THỨ BA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
Tuesday of the Thirteenth Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mt 8:23-27
As Jesus got into a boat, his disciples followed him.
Suddenly a violent storm came up on the sea,
so that the boat was being swamped by waves;
but he was asleep.
They came and woke him, saying,
“Lord, save us! We are perishing!”
He said to them, “Why are you terrified, O you of little faith?”
Then he got up, rebuked the winds and the sea,
and there was great calm.
The men were amazed and said, “What sort of man is this,
whom even the winds and the sea obey?”
Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 46,2
Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi !
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo.
Bài đọc 1 : St 19,15-29
Đức Chúa làm mưa diêm sinh và lửa xuống Xơ-đôm và Gô-mô-ra.
Bài trích sách Sáng thế.
15 Khi ấy, các sứ thần giục ông Lót rằng : “Đứng lên ! Đưa vợ và hai con gái ông đang ở đây đi đi, kẻo ông phải chết lây khi thành bị phạt.” 16 Ông còn đang chần chừ thì hai người khách nắm lấy tay ông, tay vợ ông và tay hai người con gái ông, vì Đức Chúa muốn cứu ông ; các ngài đưa ông ra và để bên ngoài thành.
17 Khi đưa ông ra ngoài rồi, một vị nói : “Ông hãy trốn đi để cứu mạng sống mình ! Đừng ngoái lại đằng sau, đừng dừng lại chỗ nào cả trong cả Vùng. Hãy trốn lên núi kẻo bị chết lây.” 18 Ông Lót nói với hai người khách : “Thưa ngài, xin miễn cho ! 19 Này, tôi tớ ngài đây đã được đẹp lòng ngài, và ngài đã tỏ lòng thương lớn lao của ngài đối với tôi khi để cho tôi sống. Nhưng tôi không trốn lên núi được đâu, tai ương sẽ đuổi kịp, và tôi chết mất ! 20 Kìa, có một thành khá gần, có thể trốn vào đấy được, thành ấy lại nhỏ. Xin cho tôi trốn vào đó để tôi được sống, thành đó nhỏ thôi mà !” 21 Người nói với ông : “Được, vì nể ông một lần nữa, tôi sẽ không phá đổ thành mà ông nói. 22 Ông trốn vào đó mau, vì tôi không thể làm gì trước khi ông vào đó.” Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Xô-a.
23 Khi mặt trời nhô lên khỏi mặt đất thì ông Lót vào Xô-a. 24 Đức Chúa làm mưa diêm sinh và lửa từ Đức Chúa, từ trời, xuống Xơ-đôm và Gô-mô-ra. 25 Người phá đổ các thành ấy và cả Vùng, cùng với toàn thể dân cư các thành ấy và cây cỏ trên đất. 26 Bà vợ ông Lót ngoái lại đằng sau và hoá thành cột muối.
27 Sáng hôm sau ông Áp-ra-ham dậy sớm, đến chỗ ông đã đứng trước mặt Đức Chúa. 28 Ông nhìn xuống phía Xơ-đôm, Gô-mô-ra và cả Vùng, ông thấy khói từ đất bốc lên như khói một lò lửa !
29 Như vậy, khi Thiên Chúa phá huỷ các thành trong cả Vùng, Thiên Chúa đã nhớ đến ông Áp-ra-ham và đã cứu ông Lót khỏi cuộc tàn phá, khi Người phá đổ các thành nơi ông Lót ở.
Đáp ca : Tv 25,2-3.9-10.11-12 (Đ. c.3a)
Đ. Lạy Chúa, con hằng nghĩ tới tình thương của Chúa.
2Lạy Chúa, xin dò xét và thử thách con,
tâm can này, xin đem thử lửa.
3Vâng, con hằng nghĩ tới tình thương của Chúa
và sống theo chân lý của Ngài.
Đ. Lạy Chúa, con hằng nghĩ tới tình thương của Chúa.
9Xin đừng bắt con đồng số kiếp với tội nhân,
chung vận mạng với phường khát máu.
10Tay chúng gây tội ác tầy trời,
riêng tay mặt đầy quà hối lộ.
Đ. Lạy Chúa, con hằng nghĩ tới tình thương của Chúa.
11Phần con đây, con sống vẹn toàn,
xin giải thoát và xót thương con, lạy Chúa,
12trên mặt đất bằng, chân con đứng vững,
giữa lòng đại hội, con xin chúc tụng Ngài.
Đ. Lạy Chúa, con hằng nghĩ tới tình thương của Chúa.
Tung hô Tin Mừng : Tv 129,5
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,
cậy trông ở lời Người. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mt 8,23-27
Đức Giê-su trỗi dậy, ngăm đe gió và biển : biển liền lặng như tờ.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
23 Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. 24 Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. 25 Các ông lại gần đánh thức Người và nói : “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất !” 26 Đức Giê-su nói : “Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin !” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển : biển liền lặng như tờ.
27 Người ta ngạc nhiên và nói : “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”
Ca hiệp lễ : Tv 102,1
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh.
SUY NIỆM
ĐỪNG SỢ
Trích đoạn Tin Mừng cho chúng ta thấy hai hình ảnh đối lập. Sự sợ hãi của các Tông Đồ và sự bình thản của Đức Giêsu trước cảnh tượng bão tố hiểm nguy. Điều ấy, cho chúng ta thấy được sự hữu hạn của con người và quyền lực vô biên của Thiên Chúa.
