Tuesday of the First Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mk 1:21-28
Jesus came to Capernaum with his followers,
and on the sabbath he entered the synagogue and taught.
The people were astonished at his teaching,
for he taught them as one having authority and not as the scribes.
In their synagogue was a man with an unclean spirit;
he cried out, “What have you to do with us, Jesus of Nazareth?
Have you come to destroy us?
I know who you are–the Holy One of God!”
Jesus rebuked him and said, “Quiet! Come out of him!”
The unclean spirit convulsed him and with a loud cry came out of him.
All were amazed and asked one another,
“What is this?
A new teaching with authority.
He commands even the unclean spirits and they obey him.”
His fame spread everywhere throughout the whole region of Galilee.
BÀI ĐỌC
Bài đọc 1 : 1 Sm 1,9-20
Đức Chúa đã nhớ đến bà An-na và bà đã sinh ra Sa-mu-en.
Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.
9 Hôm ấy, bà An-na đứng dậy sau khi đã ăn uống tại Si-lô. Tư tế Ê-li đang ngồi trên ghế ở cửa đền thờ Đức Chúa. 10 Tâm hồn cay đắng, bà cầu nguyện với Đức Chúa và khóc nức nở. 11 Bà khấn hứa rằng : “Lạy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó.”
12 Vì bà cầu nguyện lâu giờ trước nhan Đức Chúa, nên ông Ê-li để ý quan sát bà. 13 Bà An-na thầm thĩ trong lòng : chỉ có môi bà mấp máy, không ai nghe thấy tiếng bà. Ông Ê-li nghĩ rằng bà say rượu. 14 Ông Ê-li bảo bà : “Bà còn say đến bao giờ ? Hãy lo dã rượu đi !” 15 Bà An-na trả lời : “Không, thưa ngài, tôi chỉ là một người đàn bà tâm thần đau khổ. Tôi đã không uống rượu và đồ uống có men, mà chỉ thổ lộ tâm can trước nhan Đức Chúa. 16 Xin đừng coi nữ tỳ ngài đây là đứa vô lại : chỉ vì quá lo âu phiền muộn mà tôi đã cầu nguyện cho đến bây giờ.” 17 Ông Ê-li trả lời : “Bà hãy đi về bình an. Xin Thiên Chúa của Ít-ra-en ban cho bà điều bà đã xin Người !” 18 Bà thưa : “Ước chi nữ tỳ của ngài đây được đẹp lòng ngài !” Rồi người đàn bà ra đi ; bà dùng bữa, và nét mặt bà không còn như trước nữa.
19 Hôm sau, họ thức dậy từ sớm ; họ đến sụp lạy trước nhan Đức Chúa, rồi trở về nhà ở Ra-ma. Ông En-ca-na ăn ở với bà An-na, vợ mình, và Đức Chúa đã nhớ đến bà. 20 Ngày qua tháng lại, bà An-na thụ thai, sinh con trai và đặt tên cho nó là Sa-mu-en (nghĩa là Đức Chúa nhậm lời), vì bà nói : “Tôi đã xin Đức Chúa, và Người ban nó cho tôi.”
Đáp ca : 1 Sm 2,1.4-5.6-7.8abcd (Đ. x. c.1a)
Đ. Tâm hồn con hoan hỷ vì Chúa, là Đấng cứu độ con.
1Tâm hồn con hoan hỷ vì Chúa,
nhờ Chúa, con ngẩng đầu hiên ngang.
Con mở miệng nhạo báng quân thù :
Vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ.
Đ. Tâm hồn con hoan hỷ vì Chúa, là Đấng cứu độ con.
4Cung nỏ người hùng bị bẻ tan,
kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng.
5Người no phải làm mướn kiếm ăn,
còn kẻ đói được an nhàn thư thái.
Người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bảy,
mẹ nhiều con lại ủ rũ héo tàn.
Đ. Tâm hồn con hoan hỷ vì Chúa, là Đấng cứu độ con.
6Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử,
đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên.
7Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có,
Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao.
Đ. Tâm hồn con hoan hỷ vì Chúa, là Đấng cứu độ con.
8abcdKẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,
đặt ngồi chung với hàng quyền quý,
tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng.
Đ. Tâm hồn con hoan hỷ vì Chúa, là Đấng cứu độ con.
Tung hô Tin Mừng : x. 1 Tx 2,13
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em hãy đón nhận lời Thiên Chúa, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG : Mc 1,21-28
Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy : 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
SUY NIỆM
NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA
Người mẹ hết sức ngạc nhiên và hỏi sao con có thể chỉ chính xác vị trí của mình trong bức ảnh kỷ yếu. Đứa con trả lời: Vì con yêu mẹ.
