THỨ HAI TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
Monday of the Sixteenth Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mt 12:38-42
Some of the scribes and Pharisees said to Jesus,
“Teacher, we wish to see a sign from you.”
He said to them in reply,
“An evil and unfaithful generation seeks a sign,
but no sign will be given it
except the sign of Jonah the prophet.
Just as Jonah was in the belly of the whale three days and three nights,
so will the Son of Man be in the heart of the earth
three days and three nights.
At the judgment, the men of Nineveh will arise with this generation
and condemn it, because they repented at the preaching of Jonah;
and there is something greater than Jonah here.
At the judgment the queen of the south will arise with this generation
and condemn it, because she came from the ends of the earth
to hear the wisdom of Solomon;
and there is something greater than Solomon here.”
Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 53,6.8
Này con được Thiên Chúa phù trì,
thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.
Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế,
lạy Chúa, con xưng tụng danh Ngài,
vì danh Ngài thiện hảo.
Bài đọc 1 : Xh 14,5-18
Người Ai-cập sẽ biết rằng chính Ta là Đức Chúa, khi Ta được vẻ vang hiển hách vì đã đánh bại Pha-ra-ô.
Bài trích sách Xuất hành.
5 Khi ấy, có tin báo cho vua Ai-cập là dân đã chạy trốn rồi. Pha-ra-ô và bề tôi liền thay lòng đổi dạ với dân. Chúng nói : “Ta đã làm gì vậy ? Ta đã thả cho Ít-ra-en đi, thành ra bọn chúng hết làm nô lệ cho ta !” 6 Nhà vua cho thắng chiến xa và đem quân đi theo. 7 Vua lấy sáu trăm chiến xa tốt nhất, và tất cả các chiến xa của Ai-cập, chiếc nào cũng có chiến binh. 8 Đức Chúa làm cho lòng Pha-ra-ô vua Ai-cập ra chai đá, và vua ấy đuổi theo con cái Ít-ra-en, trong khi con cái Ít-ra-en đi ra, giơ tay đắc thắng. 9 Quân Ai-cập, gồm toàn thể chiến mã, chiến xa của Pha-ra-ô, kỵ binh và quân lực của vua ấy, đuổi theo và bắt kịp họ, khi họ đóng trại bên bờ biển, gần Pi Ha-khi-rốt, đối diện với Ba-an Xơ-phôn. 10 Khi Pha-ra-ô tới gần, con cái Ít-ra-en ngước mắt lên thì thấy người Ai-cập tiến đến sau lưng họ. Con cái Ít-ra-en kinh hãi, liền lớn tiếng kêu cầu Đức Chúa. 11 Họ nói với ông Mô-sê : “Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc ? Ông làm gì chúng tôi vậy, khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập ? 12 Đó chẳng phải là điều chúng tôi từng nói với ông bên Ai-cập sao ? Chúng tôi đã bảo : Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập ! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc !” 13 Ông Mô-sê nói với dân : “Đừng sợ ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em : những người Ai-cập anh em thấy hôm nay, không bao giờ anh em thấy lại nữa. 14 Đức Chúa sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên.”
15 Đức Chúa phán với ông Mô-sê : “Có gì mà phải kêu cứu Ta ? Hãy bảo con cái Ít-ra-en cứ nhổ trại. 16 Phần ngươi, cầm gậy lên, giơ tay trên mặt biển, rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển, để con cái Ít-ra-en đi vào. 17 Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra chai đá. Chúng sẽ tiến vào theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ được vẻ vang hiển hách khi đánh bại Pha-ra-ô cùng toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy. 18 Người Ai-cập sẽ biết rằng chính Ta là Đức Chúa, khi Ta được vẻ vang hiển hách vì đã đánh bại Pha-ra-ô cùng chiến xa và kỵ binh của vua ấy.”
Đáp ca : Xh 15,1b-2.3-4.5-6 (Đ. x. c.1b)
Đ. Nào ta hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng.
