Thánh Antôn, Viện phụ. Lễ nhớ
Memorial of Saint Anthony. Abbot
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mk 2:18-22
The disciples of John and of the Pharisees were accustomed to fast.
People came to Jesus and objected,
“Why do the disciples of John and the disciples of the Pharisees fast,
but your disciples do not fast?”
Jesus answered them,
“Can the wedding guests fast while the bridegroom is with them?
As long as they have the bridegroom with them they cannot fast.
But the days will come when the bridegroom is taken away from them,
and then they will fast on that day.
No one sews a piece of unshrunken cloth on an old cloak.
If he does, its fullness pulls away,
the new from the old, and the tear gets worse.
Likewise, no one pours new wine into old wineskins.
Otherwise, the wine will burst the skins,
and both the wine and the skins are ruined.
Rather, new wine is poured into fresh wineskins.”
BÀI ĐỌC
Bài đọc 1 : 1 Sm 15,16-23
Vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ.
Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.
16 Trong những ngày ấy, ông Sa-mu-en nói với vua Sa-un : “Thôi ! Tôi sẽ báo cho ngài biết điều Đức Chúa đã phán với tôi đêm qua.” Vua Sa-un bảo : “Xin ông cứ nói.” 17 Ông Sa-mu-en nói : “Dù ngài tự coi mình là nhỏ bé, ngài chẳng phải là đầu của các chi tộc Ít-ra-en sao ? Đức Chúa đã xức dầu phong ngài làm vua cai trị Ít-ra-en. 18 Đức Chúa đã sai ngài lên đường và phán : ‘Hãy đi, ngươi phải tru hiến quân tội lỗi là bọn A-ma-lếch ấy, và phải giao chiến với chúng cho đến khi tận diệt chúng.’ 19 Tại sao ngài đã không nghe theo tiếng Đức Chúa ? Tại sao ngài đã xông vào lấy chiến lợi phẩm và làm điều dữ trái mắt Đức Chúa ?” 20 Vua Sa-un nói với ông Sa-mu-en : “Tôi đã nghe theo tiếng Đức Chúa. Tôi đã đi theo con đường Đức Chúa sai tôi đi. Tôi đã đưa A-gác, vua A-ma-lếch về, và đã tru hiến A-ma-lếch. 21 Trong số chiến lợi phẩm là chiên dê và bò, trong số những vật bị tru hiến, dân đã lấy những con tốt nhất để làm hy lễ dâng Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, tại Ghin-gan.”
22 Ông Sa-mu-en nói :
“Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ
như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không ?
Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ,
lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu.
23Phản nghịch cũng có tội như bói toán,
ngoan cố là tội ác giống như thờ ngẫu tượng.
Bởi vì ngài đã gạt bỏ lời của Đức Chúa,
nên Người đã gạt bỏ ngài, không cho làm vua nữa.”
Đáp ca : Tv 49,8-9.16bc-17.21 và 23 (Đ. c.23b)
Đ. Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời.
8Ta chẳng trách cứ ngươi về hy lễ ;
lễ toàn thiêu của ngươi
hằng nghi ngút trước mặt Ta đêm ngày.
9Bò của ngươi, Ta nào có thiết ;
chiên của ngươi, chẳng lẽ Ta ham !
Đ. Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời.
16bcThánh chỉ của Ta, sao ngươi thường nhắc nhở,
mở miệng ra là chữ thánh ước trên môi ?
17Nhưng chính ngươi lại ghét điều sửa dạy,
lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng.
Đ. Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời.
21Ngươi làm thế, chẳng lẽ Ta thinh lặng,
ngươi tưởng rằng Ta cũng giống ngươi sao ?
Này đây Ta khiển trách,
những tội kia, Ta vạch rõ ngươi xem.
23Kẻ dâng lời tạ ơn làm hy lễ, sẽ làm hiển danh Ta.
Ai sống đời hoàn hảo,
Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời.
