THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG, ngày 18 tháng 12
Monday of the Third Week of Advent
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mt 1:18-25
This is how the birth of Jesus Christ came about.
When his mother Mary was betrothed to Joseph,
but before they lived together,
she was found with child through the Holy Spirit.
Joseph her husband, since he was a righteous man,
yet unwilling to expose her to shame,
decided to divorce her quietly.
Such was his intention when, behold,
the angel of the Lord appeared to him in a dream and said,
“Joseph, son of David,
do not be afraid to take Mary your wife into your home.
For it is through the Holy Spirit
that this child has been conceived in her.
She will bear a son and you are to name him Jesus,
because he will save his people from their sins.”
All this took place to fulfill
what the Lord had said through the prophet:
Behold, the virgin shall be with child and bear a son,
and they shall name him Emmanuel,
which means “God is with us.”
When Joseph awoke,
he did as the angel of the Lord had commanded him
and took his wife into his home.
He had no relations with her until she bore a son,
and he named him Jesus.
Bài đọc :
Ca nhập lễ
Vua chúng ta là Đức Ki-tô ngự đến,
Người chính là Con Chiên sẽ đến,
như lời rao giảng của thánh Gio-an.
Bài đọc 1 : Gr 23,5-8
Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực.
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
5Này, sẽ tới những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa –
Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít
một chồi non chính trực.
Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi
trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh.
6Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Ít-ra-en được sống yên hàn.
Danh hiệu người ta tặng vua ấy
sẽ là : “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta.”
7 Vì thế, này đây sẽ tới những ngày -sấm ngôn của Đức Chúa- người ta không còn nói như sau nữa : “Nhân danh Đức Chúa hằng sống, Đấng đưa con cái Ít-ra-en lên khỏi đất Ai-cập !”, 8 nhưng sẽ nói : “Nhân danh Đức Chúa hằng sống, Đấng đã đưa dòng dõi nhà Ít-ra-en lên khỏi đất phương Bắc và khỏi mọi miền đất Người đã xua họ đến, để họ được cư ngụ trên đất của họ !”
Đáp ca : Tv 71,1-2.12-13.18-19 (Đ. x. c.7)
Đ. Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.
1Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
2để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
Đ. Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.
12Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
13chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.
Đ. Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.
18Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
19Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu !
Đ. Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.
Tung hô Tin Mừng
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa là thủ lãnh nhà Ít-ra-en, Ngài đã ban lề luật cho ông Mô-sê trên núi Xi-nai. Xin ngự đến mà ra tay cứu chuộc loài người. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mt 1,18-24
Đức Giê-su sinh làm con bà Ma-ri-a. Bà đã thành hôn với ông Giu-se, con cháu vua Đa-vít.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.
Ca hiệp lễ : Mt 1,23
Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai
và sinh hạ con trai.
Người ta sẽ gọi tên con trẻ
là Em-ma-nu-en,
nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
SUY NIỆM
TỈNH THỨC VÀ THI HÀNH
Như một khí cụ đắc lực trong tay người sử dụng, thánh Giuse đã được Thiên Chúa “chọn mặt gửi vàng”, cho làm người bảo trợ Đấng Thiên Sai. Ngài đã hoàn thành tốt đẹp sứ mạng cao cả ấy.
Đối với Thiên Chúa, thánh Giuse đã luôn tỉnh thức để lắng nghe và mau mắn thi hành Thánh ý. Dù hiểu hay không, ngài vẫn luôn sẵn sàng chờ đợi để thực hiện điều Thiên Chúa muốn nơi ngài. Đối với Đức Giêsu, ngài luôn hết mực chu toàn trách nhiệm của một người cha nuôi.
