Friday of the Fourth Week of Lent
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Jn 7:1-2,10,25-30
Jesus moved about within Galilee;
he did not wish to travel in Judea,
because the Jews were trying to kill him.
But the Jewish feast of Tabernacles was near.
But when his brothers had gone up to the feast,
he himself also went up, not openly but as it were in secret.
Some of the inhabitants of Jerusalem said,
“Is he not the one they are trying to kill?
And look, he is speaking openly and they say nothing to him.
Could the authorities have realized that he is the Christ?
But we know where he is from.
When the Christ comes, no one will know where he is from.”
So Jesus cried out in the temple area as he was teaching and said,
“You know me and also know where I am from.
Yet I did not come on my own,
but the one who sent me, whom you do not know, is true.
I know him, because I am from him, and he sent me.”
So they tried to arrest him,
but no one laid a hand upon him,
because his hour had not yet come.
BÀI ĐỌC
Bài đọc 1 : Kn 2,1a.12-22
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã.
Bài trích sách Khôn ngoan.
1a Quân vô đạo suy tính sai lầm, chúng bảo nhau :
12“Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,
vì nó chỉ làm vướng chân ta,
nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật,
và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.
13Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa,
xưng mình là con của Đức Chúa.
14Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta,
thấy mặt nó thôi là ta chịu không nổi.
15Vì nó sống thật chẳng giống ai,
lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị.
16Nó coi ta như bọn lọc lừa,
tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn.
Nó tuyên bố rằng thật lắm phúc nhiều may,
hậu vận của người công chính.
Nó huênh hoang vì có Thiên Chúa là Cha.
17Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
18Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
19Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
20Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.”
21Chúng suy tính như vậy thật sai lầm,
vì ác độc mà chúng ra mù quáng.
22Chúng không biết những bí nhiệm của Thiên Chúa,
chẳng trông chờ người thánh thiện sẽ được thưởng công,
cũng không tin kẻ tinh tuyền sẽ được ân thưởng.
Đáp ca : Tv 33,16-18.19-20.21 và 23 (Đ. c.19a)
Đ. Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ.
17Chúa đối đầu với quân gian ác,
xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời,
16nhưng để mắt nhìn người chính trực
và lắng tai nghe tiếng họ kêu :
18Họ kêu xin, và Chúa đã nhận lời,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.
Đ. Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ.
19Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
20Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân,
nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi.
Đ. Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ.
21Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn,
dầu một khúc cũng không giập gãy.
23Chúa cứu mạng các người tôi tớ,
ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.
Đ. Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ.
Tung hô Tin Mừng : Mt 4,4b
Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.
TIN MỪNG : Ga 7,1-2.10.25-30
Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng giờ của Người chưa đến.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Khi ấy, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê ; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.
2 Lễ Lều của người Do-thái gần tới. 10 khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.
25 Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói : “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao ? 26 Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô ? 27 Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi ; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” 28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng : “Các ông biết tôi ư ? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư ? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. 29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”
30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người ; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.
SUY NIỆM
BIẾT CHÚA
Người xưa có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Câu nói này hàm ý rằng mỗi khi ra trận, nếu biết rõ tình hình đối phương cũng như hiểu rõ khả năng của mình, chúng ta sẽ dễ dàng tránh được những tổn thất và có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trách người Do Thái vì đã không thực sự “biết” Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã không đón nhận Đức Giêsu là đấng được Chúa Cha sai đến thế gian. Là người Kitô hữu, chúng ta cũng cần có những hiểu biết về Chúa. Bởi vì có “biết” thì mới có “yêu”, vô tri thì bất mộ. Mục đích của người theo Chúa là trở nên giống như Chúa. Nếu không biết Chúa cách thân mật, thì chúng ta sẽ chẳng thể trở nên giống như Người.
