LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

THỨ BẢY TUẦN I MÙA VỌNG

Saturday of the First Week of Advent

Matthew 9,35-38.10,1.6-8 | Digital Catholic Missionaries (DCM)

SNG LI CHÚA

GOSPEL : MT 9:35 – 10:1,5a,6-8

Jesus went around to all the towns and villages,
teaching in their synagogues,
proclaiming the Gospel of the Kingdom,
and curing every disease and illness. 
At the sight of the crowds, his heart was moved with pity for them
because they were troubled and abandoned,
like sheep without a shepherd.
Then he said to his disciples,
“The harvest is abundant but the laborers are few;
so ask the master of the harvest
to send out laborers for his harvest.” 

Then he summoned his Twelve disciples
and gave them authority over unclean spirits to drive them out
and to cure every disease and every illness. 

Jesus sent out these Twelve after instructing them thus,
“Go to the lost sheep of the house of Israel. 
As you go, make this proclamation: ‘The Kingdom of heaven is at hand.’ 
Cure the sick, raise the dead,
cleanse lepers, drive out demons.
Without cost you have received; without cost you are to give.”

Bài đọc :

Ca nhập lễ : Tv 79,4.2

Lạy Chúa là Đấng ngự trên các thần hộ giá,

xin đến và toả ánh tôn nhan rạng ngời,

để chúng con được ơn cứu độ.

Bài đọc 1 : Is 30,19-21.23-26

Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

19 Đức Chúa là Thiên Chúa, Đức Thánh của Ít-ra-en phán thế này :

Phải, hỡi dân Xi-on đang ở Giê-ru-sa-lem,
ngươi sẽ không còn phải khóc nữa.
Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi ;
nghe tiếng ngươi kêu là Người đáp lại.
20Chúa Thượng sẽ ban cho ngươi bánh ăn trong lúc ngặt nghèo
và nước uống trong cơn khốn quẫn.
Đấng dạy dỗ ngươi sẽ không còn lánh mặt,
và mắt ngươi sẽ thấy Đấng dạy dỗ ngươi.
21Khi ngươi lưỡng lự không biết quẹo phải hay trái,
tai ngươi sẽ được nghe một tiếng nói từ phía sau :
“Đây là đường, cứ đi theo đó !”
23Chúa sẽ làm mưa trên hạt giống ngươi gieo trồng,
cho lương thực, sản phẩm của đất đai,
thật dồi dào béo bổ.
Ngày đó, súc vật ngươi chăn nuôi
sẽ ăn trên những đồng cỏ xanh bát ngát.
24Bò lừa cày ruộng sẽ được ăn cỏ khô trộn muối,
cỏ người ta đã lấy xẻng và chĩa mà rải ra.
25Trong ngày đại tàn sát,
khi các ngọn tháp đổ nhào,
trên mọi núi và mọi đồi cao,
sẽ có những khe suối và dòng nước chảy.
26Vào ngày Đức Chúa băng bó vết thương cho dân Người,
và chữa lành những chỗ nó bị đánh,
ánh sáng mặt trăng sẽ nên như ánh sáng mặt trời,
và ánh sáng mặt trời sẽ tăng gấp bảy
– ánh sáng của bảy ngày.

Đáp ca : Tv 146,1-2.3-4.5-6 (Đ. Is 30,18)

Đ. Hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Chúa.

1Hãy ca ngợi Chúa đi !
Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào !
Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy !
2Chúa là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem,
quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về.

Đ. Hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Chúa.

3Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,
những vết thương, băng bó cho lành.
4Người ấn định con số các vì sao,
và đặt tên cho từng ngôi một.

Đ. Hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Chúa.

5Chúa chúng ta thật là cao cả,
uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường !
6Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy,
bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen.

Đ. Hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Chúa.

Tung hô Tin Mừng : Is 33,22

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Chúa là vị thẩm phán của chúng ta, là nhà lập pháp của chúng ta và là vua của chúng ta, chính Người sẽ cứu độ chúng ta. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Mt 9,35 – 10,1.6-8

Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

9 35 Khi ấy, Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

10 1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

6 Đức Giê-su sai các ông đi và chỉ thị rằng : “Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7 Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”

Ca hiệp lễ : Kh 22,12

Chúa phán : Này đây Ta đến ngay

và đem theo lương bổng

để trả cho ai nấy

tuỳ theo việc họ làm.

SUY NIỆM

SỨ MẠNG RAO GIẢNG

Khi lãnh Bí tích Rửa Tội, Kitô hữu được Thiên Chúa trao ban cho một sứ mạng, đó là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Điều này thể hiện bản chất của Giáo Hội Công giáo là truyền giáo.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã tuyển chọn mười hai vị Tông đồ. Các ông sẽ là những người tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ đến tận cùng trái đất. Đức Giêsu trao cho các ông nhiều quyền hành trên các thực thể tự nhiên và siêu nhiên. Trước hết, họ được kêu gọi đến với con chiên lạc Israel, hay nói cách khác là đến với những người lầm đường lạc lối, những con người đang tuyệt vọng trong một thế giới đau khổ và tội lỗi.