1bTôi xin hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng :
Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương.
2Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi,
chính Người cứu độ tôi.
Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc,
Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng.
Đ. Nào ta hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng.
3Người là trang chiến binh, danh Người là “Đức Chúa !”
4Xa mã Pha-ra-ô, Người xô xuống lòng biển,
tướng dũng với binh hùng, chết chìm trong Biển Sậy.
Đ. Nào ta hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng.
5Vực thẳm vùi lấp chúng, chúng chìm xuống nước sâu
chẳng khác nào hòn đá.
6Lạy Chúa, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh.
Tay hữu Ngài, lạy Chúa, đã nghiền nát địch quân.
Đ. Nào ta hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng.
Tung hô Tin Mừng : x. Tv 94,7b.8a
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng,
nhưng hãy nghe tiếng Chúa. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mt 12,38-42
Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
38 Khi ấy, có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.” 39 Người đáp : “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na. 40 Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. 41 Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng ; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. 42 Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn ; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.”
Ca hiệp lễ : Tv 110,4-5
Chúa đã truyền tưởng niệm
những kỳ công của Người.
Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
Ai kính sợ Người, Người ban phát của ăn.
SUY NIỆM
SÁM HỐI
Được ơn trở lại qua việc ngã ngựa trên đường Đamát, Saulô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ muôn dân. Từ sự sám hối để chiến thắng bản ngã trong mình, thánh Phaolô đã trở nên một con người hoàn toàn mới: con người của sự thật và tình yêu, hết lòng loan báo và làm chứng cho Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã thuật lại dấu lạ ngôn sứ Giôna trong bụng cá ba ngày đêm. Nhờ ngôn sứ Giôna, dân thành Ninivê đã sám hối, ăn năn trở lại. Hơn cả Giôna, bản thân Đức Giêsu cũng là một dấu lạ lớn lao khi Người đã chết và phục sinh vinh hiển để đem ơn cứu độ cho những ai tin vào Người. Tiếc thay, người Do Thái đã không nhận ra Chúa để sám hối ăn năn giống như dân thành Ninivê khi được ngôn sứ Giôna rao giảng.
Chúng ta đừng để mình cứng lòng tin. Bổn phận của mỗi tín hữu là biết thực lòng hối cải, biết sống Lời Chúa mỗi ngày trong đời sống, nhờ vậy mà trở nên nhân chứng cho sự thật và tình yêu.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mau mắn ăn năn, dốc lòng từ bỏ tội lỗi. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ 3
Vào lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật ngày 23/7/2023, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ 3. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi người già và người trẻ, ông bà và con cháu, lớn lên cùng nhau, lắng nghe nhau, nói chuyện với nhau và hỗ trợ nhau. Ngài nhắc nhờ đừng quên ông bà hay người lớn tuổi, vì họ đã từng trợ giúp khi chúng ta gặp khốn khó, đã hy sinh vì chúng ta. Đừng để họ nằm ngoài danh sách ưu tiên của chúng ta.
Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập vào năm 2021 bởi vì, theo ngài, các ông bà thường bị quên lãng; tuy nhiên họ chính “là sự kết nối giữa các thế hệ khi chuyển trao kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đức tin cho thế hệ trẻ”. Ngày này được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật thứ tư của tháng 7, gần với lễ kính nhớ hai thánh Gioakim và Anna, thân sinh của Mẹ Maria.
Liên kết giữa Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ 3 với Ngày Giới trẻ Thế giới 2023
Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi năm nay là “Lòng thương xót của Người từ đời nọ sang đời kia” (Lc 1,50). Chủ đề này kết nối với chủ đề Đại hội Quốc tế Giới trẻ, từ ngày 1 đến 6/8 năm nay (2023), cũng trích từ chương 1 của Phúc Âm Thánh Luca: “Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1,39).