Vậy nên, chúng ta hãy học cách để “biết” Chúa bằng việc siêng năng học hỏi Thánh Kinh, chuyên cần cầu nguyện, sống gắn bó với Chúa qua lời kinh sớm tối và Thánh Lễ mỗi ngày, hầu có thể “biết” Chúa và yêu mến Chúa hơn.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho con biết sống gắn bó với Chúa mỗi ngày để con được nhận biết và yêu mến Chúa hơn. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
ĐTC Phanxicô: Tuổi già có thể là thời gian của sức sống thiêng liêng
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 30/3/2022, tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già, Đức Thánh Cha giải thích cách thế mà ông Simeon và bà Anna là gương mẫu cho tuổi già. Lý do sống của họ là chờ đợi Thiên Chúa viếng thăm Dân của Người và họ đã trung thành chờ đợi Đấng Cứu Thế trong cầu nguyện và phục vụ. Cuối đời, cả hai đều biết nhận ra nơi Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Thế, nguồn bình an và an ủi.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng ông Simeon và bà Anna được kêu gọi đưa ra chứng tá cá nhân về đức tin và sự tin tưởng vào việc Thiên Chúa hoàn thành các lời hứa của Người, và do đó xây dựng cầu nối giữa các thế hệ. Họ dạy chúng ta rằng lòng trung thành chờ đợi Thiên Chúa sẽ tinh luyện các giác quan của tâm hồn và khiến chúng ta nhạy cảm hơn để nhận ra các dấu hiệu của Thiên Chúa. Đây là những gì chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần trong bài thánh ca cổ Veni Creator Spiritus.
Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng xã hội của chúng ta rất cần những người lớn tuổi có khả năng nhận biết và chào đón sự hiện diện của Chúa Kitô cũng như các ân sủng của Chúa Thánh Thần. Trong một xã hội đề cao khoái cảm của các giác quan thể xác và nuôi dưỡng ảo tưởng về tuổi trẻ vĩnh cửu có thể dễ dàng trở nên tê liệt với các giá trị tinh thần thiết yếu của đức tin và sự khôn ngoan, thì sẽ có nguy cơ vô cảm trước người đau khổ và yếu đuối mong manh, và do đó, bỏ rơi những người lớn tuổi, những người đang mất dần sức mạnh tuổi trẻ của họ. Vì vậy, đối thoại giữa các thế hệ là rất quan trọng để người cao tuổi truyền trí tuệ của mình cho lớp trẻ, lớp trẻ lắng nghe người già, phát huy tinh thần huynh đệ và “hòa đồng xã hội”.
Cuộc sống và chứng tá của những người cao tuổi có thể đảm bảo nền tảng tinh thần này và dạy chúng ta tầm quan trọng hàng đầu của việc nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và việc Người triển khai kế hoạch cứu độ của Người từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Trung thành chờ đợi Thiên Chúa viếng thăm
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong loạt bài giáo lý về chủ đề tuổi già, hôm nay chúng ta sẽ nhìn vào bức tranh dịu dàng được thực hiện bởi thánh sử Luca. Thánh sử mô tả hai nhân vật cao tuổi, ông cụ Simeon và bà cụ Anna. Lý do sống của họ, trước khi rời khỏi thế giới này, là chờ đợi Thiên Chúa viếng thăm. Họ chờ đợi Thiên Chúa đến thăm viếng họ, nghĩa là Chúa Giêsu. Được Chúa Thánh Thần báo trước, ông Simeon biết rằng ông sẽ không chết trước khi nhìn thấy Đấng Cứu Thế. Bà Anna đến đền thờ mỗi ngày và hết lòng thờ phượng Thiên Chúa. Cả hai người đều nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi hài nhi Giêsu, Đấng lấp đầy sự chờ đợi bấy lâu của họ bằng niềm an ủi và trấn an họ khi họ từ biệt cuộc đời.
Chúng ta có thể học được gì từ hai nhân vật cao tuổi tràn đầy sức sống thiêng liêng này?
Sự trung thành chờ đợi Chúa giúp các giác quan trở nên nhậy bén
Đầu tiên, chúng ta biết rằng sự trung thành của việc chờ đợi sẽ làm cho các giác quan trở nên sắc bén. Ngoài ra, như chúng ta biết, Chúa Thánh Thần thực hiện chính điều này: soi sáng các giác quan. Trong bài thánh ca cổ, Veni Creator Spiritus – Lạy Thần Khí sáng tạo xin hãy đến – mà chúng ta vẫn tiếp tục cầu khẩn Chúa Thánh Thần cho đến ngày nay, chúng ta hát: “Accende lumen sensibus”, “Xin soi sáng các giác quan”. Chúa Thánh Linh có khả năng làm điều này: mài giũa các giác quan của linh hồn, bất chấp giới hạn và vết thương của các giác quan của cơ thể.
