Fourth Sunday of Advent
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Lk 1:39-45
Mary set out
and traveled to the hill country in haste
to a town of Judah,
where she entered the house of Zechariah
and greeted Elizabeth.
When Elizabeth heard Mary’s greeting,
the infant leaped in her womb,
and Elizabeth, filled with the Holy Spirit,
cried out in a loud voice and said,
“Blessed are you among women,
and blessed is the fruit of your womb.
And how does this happen to me,
that the mother of my Lord should come to me?
For at the moment the sound of your greeting reached my ears,
the infant in my womb leaped for joy.
Blessed are you who believed
that what was spoken to you by the Lord
would be fulfilled.”
TIN MỪNG : Lc 1,39-45
Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. 42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
SUY NIỆM
SẺ CHIA
Người ta thường nói nỗi buồn được sẻ chia nỗi buồn vơi đi một nửa, niềm vui được sẻ chia niềm vui nhân lên gấp bội. Đức trinh nữ Maria đã đón nhận niềm vui là cung lòng Mẹ được trở nên ngai toà cho Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Qua đó, Mẹ trở thành Đấng Đầy Ơn Phúc vì có Chúa ở cùng. Mẹ đã không giữ niềm vui đó cho riêng mình, nhưng đã vội vã lên đường chia sẻ niềm vui ấy với người chị họ là bà Êlisabét và chung chia niềm vui với bà, vì bà cũng đang đón nhận ơn lành. Bà vốn bị mang tiếng là son sẻ nhưng nay đã được thụ thai vị Tiền Hô của Thiên Chúa trong lúc tuổi già. Đồng thời cũng là để chia sẻ những khó khăn, vất vả với bà khi mang thai ở tuổi xế chiều.
Sự vội vã lên đường của Đức Maria không chỉ đơn thuần là một cuộc viếng thăm mà còn là một dấu chỉ. Dấu chỉ của tình yêu và niềm vui loan báo Tin Mừng. Tình yêu thì vượt qua mọi khó khăn thử thách. Mẹ đã vội vã lên đường mà không ngại phận nữ nhi yếu đuối, vượt đường xá chông gai để đến thăm chị. Kế đến, việc loan báo Lời Chúa đòi hỏi sự cấp bách và không trì hoãn. Sự vội vã của Đức Maria chất chứa cả một niềm vui mừng và hạnh phúc, Mẹ không thể giữ lâu hơn được nữa, Mẹ muốn loan báo ngay, chia sẻ ngay nên Mẹ ra đi cách vội vã. Mẹ vội vã là bởi Mẹ ý thức được tầm quan trọng của Mầu Nhiệm Nhập Thể, lời hứa mà nhân loại khắc khoải mong chờ nay đã được thực hiện.
Biến cố Mẹ Maria đi thăm viếng bà Êlisabét là lời mời gọi chúng ta ý thức thân phận của mình. Chúng ta đã đón nhận hồng ân Thiên Chúa cách nhưng không thì chúng ta cũng phải biết cho đi cách nhưng không. Được làm con Chúa, chúng ta đã lãnh nhận biết bao hồng ân của Người, thì chúng ta cũng phải biết trao ban những hồng ân đó cho người khác để ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở nơi một cá nhân, dân tộc, đất nước nhưng cho mọi dân, mọi nước và mọi thụ tạo.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, chúng con đã được phúc mang Chúa vào lòng. Xin cho chúng con cũng biết mau mắn lên đường như Đức Maria để chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
MÙA VỌNG VỚI ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
WHĐ (16.12.2021) – Nếu bạn giống tôi, bạn sẽ nhận thấy bản thân mình rất thường khởi đầu mùa Vọng với một cái nhìn chán ngán và với một danh sách mua sắm còn dài hơn cả danh sách tặng quà của ông giá Noel. Bạn sẽ phải đi mua sắm, phải làm bánh, rồi gói quà, dọn dẹp và hàng tá thứ khác nữa, tất cả đều chi phối bạn. Tôi thậm chí còn chưa tính đến những việc thường ngày, những điều chẳng bị chi phối bởi những dịp đặc biệt.
Khoảng nhiều năm trước, tôi cảm thấy như thiếu một điều gì đó trong mùa Vọng của mình. Và một vài năm trở lại đây, tôi bắt đầu nhận ra điều đó là gì.
Mặc dù đã trang trí Giáng Sinh một tuần trước lễ, và luôn thừa nhận ngoài miệng về vẻ đáng yêu của mùa Vọng, nhưng tôi vẫn chưa chuẩn bị chính mình để đón chờ Đấng Cứu Độ của tôi vào ngày lễ Giáng Sinh.
Tôi đã không có ý định hướng về Đức Maria. Mẹ đã chỉ hiện diện ở đó, nơi Chúa chào đời. Mẹ đã rất trầm tĩnh và thanh thản. Mẹ thật khác biệt so với tôi và những gì tôi đã thể hiện.
Bạn nghĩ rằng Mẹ đã trải qua mùa Vọng của chính Mẹ vào năm ấy như thế nào, khi Hài Nhi Giêsu chào đời? Chúa Giêsu là sự hoàn tất của một thời gian chờ đợi, và nó lâu hơn nhiều so với bốn tuần mà chúng ta cử hành mỗi năm trước Giáng Sinh.
Có lẽ những kỳ vọng cho mùa Vọng của tôi không được như mong đợi. Thay vì khư khư toan tính cho những việc mua sắm, tất cả những lo toan, và tất cả những điều khả dĩ cho mùa Vọng, thì tôi nên dừng lại đôi chút.