Trước thực tại như thế, các vị thừa sai được kêu gọi mang đến niềm hi vọng, niềm vui và hạnh phúc để khỏa lấp, xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn con người. Các sứ giả đã được Thiên Chúa yêu thương và ban nhiều ân sủng cách nhưng không, thì các sứ giả cũng thông chia ân sủng đó cho tha nhân cách nhưng không. Như vậy, Tin Mừng bình an có thể được lan tỏa trên toàn thế giới.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin cho con có tinh thần ra đi, để đem Tin Mừng cho mọi người theo lệnh truyền của Chúa. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

ĐTC Phanxicô: Học loan báo Tin Mừng cách sáng tạo
và đơn giản của Chúa Thánh Thần

Trong bài giáo lý tại buổi Tiếp kiến chung 6/12/2023, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng nếu không có Chúa Thánh Thần, lòng nhiệt thành tông đồ sẽ trở nên vô ích, lời loan báo sẽ trở thành của riêng chúng ta và sẽ không mang lại hoa trái đích thực. Chúa Thánh Thần khơi dậy sứ mạng một cách sáng tạo và đơn giản. Đây là hai điểm đặc biệt mà chúng ta cũng được kêu gọi thực hiện khi loan báo Tin Mừng.

Trong bài giáo lý Đức Thánh Cha trình bày đặc tính cốt yếu cuối cùng của lời loan báo Tin Mừng: phải được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, nhân vật chính của việc loan báo là Chúa Thánh Thần. Ngài nhấn mạnh rằng nếu không có Chúa Thánh Thần, lòng nhiệt thành tông đồ sẽ trở nên vô ích, lời loan báo sẽ trở thành của riêng chúng ta và sẽ không mang lại hoa trái đích thực. Giáo hội không công bố chính mình, nhưng công bố một ân sủng, một món quà, chính xác là “Quà tặng của Thiên Chúa”, là Thánh Thần của Chúa.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần khơi dậy sứ mạng một cách sáng tạo và đơn giản; hai điểm đặc biệt mà chúng ta cũng được kêu gọi để sống. Trước hết là tính sáng tạo mục vụ, để loan báo Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh và luôn tìm kiếm những con đường truyền giáo mới để gặp gỡ những người nam nữ của thời đại chúng ta. Và sự đơn giản nữa, bởi vì được Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng ta biết cách quay trở lại nguồn gốc của lời loan báo đầu tiên và truyền tải những điều cốt yếu của đức tin chúng ta, một cách tươi mới và nhiệt tình. Đó là “Chúa Giêsu Kitô, qua cái chết và sự phục sinh của Người, mặc khải và thông truyền cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Chúa Cha”.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Nếu không có Chúa Thánh Thần thì tất cả lòng nhiệt thành đều vô ích và mang tính tông đồ giả tạo

Anh chị em thân mến!

Trong các bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy rằng lời loan báo của Tin Mừng là niềm vuidành cho mọi người và phải được nói vào ngày hôm nay. Hôm nay chúng ta hãy khám phá ra một đặc tính cốt yếu cuối cùng: lời loan báo phải được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Thực ra, để “thông truyền Thiên Chúa”, sự đáng tin cậy đầy hân hoan của chứng tá, tính phổ quát của lời loan báo và tính hợp thời của thông điệp thôi chưa đủ. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì tất cả lòng nhiệt thành đều vô ích và mang tính tông đồ giả tạo: lời loan báo sẽ chỉ là của chúng ta và không mang lại kết quả

Giáo hội không loan báo về chính mình, nhưng về một ân sủng

Trong Tông huấn Evangelii gaudium – Niềm vui của Tin Mừng – tôi đã nhắc lại rằng “Chúa Giêsu là người loan báo Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất”; rằng “Trong mọi hoạt động loan báo Tin Mừng, vị trí hàng đầu luôn luôn thuộc về Thiên Chúa”, Đấng “kêu gọi chúng ta hợp tác với Người và dẫn đưa chúng ta đi tới bằng sức mạnh Thần Khí của Người” (số 12). Đây là vị trí hàng đầu của Chúa Thánh Thần! Vì thế, Chúa so sánh tính năng động của Nước Thiên Chúa với “một người gieo vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết” (Mc 4,26-27). Chúa Thánh Thần là nhân vật chính, Người luôn đi trước các nhà truyền giáo và làm trổ sinh hoa trái. Nhận thức này an ủi chúng ta rất nhiều! Và nó giúp chúng ta làm sáng tỏ một điều khác, cũng có tính quyết định không kém: đó là, trong lòng nhiệt thành tông đồ của mình, Giáo hội không loan báo về chính mình, nhưng về một ân sủng, một quà tặng và Chúa Thánh Thần chính là Quà tặng của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samaria (x. Ga 4,10).