Đức Thánh Cha đã liên kết việc cử hành Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ 3 với Ngày Giới trẻ Thế giới 2023, thông qua một cử chỉ tượng trưng có sự tham gia của 5 người cao tuổi. Vào cuối Thánh lễ, 5 người cao niên thuộc 5 châu lục, đại diện cho các ông bà và người cao tuổi, đã trao Thánh Giá Hành hương cho 5 bạn trẻ thuộc 5 châu lục sắp lên đường đi dự Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon.
Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã giải thích rằng cử chỉ này tượng trưng cho việc trao truyền đức tin từ đời này sang đời kia.” Cử chỉ này cũng diễn tả cam kết mà “những người cao niên và các ông bà đã chấp nhận, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha, cầu nguyện cho các bạn trẻ đang lên đường và đồng hành với họ bằng lời chúc lành.”Bài giảng
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã giải thích về ba dụ ngôn trong đoạn Tin Mừng Thánh Mátthêu (13,24-43), được đọc trong Chúa Nhật 16 Thường niên năm A, nhấn mạnh đến việc cùng nhau lớn lên. Ngài nói: “Để nói với chúng ta về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn. Ngài kể những câu chuyện đơn giản nhưng chạm đến trái tim của người nghe. Ngôn ngữ đầy hình ảnh này giống như ngôn ngữ mà ông bà thường nói với các con cháu, khi đặt chúng ngồi trên đầu gối của họ: bằng cách này, họ truyền đạt một sự khôn ngoan quan trọng cho cuộc sống. Nghĩ đến ông bà và những người lớn tuổi, những gốc rễ mà những người trẻ cần để trưởng thành, tôi muốn đọc lại ba câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay, bắt đầu từ một khía cạnh chung mà các ông bà và con cháu cùng có: cùng nhau lớn lên.”
Dụ ngôn thứ nhất
Thiện ác pha trộn
Trong dụ ngôn thứ nhất, lúa mì và cỏ lùng cùng mọc lên trong một cánh đồng (xem Mt 13,24-30). Đó là một hình ảnh giúp chúng ta nhìn các sự việc một cách thực tế: trong lịch sử loài người, cũng như trong cuộc đời mỗi người, có sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối, giữa tình yêu và sự ích kỷ. Thật vậy, thiện và ác đan xen vào nhau đến mức dường như không thể tách rời. Cách tiếp cận thực tế này giúp chúng ta nhìn vào lịch sử mà không mang theo những ý thức hệ, không có những sự lạc quan không sinh ích lợi và không có sự bi quan tai hại. Các Kitô hữu, được thúc đẩy bởi niềm hy vọng của Thiên Chúa, không phải là những người bi quan, nhưng cũng không phải là những người ngây thơ sống trong thế giới của những câu chuyện cổ tích, giả vờ không nhìn thấy điều ác và nói rằng “mọi thứ đều ổn”. Không, các Kitô hữu là những người thực tế: họ biết rằng có lúa mì và cỏ lùng trên thế giới. Nhìn vào cuộc đời của mình, họ nhận ra rằng sự dữ không chỉ đến “từ bên ngoài”, rằng không phải lúc nào cũng là lỗi của người khác, rằng không cần “tưởng tượng” kẻ thù để chiến đấu nhằm tránh nhìn vào nội tâm của mình. Kitô hữu nhận thức rằng sự dữ đến từ trong tâm hồn, trong cuộc chiến nội tâm mà tất cả chúng ta đều trải qua.
