Monday of the Fifth Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mk 6:53-56
After making the crossing to the other side of the sea,
Jesus and his disciples came to land at Gennesaret
and tied up there.
As they were leaving the boat, people immediately recognized him.
They scurried about the surrounding country
and began to bring in the sick on mats
to wherever they heard he was.
Whatever villages or towns or countryside he entered,
they laid the sick in the marketplaces
and begged him that they might touch only the tassel on his cloak;
and as many as touched it were healed.
BÀI ĐỌC
Bài đọc 1 : 1 V 8,1-7.9-13
Các tư tế đưa Hòm Bia Giao Ước vào trong cung Đơ-via của Đền Thờ ; có đám mây toả đầy đền thờ Đức Chúa.
Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.
1 Bấy giờ vua Sa-lô-môn triệu tập bên mình, tại Giê-ru-sa-lem, các kỳ mục Ít-ra-en, gồm tất cả các người đứng đầu các chi tộc cùng các trưởng tộc con cái Ít-ra-en, để đưa Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa lên, từ Thành vua Đa-vít tức là Xi-on. 2 Mọi người Ít-ra-en tập hợp lại bên vua Sa-lô-môn trong tháng Ê-ta-nim tức là tháng thứ bảy để mừng Lễ. 3 Tất cả các kỳ mục Ít-ra-en đều tới ; các tư tế thì khiêng Hòm Bia, 4 và đưa Hòm Bia của Đức Chúa cũng như Lều Hội Ngộ và tất cả các vật dụng thánh trong Lều lên. Các tư tế và các thầy Lê-vi đưa những thứ ấy lên. 5 Vua Sa-lô-môn và toàn thể cộng đồng Ít-ra-en tụ họp lại bên cạnh vua trước Hòm Bia, sát tế chiên bò nhiều vô kể, không sao đếm nổi. 6 Các tư tế đưa Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa vào nơi đã dành sẵn trong cung Đơ-via của Đền Thờ, tức là Nơi Cực Thánh, dưới cánh các Kê-ru-bim. 7 Quả vậy, các Kê-ru-bim xoè cánh ra bên trên Hòm Bia, che phía trên Hòm Bia và các đòn khiêng. 9 Trong Hòm Bia không có gì ngoài hai Bia đá ông Mô-sê đã đặt vào đó, trên núi Khô-rếp, khi Đức Chúa lập Giao Ước với con cái Ít-ra-en vào thời họ ra khỏi đất Ai-cập.
10 Khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây toả đầy Đền Thờ Đức Chúa. 11 Các tư tế không thể tiếp tục thi hành nhiệm vụ được vì đám mây : quả thật, vinh quang Đức Chúa đã tràn ngập Đền Thờ Đức Chúa.
12 Bấy giờ vua Sa-lô-môn nói :
“Đức Chúa đã phán : Người sẽ ngự trong đám mây dày đặc. Vâng,
13 Con đã xây cho Ngài một ngôi nhà cao sang, một nơi để Ngài ngự muôn đời.”
Đáp ca : Tv 131,6-7.8-10 (Đ. c.8a)
Đ. Lạy Chúa, xin đứng dậy, ngự về chốn nghỉ ngơi.
6Này đây khi ở Ép-ra-tha,
chúng tôi đã nghe nói đến hòm bia,
chúng tôi tìm thấy hòm bia đó tại cánh đồng Gia-a.
7Nào ta tiến vào nơi Chúa ngự,
phủ phục trước bệ rồng.
Đ. Lạy Chúa, xin đứng dậy, ngự về chốn nghỉ ngơi.
8Lạy Chúa, xin đứng dậy, để cùng với hòm bia oai linh Chúa
ngự về chốn nghỉ ngơi.
9Ước chi hàng tư tế của Ngài mặc lấy sự công chính,
kẻ hiếu trung với Ngài được cất tiếng hò reo.
10Vì vua Đa-vít, trung thần của Chúa,
xin đừng xua đuổi đấng Chúa đã xức dầu phong vương.
Đ. Lạy Chúa, xin đứng dậy, ngự về chốn nghỉ ngơi.
Tung hô Tin Mừng : x. Mt 4,23
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG : Mc 6,53-56
Bất cứ ai chạm đến Người, thì đều được khỏi.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
53 Khi ấy, qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. 54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. 55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. 56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người ; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.
SUY NIỆM
ĐỨC TIN VÀ HÀNH ĐỘNG
Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết (Gc 2, 17). Qua câu nói trên, thánh Giacôbê đã cho chúng ta thấy đời sống chứng tá của người có niềm tin là phải có những hành động cụ thể. Thật vậy, đức tin phải được cụ thể qua việc làm, chứ không thể nói suông ngoài môi miệng.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nghe biết về Đức Giêsu, dân chúng đã thể hiện niềm tin của mình một cách mạnh mẽ. Họ đã đặt những kẻ ốm đau ngoài đường ngoài chợ, và mong muốn chạm được vào Đức Giêsu, dù chỉ là tua áo của Người mà thôi. Qua những hành động của niềm tin ấy họ đã được khỏi bệnh.