Vai trò chính của Chúa Thánh Thần không được khiến chúng ta trở nên thụ động lười biếng

Đức Thánh Cha lưu ý: Tuy nhiên, vai trò chính của Chúa Thánh Thần không được khiến chúng ta trở nên thụ động lười biếng. Sự tin tưởng không biện minh cho việc không hoạt động. Sức sống của hạt giống có thể tự mọc lên không cho phép người nông dân bỏ bê ruộng đồng. Khi đưa ra những khuyến nghị cuối cùng trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nói: “Các con sẽ nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con, và các con sẽ là chứng nhân của Thầy […] cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Chúa không để lại cho chúng ta những tài liệu thần học hay một cẩm nang mục vụ để áp dụng, nhưng là Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng cho sứ vụ. Và sáng kiến can đảm mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta sẽ khiến chúng ta bắt chước phong cách của Người, một phong cách luôn có hai đặc điểm: sáng tạo và đơn giản.

Phong cách sáng tạo

Sự sáng tạo, để vui mừng loan báo Chúa Giêsu, cho mọi người và vào ngày hôm nay. Trong thời đại của chúng ta, thời đại không giúp chúng ta có cái nhìn tôn giáo về cuộc sống và trong đó việc loan báo Tin Mừng ở nhiều nơi trở nên khó khăn, mệt mỏi và dường như không có kết quả, có thể làm nảy sinh cám dỗ từ bỏ công việc mục vụ. Có thể là chúng ta ẩn náu trong những vùng an toàn, chẳng hạn như thói quen lặp đi lặp lại những việc chúng ta luôn làm, hoặc trong những lời mời gọi đầy cám dỗ của một nền tu đức hướng nội, hoặc thậm chí trong việc hiểu sai về tính trung tâm của phụng vụ. Chúng là những cơn cám dỗ đội lốt lòng trung thành với truyền thống, nhưng thường thì, thay vì đáp lại Thần Khí, chúng là những phản ứng của sự bất mãn cá nhân. Ngược lại, sự sáng tạo mục vụ, mạnh dạn trong Chúa Thánh Thần, nhiệt thành trong ngọn lửa truyền giáo, là bằng chứng về lòng trung thành với Người. Do đó, tôi đã viết rằng “Chúa Giêsu cũng có thể chọc thủng những phạm trù nhàm chán mà chúng ta dùng để giam hãm Người và Người luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên bằng sự sáng tạo thần linh của Người. Mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi trẻ của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra, với những hình thức biểu hiện khác nhau, những dấu chỉ và từ ngữ phong phú mang theo ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay” (Evangelii gaudium, 11).

Sự đơn giản

Do đó, trước hết là tính sáng tạo; và tiếp đến là sự đơn giản, chính xác là vì Chúa Thánh Thần đưa chúng ta đến nguồn cội, đến “lời loan báo đầu tiên”. Thực ra, “chính ngọn lửa của Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng bằng cái chết và sự phục sinh của Người mặc khải và thông truyền cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Chúa Cha” (ibid., 164). Đây là lời loan báo đầu tiên, điều “phải chiếm vị trí trung tâm của tất cả hoạt động loan báo Tin Mừng và mọi nỗ lực canh tân Giáo hội”; cần lặp đi lặp lại: “Chúa Giêsu Kitô yêu thương anh chị em, Người đã hiến mạng sống để cứu độ anh chị em; và bây giờ Người đang sống ở bên anh chị em mỗi ngày để soi sáng, củng cố và giải thoát anh chị em” (ibid).

Với Chúa Thánh Thần chúng ta không cần phải sợ hãi

Thưa anh chị em, chúng ta hãy để mình được Chúa Thánh Thần thu hút và cầu khẩn Người mỗi ngày; xin Người là nguyên lý cuộc sống và công việc của chúng ta; xin Người hiện diện vào lúc bắt đầu mỗi hoạt động, mỗi cuộc gặp gỡ, quy tụ và loan báo Tin Mừng. Người làm sinh động và làm trẻ hóa Giáo hội: với Người, chúng ta không cần phải sợ hãi, bởi vì Người, Đấng là sự hòa hợp, luôn giữ cho tính sáng tạo và sự đơn giản đi đôi với nhau, truyền cảm hứng cho sự hiệp thông và sai đi truyền giáo, mở ra cho sự đa dạng và đưa dẫn về sự hiệp nhất. Người là sức mạnh của chúng ta, là hơi thở của lời loan báo của chúng ta, là nguồn nhiệt huyết tông đồ. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.Vatican News