THỨ TƯ TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
Thánh Gioan Boscô, Linh Mục. Lễ nhớ
Memorial of Saint John Bosco, Priest
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mk 6:1-6
Jesus departed from there and came to his native place,
accompanied by his disciples.
When the sabbath came he began to teach in the synagogue,
and many who heard him were astonished.
They said, “Where did this man get all this?
What kind of wisdom has been given him?
What mighty deeds are wrought by his hands!
Is he not the carpenter, the son of Mary,
and the brother of James and Joseph and Judas and Simon?
And are not his sisters here with us?”
And they took offense at him.
Jesus said to them,
“A prophet is not without honor except in his native place
and among his own kin and in his own house.”
So he was not able to perform any mighty deed there,
apart from curing a few sick people by laying his hands on them.
He was amazed at their lack of faith.
CÁC BÀI ĐỌC :
Ca nhập lễ : Tv 105,47
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,
xin Ngài thương cứu độ,
quy tụ chúng con về, từ giữa muôn dân nước,
để chúng con xưng tụng Thánh Danh
và được hiên ngang tán dương Ngài.
Bài đọc 1 : 2 Sm 24,2.9-17
Chính con đã phạm tội nặng khi kiểm tra dân số ; nhưng đàn chiên đó đã làm gì ?
Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.
2 Một hôm, vua Đa-vít bảo ông Giô-áp tướng chỉ huy quân lực, đang ở với vua : “Hãy rảo khắp các chi tộc Ít-ra-en, từ Đan tới Bơ-e Se-va, và điều tra nhân khẩu để ta biết dân số.” 9 Ông Giô-áp nộp cho vua con số của cuộc điều tra dân số : Ít-ra-en có tám trăm ngàn chiến binh biết tuốt gươm, và Giu-đa có năm trăm ngàn.
10 Vua Đa-vít áy náy trong lòng sau khi đã kiểm tra dân số như vậy. Vua Đa-vít thưa cùng Đức Chúa : “Con đã phạm tội nặng khi làm như thế. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ Ngài, vì con đã hành động rất ngu xuẩn.” 11 Sáng hôm sau, khi vua Đa-vít dậy, đã có lời Đức Chúa phán với ngôn sứ Gát, thầy chiêm của vua Đa-vít, rằng : 12 “Hãy đi nói với Đa-vít : Đức Chúa phán thế này : ‘Ta đưa ra cho ngươi ba điều. Ngươi hãy chọn lấy một trong ba, và Ta sẽ thực hiện cho ngươi.’” 13 Vậy ông Gát đến gặp vua Đa-vít, báo cho vua và nói : “Ngài muốn điều gì xảy ra : hoặc bảy năm đói trong toàn nước ngài, hoặc ba tháng chạy trốn trước mặt kẻ thù đuổi theo ngài, hoặc ba ngày ôn dịch ? Bây giờ xin ngài suy nghĩ xem tôi phải trả lời thế nào cho Đấng đã sai tôi.” 14 Vua Đa-vít nói với ông Gát : “Tôi lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Thà chúng ta sa vào tay Đức Chúa còn hơn, vì lòng thương của Người bao la, nhưng ước chi tôi đừng sa vào tay người phàm !”
15 Đức Chúa giáng ôn dịch xuống Ít-ra-en từ sáng hôm đó cho đến lúc đã định, và từ Đan tới Bơ-e Se-va, có bảy mươi ngàn người trong dân đã chết. 16 Thiên sứ đưa tay về phía Giê-ru-sa-lem để tàn phá thành, nhưng Đức Chúa hối tiếc vì tai hoạ đó, và Người bảo thiên sứ có nhiệm vụ tiêu diệt dân : “Đủ rồi ! Bây giờ rút tay lại.” Thiên sứ của Đức Chúa đang ở gần sân lúa của ông A-rau-na, người Giơ-vút. 17 Vua Đa-vít thưa với Đức Chúa, khi thấy thiên sứ có nhiệm vụ đánh phạt dân, ông nói : “Ngài coi, chính con đã phạm tội, chính con có lỗi ; nhưng đàn chiên đó đã làm gì ? Xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà cha con !”