Đối với Đức Maria, dù không hiểu rõ điều Thiên Chúa làm cho Mẹ, nhưng ngài đã không tố giác, trái lại, vẫn tôn trọng Mẹ và cùng với Mẹ thực hiện mọi quyết định của Thiên Chúa, dù có phải trải qua biết bao thử thách gian nan cả vật chất lẫn tinh thần. Thánh nhân luôn tìm cách tốt nhất để lo liệu và chở che cho gia đình nhỏ được Thiên Chúa gửi trao cho sự coi sóc của ngài.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tỉnh thức và sẵn sàng trong khi chờ đợi Chúa đến. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Chúa Giêsu mời gọi mọi Kitô hữu mở lòng với Chúa và phục vụ tha nhân
Trong bài giáo lý cuối cùng về chủ đề say mê loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha suy tư về từ “Ép-pha-tha” có nghĩa là “hãy mở ra”. Ngài nói rằng đây là lời mời gọi cởi mở hoàn toàn để đón nhận lời loan báo về Chúa Giêsu và ra đi thi hành sứ vụ. Lời mời gọi “Ép-pha-tha”, “hãy mở ra”, cũng hướng đến các Kitô hữu chúng ta. Chúng ta hãy mở tai lắng nghe Lời Chúa, mở miệng công bố Lời Chúa, và mở lòng đón nhận tha nhân.
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 13/12/2023 Đức Thánh Cha đã kết thúc loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ, sau hành trình gần một năm với 30 bài. Trong hành trình này, Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta đã được Lời Chúa và cuộc sống của một số Kitô hữu, những mẫu mực của lòng say mê loan báo Tin Mừng, soi sáng cho chúng ta.
Trong bài giáo lý cuối cùng về chủ đề say mê loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha suy tư về từ “Ép-pha-tha” có nghĩa là “hãy mở ra”. Đó là câu nói mà vị chủ tế nói khi rửa tội, khi đồng thời chạm vào tai và môi của người được rửa tội. Đức Thánh Cha nói rằng đây là lời mời gọi cởi mở hoàn toàn để đón nhận lời loan báo về Chúa Giêsu và ra đi thi hành sứ vụ.
Đức Thánh Cha nói rằng lời mời gọi “Ép-pha-tha”, “hãy mở ra”, cũng hướng đến các Kitô hữu chúng ta. Chúng ta hãy để Chúa chạm vào và mở tai của chúng ta và giúp lưỡi của chúng ta không còn bị buộc chặt, để chúng loan báo sự hiện diện giải thoát và an ủi của Chúa cho mọi người, đặc biệt là những người đau khổ nhất. Chúng ta hãy mở tai lắng nghe Lời Chúa, mở miệng công bố Lời Chúa, và mở lòng đón nhận tha nhân.
Buổi tiếp kiến chung được bắt đầu với việc công bố đoạn Tin Mừng trích từ Tin Mừng Thánh Marco (7,31-35):
Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha!”, nghĩa là: “Hãy mở ra!” Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý nói về lòng nhiệt thành tông đồ. Trong loạt bài giáo lý này, chúng ta đã để cho Lời Chúa soi sáng cho chúng ta để nuôi dưỡng lòng say mê loan báo Tin Mừng. Lời loan báo Tin Mừng liên quan đến mọi Kitô hữu. Chúng ta hãy nghĩ đến sự kiện là trong Bí tích Rửa tội, vị chủ tế nói khi chạm vào tai và môi của người được rửa tội: “Xin Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho người điếc được nghe và người câm nói được, ban cho bạn được mau mắn lắng nghe lời Người và tuyên xưng đức tin của bạn”.
Câm và điếc: đóng kín trước lời mời gọi của Chúa
Và chúng ta đã nghe phép lạ của Chúa Giêsu. Thánh sử Marco mô tả rất nhiều về nơi xảy ra sự việc: hướng tới “biển hồ Galilê…”. Những vùng đất này có điểm chung nào? Đó là những nơi phần lớn dân ngoại sinh sống. Đó không phải là vùng lãnh thổ có người Do Thái sinh sống, mà chủ yếu là người ngoại giáo. Các môn đệ cùng đi với Người đến đó, nơi Chúa Giêsu có khả năng mở tai và mở miệng. Hiện tượng câm và điếc, trong Kinh Thánh, cũng có nghĩa ẩn dụ; chúng có nghĩa là khép kín trước lời kêu gọi của Thiên Chúa. Có tật điếc thể lý, nhưng trong Kinh Thánh nói đến bịnh điếc đối với Lời Chúa, và người câm là người không nói Lời Chúa.
