THỨ NĂM TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Thursday of the Second Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mk 3:7-12
Jesus withdrew toward the sea with his disciples.
A large number of people followed from Galilee and from Judea.
Hearing what he was doing,
a large number of people came to him also from Jerusalem,
from Idumea, from beyond the Jordan,
and from the neighborhood of Tyre and Sidon.
He told his disciples to have a boat ready for him because of the crowd,
so that they would not crush him.
He had cured many and, as a result, those who had diseases
were pressing upon him to touch him.
And whenever unclean spirits saw him they would fall down before him
and shout, “You are the Son of God.”
He warned them sternly not to make him known.
CÁC BÀI ĐỌC :
Ca nhập lễ : Tv 65,4
Lạy Chúa, toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ,
và đàn ca mừng Chúa,
đàn ca mừng Thánh Danh,
lạy Chúa Trời cao cả.
Bài đọc 1 : 1 Sm 18,6-9 ; 19,1-7
Vua Sa-un, cha tôi, đang tìm cách giết anh.
Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.
18 6 Ngày ấy, khi ông Đa-vít hạ được tên Phi-li-tinh trở về, thì phụ nữ từ hết mọi thành của Ít-ra-en kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Sa-un, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. 7 Phụ nữ vui đùa ca hát rằng :
“Vua Sa-un hạ được hàng ngàn,
ông Đa-vít hàng vạn.”
8 Vua Sa-un giận lắm, và bực mình vì lời ấy. Vua nói : “Người ta cho Đa-vít hàng vạn, còn ta thì họ cho hàng ngàn. Nó chỉ còn thiếu ngôi vua nữa thôi !” 9 Từ ngày đó về sau, vua Sa-un nhìn Đa-vít với con mắt ghen tị.
19 1 Vua Sa-un nói với ông Giô-na-than, con vua, và với toàn thể triều thần về ý định giết ông Đa-vít. Nhưng ông Giô-na-than, con vua Sa-un, lại rất có cảm tình với ông Đa-vít. 2 Ông Giô-na-than báo cho ông Đa-vít rằng : “Vua Sa-un, cha tôi, đang tìm cách giết anh. Vậy sáng mai anh hãy coi chừng, hãy ở nơi kín đáo và ẩn mình đi. 3 Phần tôi, tôi sẽ đi ra, sẽ đứng cạnh cha tôi trong cánh đồng, nơi anh đang trốn, tôi sẽ nói với cha tôi về anh. Thấy thế nào, tôi sẽ báo cho anh.”
4 Ông Giô-na-than gặp vua Sa-un, cha mình, và nói tốt cho ông Đa-vít. Ông nói với vua : “Xin đức vua đừng phạm tội hại tôi tớ ngài là Đa-vít, vì anh ấy đã không phạm tội hại ngài, và các hành động của anh là điều rất lợi cho ngài. 5 Anh đã liều mạng hạ tên Phi-li-tinh, và Đức Chúa đã thắng lớn để bảo vệ toàn thể Ít-ra-en. Ngài đã thấy và đã vui mừng. Vậy sao ngài lại phạm tội đổ máu vô tội, mà vô cớ giết Đa-vít ?” 6 Vua Sa-un nghe theo lời ông Giô-na-than, vua thề rằng : “Có Đức Chúa hằng sống, ta thề : nó sẽ không bị giết.” 7 Ông Giô-na-than gọi ông Đa-vít đến và thuật lại tất cả những điều ấy ; rồi dẫn ông Đa-vít đến với vua Sa-un, và ông Đa-vít lại phục vụ vua như trước.
Đáp ca : Tv 55,2-3a.9-10ab.10c-11.12-13 (Đ. c.5bc)
Đ. Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và không còn sợ hãi.
2Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa,
vì người ta giày xéo thân con, và suốt ngày tấn công chèn ép.
3aĐịch thù con giày xéo suốt ngày,
bè lũ tấn công nhiều vô kể.
Đ. Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và không còn sợ hãi.