Đ. Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời.
Tung hô Tin Mừng : Hr 4,12
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG : Mc 2,18-22
Chàng rể còn ở với họ.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
18 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay ; có người đến hỏi Đức Giê-su : “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 19 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21 Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới !”
SUY NIỆM
SỐNG THEO LỜI CHÚA
Ăn chay là một thực hành phổ biến trong nhiều tôn giáo. Mỗi tôn giáo sẽ có những hình thức chay tịnh khác nhau và mang ý nghĩa cũng khác nhau. Để việc ăn chay mang lại giá trị, ta cần xác định ý nghĩa của việc ăn chay mà ta đang thực hiện.
Trong Tin Mừng hôm nay, có người hỏi Đức Giêsu tại sao môn đệ Người không ăn chay như môn đệ ông Gioan và Pharisêu. Và Đức Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới để trả lời. Tất nhiên, họ biết ứng xử thế nào cho phù hợp với tiệc cưới. Nhưng Người muốn nói đến một điều sâu xa hơn: đó là tiệc cưới Nước Trời với Người là chàng rể.
Qua câu trả lời, Đức Giêsu cho thấy ý nghĩa đích thực của việc ăn chay là tỏ lòng sám hối và chờ mong Đấng Mêsia, chứ không phải ăn chay với mục đích kiêu hãnh khoe khoang lối sống khắc khổ bên ngoài như những người Pharisêu. Và Đấng Mêsia, mà họ mong chờ, chính là Người! Do đó, thật hợp lý, các môn đệ Người không phải ăn chay khi Người đang hiện diện với họ.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin thêm sức cho chúng con nhận ra và sống theo lời Chúa dạy để mọi người nhận biết Chúa đang hiện diện trong đời sống chúng con. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Lao động là điều cần thiết để chúng ta tiến triển trên đường nên thánh
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Các thánh sử Mátthêu và Máccô gọi thánh Giuse là “thợ mộc” hay “người làm nghề mộc”. Trước đây chúng ta đã nghe rằng, khi nghe Chúa Giêsu nói, dân thành Nadarét đã tự hỏi: “Đây không phải là con của bác thợ mộc sao?” (13,55; xem Mc 6,3). Chúa Giêsu đã làm công việc của cha mình.
Thánh Giuse đã lao động vất vả
Đức Thánh Cha giải thích: Thuật ngữ tekton trong tiếng Hy Lạp, được sử dụng để chỉ nghề của thánh Giuse, đã được dịch theo nhiều cách khác nhau. Các Giáo phụ Latinh của Giáo hội gọi là “thợ mộc”. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng tại Palestine vào thời của Chúa Giêsu, gỗ không chỉ được sử dụng để làm các dụng cụ cày bừa và nhiều đồ đạc khác nhau, nhưng còn được dùng để xây những nhà có khung bằng gỗ và mái bậc thang làm bằng dầm nối với rui kèo và đất.
Do đó, “thợ mộc” hay “người làm nghề mộc” là một nghề chung, chỉ cả thợ mộc và thợ thủ công tham gia vào các hoạt động liên quan đến xây dựng. Đó là một công việc khá vất vả, phải làm việc với các vật liệu nặng như gỗ, đá và sắt. Xét về khía cạnh kinh tế, nghề đó không đảm bảo thu nhập cao, như có thể suy ra từ việc khi dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ, Đức Maria và thánh Giuse chỉ dâng đôi chim gáy hoặc một cặp bồ câu non (x. Lc 2,24), như Luật đã quy định cho người nghèo (x. Lv 12,8).
Chàng trai Giêsu đã học nghề này từ cha mình. Vì vậy, khi trưởng thành, Người bắt đầu rao giảng, những người hàng xóm ngạc nhiên hỏi: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” (Mt 13,54), và họ vấp phạm vì Người (xem câu 57), bởi vì Người là con bác thợ mộc nhưng lại ăn nói như một tiến sĩ luật, và họ bị sốc vì điều này.