Khi có tình cảm, người ta rất dễ nhận ra nhau. Thế nhưng Tin Mừng hôm nay, kẻ đầu tiên đứng ra tuyên xưng về Đức Giêsu lại là một thần ô uế. Nó vẫn luôn bị coi là thù địch của Thiên Chúa, nhưng giờ đây lại tin nhận Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Chắc chắn, sẽ chẳng có tình yêu nơi thần ô uế vì nó thuộc thế lực sự dữ và đối nghịch với Thiên Chúa, nhưng đó là chi tiết để nhắc nhớ mỗi người chúng ta.
Chúng ta được coi là con cái của Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta có nhận ra uy quyền nơi những lời rao giảng và việc làm của Người không? Chúng ta đã thực sự biết Người là ai không hay chỉ là những cảm nhận mù mờ được kể lại?
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết nhạy cảm hơn với Lời Chúa, biết bám vào Lời của Ngài để tìm ra hướng đi cho đời mình. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Niềm hy vọng đã hướng dẫn thế giới trong hai năm đại dịch
Nhận xét về hoạt động trong hai năm qua của Uỷ ban Vatican về Covid-19 của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, ông Alessio Pecorario, điều phối viên của Ủy ban nói rằng: “Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chính niềm hy vọng đã hướng dẫn thế giới trong hai năm qua”.
Trong cuộc phỏng vấn của Vatican News, ông Alessio Pecorario cho rằng, trong hai năm qua, với sự phức tạp, nếu đánh giá về tình hình thế giới so với lúc mới bắt đầu đại dịch, thì khó có thể nói tốt hơn hay tệ hơn. Nhưng đi vào cụ thể của các yếu tố tích cực và tiêu cực, chúng ta thấy rằng: Về mặt tiêu cực: theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, trong năm 2020 chi tiêu quân sự thế giới là 1.981 tỉ đô la, mức tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế năm 2008-2009. Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội thế giới giảm gần 5%.
Về mặt tích cực: Có một sự bùng nổ tình liên đới, chúng ta có thể thấy rõ “tính lây lan” của tình liên đới mạnh hơn sự lây lan của Covid. Điều này không có nghĩa đơn giản hoá tình hình thế giới ở những cụm từ “một nền chính trị xấu” và “một xã hội dân sự tốt”. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng công ích được sinh ra từ sự cộng tác của các bên có tiếng nói liên đới, và chính Uỷ ban Vatican về Covid-19 được Đức Thánh Cha xem là một thời điểm kết nối giữa các nhu cầu địa phương và sự điều hành thế giới, về một kế hoạch giữa khoa học và thần học, để cùng nhau thoát ra khỏi đại dịch trong một tình bạn xã hội.
Đối với Giáo hội, trong hai năm qua, Giáo hội cũng đã rút ra được bài học về các mô hình loan báo Tin Mừng mới. Đại dịch đã làm nổi bật sự cần thiết “hoán cải Giáo hội”, một “Giáo hội đi ra”, điều Đức Thánh Cha mong muốn. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục hành động như thế, để Giáo hội trưởng thành trong sự hiệp thông năng động, một Giáo hội hiệp hành.
Với tình hình hiện nay, điều quan tâm nhất của Uỷ ban Vatican về Covid-19 vẫn là sự tiếp cận bình đẳng vắc-xin. Theo nghĩa này, trước hết, Uỷ ban đã cùng với Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống đã đưa ra một tuyên bố chung có tên gọi “Vắc-xin cho tất cả”. Tiếp đến, về mặt chính trị, Uỷ ban đã triệu tập ngoại giao đoàn cạnh toà thánh để thảo luận và để giảm nhẹ những tác động của sự cạnh tranh xấu và phát triển một bầu khí bớt căng thẳng. Ngoài ra, để giúp mọi người nhận được thông tin đúng về tiêm chủng, Uỷ ban ủng hộ sáng kiến “các nữ tu đại sứ” cho các chương trình tiêm chủng. Thực tế, ở cấp địa phương các nữ tu là những người có thể trợ giúp vấn đề này.
Uỷ ban còn quan tâm đến các yếu tố khác nữa, như suy thoái kinh tế và nghèo đói, hệ sinh thái toàn diện, hoà bình và an ninh.
Theo ông Alessio Pecorario, với những kinh nghiệm của Uỷ ban, thì chìa khoá để thế giới có niềm hy vọng cho tương lai đó là việc cùng nhau bước đi của các tôn giáo, khoa học và chính trị, và cần đón nhận bài học giá trị nhất của đại dịch, đó là không ai được cứu một mình.
Ngọc Yến – Vatican News