CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH
The Epiphany of the Lord
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mt 2:1-12
When Jesus was born in Bethlehem of Judea,
in the days of King Herod,
behold, magi from the east arrived in Jerusalem, saying,
“Where is the newborn king of the Jews?
We saw his star at its rising
and have come to do him homage.”
When King Herod heard this,
he was greatly troubled,
and all Jerusalem with him.
Assembling all the chief priests and the scribes of the people,
He inquired of them where the Christ was to be born.
They said to him, “In Bethlehem of Judea,
for thus it has been written through the prophet:
And you, Bethlehem, land of Judah,
are by no means least among the rulers of Judah;
since from you shall come a ruler,
who is to shepherd my people Israel.”
Then Herod called the magi secretly
and ascertained from them the time of the star’s appearance.
He sent them to Bethlehem and said,
“Go and search diligently for the child.
When you have found him, bring me word,
that I too may go and do him homage.”
After their audience with the king they set out.
And behold, the star that they had seen at its rising preceded them,
until it came and stopped over the place where the child was.
They were overjoyed at seeing the star,
and on entering the house
they saw the child with Mary his mother.
They prostrated themselves and did him homage.
Then they opened their treasures
and offered him gifts of gold, frankincense, and myrrh.
And having been warned in a dream not to return to Herod,
they departed for their country by another way.
CÁC BÀI ĐỌC :
Ca nhập lễ : x. Ml 3,1 ; 1 Sb 19,12
Này Chúa Tể càn khôn ngự đến,
tay nắm trọn vương quyền,
thế lực và vinh quang
Bài đọc 1 : Is 60,1-6
Vinh quang của Đức Chúa chiếu toả trên ngươi.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
1Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa
như bình minh chiếu toả trên ngươi.
2Kìa bóng tối bao trùm mặt đất,
và mây mù phủ lấp chư dân ;
còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
3Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
4Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi :
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
5Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng dạ ngươi hớn hở tưng bừng,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
6Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha :
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.
Đáp ca : Tv 71,1-2.7-8.10-11.12-13 (Đ. x. c.11)
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
1Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
2để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
7Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị
tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
8Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
10Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
11Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
12Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
13chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.
Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
Bài đọc 2 : Ep 3,2-3a.5-6
Nay mầu nhiệm được mặc khải là các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
2 Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. 3a Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô. 5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. 6 Mầu nhiệm đó là : trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.
Tung hô Tin Mừng : Mt 2,2
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mt 2,1-12
Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi : “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời : “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : 6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”
7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng : “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Ca hiệp lễ : x. Mt 2,2
Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người
xuất hiện ở Phương Đông,
và chúng tôi mang của lễ đến bái thờ Người.
SUY NIỆM
BÁI LẠY HÀI NHI
Tục ngữ có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nghĩa là mọi việc do con người khởi sự và tính toán, nhưng thành công hay không là do bởi Trời. Điều đó thật đúng với câu chuyện của các nhà chiêm tinh và vua Hêrôđê hôm nay.
Thánh Mátthêu thuật lại việc các nhà chiêm tinh lên đường, đi đến bái lạy Hài Nhi với tấm lòng khát khao chân thành và một niềm xác tín rằng đây chính là vị Vua đáng tôn thờ. Còn vua Hêrôđê cũng muốn “bái lạy Hài Nhi”, nhưng với lòng mưu mô toan tính đầy nham hiểm. Cuối cùng, các nhà chiêm tinh đã hoàn thành được ước nguyện của mình, còn vua Hêrôđê thì vỡ mộng bởi việc giết Hài Nhi không thành.
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều có những tính toán riêng của mình. Nhưng, liệu những tính toán của chúng ta có đẹp lòng Thiên Chúa? Nhiều khi chúng ta đến nhà thờ mà lòng vẫn còn tính toán những chuyện thế gian. Chúng ta cần hướng nhìn lên Hài Nhi Giêsu để xin Người nâng đỡ, giúp lòng trí chúng ta hướng về Chúa với tấm lòng chân thành, như ba vua xưa đã cất công lên đường tìm kiếm Chúa.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con tâm hồn đơn sơ như các nhà đạo sĩ, để chúng con biết lên đường tìm đến Ngài là cội nguồn chân, thiện, mỹ. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
LỜI THÔNG BÁO LONG TRỌNG VỀ LỄ PHỤC SINH
VÀ NHỮNG NGÀY LỄ CHÍNH TRONG NĂM PHỤNG VỤ
được công bố vào ngày lễ Chúa Hiển linh
Lễ Chúa Hiển linh là lễ trọng cuối cùng trước khi bắt đầu chu kỳ Phục sinh. Theo truyền thống cổ xưa, vào ngày này, Giáo hoàng của Giáo hội Rôma ban hành lời thông báo ngày lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm, tại các nhà thờ chính tòa và các nhà thờ chính khác. Nhằm giúp các tín hữu hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa lễ Chúa Hiển linh và lễ Phục sinh và giữ một truyền thống của Giáo hội vào ngày lễ Chúa Hiển linh, Ủy ban Phụng tự xin giới thiệu bản văn “Thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ”.
