Tuesday of the Sixth Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mk 8:14-21
The disciples had forgotten to bring bread,
and they had only one loaf with them in the boat.
Jesus enjoined them, “Watch out,
guard against the leaven of the Pharisees
and the leaven of Herod.”
They concluded among themselves that
it was because they had no bread.
When he became aware of this he said to them,
“Why do you conclude that it is because you have no bread?
Do you not yet understand or comprehend?
Are your hearts hardened?
Do you have eyes and not see, ears and not hear?
And do you not remember,
when I broke the five loaves for the five thousand,
how many wicker baskets full of fragments you picked up?”
They answered him, “Twelve.”
“When I broke the seven loaves for the four thousand,
how many full baskets of fragments did you pick up?”
They answered him, “Seven.”
He said to them, “Do you still not understand?”
BÀI ĐỌC
Bài đọc 1 : Gc 1,12-18
Chính Thiên Chúa không cám dỗ ai.
Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.
12 Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người.
13 Khi bị cám dỗ, đừng ai nói : “Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ”, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. 14 Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. 15 Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội ; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết.
16 Anh em thân mến của tôi, anh em đừng có lầm lẫn. 17 Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú ; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. 18 Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người.
Đáp ca : Tv 93,12-13a.14-15.18-19 (Đ. c.12a)
Đ. Lạy Chúa, hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn.
12Lạy Chúa, hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn,
được Ngài lấy luật mà dạy dỗ bảo ban.
13aNgài cho họ được bình an trong ngày hoạn nạn.
Đ. Lạy Chúa, hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn.
14Vì Chúa không ruồng rẫy dân Người,
chẳng bỏ rơi dân Người chọn làm gia sản ;
15công lý rồi ra sẽ trở lại pháp đình,
mọi tâm hồn chính trực sẽ tuân theo.
Đ. Lạy Chúa, hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn.
18Lạy Chúa, khi con nói : “Này chân con lảo đảo”,
tình thương Ngài đã đỡ nâng con ;
19lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng,
ơn Ngài an ủi khiến hồn con vui sướng.
Đ. Lạy Chúa, hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn.
Tung hô Tin Mừng : Ga 14,23
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG : Mc 8,14-21
Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
14 Khi ấy, các môn đệ Đức Giê-su quên đem bánh theo ; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. 15 Người răn bảo các ông : “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê !” 16 Các ông mới bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. 17 Biết thế, Người nói với các ông : “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh ? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao ? Lòng anh em ngu muội thế ! 18 Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư ? Anh em không nhớ sao : 19 khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh ?” Các ông đáp : “Thưa được mười hai.” 20 “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh ?” Các ông nói : “Thưa được bảy.” 21 Người bảo các ông : “Anh em chưa hiểu ư ?”
SUY NIỆM
MEN XẤU
Từ rất xa xưa, con người đã biết sử dụng men vào các công việc như làm bánh, ủ rượu, làm sữa chua… Tuy nhiên, cũng có những thứ men xấu, gây nên bệnh tật cho con người. Men Pharisêu và men Hêrôđê mà Đức Giêsu nói đến cũng là một thứ men xấu của thói kiêu ngạo, thành kiến và cố chấp.
Vì xuất thân từ tầng lớp dân thường, các môn đệ có xu hướng dễ bị thu hút bởi tiếng tăm và sự thông thái của người Pharisêu. Hiểu được điều đó, Đức Giêsu đã cảnh giác các ông phải cẩn thận trước những thứ men xấu như là chất xúc tác làm hư hại con người. Và qua việc gợi lại những phép lạ Người đã làm, Đức Giêsu muốn nhắc các Tông đồ rằng không phải họ quên bánh mà là họ đang quên Thiên Chúa đang ở bên mình – Đấng làm ra và an bài mọi sự.
Cuộc sống hôm nay vàng thau lẫn lộn, không thể chỉ dựa vào hình thức mà có thể phân biệt mọi sự. Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta phải luôn biết gìn giữ đức tin và biết phó thác cuộc đời cho bàn tay quan phòng của Chúa.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
ĐTC Phanxicô: Môn đệ được chúc phúc vì sống tinh thần khó nghèo
Vào lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 13/02, từ cửa sổ Dinh Tông toà, Đức Thánh Cha đã cùng đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương tụ họp tại Quảng trường thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha bắt đầu bài huấn dụ như sau:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tâm điểm Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay là các Mối Phúc ( Lc 6, 20-23). Điều thú vị đáng chú ý là mặc dù đám đông bao quanh, nhưng Chúa Giêsu lại tuyên bố với họ bằng cách “nhìn các môn đệ và nói” (c. 20). Chúa nói với các môn đệ. Thật vậy, các Mối Phúc xác định căn tính của người môn đệ Chúa Giêsu. Các Mối phúc nghe có vẻ lạ, gần như không thể hiểu được đối với những ai không phải là môn đệ, nhưng nếu chúng ta tự hỏi môn đệ của Chúa Giêsu là người như thế nào, thì câu trả lời chính xác là các Mối Phúc. “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (c. 20). Phúc cho anh em là những người nghèo. Chúa Giêsu nói với các môn đệ của ngài hai điều: họ có phúc và nghèo khó, họ có phúc vì họ nghèo.