Từ cuộc đời của thánh Giuse và Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nghĩ đến tất cả những người lao động trên thế giới, đặc biệt là những người làm công việc mệt nhọc trong các hầm mỏ và trong một số nhà máy; những người bị bóc lột vì làm việc lậu; những nạn nhân của lao động; những trẻ em bị buộc phải làm việc và những em bé lục tung thùng rác để tìm kiếm thứ gì đó dùng được để buôn bán …
Những công nhân bị bóc lột
Đức Thánh Cha nói tiếp: Xin cho phép tôi nhắc lại những gì tôi đã nói: những công nhân ẩn danh, những công nhân làm việc vất vả trong hầm mỏ và trong một số nhà máy: hãy nghĩ về họ. Hãy nghĩ đến những người bị bóc lột với công việc làm lậu, những người được trả lương lậu, một cách bí mật, không có lương hưu, không có bất cứ thứ gì. Và nếu bạn không làm việc, bạn không có sự an toàn. Và ngày nay rất nhiều việc làm lậu, rất nhiều. Hãy nghĩ đến những nạn nhân của lao động, những người bị tai nạn lao động.
Những trẻ em bị buộc phải làm việc
Nghĩ đến những trẻ em bị buộc phải làm việc, Đức Thánh Cha nói: điều này thật khủng khiếp! Một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi thì phải chơi, nhưng bị buộc phải lao động như người lớn! Trẻ em bị buộc phải làm việc. Và nghĩ đến những người, những người đáng thương, những người lục lọi trong các bãi rác để tìm kiếm thứ gì đó hữu ích để đổi chác: họ đi đến các bãi rác… Và ngài nhấn mạnh: Tất cả những người này là anh chị em của chúng ta, những người kiếm sống như thế này: họ không được cho nhân phẩm! Hãy suy nghĩ về điều này. Và điều này xảy ra ngày nay, trên thế giới, điều này xảy ra ngày nay.
Những người không có việc làm, bị tổn thương về nhân phẩm
Đức Thánh Cha cũng nghĩ đến những người không có việc làm: bao nhiêu người đi gõ cửa các nhà máy, xí nghiệp và hỏi: “Có việc gì để làm không?” – “Không, không có, không có…”. Thiếu việc làm. Và tôi cũng nghĩ đến những người cảm thấy bị tổn thương về nhân phẩm bởi vì họ không tìm được công việc này. Họ trở về nhà và được hỏi: “Đã tìm được việc gì chưa?” – “Không, không có gì… Tôi đến Caritas và mang bánh mì về”. Điều mang lại cho bạn phẩm giá không phải là mang bánh mì về nhà. Bạn có thể lấy bánh mì từ Caritas nhưng điều này không mang lại cho bạn phẩm giá.
Có thể kiếm được cơm bánh nhờ làm việc là có được phẩm giá
Và Đức Thánh Cha khẳng định: Những gì mang lại cho bạn phẩm giá là kiếm được cơm bánh, và nếu chúng ta không mang lại cho người dân của chúng ta, những người nam người nữ, khả năng kiếm được cơm bánh, thì đây là một bất công xã hội ở nơi đó, ở quốc gia đó, ở lục địa đó. Những người lãnh đạo phải cho mọi người cơ hội kiếm được cơm bánh của họ, bởi vì điều này mang lại cho họ phẩm giá. Công việc là sự xức dầu của phẩm giá. Và điều này là quan trọng.