Tuổi già làm giảm khả năng cảm nhận của cơ thể, bằng cách này hay cách khác; người thì mắt mờ hơn, người thì tai nặng hơn… Tuy nhiên, một tuổi già trôi qua trong sự chờ đợi Thiên Chúa viếng thăm sẽ không bỏ lỡ bước đi của Người; ngược lại, sẽ càng sẵn sàng để nắm bắt nó, sẽ nhạy cảm hơn để đón tiếp Chúa khi Người đi qua. Chúng ta hãy nhớ rằng thái độ của Kitô hữu là chú ý đến những lần Chúa viếng thăm, bởi vì Người đi qua, trong cuộc sống của chúng ta, với sự linh hứng, với lời mời gọi trở nên tốt hơn. Và thánh Augustinô đã nói: “Tôi sợ Thiên Chúa khi Người đi qua… Tôi sợ mình không nhận ra Người và để Người đi vụt qua.” Và chính Chúa Thánh Thần chuẩn bị các giác quan để hiểu khi Chúa sắp viếng thăm chúng ta, như Người đã thực hiện với ông Simeon và bà Anna.
Một tuổi già được ban tặng các giác quan thiêng liêng sống động
Đức Thánh Cha nói tiếp: Ngày nay chúng ta cần điều này hơn bao giờ hết: chúng ta cần một tuổi già được ban tặng các giác quan thiêng liêng sống động và có khả năng nhận biết các dấu chỉ của Thiên Chúa, hay đúng hơn là Dấu chỉ của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu. Một dấu chỉ thách đố chúng ta: Chúa Giêsu luôn là một thách đố đối với chúng ta bởi vì Người là “một dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2,34) – nhưng làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui. Bởi vì khủng hoảng không luôn khiến chúng ta sầu buồn: gặp khủng hoảng khi phụng thờ Thiên Chúa mang lại cho chúng ta sự bình an và niềm hân hoan.
Sự tê liệt của các giác quan thiêng liêng – đây là điều tồi tệ – trong sự phấn khích và choáng váng của các giác quan của cơ thể, là một hội chứng phổ biến trong một xã hội nuôi dưỡng ảo tưởng về tuổi trẻ vĩnh cửu, và đặc điểm nguy hiểm nhất của nó nằm ở chỗ hầu như người ta không nhận thức được điều này. Chúng ta không nhận ra rằng chúng ta đang bị mất cảm giác. Các giác quan bị tê liệt, không hiểu điều gì xảy ra; các giác quan nội tâm, các giác quan của Chúa Thánh Thần để hiểu sự hiện diện của Thiên Chúa hay sự hiện diện của sự ác. Khi các giác quan bị tê liệt thì không phân biệt được.
Tâm hồn mất cảm giác
Khi bạn mất xúc giác hoặc vị giác, bạn nhận ra ngay lập tức. Nhưng khi bạn mất cảm giác của tâm hồn, bạn có thể không nhận ra điều đó trong một thời gian dài, bạn sống mà không nhận ra mình đã mất cảm giác của tâm hồn. Nó không chỉ đơn giản là việc nghĩ về Thiên Chúa hay tôn giáo. Sự vô cảm của các giác quan thiêng liêng liên quan đến lòng trắc ẩn và thương xót, sự xấu hổ và hối hận, lòng trung thành và sự tận tâm, sự dịu dàng và danh dự, trách nhiệm đối với bản thân và người khác. Các giác quan tâm linh bị tê liệt làm lẫn lộn mọi thứ và người ta không cảm nhận được, về mặt tâm linh, những thứ như vậy. Có thể nói, tuổi già trở thành nạn nhân đầu tiên của việc mất khả năng cảm nhận này. Trong một xã hội chủ yếu sử dụng khả năng cảm thụ để hưởng thụ, chắc chắn người ta ít quan tâm đến những người yếu đuối, và sự cạnh tranh của những kẻ hùng mạnh chiếm ưu thế. Và như thế chúng ta đánh mất sự nhạy cảm. Chắc chắn, sự hùng biện về sự hòa nhập là công thức nghi lễ của mọi diễn văn đúng đắn về mặt chính trị. Nhưng nó vẫn không đem lại sự điều chỉnh thực sự đối với các thực hành của cuộc sống chung bình thường: một nền văn hóa của sự dịu dàng xã hội đang cố gắng để phát triển. Tinh thần tình huynh đệ của con người – điều tôi cảm thấy cần phải khởi động lại một cách mạnh mẽ – giống như một tấm áo bị bỏ đi, được ngưỡng mộ, nhưng… trong một viện bảo tàng.