NGUỒN GỐC
Trong lịch sử của Hội Thánh từ thời chưa có lịch, việc thông báo ngày lễ Phục sinh và những ngày lễ chính khác trong năm vào lễ Chúa Hiển linh là cần thiết để cộng đoàn biết trước, vì nhiều lễ trong năm phụng vụ phụ thuộc vào ngày lễ Phục sinh. Số ngày Chúa nhật sau lễ Chúa Hiển linh, ngày Thứ Tư Lễ Tro và số ngày Chúa nhật sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đều được tính liên quan đến lễ Phục sinh.
Mặc dù lịch phụng vụ hiện nay đều có ghi ngày lễ Phục sinh và những ngày lễ khác trong năm, nhưng lời thông báo long trọng này vào ngày lễ Chúa Hiển linh vẫn còn giá trị. Đây là lời nhắc nhở về tính cách trọng tâm của mầu nhiệm Phục sinh trong năm phụng vụ và tầm quan trọng của các mầu nhiệm đức tin lớn được cử hành hàng năm.
THỰC HÀNH
Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích trong bản Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, nguyên tắc và định hướng ban hành tháng 12 năm 2001 nhắc nhở rằng: “Nhiều truyền thống và những biểu hiện đích thực của lòng đạo đức bình dân đã được phát triển liên quan đến lễ Chúa Hiển linh, một lễ có nguồn gốc cổ xưa và giàu nội dung thiêng liêng […], trong đó có việc thông báo ngày lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm; việc công bố lời thông báo này ở nhiều nơi sẽ giúp các tín hữu nhận ra mối liên hệ giữa lễ Chúa Hiển linh và lễ Phục sinh, cũng như tất cả những ngày lễ chính luôn quy hướng về ngày lễ quan trọng nhất này của Kitô giáo” (số 118).
Vào mỗi năm, những ngày chính xác cho việc cử hành Thứ Tư Lễ Tro, lễ Phục sinh, lễ Chúa thăng thiên, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, và Chúa nhật I Mùa Vọng phải được cập nhật trong niên lịch phụng vụ. Những ngày tháng đó nằm trong bảng Những ngày cử hành chính trong năm phụng vụ ở phần Quy chế Tổng quát của Sách lễ Rôma. Công thức “Thông báo long trọng về lễ Phục Sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ” có trong phần Phụ lục Sách lễ Rôma ấn bản mẫu thứ ba (bản Latinh, trang 1247-1248).
Theo truyền thống, trong lễ Chúa Hiển linh, sau khi công bố Tin Mừng, linh mục, phó tế hoặc ca viên, sẽ đứng tại giảng đài xướng lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ theo công thức dưới đây, cộng đoàn đứng.
Sau đó, linh mục giảng như thường lệ.
Lời thông báo này có thể hát theo giai điệu tương tự như bài Exultet của đêm Vọng Phục sinh, nhằm loan báo niềm vui Phục sinh qua lời thông báo về ngày lễ quan trọng này.
BẢN VĂN CHO NĂM 2024
Ủy ban Phụng tự xin gửi bản Thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024 để các Giáo phận tùy nghi sử dụng:
Anh chị em thân mến,
anh chị em biết rằng:
nhờ Thiên Chúa rộng lòng thương xót,
chúng ta đã hân hoan mừng đại lễ Giáng sinh của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta thế nào;
thì hôm nay chúng tôi cũng thông báo cho anh chị em
tin vui về đại lễ Phục sinh của Đấng Cứu Độ chúng ta như thế:
– Ngày mười bốn tháng Hai là thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu Mùa Chay thánh;
– Ngày ba mươi mốt tháng Ba anh chị em sẽ vui mừng cử hành lễ Phục sinh của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta;
Nếu cử hành lễ Chúa thăng thiên vào thứ Năm:
– Ngày chín tháng Năm sẽ là lễ Chúa Giêsu lên trời;
Nếu lễ Chúa thăng thiên được chuyển sang Chúa nhật VII Phục sinh:
– Ngày mười hai tháng Năm sẽ là lễ Chúa Giêsu lên trời;
– Ngày mười chín tháng Năm là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống;
– Ngày hai tháng Sáu là lễ Mình và Máu thánh Chúa Kitô;
– Ngày hai mười bốn tháng Mười Một là lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ trụ;
– Ngày một tháng Mười Hai sẽ là Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, mong đợi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến.
Nguyện chúc Người danh dự và vinh quang đến muôn đời. Amen.