Monday of the Third Week of Lent
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Lk 4:24-30
Jesus said to the people in the synagogue at Nazareth:
“Amen, I say to you,
no prophet is accepted in his own native place.
Indeed, I tell you, there were many widows in Israel
in the days of Elijah
when the sky was closed for three and a half years
and a severe famine spread over the entire land.
It was to none of these that Elijah was sent,
but only to a widow in Zarephath in the land of Sidon.
Again, there were many lepers in Israel
during the time of Elisha the prophet;
yet not one of them was cleansed, but only Naaman the Syrian.”
When the people in the synagogue heard this,
they were all filled with fury.
They rose up, drove him out of the town,
and led him to the brow of the hill
on which their town had been built,
to hurl him down headlong.
But he passed through the midst of them and went away.
BÀI ĐỌC
Bài đọc 1 : 2 V 5,1-15a
Có nhiều người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.
Bài trích sách các Vua quyển thứ hai.
1 Ngày ấy, ông Na-a-man, tướng chỉ huy quân đội của vua A-ram, là người có thần thế và uy tín trước mặt chúa thượng của ông, vì Đức Chúa đã dùng ông mà ban chiến thắng cho A-ram. Nhưng ông lại mắc bệnh phung hủi. 2 Khi những người A-ram đi càn quét, họ đã bắt được một cô bé từ đất Ít-ra-en đưa về. Nó vào giúp việc cho vợ ông Na-a-man. 3 Nó nói với bà chủ : “Ôi, phải chi ông chủ con được giáp mặt vị ngôn sứ ở Sa-ma-ri, thì chắc ngôn sứ sẽ chữa ông khỏi bệnh phung hủi !” 4 Ông Na-a-man đến tường trình với chúa thượng của ông : “Một thiếu nữ xuất thân từ đất Ít-ra-en đã nói thế này thế này.” 5 Vua A-ram bảo : “Ngươi cứ lên đường và trẩy đi. Ta sẽ gửi thư cho vua Ít-ra-en.” Ông Na-a-man lên đường, mang theo ba trăm ký bạc, sáu mươi ký vàng và mười bộ quần áo để thay đổi. 6 Ông trình thư lên vua Ít-ra-en. Thư viết : “Cùng với bức thư mà tôi gửi tới ngài đây, tôi sai Na-a-man, thuộc hạ của tôi, đến với ngài, để ngài chữa người này khỏi bệnh phung hủi.” 7 Vua Ít-ra-en đọc thư xong thì xé áo mình ra và nói : “Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung hủi ? Các ngươi phải biết, phải thấy rằng ông ấy muốn sinh sự với ta.”
8 Vậy, khi ông Ê-li-sa, người của Thiên Chúa, nghe biết là vua Ít-ra-en đã xé áo mình ra, thì sai người đến nói với vua : “Sao vua lại xé áo mình ra ? Người ấy cứ đến với tôi, thì sẽ biết là có một ngôn sứ ở Ít-ra-en.” 9 Ông Na-a-man đi đến cùng với cả xe và ngựa. Ông đứng trước cửa nhà ông Ê-li-sa. 10 Ông Ê-li-sa sai sứ giả ra nói với ông : “Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch.” 11 Ông Na-a-man nổi giận bỏ đi và nói : “Ta cứ nghĩ bụng là thế nào ông ấy cũng đích thân đi ra, rồi đứng mà cầu khẩn danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ông ta. Ông ta sẽ quơ tay lên đúng chỗ phung hủi mà chữa khỏi. 12 Nước các sông A-va-na và Pác-pa ở Đa-mát chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Ít-ra-en sao ? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao ?” Ông quay lưng lại và tức tối ra đi. 13 Bấy giờ, các tôi tớ của ông đến gần và nói : “Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, chẳng lẽ cha lại không làm ? Phương chi ngôn sứ chỉ nói : Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch !” 14 Vậy ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.
15a Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và nói : “Nay tôi biết rằng : trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en.”
Đáp ca : Tv 41,2.3 ; Tv 42,3.4 (Đ. Tv 41,3)
Đ. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan ?
41 2Như nai rừng mong mỏi
tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong
được gần Ngài, lạy Chúa.
Đ. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan ?
3Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến
vào bệ kiến Tôn Nhan ?
Đ. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan ?
42 3Xin Ngài thương sai phái
ánh sáng và chân lý của Ngài,
để soi đường dẫn lối con đi
về núi thánh, lên đền Ngài ngự.
Đ. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan ?
4Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa,
tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con.
Con gảy đàn dâng câu cảm tạ,
lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ.
Đ. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan ?
