LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

CHÚA NHẬT TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Twenty-sixth Sunday in Ordinary Time

The Parable of Two Sons | James McGrath

SNG LI CHÚA

GOSPEL : Mt 21:28-32

Jesus said to the chief priests and elders of the people:
“What is your opinion?
A man had two sons.
He came to the first and said,
‘Son, go out and work in the vineyard today.’
He said in reply, ‘I will not,’
but afterwards changed his mind and went.
The man came to the other son and gave the same order.
He said in reply, ‘Yes, sir, ‘but did not go.
Which of the two did his father’s will?”
They answered, “The first.”
Jesus said to them, “Amen, I say to you,
tax collectors and prostitutes
are entering the kingdom of God before you.
When John came to you in the way of righteousness,
you did not believe him;
but tax collectors and prostitutes did.
Yet even when you saw that,
you did not later change your minds and believe him.”

Bài đọc :

Ca nhập lễ : Đn 3,31.29.30.43.42

Lạy Chúa,

trong mọi việc Chúa làm cho chúng con,

Chúa đã xử sự thật công minh.

Quả thật con trót phạm tội,

chẳng tuân giữ các giới răn Ngài.

Nhưng để cho danh Ngài rạng rỡ,

xin mở lượng khoan hồng

mà xử với chúng con.

Bài đọc 1 : Ed 18,25-28

Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình.

Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.

25 Có lời Đức Chúa phán như sau : “Các ngươi nói : ‘Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.’ Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây : Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng ? 26 Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. 27 Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. 28 Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết.”

Đáp ca : Tv 24,4-5.6-7.8-9 (Đ. c.6a)

Đ. Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài.

4Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
5Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài,
bởi vì Ngài nhân ái.

Đ. Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài.

6Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
7Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.

Đ. Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài.

8Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.

Đ. Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài.

Bài đọc 2 : Pl 2,1-11 

Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

1 Thưa anh em, nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, 2 thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. 3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. 4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. 5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.

6Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
8Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
9Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
10Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ ;
11và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng :
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.

Tung hô Tin Mừng : Ga 10,27

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Mt 21,28-32

Nó hối hận, nên lại đi. Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

28 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : “Các ông nghĩ sao ? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất : ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ 29 Nó đáp : ‘Con không muốn !’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp : ‘Thưa ngài, con đây !’ nhưng rồi lại không đi. 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ?” Họ trả lời : “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ : “Tôi bảo thật các ông : những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy ; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

Ca hiệp lễ : Tv 118,49-50 

Xin Chúa nhớ lại lời phán cùng tôi tớ,

lời ban niềm hy vọng cho con ;

đó là điều an ủi con trong cảnh khốn cùng.

SUY NIỆM

TƯ CÁCH LÀM CON CHÚA

Một người lính đã chịu Phép Rửa được ba năm, nhưng trong suốt thời gian ấy, anh ta sống như không biết đến Chúa. Trên chiến trường, lúc bị trọng thương và hấp hối, anh nói với bạn mình rằng: “Giờ tôi sẽ chết như một Kitô hữu vì đã chịu Phép Rửa, nhưng ước gì tôi chết như một Kitô hữu thực sự. Tôi đã bỏ phí mất ba năm vì đã không sống như một Kitô hữu thực sự.

Câu chuyện dụ ngôn về hai người con tưởng chừng như đã kết thúc ngay từ đầu, ngay khi hai người con được cha sai đi làm vườn nho. Thái độ đáp trả ý muốn người cha dễ khiến người ta kết luận ngay về mối tương quan của mỗi người con đối với cha. Khi được mời gọi làm việc, người con thứ nhất đã từ chối, cũng có nghĩa là từ chối tư cách làm con, còn người thứ hai thì mau mắn vâng theo như một người con thực sự. Thế nhưng, tình tiết cả hai đều thay đổi 180 độ đã khiến vấn đề được đặt lại. Ai mới là người vâng nghe lời cha thực sự? Ai mới thực sự là con?