Có lẽ, trong bất kì điều gì tôi chọn lựa để làm trong mùa Vọng này, tôi nên chắc chắn rằng ánh mắt của tôi luôn hướng về thiên đàng, và trái tim tôi đợi chờ trong sự cảm nếm trước một niềm hân hoan.
Năm nay, tôi sẽ làm ít hơn trong mùa Vọng. Trong hàng loạt các kế hoạch, tôi hy vọng sẽ hoàn thành việc mua sắm Giáng Sinh trước khi mùa Vọng bắt đầu.
Tôi không thích mua sắm. Tôi chưa bao giờ thích. Mặc dù trong cuộc sống, tôi sẽ lẽo đẽo theo các chị em, những người rất yêu mua sắm, nhưng tôi làm điều đó chỉ vì bạn bè, chứ không phải là để thỏa mãn cơn nghiện mua sắm giống như họ.
Vậy thì tại sao tôi lại để cho khuynh hướng chần chừ áp đảo sự căm ghét mua sắm nơi tôi? Tại sao tôi lại lưu tâm tới một công việc mà tôi ghét vào thời điểm mà tôi đang chuẩn bị để đón Đấng Cứu Thế?
Việc nhận ra sự thật nhỏ bé này – sự thật không nên lưu tâm tới những công việc mà tôi ghét trong mùa Vọng – đã mang đến một bước đột phá trong tôi. Bất thình lình, tôi được tự do, và có thể nhìn thấy mùa Vọng như một điều gì đó mới mẻ hơn là một khoảng thời gian đầy khiếp sợ.
Có lẽ bạn đang say sưa trong việc mua sắm cho Mùa Giáng Sinh. Quan điểm của tôi là khuyến khích bạn hãy nhớ đến lý do của mùa Vọng.
Mùa Vọng không phải là thời gian của Giáng Sinh. Mặc dù chúng ta bị bao quanh bởi những ông già Noel bằng nhựa, các vòng hoa, và tất cả những thứ lễ phục, trang sức khác,… nhưng chúng ta chỉ đang chuẩn bị cho Hài Nhi Giêsu.
Và Người vẫn chưa đến.
Trong sự ồn ào của thế giới này, tôi nhận thấy thật khó để nhớ rằng mùa Vọng là thời gian của sự thống hối và sự chuẩn bị. Mặc dù có thể có những bài thánh ca vang dội nơi các cửa hàng mua sắm, nhưng tôi không nhận thấy được bất kì sự thánh thiện nào ở đó.
Một vài năm trước, tôi đã cố thử một cái gì đó hơi đặc biệt. Tôi đã cất chiếc iPod của mình. Điều này thật không dễ, nhưng một điều gì đó đang mời gọi tôi thinh lặng, và trong bước tiến đó, tôi đã tìm thấy một giải pháp cho mùa Vọng.
Mùa của sự thống hối, đây là thời gian tuyệt vời để bắt đầu một việc tập luyện, một việc sẽ thử thách bạn đôi chút. Có lẽ, thay vì từ bỏ một điều gì đó, thì bạn nên cố gắng thêm trong một việc nào đó.
Đừng nghĩ rằng tôi không hiểu điều mà tôi đang đề nghị. Tôi không có dư 20 phút mỗi ngày… nhưng tôi nhận ra rằng khi tôi dành cho Chúa thêm một chút thời gian của tôi, thì Ngài luôn trả lại cho tôi nhiều hơn về sự kiên nhẫn hoặc ân sủng để đối mặt với những thách thức.
Giọng nói của Thiên Chúa thường được mô tả như là một hơi thở, một làn gió nhẹ, một tiếng thì thầm. Làm thế nào tôi có thể nghe được Ngài nếu như mắt tôi (và tâm trí tôi) tràn ngập vô số tiếng ồn?
Thú thật, tôi đã từng ghét Giáng Sinh. Thực tế là mới chỉ vài ngày trước, bất giác tôi đã thốt lên rằng “Tôi ghét Giáng Sinh”.
Thế nhưng, những điều tôi đã ghét – và điều tôi vẫn ghét – không phải là Giáng Sinh. Đó là sự ồn ào, áp lực, cùng những đòi hỏi. Đó là cảm giác như thể tôi không thể chiến thắng hay thậm chí không thể đứng hạng hai. Đó là một sự mong đợi không giống ai, nó tràn ngập trong tôi mỗi khi tôi nghĩ về điều cần phải làm.
Điều mà tôi đang lãng quên là chính bản thân tôi. Quả thật, mùa Vọng là thời gian của sự chuẩn bị, chứ không phải là thời gian cho thứ mà tôi cần hoàn thành hay cách thức mà tôi thực hiện. Đây là thời gian cho một chuyến hành trình thiêng liêng, và khi tôi điều chỉnh lại nhận thức của mình, thì chỉ có một nơi duy nhất tôi cần hướng đến: Đức Maria.
Mẹ đang đợi chờ tôi trong lúc tôi đang đứng ở chân núi của những âu lo và sợ hãi, và Mẹ chỉ cho tôi một con đường khác, Mẹ nói với tôi rằng tôi hoàn toàn không cần phải tiến đến ngọn núi kia: có một con đường giúp tránh xa ngọn núi ấy mà vẫn có thể đến được phía bên kia núi.
Và đó là con đường nào? Chính là Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ.
Sarah Reinhard – Anthony Lai chuyển ngữ từ catholicexchange.com