Môn đệ không tìm niềm vui trong của cải vật chất
Có phúc theo nghĩa nào? Theo nghĩa môn đệ Chúa Giêsu không tìm niềm vui trong tiền bạc, trong quyền hành hay trong những của cải vật chất khác; nhưng trong những ân ban mà họ nhận được mỗi ngày từ Chúa: sự sống, thụ tạo, anh chị em, v.v. Họ vui lòng chia sẻ ngay cả những thứ họ sở hữu, bởi vì họ sống theo lý luận của Thiên Chúa, đó là tính nhưng không. Sự nghèo khó này cũng là một thái độ hướng đến ý nghĩa cuộc sống. Môn đệ Chúa không nghĩ đến việc sở hữu của cải, không nghĩ mình đã biết mọi thứ, nhưng biết mình phải học hỏi mỗi ngày. Sự nghèo khó là ý thức mình phải học mỗi ngày. Môn đệ Chúa là người có thái độ này, là người khiêm tốn, cởi mở, không định kiếnvà cứng nhắc.
Mẫu gương của thánh Phêrô
Trong Tin Mừng Chúa nhật tuần trước có một mẫu gương đẹp về điều này: ông Simon Phêrô, một ngư dân lão luyện, chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu thả lưới vào một giờ khác thường, và sau đó, hết sức kinh ngạc về mẻ cá kỳ diệu, bỏ thuyền và tất cả tài sản để theo Chúa. Phêrô chứng tỏ là người ngoan nguỳ bằng cách bỏ mọi sự, và theo cách này, ông trở thành một môn đệ. Trái lại, những ai quá vướng mắc vào ý riêng và sự an toàn của chính mình, sẽ khó theo Chúa Giêsu. Họ chỉ theo Chúa trong những gì phù hợp. Những người như vậy không phải là môn đệ Chúa. Và vì vậy, họ trở nên buồn bã, vì không có tài sản, bởi vì thực tế thoát khỏi dự tính của họ và họ không hài lòng. Trái lại, các môn đệ biết cách tự vấn mình, khiêm tốn tìm kiếm Chúa mỗi ngày, và điều này cho phép họ đi sâu vào thực tế, nắm bắt được sự phong phú và phức tạp của nó.
Môn đệ chấp nhận tính nghịch lý của các Mối Phúc
Nói cách khác, người môn đệ chấp nhận tính nghịch lý của các Mối Phúc: các Mối phúc tuyên bố rằng những ai nghèo khó, thiếu nhiều thứ và nhận ra điều này, thì được phúc, tức là hạnh phúc. Chúng ta có xu hướng nghĩ theo một cách khác: hạnh phúc là những người giàu có, nhiều của cải, những người nhận được sự khen ngợi và có nhiều người ghen tị. Trái lại, Chúa Giêsu tuyên bố thành công thế gian là thất bại, vì nó dựa trên sự ích kỷ thổi phồng lên để rồi để lại khoảng trống rỗng trong tâm hồn. Trước sự nghịch lý của các Mối Phúc, môn đệ chấp nhận thử thách, ý thức rằng không phải Thiên Chúa đi vào lý luận của chúng ta, nhưng là chúng ta vào luận lý của Người. Điều này đòi hỏi một cuộc hành trình, đôi khi mệt mỏi, nhưng luôn có niềm vui đi cùng. Vì môn đệ Chúa là người có niềm vui đến từ Chúa. Bởi vì, chúng ta hãy nhớ rằng, lời đầu tiên Chúa nói là: phúc thay. Đây là từ đồng nghĩa với việc trở thành môn đệ Chúa Giêsu. Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của việc tự cho mình là trung tâm, giải thoát sự khép kín, làm mềm sự cứng cỏi của chúng ta, và mở ra cho chúng ta hạnh phúc thực sự, điều chúng ta thường tìm thấy ở nơi chúng ta không mong đợi. Chính Chúa hướng dẫn cuộc sống chúng ta, chứ không phải chúng ta với những dự tính và đòi hỏi của chúng ta. Sau cùng, môn đệ là người để Chúa hướng dẫn, là người mở lòng ra với Chúa Giêsu, lắng nghe và theo Người.
Rồi chúng ta có thể tự hỏi: liệu tôi có sẵn sàng trở thành môn đệ Chúa không? Hay tôi cư xử với sự cứng nhắc của người tin rằng mình đúng, tử tế, thành đạt? Tôi có cho phép một sự “đánh đổ bên trong” trước nghịch lý của các Mối Phúc, hay tôi vẫn ở trong giới hạn của những ý tưởng của riêng mình? Và rồi, ngoài những vất vả khó khăn, tôi có cảm nhận được niềm vui khi bước theo Chúa Giêsu không? Đây là đặc điểm nổi bật của người môn đệ: niềm vui tâm hồn. Chúng ta không được quên điều này: niềm vui tâm hồn. Và đây là dấu hiệu để biết ai là môn đệ Chúa.
Xin Đức Mẹ, người môn đệ đầu tiên của Chúa, giúp chúng ta sống như những môn đệ cởi mở và vui tươi.
Ngọc Yến – Vatican News