Đúng thực là, trong cuộc sống thực, chúng ta có thể quan sát thấy, với lòng biết ơn cảm động, nhiều người trẻ có khả năng tôn vinh tình huynh đệ này một cách trọn vẹn nhất. Nhưng vấn đề chính là ở đây: có một khoảng cách, một khoảng cách đáng xấu hổ, giữa chứng tá đầy nhựa sống về sự dịu dàng xã hội này và lối sống xu thời đòi hỏi tuổi trẻ phải thể hiện mình theo một cách hoàn toàn khác. Chúng ta có thể làm gì để thu hẹp khoảng cách này?
Chấp nhận là nhân chứng
Kết thúc bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận xét: Từ câu chuyện của ông Simeon và bà Anna, cũng như những câu chuyện khác trong Kinh Thánh về tuổi già nhạy cảm với Chúa Thánh Thần, có một dấu hiệu ẩn dấu đáng được đưa lên hàng đầu. Cách cụ thể, mặc khải khơi dậy sự nhạy cảm của ông Simeon và bà Anna bao gồm điều gì? Nó bao gồm việc nhận ra nơi đứa trẻ họ không sinh ra và lần đầu tiên nhìn thấy dấu hiệu chắc chắn về sự viếng thăm của Thiên Chúa. Họ chấp nhận không là nhân vật chính, nhưng chỉ là nhân chứng…
Chỉ tuổi già thiêng liêng mới có thể đưa ra chứng tá này, khiêm tốn và chói lọi, làm cho nó trở nên đáng tin và gương mẫu cho tất cả mọi người. Tuổi già đã hun đúc nên sự nhạy cảm của tâm hồn, dập tắt mọi đố kỵ giữa các thế hệ, mọi oán hận, mọi phản kháng về một cuộc phiêu lưu của Thiên Chúa trong thế hệ mai sau, điều xảy ra khi họ qua đời. Sự nhạy cảm thiêng liêng của tuổi già có khả năng đánh bại sự cạnh tranh và xung đột giữa các thế hệ, theo cách đáng tin cậy và dứt khoát. Điều không thể đối với con người, nhưng có thể đối với Thiên Chúa. Và chúng ta cần điều này rất nhiều ngày nay!
Vào cuối buổi tiếp kiến, một lần nữa Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi ngừng chiến ở Ucraina khi chào các trẻ em được đón tiếp bởi Tổ chức “Giúp các em sống”, bởi Hiệp hội “Puer” và bởi Đại sứ quán Ucraina cạnh Tòa thánh.
Đức Thánh Cha nói: “Với lời chào này dành cho trẻ em, chúng ta cũng trở lại suy nghĩ về sự quái dị này của chiến tranh và chúng ta canh tân lời cầu nguyện của mình để ngăn chặn sự tàn ác man rợ này là chiến tranh.”
“Trong chặng cuối cùng của hành trình Mùa Chay chúng ta hãy nhìn lên Thập giá của Chúa Kitô, biểu hiện cao nhất của tình yêu Thiên Chúa, và chúng ta hãy cố gắng luôn gần gũi với những người đau khổ, với những người cô đơn, người yếu thế đang chịu bạo lực và không có người bênh vực họ.”
Hồng Thủy – Vatican News