không phải là một kiểu mẫu cho hòa bình. Ví dụ, đầu tư để mua vũ khí. Một số người nói: ‘Nhưng chúng ta cần họ tự vệ.’ Đây là kiểu mẫu của chiến tranh. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, mọi người đều thở phào khi nói ‘không bao giờ chiến tranh nữa’ và ‘hòa bình’. Bắt đầu có một làn sóng hoạt động vì hòa bình với thiện chí không sử dụng vũ khí, vũ khí nguyên tử, vào thời điểm đó, nhân danh hòa bình, sau Hiroshima và Nagasaki. Có rất nhiều thiện chí.”
“70 năm sau chúng ta đã quên tất cả những điều đó. Đó là cách mà kiểu mẫu chiến tranh áp đặt chính nó. Khi đó, có rất nhiều hy vọng vào công việc của Liên Hiệp Quốc. Nhưng kiểu mẫu của chiến tranh đã tự áp đặt trở lại. Chúng ta không thể hình dung một kiểu mẫu khác. Chúng ta không quen nghĩ về kiểu mẫu hòa bình nữa. Đã có những người vĩ đại như Ghandi và những người khác mà tôi đề cập ở cuối thông điệp Fratelli tutti, những người đã đặt cược vào kiểu mẫu hòa bình.”
“Nhưng là loài người, chúng ta cứng đầu. Chúng ta yêu thích những cuộc chiến tranh, với tinh thần của Cain. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu Kinh Thánh vấn đề này đã được trình bày: tinh thần giết chóc của ‘người theo tinh thần của Cain’ thay vì tinh thần hòa bình.”
Đức Thánh Cha đã chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân: Vào năm 2014, ngài đã khó khi thăm Redipuglia và nhìn thấy tên của những người đã chết. “Tôi thực sự đã khóc vì cay đắng.” Sau đó, khi đến cử hành Thánh lễ ở Anzio và nhìn thấy tên những người đã nằm xuống ở đó, đều là những người trẻ, ngài cũng đã khóc. Ngài nói: “Chúng ta phải khóc trên những nấm mồ.”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Có những điều tôi tôn trọng bởi vì có vấn đề chính trị. Khi có lễ tưởng niệm cuộc đổ bộ Normandy, một số người đứng đầu chính phủ đã cùng nhau đến để tưởng nhớ nó. Tuy nhiên, tôi không nhớ có ai nói về 30.000 thiếu niên bị bỏ lại trên bãi biển. Tuổi trẻ không quan trọng. Điều đó khiến tôi băn khoăn. Tôi đau buồn. Chúng ta không bao giờ học (bài học của chiến tranh). Xin Chúa thương xót chúng ta, tất cả chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều có tội!” (CSR_1449_2022)
Hồng Thủy – Vatican News