Đáp ca : Tv 31,1-2.5.6.7 (Đ. x. c.5d)
Đ. Lạy Chúa, xin tha thứ tội vạ cho con.
1Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.
2Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.
Đ. Lạy Chúa, xin tha thứ tội vạ cho con.
5Lạy Chúa, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ : “Nào ta đi thú tội với Chúa”,
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.
Đ. Lạy Chúa, xin tha thứ tội vạ cho con.
6Vì thế, ai là người hiếu trung với Chúa
sẽ kêu cầu Ngài lúc gặp cảnh gian truân ;
cho dầu nước lũ có ngập tràn
cũng không dâng tới họ.
Đ. Lạy Chúa, xin tha thứ tội vạ cho con.
7Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo.
Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên
những khúc ca mừng con được giải thoát.
Đ. Lạy Chúa, xin tha thứ tội vạ cho con.
Tung hô Tin Mừng : Ga 10,27
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mc 6,1-6
Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
1 Khi ấy, Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói : “Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su bảo họ : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó ; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
Ca hiệp lễ : Tv 30,17-18
Lạy Chúa, xin toả ánh Tôn Nhan rạng ngời
trên tôi tớ Ngài đây,
và lấy tình thương mà cứu độ,
xin đừng để con phải nhục nhã,
vì đã kêu cầu Ngài.
SUY NIỆM
THÀNH KIẾN
Triết gia Jacques Rousseau nói rằng: “Tôi thà làm người đầy chuyện ngược đời hơn làm người đầy thành kiến”.
Kinh ngạc khi nhiều người gặp Đức Giêsu: “Bởi đâu ông ta được như thế?” Thành kiến của những người đồng hương đã không nhận ra niềm vui mà Đức Giêsu loan báo mà chỉ là một thái độ khinh miệt, chê bai. Họ biết Đức Giêsu nhưng lại không nhận ra Người. Bởi lẽ họ đã gắn mác và đóng khung Người trong định kiến của họ. Họ sẽ không bao giờ nhận ra Đức Giêsu và đón nhận những điều mới mẻ nếu họ không gạt bỏ những thành kiến có sẵn.
Thánh Gioan Bosco mà chúng ta mừng hôm nay đã nhận ra Chúa nơi các trẻ em vô gia cư và mồ côi ở chính quê hương của ngài. Gioan Bosco đã thực sự nhận ra Đức Giêsu nơi các thanh niên bụi đời và đã chinh phục bằng sự khiêm tốn và dịu hiền. Ngài có mùi chiên của mình.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin chúng con biết vất bỏ những thành kiến để đón nhận những điều mới mẻ của Lời Chúa. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
THÁNH GIOAN BOSCO
(1815 – 1888)
Thánh Gioan Boscô là một vị thánh nổi tiếng trong Giáo Hội vì những đóng góp to lớn của Ngài cũng như của Hội dòng do Ngài thiết lập trên khắp thế giới. Tên đầy đủ của Ngài là Giovanni Melchiorre Bosco. Ngài chào đời ngày 16 tháng 8 năm 1815 tại làng Becchi, thuộc tỉnh Piémont miền Bắc nước Ý, trong một gia đình nông dân nghèo. Cha Ngài là Phanxicô Bosco. Khi ông qua đời, Boscô mới lên hai tuổi. Như vậy Boscô đã phải mồ côi cha từ lúc hai tuổi. Mẹ Ngài là bà Magarita, một người đàn bà rất đạo đức, yêu lao động và rất ham thích việc cầu nguyện. Tuy phải làm lụng vất vả mới kiếm đủ tiền để nuôi con, nhưng không bao giờ bà sao lãng việc giáo dục con cái. Chính bà đã truyền thụ cho Bosco nhiều đức tính cao quý cũng như một trí tuệ thông minh sắc sảo, và một lòng đạo đức có chiều sâu. Chính nhờ đó mà sau này Don Boscô sớm có được một đời sống tốt lành thánh thiện trong công việc tông đồ.