9Bước đường con lận đận, chính Ngài đã đếm rồi.
Xin lấy vò mà đựng nước mắt con.
Nào Ngài đã chẳng ghi tất cả vào sổ sách ?
10abĐịch thù phải tháo lui vào ngày tôi cầu cứu.
Đ. Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và không còn sợ hãi.
10cTôi biết rằng : Thiên Chúa ở bên tôi.
11Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và ca tụng lời Người ;
tôi ca tụng lời Chúa.
Đ. Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và không còn sợ hãi.
12Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và không còn sợ hãi ;
phàm nhân làm gì nổi được tôi ?
13Lạy Thiên Chúa, lời khấn hứa cùng Ngài, con xin giữ,
lễ tạ ơn, nguyện sẽ dâng Ngài.
Đ. Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và không còn sợ hãi.
Tung hô Tin Mừng : x. 2 Tm 1,10
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mc 3,7-12
Các thần ô uế kêu lên : Ông là Con Thiên Chúa. Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
7 Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ lui về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, 8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. 9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. 10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến tất cả những ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. 11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì phủ phục trước mặt Người và kêu lên : “Ông là Con Thiên Chúa !” 12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.
Ca hiệp lễ : Tv 22,5
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc
chén của con chan chứa rượu nồng.
SUY NIỆM
THEO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC GÌ?
Trong thời gian dịch bệnh Covid_19 bùng phát mạnh, các nhà thờ phải đóng cửa. Nhiều người khát khao được đến nhà thờ để cầu nguyện, mong có được trợ lực tinh thần để có sức đối diện với khó khăn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chỉ bằng vài câu ngắn gọn, thánh Máccô đã mở ra trong trí tưởng tượng của người đọc một đoàn người đông đảo từ khắp nơi, lũ lượt đến với Đức Giêsu. Có lẽ chính lời giảng và phép lạ Đức Giêsu đã thực hiện, là động lực khiến cho người ta sẵn sàng vượt đường xa để đến với Người. Trong đám đông ấy, tuy có người đến chỉ vì tò mò hay theo hiệu ứng đám đông. Cũng có những người đến với tính toán thực dụng, mong được khỏi một căn bệnh nan y nào đó. Nhưng chắc hẳn vẫn có những người đến với Chúa với lòng mộ mến.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta biết chạy đến với Chúa với tất cả con người của mình để được Chúa chữa lành và bổ sức cho.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đặt Chúa làm lẽ sống và là cùng đích cuộc đời chúng con. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 có chủ đề trích từ Tin Mừng Thánh Luca 10,27: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa người… và yêu thương anh em như chính mình”. Các tài liệu cử hành Tuần lễ này, do Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu và Hội đồng Giáo hội Thế giới ban hành, được chuẩn bị bởi một nhóm từ Burkina Faso, cùng với Cộng đồng Chemin Neuf – Con đường Mới.
Theo truyền thống, từ ngày 18 đến ngày 25/1, các Giáo hội Kitô ở Bắc bán cầu cử hành Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu. Ở Nam bán cầu, tháng Một là thời gian nghỉ hè nên các Giáo hội ở đây thường cử hành Tuần lễ cầu nguyện này vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống; ngày này cũng là ngày tượng trưng cho sự hiệp nhất của Giáo hội.
Một số thời điểm lịch sử của Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu được Cha Paul Wattson cử hành lần đầu tiên vào năm 1908 tại Graymoor, New York, khi ngài còn là một giáo sĩ Tin Lành. Năm sau đó, năm 1909, ngài đã cùng với cộng đoàn của ngài gia nhập Công giáo.
Năm 1935 viện phụ Paul Couturier ở Pháp đã cổ võ Tuần lễ quốc tế cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu dựa trên lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho hiệp nhất.
Năm 1958, Trung tâm Đại kết Hiệp nhất Kitô hữu của Lyon, Pháp, bắt đầu chuẩn bị tài liệu cho Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, với sự cộng tác của ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội.
