Saturday of the Sixth Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mk 9:2-23
Jesus took Peter, James, and John
and led them up a high mountain apart by themselves.
And he was transfigured before them,
and his clothes became dazzling white,
such as no fuller on earth could bleach them.
Then Elijah appeared to them along with Moses,
and they were conversing with Jesus.
Then Peter said to Jesus in reply,
“Rabbi, it is good that we are here!
Let us make three tents:
one for you, one for Moses, and one for Elijah.”
He hardly knew what to say, they were so terrified.
Then a cloud came, casting a shadow over them;
then from the cloud came a voice,
“This is my beloved Son. Listen to him.”
Suddenly, looking around, the disciples no longer saw anyone
but Jesus alone with them.
As they were coming down from the mountain,
he charged them not to relate what they had seen to anyone,
except when the Son of Man had risen from the dead.
So they kept the matter to themselves,
questioning what rising from the dead meant.
Then they asked him,
“Why do the scribes say that Elijah must come first?”
He told them, “Elijah will indeed come first and restore all things,
yet how is it written regarding the Son of Man
that he must suffer greatly and be treated with contempt?
But I tell you that Elijah has come
and they did to him whatever they pleased,
as it is written of him.”
BÀI ĐỌC
Bài đọc 1 : Gc 3,1-10
Cái lưỡi, không ai chế ngự được.
Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.
1 Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn. 2 Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã.
Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân. 3 Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. 4 Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè : dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. 5 Cái lưỡi cũng vậy : nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao ! 6 Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy. 7 Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. 8 Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được : nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. 9 Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. 10 Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được.
Đáp ca : Tv 11,2-3.4-5.7-8 (Đ. c.8a)
Đ. Vâng lạy Chúa, Ngài bảo vệ chúng con.
2Xin cứu nguy, lạy Chúa, vì chẳng còn thấy ai đạo hạnh,
giữa loài người, không một kẻ tín trung.
3Người với người chỉ nói lời gian dối,
môi phỉnh phờ, lòng một dạ hai.
Đ. Vâng lạy Chúa, Ngài bảo vệ chúng con.
4Ước gì Chúa xẻo môi phỉnh phờ, và cắt lưỡi ba hoa !
5Bọn chúng nói : “Sức mạnh ta là ba tấc lưỡi,
với môi mép này, ai làm chủ được ta ?”
Đ. Vâng lạy Chúa, Ngài bảo vệ chúng con.
7Lời Chúa phán là lời chân thật,
như bạc nấu trong lò, đã bảy lần tinh luyện.
8Vâng lạy Chúa, Ngài bảo vệ chúng con,
giữ cho khỏi bọn này mãi mãi.
Đ. Vâng lạy Chúa, Ngài bảo vệ chúng con.
Tung hô Tin Mừng : x. Mc 9,7
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Các tầng trời mở ra, và có tiếng Chúa Cha phán dạy : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG : Mc 9,2-13
Đức Giê-su biến đổi hình dạng trước mắt các ông.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
2 Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.
9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. 11 Các ông hỏi Đức Giê-su : “Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước ?” 12 Người đáp : “Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê ? 13 Nhưng Thầy nói cho anh em biết : ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”
SUY NIỆM
LÊN NÚI VỚI CHÚA
Cuộc sống ngày nay khiến con người phải đối mặt với vô số những ồn ào, xáo động. Những lúc ấy, cần lắm một cuộc đi xa, trốn khỏi khói bụi, ổn ào của cuộc sống. Và nơi yên tĩnh nhất ta có thể tạm gác lại cuộc sống bon chen chính là lên núi – lên núi với Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu dẫn các môn đệ thân tín của mình lên núi, và Người biến đổi dung mạo trước các ông. Núi trong quan niệm của người Do Thái chính là nơi Chúa ngự. Lên núi là để được thấy vinh quang Thiên Chúa. Để rồi tại đây, các môn đệ sẽ được hé mở về mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu.
