CHÚA NHẬT TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN
Seventeenth Sunday in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mt 13:44-52
Jesus said to his disciples:
“The kingdom of heaven is like a treasure buried in a field,
which a person finds and hides again,
and out of joy goes and sells all that he has and buys that field.
Again, the kingdom of heaven is like a merchant
searching for fine pearls.
When he finds a pearl of great price,
he goes and sells all that he has and buys it.
Again, the kingdom of heaven is like a net thrown into the sea,
which collects fish of every kind.
When it is full they haul it ashore
and sit down to put what is good into buckets.
What is bad they throw away.
Thus it will be at the end of the age.
The angels will go out and separate the wicked from the righteous
and throw them into the fiery furnace,
where there will be wailing and grinding of teeth.
“Do you understand all these things?”
They answered, “Yes.”
And he replied,
“Then every scribe who has been instructed in the kingdom of heaven
is like the head of a household
who brings from his storeroom both the new and the old.”
Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 67,6-7.36
Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người,
kẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa,
chính Người ban tặng cho dân dũng lực uy quyền.
Bài đọc 1 : 1 V 3,5.7-12
Ngươi đã xin cho được tài phân biệt để xét xử,
Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.
5 Hồi ấy, tại Ghíp-ôn, đang đêm Đức Chúa hiện ra báo mộng cho vua Sa-lô-môn, Thiên Chúa phán : “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.” 7 Vua Sa-lô-môn thưa : “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con còn trẻ người non dạ, không biết cầm quyền trị nước. 8 Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, đông không đếm nổi. 9 Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái ; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế ?” 10 Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó. 11 Thiên Chúa phán với vua : “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, 12 thì này, Ta làm theo như lời ngươi : Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.”
Đáp ca : Tv 118,57 và 72.76-77.127-128.129-130 (Đ. c.97a)
Đ. Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao !
57Lạy Chúa, con đã nói :
phần của con là tuân giữ lời Ngài.
72Con coi trọng luật Chúa truyền ban
hơn vàng muôn bạc triệu.
Đ. Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao !
76Xin Chúa lấy tình thương mà an ủi,
theo lời đã hứa với tôi tớ Ngài đây.
77Xin chạnh lòng thương cho con được sống,
vì luật Ngài làm con vui sướng thoả thuê.
Đ. Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao !
127Vì thế, mệnh lệnh Ngài, con yêu quý,
quý hơn vàng, hơn cả vàng y.
128Vì thế, theo mọi huấn lệnh Ngài, con thẳng bước,
lòng ghét mọi đường nẻo gian tà.
Đ. Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao !
129Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay,
nên hồn con tuân giữ.
130Giải thích lời Ngài là đem lại ánh sáng
cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường.
Đ. Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao !
Bài đọc 2 : Rm 8,28-30
Thiên Chúa đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma
28 Thưa anh em, chúng ta biết rằng : Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. 29 Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. 30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi ; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính ; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.
Tung hô Tin Mừng : x. Mt 11,25
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mt 13,44-52
Người ấy bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
44 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng dụ ngôn này : “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
45 “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. 46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
47 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa ; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
51 “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không ?” Họ đáp : “Thưa hiểu.” 52 Người bảo họ : “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”
Ca hiệp lễ : Tv 102,2
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ có quên mọi ân huệ của Người.
SUY NIỆM
CHÚA LÀ TẤT CẢ
Nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại Sophocles đã nói rằng: “Hạnh phúc không đến với những kẻ lười biếng.” Thật vậy, con người cần phải chủ động, nỗ lực, kiên trì tìm kiếm và xây dựng hạnh phúc.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu ví Nước Trời giống như kho báu chôn giấu trong ruộng và như viên ngọc quý. Đức Giêsu còn cho thấy kho báu và viên ngọc quý rất có giá trị đối với con người, đến nỗi họ sẵn sàng bán tất cả tài sản của mình để mua.
Tin Mừng còn cho thấy để có được Nước Trời không phải là chuyện dễ dàng, nhưng cần phải biết nỗ lực, kiên trì tìm kiếm bằng việc can đảm từ bỏ nếp sống cũ, sống những giá trị Tin Mừng mà Đức Giêsu rao giảng, kiên trì bền bỉ trước những khổ đau bách hại vì danh Đức Giêsu.
Trong cuộc sống thường ngày, nhiều Kitô hữu vì mải mê kiếm tiền mà quên dành thời gian cho Chúa, chẳng hạn việc bỏ lễ ngày Chúa Nhật, bỏ những việc đạo đức; vì quyền lợi bản thân mà sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của người khác.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy biết đặt Thiên Chúa lên trên tất cả những giá trị khác. Chỉ nơi Thiên Chúa mới có hạnh phúc viên mãn, vì Người chính là sự sống đời đời của chúng ta.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi những mê hoặc của thế gian. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
CÂY THẬP GIÁ NGƯỢC CÓ Ý NGHĨA GÌ?