Sợ là một phản ứng tự nhiên của con người trước sự nguy hiểm hay những gì diễn ra vượt ngoài tầm kiểm soát. Thế nhưng trong cơn thử thách, lo âu sợ hãi, Thiên Chúa vẫn hiện diện với chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần giữ vững niềm tin và cậy dựa vào Thiên Chúa.
Đại dịch Covid-19 gây ra biết bao đau thương cho nhân loại. Nhưng chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng phó thác vào Chúa và không ngừng khẩn khoản nài xin Chúa như các môn đệ năm xưa, vì ở nơi Người chan chứa tình yêu thương và ơn cứu độ.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, giữa những phong ba bão táp của cuộc đời, xin Ngài tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin phù trợ con. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Kinh truyền tin 02/07: Đón tiếp ngôn sứ ngày nay
Trưa Chúa Nhật 2/7, Chúa Nhật thứ 13 thường niên, Đức Thánh Cha đã cùng đọc kinh Truyền Tin với khoảng 15 ngàn các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô.
Bài huấn dụ ngắn của ĐTC trước khi đọc Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ” (Mt 10,41). Chúa nói ba lần về từ “ngôn sứ”; mà ngôn sứ là ai? Có những người nghĩ họ là một loại pháp sư có thể dự đoán tương lai; đây là một ý tưởng mê tín và Kitô hữu không tin vào những điều mê tín, chẳng hạn như ma thuật, lá bài, số tử vi hoặc những thứ tương tự. Lưu ý rằng, có rất nhiều Kitô hữu coi đọc chỉ tay: xin hãy vui lòng! Những người khác nghĩ ngôn sứ như một nhân vật trong quá khứ, từng sống trước thời Đức Kitô để báo trước về sự xuất hiện của Người. Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu hôm nay lại nói đến việc phải tiếp đón các ngôn sứ; như thế hiện vẫn có các ngôn sứ, nhưng họ là ai? Ngôn sứ là ai?
Anh chị em thân mến, ngôn sứ là mỗi người chúng ta: thực vậy, với Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hồng ân và sứ mạng ngôn sứ (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1268). Ngôn sứ là người, nhờ Bí tích Rửa tội, giúp người khác đọc được hiện tại dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Điều này rất quan trọng: đọc hiện tại không phải như tường thuật sự kiện, nhưng dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần, giúp hiểu được các kế hoạch của Thiên Chúa và đáp lại các kế hoạch đó. Nói cách khác, ngôn sứ là người chỉ ra Chúa Giêsu cho người khác, là người làm chứng cho Chúa Giêsu, là người giúp để sống hôm nay và xây dựng ngày mai theo kế hoạch của Chúa Giêsu. Vì thế, tất cả chúng ta đều là những ngôn sứ, những chứng nhân của Chúa Giêsu “để sức mạnh của Tin Mừng được chiếu tỏa trong đời sống hàng ngày, gia đình và xã hội” (Lumen Gentium, 35). Ngôn sứ là dấu chỉ sống động cho người khác nhìn thấy Thiên Chúa, là phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô trên con đường của anh chị em. Và rồi chúng ta có thể tự hỏi: Tôi, người được “tuyển chọn làm ngôn sứ” trong Bí tích Rửa tội, tôi có nói và nhất là sống tư cách nhân chứng của Chúa Giêsu không? Tôi có mang một chút ánh sáng của Chúa đến cho cuộc sống của một người nào đó không? Tôi có chứng thực về điều này không? Tôi tự hỏi: lời chứng của tôi thế nào, lời ngôn sứ của tôi ra sao không?
Trong Tin Mừng, Chúa cũng mời gọi đón tiếp các ngôn sứ; do đó, điều quan trọng là phải chào đón nhau như những người mang sứ điệp của Thiên Chúa, mỗi người tùy theo bậc và ơn gọi của mình, và làm như vậy tại nơi chúng ta sống: trong gia đình, trong giáo xứ, trong các cộng đoàn tu trì, trong các lãnh vực khác của Giáo hội và xã hội. Chúa Thánh Thần đã phân phát các ơn ngôn sứ cho Dân thánh của Thiên Chúa: đây là lý do tại sao nên lắng nghe tất cả mọi người. Ví dụ, khi phải đưa ra một quyết định quan trọng, thì tốt nhất trước hết là hãy cầu nguyện, khẩn cầu Chúa Thánh Thần, nhưng sau đó hãy lắng nghe và đối thoại, với sự tin tưởng rằng mọi người, dù là người nhỏ nhất, đều có điều quan trọng để nói, có món quà ngôn sứ để chia sẻ. Đó là cách tìm kiếm sự thật và lan toả bầu khí lắng nghe Thiên Chúa, trong đó mọi người không chỉ cảm thấy được chào đón vì họ nói những gì chúng ta thích, nhưng họ cảm thấy được đón nhận và đề cao vì chính họ.
Chúng ta hãy nghĩ về có bao nhiêu cuộc xung đột có thể tránh được và giải quyết bằng cách lắng nghe người khác với mong muốn hiểu nhau cách chân thành! Cuối cùng, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có biết đón nhận anh chị em như những món quà ngôn sứ không? Tôi có nghĩ mình cần họ không? Tôi có lắng nghe họ với lòng kính trọng, với ước muốn học hỏi không? Bởi vì mỗi chúng ta cần phải học từ những người khác.
Xin Mẹ Maria, Nữ Vương các Ngôn sứ, giúp chúng ta nhìn thấy và đón nhận điều tốt lành mà Thần Khí đã gieo nơi những người khác.
Vatican News