“Ép-pha-tha”: mở lòng ra với Lời Chúa và với việc phục vụ tha nhân
Đức Thánh Cha nói tiếp: Có một dấu hiệu khác chỉ dẫn cho chúng ta: Tin Mừng thuật lại những lời quyết định của Chúa Giêsu bằng tiếng Aramai. “Ép-pha-tha” có nghĩa là “hãy mở ra”, nghĩa là các đôi tai mở ra, là mở miệng. Đây là một lời mời gọi không nói với người câm điếc, là người không thể nghe thấy lời mời này, nhưng chính là dành cho các môn đệ khi đó và của mọi thời đại. Cả chúng ta nữa, những người đã nhận được “ép-pha-tha” (sự mở ra) của Chúa Thánh Thần trong Bí tích Rửa tội, cũng được mời gọi hãy cởi mở. “Hãy mở ra”, Chúa Giêsu nói với mọi tín hữu và với Giáo hội của Người: hãy mở ra bởi vì thông điệp Tin Mừng cần bạn để được làm chứng và được công bố! Và điều này cũng khiến chúng ta suy nghĩ về thái độ của người Kitô hữu: người Kitô hữu phải mở lòng ra với Lời Chúa và với việc phục vụ tha nhân. Những Kitô hữu khép kín luôn có kết cục tồi tệ, bởi vì họ không phải là Kitô hữu, họ là những nhà tư tưởng, những nhà tư tưởng khép kín. Người Kitô hữu phải cởi mở: trong việc loan báo Lời Chúa, trong việc chào đón anh chị em. Và vì lý do này, “ép-pha-tha”, việc “hãy mở ra” này, cởi mở chính mình, là một lời mời gọi tất cả chúng ta.
Ở cuối các Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng truyền cho chúng ta ước muốn truyền giáo này của Người: hãy đi, đi chăm sóc đoàn chiên, đi rao giảng Tin Mừng.
Tôi có thực sự yêu mến Chúa đến mức muốn loan báo về Người không?
Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta hãy cảm thấy mình được mời gọi, vì đã được lãnh nhận bí tích rửa tội, làm chứng và loan báo về Chúa Giêsu. Và là một Giáo hội, chúng ta cầu xin ơn biết thực hiện một cuộc hoán cải mục vụ và truyền giáo. Trên bờ Biển hồ Galilê, Chúa hỏi Phêrô có yêu mến Người không rồi bảo ông chăm sóc các con chiên của Người (xem câu 15-17). Chúng ta cũng hãy tự hỏi, mỗi người chúng ta tự đặt câu hỏi cho mình: tôi có thực sự yêu mến Chúa đến mức muốn loan báo về Người không? Tôi có muốn trở thành chứng nhân của Người hay tôi hài lòng là môn đệ của Người? Tôi có quan tâm đến những người tôi gặp gỡ, đưa họ đến với Chúa Giêsu trong cầu nguyện không? Tôi có muốn làm điều gì đó để niềm vui Tin Mừng, niềm vui đã biến đổi cuộc đời tôi, cũng có thể làm cho cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn không? Chúng ta hãy nghĩ về điều này, về các câu hỏi này và chúng ta tiến bước với việc làm chứng tá. Cám ơn anh chị em!
Kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Gaza
Vào cuối buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã lặp lại lời kêu gọi về việc chấm dứt chiến tranh ở Gaza. Ngài nói: “Tôi tiếp tục theo dõi cuộc xung đột ở Israel và Palestine với nhiều lo lắng và đau khổ. Tôi nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức: ở đó có quá nhiều đau khổ rồi”.
Đức Thánh Cha nói thêm: “Tôi khuyến khích tất cả các bên liên quan nối lại các cuộc đàm phán và kêu gọi mọi người thực hiện một cam kết khẩn cấp để nhận viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza”. Ngài nhấn mạnh rằng người dân Gaza thực sự cần điều đó.
Ngài cũng nhắc lại lời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tất cả các con tin Israel, khi nói rằng “Hãy để tất cả các con tin, những người đã nhìn thấy hy vọng vào lệnh ngừng bắn vài ngày trước, được trả tự do ngay lập tức, để nỗi đau khổ lớn lao này đối với người Israel và người Palestine có thể đến đi đến kết thúc”.
Đức Thánh Cha kết thúc với lời kêu gọi: “Xin nói không với vũ khí và nói có với hòa bình”.
Vatican News