Lên núi còn có nghĩa là phải từ bỏ những mang vác cồng kềnh, vướng víu, những ích kỷ, tham lam, chỉ còn mỗi ta với Chúa. Để nhờ đó, ta được trò chuyện với Chúa, được hiểu rõ hơn mầu nhiệm cứu độ của Chúa, để qua đó, ta được Thiên Chúa tiếp thêm sức mạnh mà vác thập giá theo Chúa trong suốt hành trình cuộc đời.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin dẫn con lên núi với Ngài và để con được bước theo Ngài trọn đời. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
ĐTC gặp các tham dự viên Hội nghị chuyên đề về chức linh mục
Trong buổi gặp gỡ các tham dự viên Hội nghị chuyên đề về chức linh mục vào sáng ngày 17/2/2022 Đức Thánh Cha đã chia sẻ về 4 hình thức gần gũi mà ngài xem như là 4 cột trụ của đời sống linh mục; đó là: gần gũi Thiên Chúa, gần gũi giám mục, gần gũi các linh mục khác và gần gũi Dân Chúa.
Hội nghị Chuyên đề Thần học mang tên “Hướng tới một nền thần học nền tảng về chức linh mục” nhắm khám phá một loạt các vấn đề bao gồm ơn gọi linh mục, cải thiện cách giáo dân và linh mục làm việc cùng nhau, sứ mạng phục vụ và đời sống độc thân của linh mục, vv.
Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha là suy tư về những điều ngài đã cảm nghiệm trong hơn 50 năm linh mục. Đó là những chứng tá ngài nhận được từ rất nhiều linh mục, những linh mục “bằng cuộc sống và chứng tá của họ đã cho tôi thấy từ những năm đầu đời linh mục của mình như thế nào là phản ánh khuôn mặt của Người Mục Tử Nhân Lành”. Đức Thánh Cha cũng nói về “những anh em linh mục mà tôi đã phải đồng hành bởi vì họ đã đánh mất ngọn lửa tình yêu đầu tiên và sứ vụ của họ trở nên cằn cỗi, lặp đi lặp lại và vô nghĩa.”
Gần gũi Thiên Chúa
Suy tư về “4 hình thức gần gũi” của đời sống linh mục, trước hết là gần gũi Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói: “Một linh mục được mời gọi nuôi dưỡng sự gần gũi này, sự mật thiết với Thiên Chúa, và từ mối quan hệ này, ngài sẽ có thể rút ra tất cả sức mạnh cần thiết cho sứ vụ của mình… Nếu không có mối quan hệ có ý nghĩa với Chúa, sứ vụ của chúng ta sẽ không có kết quả. Gần gũi với Chúa Giêsu và tiếp xúc hàng ngày với lời của Người giúp chúng ta đo lường cuộc sống của mình theo lời Người, học cách không bị vấp ngã bởi bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta và bảo vệ bản thân khỏi ‘những vấp ngã’”.
Khủng hoảng trong đời sống linh mục chính là do thiếu cầu nguyện
Đức Thánh Cha nói thêm: “Sự gần gũi với Chúa Giêsu khiến chúng ta không sợ hãi trong những lúc đó – không phải vì chúng ta dựa vào sức riêng của mình mà vì chúng ta nhìn vào Người, bám chặt lấy Người.” Ngài cũng nhận định rằng nhiều khủng hoảng trong đời sống linh mục chính là do thiếu cầu nguyện, thiếu sự kết hợp mật thiết với Chúa, và đời sống thiêng liêng chỉ còn là việc thực hành tôn giáo thuần tuý.
Gần gũi với Giám mục
Tiếp đến là gần gũi với Giám mục. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “vâng lời không phải là một thuộc tính kỷ luật nhưng là dấu hiệu sâu xa nhất của mối dây liên kết chúng ta trong sự hiệp thông.” Vâng lời là học lắng nghe, để tìm ra con đường dẫn đến chân lý và cuộc sống, giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ khép kín, tự biện minh cho bản thân. Và ở đây, Giám mục là mối dây giúp mỗi linh mục và cộng đoàn Dân Chúa phân định ý Chúa. Nhưng điều này chỉ có thể khi chính Giám mục quan tâm đến đời sống của các linh mục và của Dân Thánh được uỷ thác cho ngài.