Năm 1964, tại Giêrusalem, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Chính Thống Athenagoras I đã cùng nhau đọc kinh nguyện của Chúa Giêsu “xin cho tất cả họ được nên một” (Ga 17,21). Cùng năm này, Sắc lệnh về đại kết của Công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng cầu nguyện là linh hồn của Phong trào đại kết và khuyến khích cử hành Tuần lễ cầu nguyện.
Năm 1966, Ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng Giáo hội Thế giới và Ủy ban Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô hữu (ngày nay là Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô hữu) quyết định cùng nhau chuẩn bị văn bản chính thức của Tuần Cầu nguyện hàng năm.
Năm 1968, lần đầu tiên, Kinh nguyện cho sự hiệp nhất được cử hành dựa trên văn bản được phát triển với sự cộng tác giữa Ủy ban Đức tin và Hiến pháp và Ủy ban Cổ võ Sự Hiệp nhất các Kitô hữu.
Vào năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả những người đã được rửa tội cùng nhau thực hiện hành trình xây dựng một Giáo hội hiệp hành và trong đêm canh thức đại kết ngày 30/9/2023, trước giai đoạn đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16, ngài nhận xét: “Sự thinh lặng là điều cốt yếu trong hành trình hiệp nhất của các Kitô hữu. Trên thực tế, nó là nền tảng cho việc cầu nguyện, từ đó công cuộc đại kết bắt đầu và nếu không có cầu nguyện thì đại kết sẽ không có kết quả”.
Chủ đề của Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 có chủ đề trích từ Tin Mừng Thánh Luca 10,27: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa người… và yêu thương anh em như chính mình”. Các tài liệu cử hành Tuần lễ này, do Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu và Hội đồng Giáo hội Thế giới ban hành, được chuẩn bị bởi một nhóm từ Burkina Faso, cùng với Cộng đồng Chemin Neuf – Con đường Mới.
“Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi… và yêu thương tha nhân như chính mình”. Những lời này, được Chúa Giêsu nói với một thầy thông luật, và sau đó là dụ ngôn Người Samaria nhân hậu, giải thích ai là người lân cận của mình, là chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay. Các bản văn chú giải, lời cầu nguyện và hướng dẫn về cách cử hành Tuần lễ này đã được chuẩn bị bởi một nhóm đại kết đến từ Burkina Faso, dưới sự điều phối của cộng đồng Chemin Neuf địa phương. Các thành viên cho biết, sống kinh nghiệm làm việc cùng nhau này là một con đường thực sự của sự hoán cải đại kết, khiến họ nhận ra rằng tình yêu của Chúa Kitô hiệp nhất tất cả các Kitô hữu và mạnh mẽ hơn sự chia rẽ của họ.
Tình yêu là ‘DNA’ của đức tin Kitô giáo. Thiên Chúa là Tình Yêu và “tình yêu của Chúa Kitô đã quy tụ chúng ta nên một”. Chúng ta tìm thấy căn tính chung của mình trong cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa (x. Ga 3,16) và mặc khải căn tính đó cho thế giới qua cách chúng ta yêu thương nhau (Ga 3,16). Trong đoạn văn được chọn cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2024 (Lc 10,25-37), Chúa Giêsu tái khẳng định lời dạy truyền thống của người Do Thái từ sách Đệ nhị luật (6,5), “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng và hết tâm hồn và với hết sức lực của người”; và Sách Lê-vi 19,18b, “ngươi phải yêu tha nhân như chính mình”. Người luật sĩ trong đoạn Tin Mừng liền hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người lân cận của tôi?” Câu hỏi về nghĩa vụ yêu thương trong Kinh Thánh nên đạt đến mức nào là một vấn đề gây tranh cãi giữa các tiến sĩ luật. Theo truyền thống, nghĩa vụ này được cho là áp dụng đối với những người đồng hương Israel và người nước ngoài thường trú. Sau này, do ảnh hưởng của các cuộc xâm lược của các thế lực ngoại bang, điều răn này được hiểu là không áp dụng đối với người nước ngoài thuộc lực lượng chiếm đóng. Theo thời gian, Do Thái giáo bị phân mảnh nên đôi khi người ta hiểu rằng nó chỉ áp dụng cho phe phái cụ thể của một người. Do đó, câu hỏi mà thầy thông luật đặt ra cho Chúa Giêsu là một câu hỏi mang tính thách thức. Chúa Giêsu trả lời câu hỏi bằng một dụ ngôn minh họa tình yêu vượt xa những giới hạn mà người này mong đợi.
