LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, NĂM B

Third Sunday of Advent

SNG LI CHÚA

GOSPEL : JN 1:6-8,19-28

A man named John was sent from God.
He came for testimony, to testify to the light,
so that all might believe through him.
He was not the light,
but came to testify to the light.

And this is the testimony of John.
When the Jews from Jerusalem sent priests
and Levites to him
to ask him, “Who are you?”
He admitted and did not deny it,
but admitted, “I am not the Christ.”
So they asked him,
“What are you then? Are you Elijah?”
And he said, “I am not.”
“Are you the Prophet?”
He answered, “No.”
So they said to him,
“Who are you, so we can give an answer to those who sent us?
What do you have to say for yourself?”
He said:
“I am the voice of one crying out in the desert,
‘make straight the way of the Lord,
’”
as Isaiah the prophet said.”
Some Pharisees were also sent. 
They asked him,
“Why then do you baptize
if you are not the Christ or Elijah or the Prophet?”
John answered them,
“I baptize with water;
but there is one among you whom you do not recognize,
the one who is coming after me,
whose sandal strap I am not worthy to untie.”
This happened in Bethany across the Jordan,
where John was baptizing.

BÀI ĐỌC :

Ca nhập lễ : Pl 4,4.5

Anh em hãy vui luôn trong Chúa !

Tôi nhắc lại : Anh em hãy vui lên !

Vì Chúa đã đến gần.

Bài đọc 1 : Is 61,1-2a.10-11

Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,
băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
ngày phóng thích cho những tù nhân,
2acông bố một năm hồng ân của Đức Chúa,
một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta.
10Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao !
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
choàng cho tôi đức chính trực công minh,
như chú rể chỉnh tề khăn áo,
tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.
11Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc,
như vườn tược cho nở hạt sinh mầm,
Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính,
làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.

Đáp ca : Lc 1,46-48.49-50.53-54 (Đ. Is 61,10b)

Đ. Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao.

46Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.

Đ. Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao.

49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !
50Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Đ. Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao.

53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Đ. Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao.

Bài đọc 2 : 1 Tx 5,16-24

Thần trí, tâm hồn và thân xác anh em phải được gìn giữ vẹn toàn trong ngày Chúa quang lâm.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

16 Thưa anh em, anh em hãy vui mừng luôn mãi 17 và cầu nguyện không ngừng. 18 Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su.

19 Anh em đừng dập tắt Thần Khí. 20 Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. 21 Hãy cân nhắc mọi sự : điều gì tốt thì giữ ; 22 còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.

23 Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm. 24 Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành : Người sẽ thực hiện điều đó.

Tung hô Tin Mừng : Is 61,1 (x. Lc 4,18)

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Ga 1,6-8.19-28

Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

6Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

19 Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông : “Ông là ai ?” 20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng : “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” 21 Họ lại hỏi ông : “Vậy thì thế nào ? Ông có phải là ông Ê-li-a không ?” Ông nói : “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng ?” Ông đáp : “Không.” 22 Họ liền nói với ông : “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến ? Ông nói gì về chính ông ?” 23 Ông nói : “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” 24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông : “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ ?” 26 Ông Gio-an trả lời : “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” 28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

Ca hiệp lễ : x. Is 35,4

Hãy nói với những kẻ nhát gan :

“Can đảm lên, đừng sợ !

Này Thiên Chúa chúng ta

sẽ ngự đến cứu độ chúng ta.”

SUY NIỆM

ƠN GỌI VÀ SỨ MẠNG CỦA KITÔ HỮU

Qua Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thêm Sức, chúng ta được trao phó ơn gọi và sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng, loan báo Đấng Cứu Thế cho người khác. Cuộc đời và sứ mạng của Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta xét duyệt lại căn tính của mình, cách đặc biệt là trong Mùa Vọng này.

Căn tính của người Kitô hữu không phải nằm ở tấm thẻ căn cước chứng minh tôi là người Công giáo hay nằm trong sổ rửa tội, thêm sức hay hôn phối mà nằm trong chính đời sống chứng nhân của mỗi người. Căn tính Kitô hữu của chúng ta phải là nơi cho mọi người chú ý và tìm đến như Gioan Tẩy giả xưa. Chính căn tính đó sẽ quyết định vị thế của chúng ta giữa lòng nhân loại. Nhân loại sẽ chú ý và tìm đến chúng ta và điều họ cần là đời sống chứng nhân của chúng ta sẽ làm cho họ hiểu rõ hơn khuôn mặt của Đức Giêsu đang hiện diện giữa họ, đặc biệt là nơi những người cùng khốn, nghèo nàn và bệnh tật.

Vị thế đó chỉ được biết đến khi mỗi người chúng ta biết để cho Chúa được lớn lên chứ không phải là để danh tiếng của mình được đánh bóng, thổi phồng.  

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng mình chỉ là “tiếng hô” chứ không phải là “Lời”, là lời kêu gọi “dọn đường cho Chúa” chứ không phải là “đường”. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

ÁNH SÁNG CHO DÂN LẦN BƯỚC TRONG TĂM TỐI
(Suy tư Do Thái giáo về Giáng Sinh 2023)

WGPQN (14.12.2023) – Theo truyền thống rabbi (b. Rosh Hashanah 17b), Thiên Chúa có mười ba thuộc tính. Các rabbi đã lấy chúng từ sách Xuất Hành 34, 6 tt: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín!”. “Nhân nghĩa” được dịch từ hesed trong tiếng Do Thái, không có từ cùng gốc trực tiếp nào trong các ngôn ngữ khác. Nó đã được thể hiện bằng nhiều cách, gồm các ý niệm nhân nghĩa, lòng yêu thương nhân từ, lòng thương xót, ân sủng, món quà bất ngờ, và tình yêu thương giao ước.