Tưởng nhớ các gia đình
Nghĩ đến các gia đình, Đức Thánh Cha nói: Nhiều người trẻ, nhiều ông bố, bà mẹ trải qua thử thách khi không có một công việc cho phép họ sống cuộc sống yên ổn. Họ sống ngày qua ngày. Và việc tìm kiếm công việc thường trở nên tuyệt vọng đến mức khiến họ mất hết hy vọng và khát vọng sống. Trong thời kỳ đại dịch này, nhiều người đã mất việc làm – và một số, bị đè bẹp bởi một gánh nặng không thể chịu nổi, đã đi đến mức tự kết liễu mạng sống của mình. Ngày hôm nay tôi muốn tưởng nhớ từng người trong số họ và gia đình của họ. Chúng ta hãy thinh lặng giây lát để tưởng nhớ những người đàn ông, những phụ nữ tuyệt vọng vì không tìm được công việc.
Chúng ta làm việc với tinh thần nào?
Than phiền rằng chúng ta chưa quan tâm đủ đến thực tế rằng công việc là một thành phần thiết yếu trong đời sống con người, và cả trong con đường nên thánh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: lao động không chỉ để có được nguồn dinh dưỡng phù hợp: đó còn là nơi chúng ta thể hiện bản thân, cảm thấy mình có ích, và chúng ta học được bài học lớn về tính cụ thể, giúp đời sống tinh thần không trở thành chủ nghĩa duy linh. Tuy nhiên, thật không may, công việc thường trở thành con tin của sự bất công xã hội và thay vì là một phương tiện nhân bản hoá, nó trở thành một phần ngoại biên của cuộc sống.
Nhiều khi tôi tự hỏi: chúng ta làm công việc hàng ngày với tinh thần nào? Làm thế nào để chúng ta đối phó với sự mệt mỏi? Chúng ta có thấy hoạt động của chúng ta chỉ liên quan đến vận mệnh của chính mình hay với vận mệnh của người khác không? Trên thực tế, lao động là một cách thể hiện cá vị của chúng ta, mà bản chất của nó là sự tương quan. Và lao động cũng là một cách thể hiện sự sáng tạo của chúng ta: mỗi người đều làm việc theo cách riêng của mình, với phong cách riêng của mình; cùng một công việc nhưng với một phong cách khác nhau.
Phục hồi giá trị của lao động
Thật tuyệt vời khi nghĩ rằng chính Chúa Giêsu đã làm việc và ngài đã học được nghệ thuật này từ chính thánh Giuse. Hôm nay chúng ta phải tự hỏi bản thân rằng chúng ta có thể làm gì để phục hồi giá trị của lao động; và với tư cách là Giáo hội, chúng ta có thể đóng góp gì để lao động được thoát khỏi logic của lợi nhuận đơn thuần và có thể được sống như một quyền và nghĩa vụ cơ bản của con người, điều thể hiện và nâng cao phẩm giá của họ.
Cuối cùng Đức Thánh Cha mời gọi: Anh chị em thân mến, cầu nguyện cho tất cả những điều này, hôm nay tôi muốn cùng anh chị em đọc lại lời cầu nguyện mà thánh Phaolô VI đã dâng lên thánh Giuse vào ngày 1/5/1969:
Lạy thánh Giuse,
Quan thầy của Giáo hội!
ngài đã ở bên cạnh Ngôi Lời nhập thể,
ngài làm việc mỗi ngày để kiếm cơm bánh
và kín múc từ Người sức mạnh để sống và làm việc chăm chỉ;
ngài đã trải qua nỗi lo lắng cho tương lai,
sự cay đắng của nghèo đói, sự bấp bênh của công việc:
Ngày nay, ngài chiếu toả gương sáng của ngài,
khiêm hạ trước mặt người đời
nhưng cao trọng nhất trước mặt Thiên Chúa:
xin gìn giữ người lao động trong cuộc sống khó khăn hàng ngày của họ,
bảo vệ họ khỏi bị nản lòng,
khỏi bị nổi loạn cách tiêu cực,
và khỏi bị cám dỗ yêu thích khoái lạc;
và xin giữ hoà bình trên thế giới,
hoà bình mà chỉ có nó có thể bảo đảm sự phát triển của các dân tộc. Amen.
Hồng Thủy – Vatican News