Nhiều tác giả Kitô giáo đầu tiên như Origen, Clement ở Alexandria, Gioan Kim Khẩu và Augustino đã nhìn thấy quỹ đạo của kế hoạch cứu rỗi thế giới của Thiên Chúa trong dụ ngôn này. Họ xem người đi từ Giêrusalem xuống là hình ảnh của Adam – tức là toàn thể nhân loại – từ thiên đường xuống thế gian này, với tất cả những nguy hiểm và đổ vỡ, và bọn cướp là hình ảnh của các thế lực thù địch trần thế đang tấn công chúng ta. Họ nhìn thấy chính Chúa Kitô là Đấng đã động lòng trắc ẩn, đã đến trợ giúp người đàn ông sắp chết, chữa trị các vết thương cho ông và đưa ông đến một quán trọ an toàn, nơi họ coi đó là hình ảnh của Giáo hội. Lời hứa trở lại của người Samari được coi là báo trước lời hứa tái lâm của Chúa.
Tình yêu dành cho tha nhân thôi thúc chúng ta giúp đỡ người khác
Các Kitô hữu được mời gọi hành động như Chúa Kitô trong việc yêu thương như người Samaria nhân hậu, bày tỏ lòng thương xót và cảm thông đối với những người đang cần giúp đỡ, bất kể căn tính tôn giáo, sắc tộc hay xã hội của họ. Không phải những căn tính chung sẽ thôi thúc chúng ta đến giúp đỡ người khác, mà là tình yêu dành cho ‘người lân cận’ của chúng ta. Tuy nhiên, tầm nhìn về tình yêu thương người lân cận mà Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta đang bị thử thách trên thế giới.
Chiến tranh ở nhiều khu vực, sự mất cân bằng trong quan hệ quốc tế và sự bất bình đẳng được tạo ra bởi những điều chỉnh về cơ cấu do các cường quốc phương Tây hoặc các tác nhân bên ngoài khác áp đặt, tất cả đều ngăn cản khả năng yêu thương như Chúa Kitô của chúng ta. Chính nhờ học cách yêu thương nhau bất kể sự khác biệt của chúng ta mà các Kitô hữu có thể trở thành những người lân cận như người Samaria trong Tin Mừng.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện để tất cả những người theo Người được nên một (x. Ga 17,21), và do đó các Kitô hữu không thể mất hy vọng hay ngừng cầu nguyện và hoạt động cho sự hiệp nhất. Họ được hiệp nhất bởi tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Kitô và bởi kinh nghiệm nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Họ nhận ra trải nghiệm đức tin này ở nơi nhau khi họ cùng nhau cầu nguyện, thờ phượng và phục vụ Chúa.
Thực trạng ở Burkina Faso
Tuy nhiên, sự chung sống xã hội không hề dễ dàng ở Burkina Faso, một quốc gia Tây Phi có 21 triệu người thuộc khoảng 60 nhóm dân tộc và nơi có khoảng 64% dân số theo đạo Hồi, 9% theo các tôn giáo truyền thống châu Phi và 26% theo Kitô giáo (20% Công giáo, 6% Tin lành). Sau cuộc tấn công của các chiến binh thánh chiến vào năm 2016, điều kiện an ninh và gắn kết xã hội ở nước này đã xấu đi rất nhiều. Sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố, tình trạng vô luật pháp và nạn buôn người đã khiến ba ngàn người thiệt mạng và gần hai triệu người phải di dời trong nước; hàng ngàn trường học và trung tâm y tế đã bị đóng cửa và phần lớn cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội bị phá hủy. Đặc biệt, các Giáo hội Kitô đã trở thành đối tượng của các cuộc tấn công vũ trang: các linh mục, mục sư và giáo lý viên đã bị giết, những người khác bị bắt cóc. Do khủng bố, hầu hết các nơi thờ phượng của Kitô giáo ở phía bắc, phía đông và tây bắc đất nước đã bị đóng cửa. Các cử hành vẫn còn có thể diễn ra chỉ ở các thành phố lớn và dưới sự bảo vệ của cảnh sát.