Người thứ nhất cho dẫu lúc ban đầu từ chối, nhưng nhờ biết hối hận, hành động sau đó cho thấy trong anh có tư cách của người con thực sự. Còn người thứ hai, dù đã mau mắn thể hiện tư cách người con, nhưng vì quá tự mãn về tư cách đó, anh đã hành động không tương xứng với chính vị thế của mình. Không hành động theo ý cha, anh đã tự chối bỏ tư cách làm con của mình.

Nhờ Phép Rửa, chúng ta trở thành con cái Nước Trời. Nhưng liệu chúng ta đã thể hiện tư cách là con cái Nước Trời nơi cuộc sống hàng ngày hay chưa? Nếu không biết xây dựng công bình và bác ái, không biết yêu thương tha nhân như chính mình, thì coi chừng chúng ta cũng không hơn gì người con thứ hai trong dụ ngôn.

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức mình là Kitô hữu, là con cái Nước Trời, để nhờ đó biết hành động xứng với phẩm giá cao quý đã được lãnh nhận khi chịu Phép Rửa. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

PHỤNG VỤ, PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN
GIÚP MỞ MẮT TÂM HỒN CỦA CHÚNG TA

WHĐ (14.09.2023) – Mỗi Kitô hữu phải nhận ra tiếng gọi cầu nguyện bên trong cõi lòng của họ khi chịu phép rửa tội. Tiếng gọi cầu nguyện là có thật và có tính thúc bách khẩn cấp đối với mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn biết Thiên Chúa và đường lối của Ngài, chúng ta phải cầu nguyện. Các Kitô hữu phải là một dân tộc cầu nguyện.

Giáo hội luôn đồng hành và khích lệ chúng ta. Để khuyến khích, Giáo hội đề xuất những phương thức cầu nguyện khác nhau. Các phương thức cầu nguyện là những phác thảo hoặc khuôn mẫu về những cách thế chúng ta có thể trò chuyện với Thiên Chúa hằng sống.

Có nhiều phương thức cầu nguyện và nhiều phương thức khác nhau trong kho tàng thiêng liêng của Giáo hội. Một phương thức gắn liền nhất với việc thờ phượng công khai của Giáo hội được gọi là phương thức phụng vụ. Phương thức phụng vụ khai thác chiều sâu hoạt động của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ thánh.

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy chúng ta: “Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, là hiện tại hoá hy tế duy nhất của Người, và dâng hy tế duy nhất đó cách bí tích, trong phụng vụ của Hội Thánh là Thân Thể Người. Trong tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta đều thấy, sau các lời tường thuật về việc Chúa thiết lập Thánh Thể, một kinh nguyện được gọi là kinh Tưởng Niệm” (số 1362).

Chúa Thánh Thần đang tái hiện hy lễ lịch sử duy nhất của Chúa Giêsu trên bàn thờ trong phụng vụ thánh. Chúa Thánh Thần “hiện tại hóa” hy lễ của Chúa. Khi Chúa Thánh Thần tái hiện hy lễ, người được rửa tội được mời gọi nhớ lại hy tế. Hy tế Thánh Thể là việc tưởng niệm Chúa, nhưng từ ngữ tưởng niệm phải được hiểu theo kinh thánh và phụng vụ trong bối cảnh thích hợp của nó.

Sách Giáo Lý giải thích: “Theo ý nghĩa của Thánh Kinh, tưởng niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố của quá khứ, nhưng còn là công bố các kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho loài người. Khi cử hành phụng vụ về các biến cố này, chúng hiện diện và được hiện tại hoá một cách nào đó. Dân Israel hiểu về việc mình được giải thoát khỏi Ai Cập theo cách như vậy: Mỗi lần lễ Vượt Qua được cử hành, các biến cố thời Xuất Hành lại hiện diện trong ký ức của các tín hữu, để họ điều chỉnh cuộc sống của mình cho phù hợp với các biến cố đó” (số 1363).   

Khi cách hiểu này về việc tưởng niệm được áp dụng đặc biệt cho Hy lễ Thánh Thể, phần cuối sách Giáo lý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tưởng niệm đó và dạy chúng ta: “Việc tưởng niệm trong Giao Ước mới mang một ý nghĩa mới. Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, thì cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện: Hy tế mà Đức Kitô dâng lên một lần cho mãi mãi trên thập giá, luôn luôn được hiện tại hoá” (số 1634).