Cây thập giá[1] ngược là biểu tượng cổ xưa về cuộc đóng đinh của Thánh Phêrô. Truyền thống kể rằng khi Thánh Phêrô chịu tử đạo, ngài đã xin được đóng đinh lộn ngược đầu xuống đất vì cho rằng mình không xứng đáng bị đóng đinh theo cách Đức Giêsu đã phải chịu.
Nhiều người chống Công giáo cho rằng Giáo hoàng là Phản Kitô, và bằng chứng điển hình là biểu tượng cây thập giá ngược của Giáo hoàng, thập giá ngược là của ma quỷ. Vì thế, họ lập luận rằng Giáo hoàng là liên minh của ma quỷ. Sự thật như thế này.
Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Giêsu nói Phêrô phải chết cách nào:
“Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy” (Ga 21, 18-19).
“Anh sẽ phải dang tay ra”. Trong thế giới cổ đại – đặc biệt là theo truyền thống Kitô giáo – “dang tay ra” là nói đến cuộc đóng đinh. “Hãy theo Thầy” là báo trước sự bắt chước gương vâng phục của Đức Kitô “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8). Người mục tử thủ lãnh sẽ phải theo vị Mục tử Nhân lành đến cả cách chết như thế nào. Vào thời Thánh Gioan viết Tin Mừng thì cuộc tử đạo của Thánh Phêrô đã xảy ra rồi, thế nên ngài chết như thế nào thì cũng đã được các độc giả nhìn nhận.
Chúng ta có thể truy vết chứng từ về cuộc tử đạo của Thánh Phêrô nơi các tác giả Kitô giáo sơ thời, gồm có Origen, Eusêbiô thành Caesarea, Thánh Clementê thành Roma, Thánh Ignatiô thành Antiokia, Thánh Irênê, và Tertullianô.
Trong De Præscriptione 36 (khoảng năm 200 Công nguyên), Tertullianô viết:
Nếu bạn ở gần Ý, bạn có Rôma, nơi quyền lực từng nằm trong tầm tay. Thật may mắn biết bao cho Giáo hội này, nơi mà các Tông đồ tuôn đổ toàn bộ giáo huấn của mình ra với máu, nơi mà Thánh Phêrô đã mô phỏng Cuộc Thương Khó của Chúa, nơi mà Thánh Phaolô đã đội triều thiên với cái chết của Thánh Gioan (Tẩy giả).
Trong Scorpiace 15 (khoảng năm 204 Công nguyên), ngài lại viết về cuộc tử đạo của Thánh Phêrô:
Và nếu người tà giáo đặt niềm tin của mình vào một ghi nhận công khai, thì kho lưu trữ của đế quốc (Rôma) sẽ lên tiếng, như những viên đá thành Giêrusalem. Chúng ta đọc cuộc đời của các vị Cæsar: Tại Rôma, Nêrô là người đầu tiên nhuộm máu đức tin đang nổi lên. Sau đó, Phêrô bị người khác thắt lưng, khi ngài bị buộc chặt vào cây thập giá. Và rồi Phaolô được khai sinh với quyền công dân Rôma, ngài sinh ra một lần nữa ở Rôma nhờ cuộc tử đạo.
Trong cuốn Lịch sử Giáo hội (khoảng năm 325 Công nguyên), Eusêbiô thành Caesarea viết:
Phêrô xuất hiện để rao giảng tại Pontus, Galatia, Bithynia, Cappadocia, và Á châu cho người Do Thái tản mác. Cuối cùng, ngài đã đến Rôma, chịu đóng đinh lộn đầu xuống đất vì đã xin được chết theo cách này …. Những sự kiện này được Origen thuật lại trong cuốn thứ ba trong bộ sách Chú giải về Sáng thế ký (III.1).
Khi công khai tuyên bố mình là kẻ đầu tiên trong số những thù địch chính của Thiên Chúa, [Hoàng đế Nêrô] đã tàn sát các tông đồ. Do đó, người ta ghi nhận rằng Phaolô đã bị chặt đầu ở ngay Rôma, còn Phêrô cũng bị đóng đinh dưới thời Nêrô. Tường thuật về Phêrô và Phaolô được chứng minh với sự kiện là tên của họ vẫn được lưu giữ trong nghĩa trang của nơi đó cho đến ngày nay (II.25.5).
