THỨ SÁU TUẦN XII THƯỜNG NIÊN
Friday of the Twelfth Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mt 8:1-4
When Jesus came down from the mountain, great crowds followed him.
And then a leper approached, did him homage, and said,
“Lord, if you wish, you can make me clean.”
He stretched out his hand, touched him, and said,
“I will do it. Be made clean.”
His leprosy was cleansed immediately.
Then Jesus said to him, “See that you tell no one,
but go show yourself to the priest,
and offer the gift that Moses prescribed;
that will be proof for them.”
Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 27,8-9
Chúa là sức mạnh của dân Chúa,
là thành trì cứu độ
cho Đấng Người đã xức dầu tấn phong.
Lạy Chúa, xin cứu độ dân Ngài,
trên gia nghiệp này, giáng muôn phúc cả
dẫn dắt nâng niu đến muôn đời.
Bài đọc 1 : St 17,1.9-10.15-22
Mọi đàn ông con trai của các ngươi phải cắt bì, đó sẽ là dấu hiệu giao ước. Xa-ra sắp sinh cho ngươi một con trai.
Bài trích sách Sáng thế.
1 Khi ông Áp-ram được chín mươi chín tuổi, Đức Chúa hiện ra với ông và phán : “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo.”
9 Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham : “Phần ngươi, hãy giữ giao ước của Ta, ngươi và dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác. 10 Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này : mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì.”
15 Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham : “Xa-rai, vợ ngươi, ngươi không được gọi tên là Xa-rai nữa, nhưng tên nó sẽ là Xa-ra. 16 Ta sẽ chúc phúc cho nó, Ta còn cho nó sinh cho ngươi một con trai. Ta sẽ chúc phúc cho nó, nó sẽ trở thành mẹ của chư dân ; vua chúa các dân tộc sẽ phát xuất từ nó.” 17 Ông Áp-ra-ham cúi rạp xuống ; ông cười và nghĩ bụng : “Đàn ông trăm tuổi mà có con được sao ? Còn bà Xa-ra đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao ?” 18 Ông Áp-ra-ham thưa với Thiên Chúa : “Ước chi Ít-ma-ên được sống trước nhan Ngài !” 19 Nhưng Thiên Chúa phán : “Không đâu ! Chính Xa-ra, vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là I-xa-ác. Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó ; đây sẽ là giao ước vĩnh cửu cho dòng dõi nó sau này. 20 Còn về Ít-ma-ên, Ta nghe lời ngươi xin : Này Ta chúc phúc cho nó, Ta sẽ cho nó sinh sôi nảy nở ra nhiều, thật nhiều. Nó sẽ sinh ra mười hai đầu mục, