The Fifth Day in the Octave of Christmas
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Lk 2:22-35
When the days were completed for their purification
according to the law of Moses,
the parents of Jesus took him up to Jerusalem
to present him to the Lord,
just as it is written in the law of the Lord,
Every male that opens the womb shall be consecrated to the Lord,
and to offer the sacrifice of
a pair of turtledoves or two young pigeons,
in accordance with the dictate in the law of the Lord.
Now there was a man in Jerusalem whose name was Simeon.
This man was righteous and devout,
awaiting the consolation of Israel,
and the Holy Spirit was upon him.
It had been revealed to him by the Holy Spirit
that he should not see death
before he had seen the Christ of the Lord.
He came in the Spirit into the temple;
and when the parents brought in the child Jesus
to perform the custom of the law in regard to him,
he took him into his arms and blessed God, saying:
“Lord, now let your servant go in peace;
your word has been fulfilled:
my own eyes have seen the salvation
which you prepared in the sight of every people,
a light to reveal you to the nations
and the glory of your people Israel.”
The child’s father and mother were amazed at what was said about him;
and Simeon blessed them and said to Mary his mother,
“Behold, this child is destined
for the fall and rise of many in Israel,
and to be a sign that will be contradicted
(and you yourself a sword will pierce)
so that the thoughts of many hearts may be revealed.”
BÀI ĐỌC
Bài đọc 1 : 1 Ga 2,3-11
Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.
3Anh em thân mến,
căn cứ vào điều này,
chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa :
đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người.
4Ai nói rằng mình biết Người
mà không tuân giữ các điều răn của Người,
đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.
5Còn hễ ai giữ lời Người dạy,
nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.
Căn cứ vào đó,
chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa.
6Ai nói rằng mình ở lại trong Người,
thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi.
7Anh em thân mến,
đây không phải là một điều răn mới
tôi viết cho anh em, nhưng là một điều răn cũ
mà anh em đã có ngay từ lúc khởi đầu.
Điều răn cũ ấy là lời mà anh em đã nghe.
8Nhưng đó cũng là một điều răn mới
tôi viết cho anh em, -điều ấy thật là thế
nơi Đức Giê-su và nơi anh em-,
bởi vì bóng tối đang qua đi và ánh sáng thật đã tỏ rạng.
9Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng
mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối.
10Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng,
và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm.
11Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối
và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu,
vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng.
Đáp ca : Tv 95,1-2a.2b-3.5b-6 (Đ. c.11a)
Đ. Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng.
1Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu !
2aHát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh !
Đ. Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng.
2bNgày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,
3kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công của Người.
Đ. Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng.
5bĐức Chúa là Đấng sáng tạo trời cao.
6Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ,
trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.
Đ. Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng.
Tung hô Tin Mừng : Lc 2,32
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Chúa. Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG : Lc 2,22-35
Ánh sáng soi đường cho dân ngoại.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
22 Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :
29“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”
SUY NIỆM
LÒNG TIN TƯỞNG
Người ta vẫn thường nói rằng: “Cuộc đời mỗi người là một câu chuyện mà trong đó chính mỗi người là tác giả. Câu chuyện của bạn hấp dẫn hay tẻ nhạt đều phụ thuộc ở chính bạn.”
Đức Maria, khi đón nhận thánh ý của Thiên Chúa qua lời truyền tin của sứ thần Gáprien, đã không tự ý viết tiếp câu chuyện đời mình nữa. Nhưng Mẹ đã để cho Thiên Chúa viết tiếp câu chuyện của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình bằng việc đón nhận mọi thử thách mà Chúa gửi đến với một lòng tin tưởng sắt son.
Lời tiên báo của cụ già Simêon hôm nay có thể làm cho Mẹ cảm thấy sợ hãi, nhưng không thể khiến Mẹ mất niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa. Bởi vì Mẹ luôn tin tưởng Chúa sẽ đặt bàn tay thánh thiện của Người trên Mẹ và đỡ nâng Mẹ giữa ngập tràn giông tố nơi biển đời. Nhờ tin tưởng vào bàn tay “tài hoa” của Thiên Chúa mà câu chuyện cuộc đời Mẹ trở nên thật hấp dẫn đến nỗi không một có một câu chuyện nào khác có thể sánh bằng.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con biết một lòng tin tưởng, phó thác cuộc đời mình nơi Chúa là Đấng toàn năng. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
ĐTC Phanxicô: Noi gương Thánh Gia đi từ “tôi” đến “bạn”
Chúa nhật 26/12, Lễ Thánh Gia, vào lúc 12 giờ trưa, từ cửa sổ Dinh Tông tòa, trước sự hiện diện của các tín hữu và khách hành hương, Đức Thánh Cha có bài giáo lý ngắn tập trung vào Tin Mừng Chúa nhật lễ Thánh Gia và chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin. Tiếp đến, ngài công bố thư gửi các vợ chồng, mời gọi mọi người cầu nguyện và chuẩn bị cho Cuộc Gặp gỡ các Gia đình Công giáo Thế giới sắp tới.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Gia Nazareth. Thiên Chúa đã chọn một gia đình khiêm tốn và đơn sơ để đến ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm vẻ đẹp mầu nhiệm này, đồng thời nhấn mạnh hai khía cạnh cụ thể cho gia đình chúng ta.
Chúa Giêsu là con của một lịch sử gia đình
Thứ nhất: gia đình là lịch sử, từ nơi đó chúng ta đến. Mỗi người chúng ta đều có một lịch sử riêng, không có ai sinh ra bằng một chiếc đũa thần, mỗi chúng ta có một lịch sử và một gia đình, từ đó chúng ta đến. Tin Mừng phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu cũng là con của một lịch sử gia đình. Chúng ta thấy Chúa đi lên Giêrusalem với Mẹ Maria và Thánh Giuse dịp Lễ Vượt Qua; sau đó Chúa làm cho cha mẹ lo lắng khi hai ông bà không thấy Chúa đâu; rồi khi tìm được, Chúa trở về nhà với hai ông bà (Lc 2,41-51). Thật là đẹp khi nhìn ngắm Chúa Giêsu được đưa vào gia đình, được sinh ra và lớn lên trong sự âu yếm và quan tâm của cha mẹ. Điều này đối với chúng ta cũng quan trọng. Chúng ta đến từ một lịch sử được đan xen bằng những tương quan tình thương. Có thể chúng ta không sinh ra trong một gia đình ngoại lệ, một gia đình không có vấn đề, nhưng đây là lịch sử của chúng ta – mỗi người phải nghĩ: đây là lịch sử của tôi-, đây là cội nguồn của chúng ta: nếu chúng ta cắt đứt chúng, cuộc sống sẽ khô héo! Chúa không tạo dựng chúng ta để trở thành những người lãnh đạo đơn độc, nhưng để cùng nhau bước đi. Chúng ta hãy cám ơn Chúa và cầu nguyện cho gia đình chúng ta. Thiên Chúa nghĩ đến chúng ta và muốn chúng ta cùng nhau: biết ơn, hiệp nhất, có khả năng giữ gìn cội nguồn. Chúng ta phải nghĩ đến điều này, đến chính lịch sử của chúng ta.
Cần học mỗi ngày để trở thành một gia đình
Khía cạnh thứ hai: cần phải học mỗi ngày để trở thành một gia đình. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy ngay cả trong Thánh Gia, mọi việc đều không suôn sẻ: có những vấn đề bất ngờ, lo lắng, đau khổ. Không có Thánh Gia của những bức tranh bé nhỏ. Đức Mẹ và Thánh Giuse đã bị lạc mất Chúa Giêsu và lo lắng tìm kiếm Người, và chỉ ba ngày sau đó hai ông bà mới tìm được Chúa. Và khi ngồi giữa các bậc thầy trong Đền thờ, Chúa trả lời rằng Chúa phải lo bổn phận của Cha, Đức Mẹ và Thánh Giuse không hiểu. Hai ông bà cần thời gian để học biết Chúa. Đối với chúng ta cũng vậy: hàng ngày, trong gia đình cần học cách lắng nghe và hiểu nhau, cùng nhau bước đi, cùng nhau đối diện với những xung đột và khó khăn. Đó là một thách đố hàng ngày, và vượt qua được nhờ thái độ đúng đắn, qua các cử chỉ đơn giản, quan tâm đến các chi tiết các mối tương quan của chúng ta. Và điều cũng giúp chúng ta rất nhiều là khi chúng ta nói chuyện với nhau tại bàn ăn. Việc cha mẹ, con cái, anh chị em nói chuyện với nhau sẽ giúp mọi người sống cội nguồn của gia đình, bắt nguồn từ ông bà, vì vậy cần phải nói chuyện với cả ông bà.
Trong gia đình, để giữ hoà thuận cần tránh cái “tôi”
Nhưng điều này được thực hiện như thế nào? Chúng ta hãy ngắm nhìn Đức Maria trong Tin Mừng hôm nay, Mẹ nói với Chúa Giêsu: “Cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con” (câu 48). Cha con và mẹ, không phải mẹ và cha con. Trước khi nói về mình, Đức Mẹ nhắc đến Thánh Giuse trước! Để bảo vệ sự hòa thuận trong gia đình, cần phải đấu tranh với sự độc tài của cái “tôi”. Thật nguy hiểm khi thay vì lắng nghe nhau, chúng ta lại trách móc nhau về lỗi lầm; khi thay vì có những cử chỉ quan tâm dành cho nhau, chúng ta lại tập trung vào những nhu cầu của mình; khi thay vì đối thoại, chúng ta tự cô lập mình với điện thoại, thật là buồn khi tại bàn ăn mỗi người với điện thoại, nói chuyện với điện thoại, không nói chuyện với nhau; khi chúng ta tố cáo nhau, luôn lặp lại những cụm từ giống nhau, diễn lại một cảnh cũ, trong đó mỗi người muốn là người có lý và rồi luôn kết thúc trong im lặng lạnh lùng. Tôi nhắc lại một lời khuyên: vào buổi tối, khi mọi thứ đã kết thúc, hãy làm hòa. Đừng bao giờ đi ngủ khi chưa làm hòa, nếu không hôm sau sẽ có “chiến tranh lạnh”! Và điều này thật nguy hiểm vì sẽ bắt đầu một câu chuyện trách móc, hờn giận. Đã bao lần, thật không may, xung đột bắt nguồn từ những bức tường gia đình do thời gian im lặng kéo dài và từ sự ích kỷ không được kiểm soát! Đôi khi điều này thậm chí kết thúc bằng bạo lực về thể chất và đạo đức. Điều này xé nát sự hòa hợp và giết chết gia đình. Chúng ta hãy hoán cải, biến đổi từ “tôi” thành “bạn”. Và mỗi ngày, xin hãy dành chút thời gian để cùng nhau cầu nguyện, xin Chúa ban bình an. Và tất cả chúng ta hãy dấn thân – cha mẹ, con cái, Giáo hội, xã hội – để nâng đỡ, bảo vệ và gìn giữ gia đình!
Xin Đức Trinh Nữ Maria, hôn thê của Thánh Giuse và Mẹ Chúa Giêsu nâng đỡ gia đình chúng ta.
Ngọc Yến – Vatican News