THỨ SÁU TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
Friday of the Thirty-fourth Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Lk 21:29-33
Jesus told his disciples a parable.
“Consider the fig tree and all the other trees.
When their buds burst open,
you see for yourselves and know that summer is now near;
in the same way, when you see these things happening,
know that the Kingdom of God is near.
Amen, I say to you, this generation will not pass away
until all these things have taken place.
Heaven and earth will pass away,
but my words will not pass away.”
Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 84,9
Điều Chúa phán là lời chúc bình an
cho dân Người, cho kẻ trung hiếu
và những ai hướng lòng trí về Người.
Bài đọc 1 : Đn 7,2-14
Có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Bài trích sách ngôn sứ Đa-ni-en.
2 Tôi là Đa-ni-en. Ban đêm, trong một thị kiến, tôi đang mải nhìn thì kìa : gió bốn phương trời khuấy động biển cả ; 3 bốn con thú lớn từ biển lên, mỗi con mỗi khác : 4 Con thứ nhất giống như sư tử, lại mang cánh đại bàng. Tôi nhìn theo cho đến khi đôi cánh của nó bị giựt mất ; nó được nhấc lên khỏi mặt đất và đặt đứng trên hai chân như một người ; nó được ban cho một quả tim người. 5 Và này một con thú khác, con thứ hai, giống như con gấu. Nó được đặt trong tư thế chỉ đứng một bên, mõm ngậm ba khúc xương sườn giữa hai hàm răng. Người ta bảo nó như thế này : “Đứng lên, ăn thịt cho nhiều đi !” 6 Sau đó, tôi đang nhìn, thì kìa : một con thú khác giống như con beo ; hai bên mình nó, có bốn cánh như cánh chim. Nó có bốn đầu, và được trao quyền thống trị. 7 Rồi vẫn trong thị kiến ban đêm, tôi đang nhìn thì kìa : con thú thứ tư đáng kinh đáng sợ và mạnh mẽ vô song ; răng của nó bằng sắt và rất to. Nó ăn, nó nghiền, rồi lấy chân chà đạp những gì còn sót lại. Nó khác hẳn tất cả các con thú trước. Nó có những mười sừng.
8 Tôi đang chăm chú nhìn các sừng, thì kìa : giữa các sừng này, một sừng khác, nhỏ hơn, mọc lên ; và ba cái trong các sừng trước bị nhổ đi trước mặt cái nhỏ. Và kìa : có những con mắt như mắt người trên sừng ấy, và có một cái mồm nói những điều quái gở.
9Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai
và một Đấng Lão Thành an toạ.
Áo Người trắng như tuyết,
tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền.
Ngai của Người toàn là ngọn lửa,
bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng.
10Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra.
Ngàn ngàn hầu hạ Người,
vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan.
Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra.
11 Bấy giờ tôi mải nhìn vì có tiếng ồn ào của cái sừng thốt ra những lời quái gở ; tôi vẫn mải nhìn khi con thú bị giết, thây nó bị huỷ diệt và làm mồi cho lửa. 12 Những con thú còn lại bị tước mất quyền thống trị, nhưng đời chúng được kéo dài thêm một thời và một kỳ hạn.
13Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa :
có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành
và được dẫn đưa tới trình diện.
14Đấng Lão Thành trao cho Người
quyền thống trị, vinh quang và vương vị ;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ
đều phải phụng sự Người.
Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu,
không bao giờ mai một ;
vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.
Đáp ca : Đn 3,75-78.79-81 (Đ. c.59b)
Đ. Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
75Chúc tụng Chúa đi, này đồi xanh núi biếc,
76chúc tụng Chúa đi, kìa hoa lá cỏ cây,
77chúc tụng Chúa đi, hỡi suối nước tràn đầy,
78chúc tụng Chúa đi, nào sông sâu biển cả.
Đ. Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
79Chúc tụng Chúa đi, kình ngư cùng thuỷ tộc,
80chúc tụng Chúa đi, hết mọi loài chim chóc,
81chúc tụng Chúa đi, gia súc lẫn thú rừng.
Đ. Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Tung hô Tin Mừng : Lc 21,28
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Lc 21,29-33
Khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
29 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn. Người nói : “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. 30 Khi nhìn cây đâm chồi, thì anh em biết là mùa hè đã gần đến. 31 Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. 32 Thầy bảo thật anh em : thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”
Ca hiệp lễ : Tv 116,1-2
Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa,
vì tình Chúa thương ta thật vững bền.
SUY NIỆM
TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA
Đức Giêsu dùng qui luật tự nhiên để liên hệ đến Triều Đại Thiên Chúa. Thật vậy, nếu con người biết nhìn vào các dấu chỉ tự nhiên để đoán biết quy luật tự nhiên, thì Đức Giêsu cũng mời gọi họ biết chăm chú học hỏi giáo huấn của Người để đoán biết những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa sẽ đến trong tương lai.
Dụ ngôn Cây Vả là một bài học điển hình cho đời sống đức tin của mỗi chúng ta. Rõ ràng, điểm sáng của dụ ngôn này chính là niềm hy vọng của người tin, tương phản với nỗi lo sợ, hoang mang của những ai không biết trông cậy vào Thiên Chúa.
Thực vậy, mỗi ngày, chúng ta thấy có biết bao sự kiện lớn nhỏ xảy ra trên thế giới hay nơi chính cuộc đời mỗi người. Mỗi sự kiện là một lời nhắc nhở chúng ta về thái độ tỉnh thức, và mời gọi chúng ta đặt đời mình theo ý muốn của Thiên Chúa.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khám phá ra Nước Thiên Chúa ngang qua những dấu chỉ của thời đại. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Kitô hữu phải lấp đầy các xã hội bi quan bằng niềm vui Tin Mừng
Đức Thánh Cha nhận định rằng chúng ta có thể dễ dàng nản lòng trong những thời điểm mà Thiên Chúa dường như không có chỗ đứng và những ước muốn sâu xa nhất của trái tim con người dường như bị dập tắt bởi nỗi ám ảnh về tiền bạc và quyền lực. Tuy nhiên, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa, đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ. Do đó, lòng nhiệt thành tông đồ thúc đẩy chúng ta tìm ra những cách thức mới để mang kho tàng đó đến những nơi chúng ta sống.
Dù sức khỏe chưa hoàn toàn bình phục và phải hủy chuyến đi Dubai vào cuối tuần nhưng Đức Thánh Cha vẫn hiện diện và chủ sự buổi Tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư ngày 29/11/2023.
Bài giáo lý được trình bày trong buổi Tiếp kiến chung có chủ đề là “Lời loan báo Tin Mừng cho hôm nay”, tiếp tục suy tư của hai bài giáo lý trước về Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, với lời kêu gọi công bố “niềm vui Tin Mừng” ở đây và bây giờ, thời đại hiện tại của chúng ta. Đức Thánh Cha nhận định rằng chúng ta có thể dễ dàng nản lòng trong những thời điểm mà Thiên Chúa dường như không có chỗ đứng và những ước muốn sâu xa nhất của trái tim con người dường như bị dập tắt bởi nỗi ám ảnh về tiền bạc và quyền lực. Tuy nhiên, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa, đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ. Do đó, lòng nhiệt thành tông đồ thúc đẩy chúng ta, những người đã nhận được ân sủng biến đổi của Lời Chúa và niềm vui của Tin Mừng, tìm ra những cách thức mới để mang kho tàng đó đến những nơi chúng ta sống, học tập và làm việc, và thể hiện bằng cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là qua sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng trong lời nói, tình yêu của Chúa Giêsu dành cho mỗi cá nhân.
Đức Thánh Cha mong ước rằng qua những cuộc gặp gỡ hàng ngày, chúng ta trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng và những người mang Tin Mừng, những người truyền cảm hứng cho tất cả những người chúng ta gặp gỡ để mở rộng cánh cửa tâm hồn cho Đấng Duy nhất có thể ban niềm vui và bình an hôm nay và mãi mãi.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến!