Vượt qua cám dỗ phân tách thiện ác ngay lập tức
Tuy nhiên, dụ ngôn đặt ra một câu hỏi: Khi thấy lúa mì và cỏ lùng cùng chung sống trên thế giới, chúng ta phải làm gì? Chúng ta nên phản ứng như thế nào? Trong trình thuật, những người đầy tớ muốn nhổ cỏ lùng ngay lập tức (xem câu 28). Thái độ này xuất phát từ ý định tốt, nhưng lại bốc đồng và thậm chí là hiếu chiến. Họ tự lừa dối mình khi nghĩ rằng họ có thể nhổ bỏ cái ác bằng chính nỗ lực của mình để tạo nên sự tinh tuyền. Thật vậy, chúng ta thường thấy bị cám dỗ tìm cách tạo ra một “xã hội thuần khiết”, một “Giáo hội tinh tuyền”, nhưng trong khi làm việc để đạt được sự thuần khiết này, chúng ta có nguy cơ thiếu kiên nhẫn, cố chấp, thậm chí bạo lực đối với những người lầm đường lạc lối. Bằng cách này, cùng với cỏ dại, chúng ta nhổ cả lúa tốt và ngăn cản con người tiến lên, phát triển và thay đổi. Thay vào đó, chúng ta hãy lắng nghe điều Chúa Giêsu nói: “Hãy để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt” (Mt 13,30). Cái nhìn này của Thiên Chúa, cách Người dạy chúng ta về lòng thương xót, thật đẹp biết bao. Điều này mời gọi chúng ta kiên nhẫn với người khác, và – trong gia đình, trong Giáo hội và trong xã hội – đón nhận sự yếu đuối, chậm trễ và những hạn chế, không phải để chúng ta quen với chúng hay bào chữa cho chúng, nhưng để học cách hành động với sự tôn trọng, chăm sóc những hạt lúa tốt một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Chúng ta cũng phải nhớ rằng việc thanh tẩy tâm hồn và chiến thắng dứt khoát trước sự dữ về cơ bản là công việc của Thiên Chúa. Và chúng ta, khi vượt qua cám dỗ phân tách lúa mì với cỏ dại, được mời gọi để hiểu những cách thức và thời điểm tốt nhất để hành động.
Kiên nhẫn
Ở đây tôi nghĩ đến ông bà của chúng ta và những người lớn tuổi, những người đã đi quãng đường rất dài trong cuộc hành trình của cuộc đời. Nếu họ nhìn lại, họ sẽ thấy rất nhiều điều tốt đẹp mà họ đã làm được. Tuy nhiên họ cũng nhìn thấy những thất bại, sai lầm, những điều mà – như người ta nói – “nếu trở lại khi đó tôi sẽ không làm như vậy nữa”. Nhưng hôm nay, lời Chúa dịu dàng mời gọi chúng ta hãy thanh thản và kiên nhẫn đón nhận mầu nhiệm của cuộc đời, hãy để việc phán xét cho Người, và đừng sống một cuộc đời ân hận và hối hận. Như thể Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta: “Hãy nhìn vào hạt lúa tốt tươi đã nảy mầm dọc đường đời con và hãy để nó lớn lên, hãy phó thác mọi sự cho Ta, vì Ta luôn tha thứ: cuối cùng, điều thiện sẽ mạnh hơn sự ác”. Tuổi già thực sự là một thời gian may mắn, vì đó là thời gian để được hòa giải, một thời gian để dịu dàng nhìn vào ánh sáng đã chiếu rọi bất chấp bóng tối, trong niềm hy vọng tin tưởng rằng hạt giống tốt do Thiên Chúa gieo sẽ chiến thắng cỏ lùng mà ma quỷ muốn dùng nó để hủy hoại tâm hồn chúng ta.Dụ ngôn thứ hai
Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang dụ ngôn thứ hai. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Nước Trời là công trình của Thiên Chúa âm thầm hành động trong dòng lịch sử, đến mức dường như nhỏ bé và vô hình, giống như một hạt cải nhỏ bé. Tuy nhiên, khi hạt giống này lớn lên, “nó là cây lớn nhất trong các bụi cây và trở thành cây to, đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành” (Mt 13,32). Cuộc sống của chúng ta cũng giống như vậy, vì chúng ta đến với thế giới trong hình hài nhỏ bé; chúng ta trở thành người trưởng thành, rồi già đi. Lúc đầu chúng ta giống như một hạt giống nhỏ; sau đó chúng ta được nuôi dưỡng bởi những hy vọng, và những kế hoạch và ước mơ của chúng ta thành hiện thực, điều đẹp đẽ nhất trở thành cái cây không sống cho chính nó mà mang bóng mát cho tất cả những ai mong muốn nó và cung cấp không gian cho những ai muốn xây tổ ở đó. Như vậy, những người cùng lớn lên trong dụ ngôn này chính là cây lớn và những chú chim nhỏ.