Việc tưởng niệm Chúa Kitô cũng là việc tưởng niệm của chúng ta. Đó không chỉ đơn thuần là một hồi ức hoài niệm mà còn là sống lại chân thực cảm nghiệm đó. Chúng ta đang ở trên đồi Canvê với Chúa Giêsu. Chúng ta ở đó với Mẹ Maria và Thánh Gioan.

Bằng cách áp dụng phương thức phụng vụ, trong Thánh lễ hoặc đôi lúc ngoài Thánh lễ, chúng ta cho phép mình vén bức màn lên và cố gắng cảm nghiệm thực tại trọn vẹn của Hy tế Thánh Thể. Sống trong không gian và thời gian, toàn bộ hành động thiêng liêng đều siêu vượt và vô hình trước mắt phàm nhân của chúng ta. Bằng cách sử dụng phương thức phụng vụ, chúng ta mở rộng tầm mắt tâm linh của mình và – thông qua việc sử dụng trí tưởng tượng tâm linh – chúng ta để cho Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đến gần hơn với việc trở thành một phần của hy lễ thánh.

Thực tại của Hy tế Thánh Thể luôn ở đó. Nhận thức của chúng ta đôi khi có thể bị thiếu sót. Tâm trí và cõi lòng của chúng ta có thể bị chia trí và chúng ta có thể ở hàng chục nơi khác nhau và do đó bỏ lỡ lời mời gọi tưởng niệm – nhớ lại những gì Chúa đã và đang làm cho chúng ta và cho sự cứu rỗi của chúng ta.

Và vì vậy, khi tham dự Thánh lễ hoặc chuẩn bị cho Thánh lễ hoặc khi cố gắng mở rộng những ân sủng của Thánh lễ vào cuộc sống của chúng ta, chúng ta bắt đầu dùng đến phụng vụ như một phương thức. Chúng ta không chỉ nhìn thấy một linh mục ở bàn thờ. Tâm linh của chúng ta bắt đầu tạo ra đồi Canvê. Chúng ta nhìn thấy những tảng đá và những viên đá. Chúng ta nghe thấy tiếng la hét và chế nhạo. Chúng ta nếm được mùi bụi bẩn phảng phất trong không khí. Chúng ta có thể chạm vào cây thập giá đẫm máu, hay thân mình thánh thiêng bị xé nát của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể ngửi thấy mùi bùn đất trên thân mình Chúa. Chúng ta tạo ra cảnh tượng đóng đinh Chúa. Chúng ta để cho trí tưởng tượng thiêng liêng của mình nhận ra – làm cho biến cố thánh thiêng ấy trở nên thực hơn đối với chúng ta, theo suy nghĩ, hoặc cảm nhận cá nhân của mình – và cho phép chúng ta hiểu mình đang ở đâu và điều gì đang xảy ra khi phụng vụ thánh được Giáo hội trình bày và cử hành.

Phụng vụ là phương thức có thể trở thành nguồn mạch lớn lao giúp hoán cải và đổi mới. Thật quá dễ dàng để mình bị mắc kẹt trong thế giới vật chất và chỉ nhìn thấy mọi sự dưới dạng biểu hiện vật chất của chúng. Chúng ta có thể đi dự Thánh lễ nhưng lại bỏ lỡ toàn bộ việc trình bày lại Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa, bởi vì bằng cách nào đó, chúng ta đã bị mắc kẹt trong sự biểu hiện theo chiều ngang về thực tại cao cả và siêu nhiên. Cách diễn tả theo các mối tương quan hàng ngang này vẫn còn thiếu sót và làm cho khả năng gặp gỡ Thiên Chúa của chúng ta trở nên giảm sút.

Ngày nay, phụng vụ là phương thức cần thiết khi chúng ta cố gắng hiểu Hy tế Thánh Thể có ý nghĩa gì và tại sao phụng vụ lại quan trọng đối với chúng ta và đối với cuộc hành trình chúng ta bước theo Chúa.

Lm. Jeffrey F. Kirby

Phêrô Phạm Văn Trung – Chuyển ngữ từ: cruxnow.com (10.09.2023)