Trong những bài giáo lý vừa qua chúng ta đã thấy rằng lời loan báo của Kitô giáo là niềm vui và được dành cho mọi người; hôm nay chúng ta hãy xem xét khía cạnh thứ ba: sứ điệp Kitô giáo cho hôm nay (hiện tại).
Bi quan về ngày nay
Hầu như chúng ta luôn nghe thấy những điều không hay về ngày nay. Tất nhiên, với các cuộc chiến tranh, biến đổi khí hậu, những bất công và di cư trên hành tinh, những khủng hoảng gia đình và niềm hy vọng, không thiếu những lý do để lo lắng. Nhìn chung, thời đại hôm nay dường như đang bị ảnh hưởng bởi một nền văn hóa đặt cá nhân lên trên mọi người khác và đặt công nghệ ở trung tâm của mọi thứ, với khả năng giải quyết nhiều vấn đề và sự tiến bộ vượt bậc của nó trong nhiều lĩnh vực. Nhưng đồng thời, nền văn hóa tiến bộ kỹ thuật-cá nhân này dẫn đến việc khẳng định một thứ tự do không muốn đặt ra những giới hạn cho nó và tỏ ra thờ ơ với những người chậm lại phía sau. Và do đó, nó đặt những khát vọng lớn lao của con người vào lối lý luận thường là tham lam của nền kinh tế, với một quan niệm sống loại bỏ những người không sinh lợi và khó để nhìn xa hơn những gì trước mắt. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng chúng ta thấy mình đang ở trong nền văn minh đầu tiên trong lịch sử, một nền văn minh cố gắng tổ chức một xã hội loài người trên toàn cầu mà không có sự hiện diện của Thiên Chúa, tập trung vào các thành phố vĩ đại mà chỉ có chiều ngang, (chỉ có tính phàm trần), ngay cả khi chúng có những tòa nhà cao chọc trời đến chóng mặt.
Câu chuyện Babel với những tham vọng xưa và nay
Câu chuyện về thành phố Babel và ngọn tháp của nó hiện lên trong tâm trí (xem St 11,1-9). Nó kể lại một dự án xã hội đòi hỏi sự hy sinh mọi cá tính vì hiệu quả của tập thể. Nhân loại chỉ nói một ngôn ngữ – có thể nói rằng họ có một “lối suy nghĩ duy nhất” -, nó như thể được bọc trong một loại bùa chú chung có khả năng hấp thụ tính độc đáo của mỗi người vào trong một bong bóng của sự đồng nhất. Sau đó, Thiên Chúa làm xáo trộn các ngôn ngữ, nghĩa là Người thiết lập lại những khác biệt, Người tạo lại các điều kiện để phát triển tính duy nhất, Người phục hồi sự đa dạng nơi ý thức hệ muốn áp đặt cái duy nhất. Chúa cũng khiến nhân loại thoát khỏi cơn mê về sự toàn năng của nó: “chúng ta phải làm cho danh mình lẫy lừng”, những cư dân kiêu hãnh của Babel nói (c. 4), những người muốn vươn lên tới trời, đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa. Nhưng đó là những tham vọng nguy hiểm, tha hóa, mang tính hủy diệt, và bằng cách làm xáo trộn những kỳ vọng này, Chúa bảo vệ con người, ngăn chặn một thảm họa sắp xảy ra. Câu chuyện này thực sự có vẻ mang tính thời sự: ngay cả ngày nay, sự gắn kết, thay vì dựa trên tình huynh đệ và hòa bình, thường dựa trên tham vọng, chủ nghĩa dân tộc, sự tương hợp, các cơ cấu kinh tế kỹ thuật khắc sâu niềm tin rằng Thiên Chúa thì vô nghĩa và vô dụng: không phải bởi vì chúng ta tìm kiếm thêm kiến thức, nhưng trên hết là để có thêm quyền lực. Đó là một cơn cám dỗ tràn ngập những thách đố lớn lao của nền văn hóa ngày nay.
“Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ!”
Trong tông huấn Evangelii gaudium, tôi đã cố gắng mô tả một số thách đố (xem các số. 52-75), nhưng trên hết tôi mời gọi “một cách loan báo Tin Mừng có khả năng rọi ánh sáng vào những cách thức mới trong mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, với môi trường, và khơi dậy những giá trị căn bản. Nó phải đến được những nơi mà những câu chuyện và mô hình mới được hình thành, đem Lời Chúa Giêsu đến tần tầng thẳm sâu nhất của tâm hồn của các thành phố của chúng ta” (số 74). Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể rao giảng Chúa Giêsu bằng cách sống trong nền văn hóa của thời đại mình; và luôn luôn ghi nhớ trong lòng những lời của Thánh Phaolô nói về hiện tại: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ!” (2 Cr 6,2). Do đó, không cần thiết phải đối chiếu ngày nay với những tầm nhìn khác từ quá khứ. Cũng không đủ nếu chỉ nhắc lại những niềm tin tôn giáo đã có được, những điều dù đúng đến đâu, cũng trở nên trừu tượng với thời gian trôi qua. Một sự thật trở nên đáng tin cậy hơn không phải vì người ta lên tiếng nói lên điều đó, nhưng bởi vì nó được làm chứng bằng cuộc sống.
Chúng ta không được sợ đối thoại
Lòng nhiệt thành tông đồ không bao giờ là sự lặp lại đơn giản của một phong cách đã có, nhưng là chứng tá rằng Tin Mừng vẫn còn sống ở đây cho chúng ta ngày nay. Nhận thức được điều này, do đó chúng ta hãy xem thời đại và nền văn hóa của mình như một món quà. Chúng là của chúng ta và rao giảng Tin Mừng cho chúng không có nghĩa là phán xét chúng từ xa, thậm chí không đứng trên ban công hô vang tên Chúa Giêsu, nhưng đi xuống các con đường, đến những nơi chúng ta sống, thường xuyên đến những nơi chúng ta đau khổ, làm việc, học tập và suy tư, sống ở ngã tư nơi con người chia sẻ những gì có ý nghĩa đối với cuộc sống của họ. Nó có nghĩa là, như là một Giáo hội, là một loại men “đối thoại, gặp gỡ và hiệp nhất. Suy cho cùng, chính những công thức đức tin của chúng ta là kết quả của một cuộc đối thoại và gặp gỡ giữa các nền văn hóa, cộng đồng và hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta không được sợ đối thoại: ngược lại, chính sự so sánh và phê bình đã giúp chúng ta bảo vệ thần học khỏi bị biến thành ý thức hệ” (Bài phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc lần thứ V của Giáo hội Ý, Firenze, ngày 10 tháng 11 năm 2015).
Hoán cải việc mục vụ để thể hiện Tin Mừng cách tốt hơn trong thế giới ngày nay
Chúng ta cần phải ở ngã ba đường của ngày nay. Rời bỏ chúng có nghĩa là làm Tin Mừng nghèo đi và biến Giáo hội thành một giáo phái. Mặt khác, thường xuyên gặp gỡ họ giúp các Kitô hữu chúng ta hiểu một cách mới mẻ những lý do cho niềm hy vọng của chúng ta, để rút ra và chia sẻ “những điều mới và những điều cũ” từ kho tàng đức tin (Mt 13,52). Nói tóm lại, thay vì muốn hoán cải thế giới ngày nay, chúng ta cần hoán cải việc mục vụ để nó thể hiện Tin Mừng cách tốt hơn trong thế giới ngày nay (xem Evangelii gaudium, 25). Chúng ta hãy biến ước muốn của Chúa Giêsu thành ước muốn của mình: giúp những người bạn đồng hành của chúng ta không đánh mất lòng khao khát Thiên Chúa, nhưng mở lòng họ ra với Người và tìm thấy Đấng duy nhất, hôm nay và luôn luôn, mang lại bình an và niềm vui cho con người.Vatican News