Do cách thức mà ngài bị đóng đinh, Giáo hội đã dùng cây thập giá lộn ngược (không có xác [corpus] trên đó, vì vậy không phải là cây thánh giá) để chỉ Phêrô chứ không phải Đức Kitô. Là người kế vị Thánh Phêrô, Giáo hoàng sử dụng biểu tượng thập giá lộn ngược như một lời nhắc nhở mang tính biểu tượng về lòng khiêm nhường và cuộc tử đạo anh dũng của Thánh Phêrô. Không giống như một cây “thánh giá lộn ngược”, tìm cách lật và đảo ngược ý nghĩa của nó, chẳng có gì là ma quỷ về một cây “thập giá lộn ngược”.
Hector Molina
[1] Có sự khác biệt giữa “cross” (thập giá) và “crucifix” (thánh giá). Theo Rufolf Distelberger, Western Decorative Arts (National Gallery of Art 1993), tr. 15: ““crucifix” (thánh giá) xuất phát từ tiếng Latinh là cruci fixus, có nghĩa là [một người] được gắn vào thập giá (cross), và là cây thập giá với hình ảnh Đức Giêsu trên đó, phân biệt với cây thập giá trơn. Còn hình tượng Đức Giêsu trên thập giá trong tiếng Anh gọi là corpus (từ tiếng Latinh có nghĩa là thân xác)”. Vì thế, chúng tôi dịch “cross” là thập giá, “crucifix” là thánh giá, theo tác giả Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm hiểu từ vựng Công giáo, Nxb Tôn Giáo, 2021, mục từ “Thánh giá, thập giá, …”, trang 568-573.
“Thập giá” (cross), tiếng Hán là 十架 (thập là mười, giá là khuôn treo) có nghĩa là mười cái khuôn treo, chứ không có nghĩa là cái giá hình chữ thập. Đúng ra, phải gọi là “thập tự giá” 十字架 (thập là mười, tự là chữ, giá là khuôn treo), có nghĩa là cái giá có hình chữ thập. Tuy nhiên, thuật từ “thập giá” thay cho “thập tự giá” đã có từ lâu và sử dụng quá phổ biến nên đã trở thành thuật ngữ chuyên biệt của Kitô giáo.
“Thánh giá” (crucifix), tiếng Hán là 聖架 (thánh là thuộc về Thiên Chúa, giá là khuôn treo), nghĩa là khuôn được thánh hiến. Đúng ra, phải gọi là “thập tự thánh giá”, nhưng “thánh giá” là từ phổ biến nên trở thành thuật ngữ Kitô giáo. Từ “thánh giá” cũng có lợi điểm là không cần phải tranh cãi cái giá đóng đinh Chúa có hình dáng gì.
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
https://www.catholic.com/magazine/online-edition/the-upside-down-cross-satanic-or-symbolic – Nguồn: gpquinhon.org (17.07.2023)
[1] Có sự khác biệt giữa “cross” (thập giá) và “crucifix” (thánh giá). Theo Rufolf Distelberger, Western Decorative Arts (National Gallery of Art 1993), tr. 15: ““crucifix” (thánh giá) xuất phát từ tiếng Latinh là cruci fixus, có nghĩa là [một người] được gắn vào thập giá (cross), và là cây thập giá với hình ảnh Đức Giêsu trên đó, phân biệt với cây thập giá trơn. Còn hình tượng Đức Giêsu trên thập giá trong tiếng Anh gọi là corpus (từ tiếng Latinh có nghĩa là thân xác)”. Vì thế, chúng tôi dịch “cross” là thập giá, “crucifix” là thánh giá, theo tác giả Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm hiểu từ vựng Công giáo, Nxb Tôn Giáo, 2021, mục từ “Thánh giá, thập giá, …”, trang 568-573.
“Thập giá” (cross), tiếng Hán là 十架 (thập là mười, giá là khuôn treo) có nghĩa là mười cái khuôn treo, chứ không có nghĩa là cái giá hình chữ thập. Đúng ra, phải gọi là “thập tự giá” 十字架 (thập là mười, tự là chữ, giá là khuôn treo), có nghĩa là cái giá có hình chữ thập. Tuy nhiên, thuật từ “thập giá” thay cho “thập tự giá” đã có từ lâu và sử dụng quá phổ biến nên đã trở thành thuật ngữ chuyên biệt của Kitô giáo.
“Thánh giá” (crucifix), tiếng Hán là 聖架 (thánh là thuộc về Thiên Chúa, giá là khuôn treo), nghĩa là khuôn được thánh hiến. Đúng ra, phải gọi là “thập tự thánh giá”, nhưng “thánh giá” là từ phổ biến nên trở thành thuật ngữ Kitô giáo. Từ “thánh giá” cũng có lợi điểm là không cần phải tranh cãi cái giá đóng đinh Chúa có hình dáng gì.