Thảo luận giữa giám mục và linh mục
“Vâng lời cũng có thể là thảo luận, quan tâm lắng nghe và trong một số trường hợp là căng thẳng.” Do đó, Đức Thánh Cha nói: “Điều này nhất thiết đòi hỏi các linh mục phải cầu nguyện cho các giám mục của họ và cảm thấy tự do bày tỏ ý kiến của mình với sự tôn trọng và chân thành. Nó cũng đòi hỏi các giám mục phải thể hiện sự khiêm tốn, khả năng lắng nghe, tự phê bình và để bản thân được giúp đỡ. Nếu chúng ta có thể duy trì mối ràng buộc này, chúng ta sẽ tiến tới một cách an toàn trên con đường của mình.”
Gần gũi với các linh mục khác
Thứ ba là gần gũi với các linh mục khác, sự gần gũi huynh đệ. Đức Thánh Cha nhắc lại chương 13 của thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, “bản đồ hành trình” của tình yêu. Ngài mời gọi kiên nhẫn và đừng dửng dưng với anh em linh mục khác. Đừng ganh tị. Đừng khoe khoang. Tình yêu đích thật là vui trong sự thật, trong khi xúc phạm sự thật và phẩm giá của anh chị em chúng ta qua những lời vu khống, dèm pha và đàm tiếu là tội trọng.
Độc thân linh mục
Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng “Khi tình huynh đệ linh mục phát triển mạnh và có các mối quan hệ của tình bạn chân chính, thì cũng có thể trải nghiệm cuộc sống độc thân một cách thanh thản hơn. Độc thân là một món quà mà Giáo hội Latinh gìn giữ, nhưng nó là một món quà, để được sống như một phương tiện nên thánh, đòi hỏi những mối quan hệ lành mạnh, những mối quan hệ có lòng quý trọng và sự tốt lành thực sự bắt nguồn sâu xa từ Chúa Kitô. Không có bạn bè và không có việc cầu nguyện thì đời sống độc thân có thể trở thành một gánh nặng không thể chịu đựng được và là một phản chứng cho chính vẻ đẹp của chức linh mục.”
Cuối cùng là gần gũi với dân Chúa. Theo Đức Thánh Cha, sự gần gũi này không phải là một nghĩa vụ, nhưng là một ân sủng. “Vị trí của mỗi linh mục là ở giữa người dân, trong tương quan gần gũi với người khác.” Sự gần gũi này phải theo phong cách của Chúa Giêsu, đó là gần gũi, cảm thông và dịu dàng.
Gần gũi với dân Chúa
Đức Thánh Cha tin chắc rằng “để có một sự hiểu biết mới về căn tính của chức linh mục, điều quan trọng ngày nay là phải tham gia chặt chẽ vào cuộc sống thực của mọi người, sống bên cạnh họ”. “Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm vào sự khốn cùng của con người, chạm vào da thịt đau khổ của người khác… bước vào thực tế cuộc sống của người khác và biết sức mạnh của sự dịu dàng.”
Ngăn ngừa chủ nghĩa giáo sĩ
Trong xã hội “kết nối mạng”, con người cảm thấy “mồ côi” hơn. Mặc dù được kết nối với mọi người và mọi thứ, nhưng chúng ta thiếu cảm giác thân thuộc, một thứ không chỉ đơn thuần là kết nối. Do đó, theo Đức Thánh Cha: “Sự gần gũi của một mục tử giúp chúng ta có thể tập hợp một cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển của một cảm thức thuộc về.” Sự thuộc về này giúp ngăn ngừa việc bóp méo ơn gọi linh mục và chủ nghĩa giáo sĩ trị, điều không dựa trên sự gần gũi mà dựa trên khoảng cách. (CSR_572_2022)
Hồng Thủy – Vatican News