Vẻ đẹp của cuộc sống: gặp gỡ và đối thoại
Ở đây tôi nghĩ về ông bà của chúng ta: những cây xanh tươi mạnh mẽ này đẹp biết bao, trên những “cành” của họ, con cháu xây “tổ ấm”, học được hơi ấm gia đình và cảm nhận được sự dịu dàng của vòng tay ôm. Đây là cùng nhau phát triển: cây mạnh mẽ và những đứa trẻ cần một tổ ấm, ông bà với con cháu của họ, người già với người trẻ nhất. Chúng ta cần biết bao một sợi dây liên kết mới giữa người già và người trẻ, để nhựa sống của những người có kinh nghiệm sống lâu năm sẽ nuôi dưỡng những chồi non hy vọng của những người đang lớn lên. Trong sự trao đổi hiệu quả này, chúng ta có thể học được vẻ đẹp của cuộc sống, xây dựng một xã hội huynh đệ, và trong Giáo hội, có thể gặp gỡ nhau và đối thoại giữa truyền thống và sự mới mẻ của Thần Khí.Dụ ngôn thứ ba
Bí quyết của việc sống cùng nhau
Cuối cùng là dụ ngôn thứ ba, men và bột cùng phát triển (x. Mt 13,33). Sự pha trộn này làm cho toàn khối bột dậy men. Chúa Giêsu dùng động từ “trộn lẫn”. Điều này nhắc nhở chúng ta về “nghệ thuật” hay “bí quyết” của việc “sống cùng nhau, hòa nhập và gặp gỡ, đón nhận và nâng đỡ nhau… Đi ra khỏi chính mình và kết hợp với người khác” (Niềm vui Phúc âm, 87). Đây là con đường vượt qua chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ, để xây dựng một thế giới nhân bản và huynh đệ hơn. Thật vậy, hôm nay lời Chúa mời gọi chúng ta hãy lưu ý để không gạt người già trong gia đình hay trong cuộc sống của mình ra bên lề. Chúng ta hãy cẩn thận để những thành phố đông đúc của chúng ta không trở thành những “trung tâm cô đơn”; nền chính trị đó, được kêu gọi để đáp ứng nhu cầu của những người mong manh nhất, không bao giờ quên người già và cũng không để thị trường trục xuất họ như một “thứ đồ bỏ không còn lợi nhuận”. Mong sao chúng ta đừng đuổi theo những điều không tưởng về hiệu quả và hiệu suất ở tốc độ tối đa, kẻo chúng ta không thể chậm lại để đồng hành cùng những người đang cố gắng đi theo chúng ta. Xin hãy hòa nhập và cùng nhau phát triển.
Hãy cùng nhau lớn lên
Thưa anh chị em, lời Chúa kêu gọi chúng ta đừng tách rời, khép kín hay nghĩ rằng chúng ta có thể làm một mình, nhưng hãy cùng nhau lớn lên. Chúng ta hãy lắng nghe nhau, nói chuyện với nhau và hỗ trợ nhau. Chúng ta đừng quên ông bà hoặc những người lớn tuổi, vì chúng ta thường được nâng đỡ, trở lại đúng hướng, cảm thấy được yêu thương và được chữa lành nội tâm, tất cả chỉ nhờ sự âu yếm vuốt ve. Họ đã hy sinh vì chúng ta, và chúng ta không thể để họ nằm ngoài danh sách ưu tiên của chúng ta. Hãy cùng nhau phát triển, cùng nhau tiến bước. Xin Chúa chúc lành cho cuộc hành trình của chúng ta!Hồng Thủy – Vatican News