Tung hô Tin Mừng : x. Tv 129,5 và 7
Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,
cậy trông ở lời Người ;
bởi Chúa luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
TIN MỪNG : Lc 4,24-30
Như ông Ê-li-a và ông Ê-li-sa, Đức Giê-su không chỉ được sai đến với người Do-thái.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
24 Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng : “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
SUY NIỆM
THÀNH KIẾN
Sau nhiều năm miệt mài với đèn sách, Ngọc trở về quê với tấm bằng tiến sĩ hạng ưu. Tuy nhiên, những người bạn cùng quê không tin rằng Ngọc lại có thể đậu bằng tiến sĩ. Sỡ dĩ họ có thành kiến như vậy là vì khi Ngọc học ở cấp II, họ không thấy Ngọc có gì xuất sắc cả.
Đức Giêsu trở về quê hương nhưng không được người đồng hương đón nhận. Những người cùng quê, vì sống quá gần với Đức Giêsu, nên họ chỉ nhìn thấy nơi Người hình ảnh của anh thợ mộc ngày nào, chứ họ không nhận ra Người là một ngôn sứ.
Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ đóng khung người khác theo một thành kiến trước đó. Tuy nhiên, con người là một hữu thể năng động, vì có khả năng thay đổi. Do đó, có thể hôm nay, đời sống của họ còn nhiều hạn chế, nhưng Chúa ban cho con người có lý trí và có tự do, cho nên một ngày nào đó họ vẫn có thể thay đổi bản thân để trở nên càng ngày càng hoàn thiện hơn.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn nhận sự thật về người khác, nhờ đó chúng con nhận ra những điều tốt đẹp nơi tha nhân. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
ĐTC Phanxicô gặp Đức Thượng phụ Kirill qua cuộc gọi video
Nội dung buổi nói chuyện qua cuộc gọi video giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga, vào chiều thứ Tư 16/3, xoay quanh cuộc chiến ở Ucraina. Đức Thánh Cha kêu gọi các vị lãnh đạo các Giáo hội sử dụng ngôn ngữ của Chúa Giêsu, không sử dụng ngôn ngữ chính trị.
Trong tuyên bố của Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, ông Matteo Bruni cho biết rằng, buổi gặp gỡ còn có sự tham gia của Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu; và Đức Tổng Giám mục Chính Thống giáo Hilarion, Đặc trách ngoại giao của Toà Thượng phụ Mátxcơva.
Tuyên bố cho biết cuộc trò chuyện của hai vị lãnh đạo Giáo hội tập trung vào “cuộc chiến ở Ucraina và vai trò của các Kitô hữu và các mục tử trong các nỗ lực đạt đến hoà bình”.
Đức Thánh Cha cám ơn Đức Thượng phụ về cuộc gặp và đồng ý với Đức Thượng phụ rằng “Giáo hội sử dụng ngôn ngữ của Chúa Giêsu, không sử dụng ngôn ngữ chính trị”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng “chúng ta là những mục tử của cùng một Dân Thánh, những người tin vào Thiên Chúa, vào Ba Ngôi Chí Thánh, vào Mẹ Thiên Chúa: đó là lý do tại sao chúng ta phải hiệp nhất trong nỗ lực hỗ trợ hòa bình, giúp đỡ những người đau khổ, tìm cách đạt đến hòa bình và ngăn chặn chiến tranh”.
Ông Bruni cũng cho biết Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của quá trình đàm phán đang diễn ra, bởi vì, theo Đức Thánh Cha, “những người phải trả giá cho chiến tranh là người dân; những người lính Nga và những người bị chết vì bom đạn”.
Tuyên bố tiếp tục trích dẫn lời Đức Thánh Cha: “Là những mục tử chúng ta phải có bổn phận gần gũi và giúp đỡ tất cả những ai đang phải đau khổ vì chiến tranh. Đã có thời, ngay cả trong các Giáo hội của chúng ta, người ta nói về một cuộc thánh chiến hay một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Ngày nay chúng ta không thể nói theo cách này. Nhận thức của Kitô hữu về tầm quan trọng của hòa bình đã phát triển”.
Đức Thánh Cha kết luận: “Các cuộc chiến tranh luôn bất công. Bởi vì người phải trả giá là dân Chúa. Con tim chúng ta không thể không khóc trước những trẻ em, các phụ nữ bị giết, tất cả các nạn nhân của chiến tranh. Chiến tranh không bao giờ là một con đường. Thánh Thần, Đấng liên kết chúng ta, mời gọi chúng ta, những mục tử trợ giúp các dân tộc đang đau khổ vì chiến tranh”.
Ngọc Yến – Vatican News