Chúng ta là những Kitô hữu đang trên đường lữ hành hướng về quê trời. Chúng ta được mời gọi làm chứng cho Nước Chúa với một niềm tin mạnh mẽ qua lời nói và việc làm. Ngõ hầu, chúng ta có thể trở thành những chứng nhân trung thành của Chúa trên bước đường lữ hành trần thế này.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin đồng hành cùng chúng con. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Giữa chúng ta và các thánh trên trời có sự liên kết không thể bị phá huỷ
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến,
Trong những tuần gần đây chúng ta đã có thể hiểu sâu sắc hơn về thánh Giuse nhờ để cho mình được hướng dẫn bởi một số thông tin ít ỏi nhưng quan trọng được các Tin Mừng thuật lại, và cũng nhờ các đặc điểm trong nhân cách của ngài mà Giáo hội qua nhiều thế kỷ đã có thể nêu bật bằng kinh nguyện và lòng sùng kính. Bắt đầu từ chính “tình cảm chung” này, điều đã đồng hành với hình ảnh thánh Giuse trong lịch sử của Giáo hội, hôm nay tôi muốn tập trung vào một điều quan trọng về đức tin, điều có thể làm phong phú thêm đời sống Kitô giáo của chúng ta và cũng định hình mối quan hệ của chúng ta với các thánh và với những người thân yêu đã qua đời theo cách tốt nhất có thể: Tôi đang nói về sự hiệp thông của các thánh.
Các thánh không phải là người làm phép lạ, nhưng là Thiên Chúa
Đôi khi, ngay cả Kitô giáo cũng có thể rơi vào những hình thức sùng kính mà dường như phản ánh một não trạng ngoại giáo hơn là Kitô giáo. Sự khác biệt cơ bản chính là lời cầu nguyện của chúng ta và lòng sùng kính của các tín hữu không dựa trên sự tin tưởng vào một con người, vào một hình ảnh hoặc một vật thể, ngay cả khi chúng ta biết rằng chúng là thánh thiêng. Ngôn sứ Giêrêmia nhắc nhở chúng ta: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, […] phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa” (17,5.7). Ngay cả khi chúng ta hoàn toàn tin cậy vào lời chuyển cầu của một vị thánh, hay thậm chí là lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, thì sự tin cậy của chúng ta chỉ có giá trị trong mối quan hệ với Chúa Kitô. Con đường đến với vị thánh này hay với Đức Mẹ không dừng lại ở đó, nhưng trong tương quan với Chúa Kitô. Và mối dây liên kết chúng ta với Người và với nhau có một tên gọi cụ thể: “sự hiệp thông của các thánh”. Không phải các thánh là người làm phép lạ, mà chỉ có ân sủng của Thiên Chúa tác động qua họ. Các phép lạ được Thiên Chúa thực hiện, bởi ân sủng của Người ban qua một con người thánh thiện công chính. Một vị thánh là một người chuyển cầu, là người cầu nguyện cho chúng ta và chúng ta cầu nguyện với ngài, ngài cầu nguyện cho chúng ta và Chúa ban cho chúng ta ân sủng.
Sự hiệp thông của các thánh
Vậy “sự hiệp thông của các thánh” là gì? Đức Thánh Cha giải thích: Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo khẳng định: “Sự hiệp thông của các thánh là Giáo hội.” (số 946). Điều đó có nghĩa là gì? Có phải là Giáo hội được dành cho người hoàn hảo? Không. Nhưng có nghĩa nó là cộng đoàn của những tội nhân được cứu độ. Sự thánh thiện của chúng ta là hoa trái của tình yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện trong Đức Kitô, Đấng thánh hoá chúng ta bằng cách yêu thương chúng ta trong sự khốn cùng của chúng ta và cứu chúng ta khỏi điều đó.
Thánh Phaolô nói rằng luôn luôn tạ ơn Chúa đã kiến tạo chúng ta thành một thân thể duy nhất, trong đó Chúa Giêsu là đầu và chúng ta là chi thể (x. 1Cr 12,12). Hình ảnh thân thể này ngay lập tức giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của việc ràng buộc với nhau trong sự hiệp thông: Thánh Phaolô viết, “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,26-27).