Tình liên đới giữa các tôn giáo
Trong bối cảnh này, bất chấp mọi thứ, một tình liên đới nhất định đang gia tăng giữa các tôn giáo và các nhà lãnh đạo của họ đang nỗ lực hướng tới sự hòa giải và gắn kết xã hội. Một ví dụ là Ủy ban đối thoại Kitô giáo-Hồi giáo của Hội đồng Giám mục Công giáo Burkina Faso-Niger, đang thực hiện một nỗ lực đáng chú ý nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nhóm sắc tộc khác nhau. Tình yêu thương tha nhân vượt trên mọi hệ phái đã được Chúa Giêsu truyền dạy đang bị thử thách nhưng chứng tá của các Kitô hữu dường như còn cần thiết hơn ở đất nước đó. Nơi các Kitô hữu ở Burkina Faso, theo văn bản giới thiệu Tuần lễ, có một mong muốn sống động và nhận thức về nhu cầu tái khám phá sự hiệp nhất của họ trong Chúa Kitô và các cộng đồng ý thức được rằng sự chia rẽ giữa các Kitô hữu không chỉ làm tổn thương Giáo hội, mà còn cả Chúa Kitô, và vì lý do này, họ đã xây dựng những nhịp cầu bằng cách dấn thân “một cách không thể thay đổi được để đi theo con đường tìm kiếm đại kết, nhờ đó lắng nghe Thần Khí của Chúa”.
Tài liệu cử hành Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024
Sau quá trình soạn thảo ban đầu, một nhóm quốc tế được cùng bổ nhiệm bởi Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu và Ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng các Giáo hội Thế giới đã gặp nhau tại Roma vào tháng 9/2022 để xem xét và soạn thảo cùng với nhóm biên tập địa phương, bản thảo cuối cùng của các văn bản cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay, hiện đã được xuất bản và có sẵn cho các Kitô hữu trên khắp thế giới. Các bản văn đó đề xuất tám mẫu cử hành Lời Chúa, được thiết kế để khuyến khích việc cầu nguyện chung cùng với anh chị em thuộc các hệ phái đức tin khác nhau hiện diện ở các vùng lãnh thổ khác nhau.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện để tất cả các môn đệ của Người nên một, nhưng con đường không hề dễ dàng. Tài liệu được chuẩn bị cho việc cử hành Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất nói rằng “sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa các Giáo hội và sự nghi ngờ lẫn nhau làm suy yếu cam kết thực hiện con đường đại kết. Một số người có thể lo sợ rằng đại kết sẽ dẫn đến việc đánh mất bản sắc hệ phái của họ và cản trở sự ‘phát triển’ của Giáo hội của họ”. Để đi trên con đường đại kết cần có sự tin tưởng và hy vọng. Các bản văn nói thêm rằng điều cần thiết là “các Giáo hội phải ngày càng đưa các sáng kiến đại kết vào kế hoạch mục vụ của mình và thúc đẩy việc đào tạo đại kết giữa các nhân viên mục vụ và tất cả các tín hữu. Một cuộc hoán cải đích thực về thiêng liêng, mục vụ và Giáo hội mà không cần chiêu dụ tín đồ là điều cần thiết cho cuộc đối thoại đại kết thực sự. Sự hiệp nhất của các Kitô hữu là một ân sủng để cầu xin Thiên Chúa trong lời cầu nguyện”.
Vatican News