Chúng tôi tìm thấy trong văn bản Talmul b. Sukkah 49b: “Các nhà hiền triết đã dạy rằng hành động hesed cao hơn hành động bác ái [tzingakah, cũng có thể được coi là công chính hoặc công bình] vì ba lý do: Bác ái chỉ có thể được thực hiện bằng tiền của một người, trong khi hành động hesed có thể được thực hiện bằng con người và tiền bạc của một người. Bác ái được thể hiện đối với người nghèo, trong khi hành động hesed được thực hiện cho cả người nghèo lẫn người giàu. Cuối cùng, bác ái được trao cho người sống, trong khi hành vi hesed được dành cho cả người sống lẫn kẻ chết”.

Các rabbi cũng mô tả tính cách của một người thể hiện hesed của Thiên Chúa. Một người như vậy được gọi là hasid. Rabbeinu Yonah Gerondi trong cuộc thảo luận Talmul của ông về Pirkei Avot (2:5:1; 2:8:5), cũng như Rabbi David Kimchi trong chú giải về Thánh Vịnh (4, 4), giải thích rằng một hasid là một người nối kết với mọi người vượt ra ngoài giới hạn của công lý theo sách vở và tìm cách bắt chước các nhân đức nhân hậu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Theo ý kiến của một nhà hiền triết khác, trở thành một hasid có nghĩa là đạt được những thuộc tính cao nhất của Chúa (b. Avodah Zarah 20b). Vì vậy, trong Giêrêmia 3,12, thay mặt Thiên Chúa, vị ngôn sứ tuyên bố: “Ta sẽ không sầm nét mặt trên các ngươi vì Ta nhân nghĩa [hasid] – sấm của Yavê – Ta sẽ không mang hờn mãi mãi” (bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn)

Là người Do Thái, Đức Giêsu hiểu tầm quan trọng của hesed như một nhân đức thần linh. Chẳng hạn, điều này được thấy rõ trong Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót (Mt 18, 21-35), trong câu nói của Ngài: “Hãy hoàn thiện như Cha các ngươi trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48), và trong câu Ngài dạy các môn đệ cầu nguyện: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con (Mt 6, 12). Những suy nghĩ này hiện lên trong tâm trí khi tôi thấy các bạn hữu Kitô giáo của mình đang chuẩn bị kỷ niệm ngày sinh của Đấng mà theo niềm tin của họ, đã mang Tin Mừng hesed của Thiên Chúa đến với thế giới bao la rộng lớn hơn.

Rủi thay, cả hesed lẫn tzingakah – lòng nhân nghĩa và lòng bác ái/công bằng – đều không phải là đặc điểm của thế giới chúng ta ngày nay. Hận thù và bạo lực làm mù quáng tâm trí và tinh thần của nhiều người, và thái độ hòa bình và hòa giải không thắng được sự điên loạn mang tính hủy diệt. Sự man rợ của thời đại chúng ta đã đầu độc tâm trí và làm tê liệt trái tim. Sau một đại dịch đau đớn giết chết hàng triệu người, bóng tối và sự bi quan dường như đã bao trùm nhân loại. Chính thiên nhiên dường như cũng phản đối sự thiếu quan tâm và thiếu tôn trọng của con người đối với nó.

Tôi tin rằng chúng ta đang sống trong thời đại đòi hỏi tất cả những ai trân trọng các thuộc tính thần linh hesed và tzingakah phải cùng nhau loan báo một thế giới mà trong đó vũ khí được đặt sang một bên và công lý hòa bình là cột trụ của hiện hữu.

Có một đoạn trong sách ngôn sứ Khabacúc mà các rabbi sau này trong b. Makkot 24a cho rằng đó là yếu tính luân lý của Kinh Thánh Do Thái (Cựu Ước). Câu đó, cũng là điều quan trọng trong Tân Ước Kitô giáo, có nội dung là: “người công chính [tzadik, từ tzedakah] thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình” (Khabacúc 2, 4). Ngôn sứ Isaia cũng nói về “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (9, 1[2]). Những tiếng hô này của các ngôn sứ thời xưa nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong thời kỳ đen tối, về tầm quan trọng của việc đi theo đường lối của lòng nhân hậu và công lý đầy lòng thương xót của Đấng luôn thành tín, Đấng ban sự sống cho chúng ta. Ánh sáng của Thiên Chúa soi sáng đường đi, chỉ cần chúng ta quay về hướng ánh sáng.

Cầu mong ánh sáng của Lễ Hanukkah[2] và Lễ Giáng sinh được thắp lên trong tháng này truyền cảm hứng cho các dân tộc để canh tân sự dâng tặng của chúng ta cho thế giới về một hesed đã được các ngôn sứ hình dung và Đức Giêsu loan báo.

Chúc mừng Giáng Sinh!

Rabbi Abraham Skorka[1]

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính – Chuyển ngữ từ: L’Osservatore Romano

Nguồn: gpquinhon.org


[1] Rabbi Abraham Skorka là Giáo sư Georgetown’s Center for Jewish Civilization (CJC), Washington DC[2]Hanukkah (tiếng Hípri: חנוכה), có nghĩa là “dâng tặng”, là một lễ hội truyền thống kéo dài tám ngày của dân Do Thái. Lễ hội bắt đầu vào ngày thứ 25 của tháng Kislev, vốn có thể rơi vào bất kỳ lúc nào giữa tháng 11 đến cuối tháng 12 dương lịch. Hanukkah còn có tên gọi là Lễ hội Ánh sáng. Đặc điểm nổi bật của lễ hội là người dân sẽ thắp một ngọn đèn vào mỗi đêm của lễ hội, cho đến đêm thứ 8 sẽ có 8 ngọn đèn được thắp sáng (theo Wikipedia).