Anh chị em thân mến, niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống của tôi ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cũng như niềm vui và nỗi buồn xảy ra trong cuộc sống của anh chị em bên cạnh cũng ảnh hưởng đến tôi. Tôi không thể dửng dưng với người khác bởi vì tất cả chúng ta ở trong một thân thể, trong sự hiệp thông. Theo nghĩa này, ngay cả tội lỗi của một cá nhân cũng luôn ảnh hưởng đến mọi người, và tình yêu của mỗi cá nhân ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nhờ sự hiệp thông của các thánh, mọi thành viên của Giáo hội đều gắn bó với tôi một cách sâu xa, và mối dây liên kết này bền chặt đến nỗi nó không thể bị phá huỷ ngay cả khi chết.
Thật vậy, sự hiệp thông của các thánh không chỉ bao gồm những anh chị em đang ở bên cạnh tôi vào thời điểm này trong lịch sử, mà còn liên quan đến những người đã kết thúc hành trình trần thế của họ và vượt qua ngưỡng cửa của cái chết. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nghĩ rằng trong Đức Kitô, không ai có thể thực sự tách chúng ta ra khỏi những người chúng ta yêu thương; chỉ thay đổi cách thức ở cùng với họ, nhưng không có gì và không ai có thể phá vỡ mối ràng buộc này. Sự hiệp thông của các thánh gắn kết cộng đồng các tín hữu trên mặt đất và trên trời lại với nhau.
Tình bạn với các thánh trên trời
Đức Thánh Cha giải thích thêm: Theo nghĩa này, tình bạn mà tôi có thể xây dựng với anh chị em bên cạnh tôi, tôi cũng có thể thiết lập với anh chị em trên trời. Các thánh là những người bạn mà chúng ta thường thiết lập quan hệ thân thiện. Điều mà chúng ta gọi là sự sùng kính, nó thực sự là một cách thể hiện tình yêu thương từ chính mối dây gắn kết chúng ta. Và chúng ta đều biết rằng chúng ta luôn có thể hướng về một người bạn, đặc biệt là khi chúng ta gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ. Tất cả chúng ta đều cần bạn bè; tất cả chúng ta đều cần những mối quan hệ có ý nghĩa để giúp chúng ta vượt qua cuộc sống. Chúa Giêsu cũng có những người bạn của mình, và ngài hướng về họ vào những thời điểm quyết định nhất của kinh nghiệm làm người của mình.
Trong lịch sử của Giáo hội, có một số điều không thay đổi, luôn đồng hành với cộng đoàn tín hữu: trước hết là tình cảm cao cả và mối dây liên kết rất bền chặt mà Giáo hội luôn có đối với Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta và cả sự tôn kính và tình cảm đặc biệt mà Giáo hội dành cho thánh Giuse. Sau cùng, Thiên Chúa giao phó cho thánh nhân những gì quý giá nhất của Người: Chúa Giêsu Con của Người và Đức Trinh Nữ Maria. Luôn luôn nhờ sự hiệp thông của các thánh mà chúng ta cảm thấy rằng các thánh nam nữ là những người bảo trợ chúng ta – vì tên chúng ta có, vì Giáo hội mà chúng ta thuộc về, vì nơi chúng ta sống, v.v. Và sự tin tưởng này luôn phải thúc đẩy chúng ta hướng về các ngài vào những thời điểm quyết định trong cuộc đời. Lòng sùng kính các thánh không phải là một điều ma thuật, không phải là mê tín dị đoan; nó chỉ đơn giản là nói chuyện với một người anh, một người chị đang ở trước nhan Chúa, người đã sống một cuộc đời công chính, một cuộc sống thánh thiện, một cuộc sống gươngmẫu, và giờ đây đang ở trước mặt Chúa. Tôi nói với người anh người chị này và xin các ngài chuyển cầu cho những điều tôi cần.
Cầu nguyện với thánh Giuse
Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý này bằng một lời cầu nguyện với thánh Giuse mà ngài đặc biệt gắn bó và đã đọc hàng ngày, trong nhiều năm. Ngài cho biết: Đây là kinh tôi tìm thấy trong sách kinh của các Nữ tu Chúa Giêsu và Mẹ Maria, vào những năm 1700. Nó thật hay, nhưng nó là một thách đố đối với người bạn này, người cha này, người bảo trợ chúng ta, thánh Giuse, hơn là một lời cầu nguyện.
Lạy cha thánh Giuse vinh hiển, quyền năng của ngài biến điều không thể thành có thể. Xin hãy đến giúp con trong những lúc đau khổ và khó khăn này. Xin hãy đặt dưới sự bảo vệ của ngài những tình huống nghiêm trọng và rắc rối mà con phó thác cho ngài, để chúng được giải quyết tốt đẹp.
Lạy Cha yêu dấu của con, con đặt tất cả sự tin tưởng của con ở nơi cha. Xin đừng để người ta nói rằng con đã cầu xin cha cách luống công, và vì cha có thể làm mọi việc với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin tỏ cho con thấy rằng lòng tốt của cha cũng vĩ đại như quyền năng của cha. Amen.
Hồng Thủy – Vatican News