Boscô đã không được may mắn hưởng những ngày thơ ấu êm đềm như các trẻ nhỏ cùng trạc tuổi. Bosco rất ham học hỏi, nhưng vì không có đủ tiền đi học nên cậu phải đến nhờ cha sở dạy cho. Nhưng rủi thay chỉ ít lâu sau cha sở lại qua đời.
Từ đó, để có tiền đi học, Boscô đã phải làm nhiều việc khác nhau như: chăn bò, làm công việc đồng áng, bồi bàn cà phê, may quần áo, may giày.v.v.. Mãi đến năm 11 tuổi, Don Boscô mới chính thức được bước chân đến trường. Và năm 16 tuổi Boscô đã vào được bậc trung học.
Từ nhỏ, Don Boscô đã có ý nguyện muốn dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì. Chính vì vậy, mà vào năm 1835, Ngài đã xin vào Đại chủng viện Torino. Ý nguyện của Ngài được chấp nhận và sáu năm sau Ngài được thụ phong linh mục. Và vào ngày 5 tháng 6 năm 1841 lúc đó ngài đã được 26 tuổi. Sau khi chịu chức, Ngài khởi đầu mục vụ tông đồ bằng cách đi thăm các trại giáo hóa dành cho các thanh thiếu niên phạm pháp tại Giáo phận Torino.
Cuối năm 1841, Ngài nhận nuôi dưỡng Bartôlômêô Garelli, một trẻ em vô gia cư. Dần dà, Ngài nhận nuôi thêm nhiều trẻ em vô gia cư hoặc mồ côi khác. Ban đầu, Ngài quy tụ các em để tổ chức vui chơi, tham dự Thánh Lễ và học giáo lý. Sau khi có nơi ăn chốn ở cố định ở Valdocco, Thành Torinô, Ngài đã cho xây nhà nội trú, mở các lớp dạy học và mở các xưởng dạy nghề cho các em. Số lượng trẻ em ngày càng đông, khiến công việc của Ngài ngày càng vất vả, nên có một lúc Ngài đã từng bị sưng phổi nặng nhưng rất may là cơn bệnh cũng đã qua.
Năm 1859, Gioan Bosco cùng với các đồng chí của mình chính thức thành lập Hội dòng của Thánh Phanxicô Đệ Salê (tiếng Latin: Societas Sancti Francisci Salesii), với hàm ý noi gương Đức ái Tông đồ, sự Hiền lành và lòng kiên nhẫn của thánh nhân. Ngày 25 tháng 3 năm 1855, Micae Rua trở thành tu sĩ đầu tiên với lời tuyên khấn dòng trọng thể. Năm 1860, Giuse Rossi trở thành sư huynh đầu tiên được đón nhận vào Dòng. Sau đó, ngày 14 tháng 6 năm 1862, 22 tu sĩ Salêdiêng khác đã thực hiện lời tuyên khấn.
Gioan Bosco cũng đã thành lập Dòng Con Đức Mẹ phù hộ (còn được gọi là Dòng Nữ Salêdiêng Don Bosco) vào ngày 5 tháng 8 năm 1872. Năm 1876, Ngài thành lập Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng. Ba Nhóm này và nhiều Nhóm khác được thành lập sau này liên kết với nhau thành một Gia đình, một tổ chức xã hội Công giáo thống nhất. Vào năm 1872, Ngài tiếp tục lập thêm hai hội dòng khác: Hội Đức Mẹ hằng Cứu giúp để bảo trợ ơn gọi linh mục; Hội Dòng nữ Salésienne nhằm giáo dục các em cô nhi. Các tổ chức này đã có tầm ảnh hưởng khắp nơi ngay khi Ngài còn tại thế.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, Gioan Bosco kiệt sức, lâm bệnh và qua đời ngày 31 tháng 1 năm 1888 tại Torino, hưởng thọ 73 tuổi. Để tưởng thưởng cho những công lao to lớn quí báu của Ngài với giáo hội và xã hội, Giáo Hội đã phong Ngài lên bậc chân phước ngày 2/6/1929 và ngày 1/4/1934 Đức Giáo hoàng Piô XI đã phong ngài lên bậc hiển thánh với biệt hiệu: CHA và THẦY của thanh thiếu niên.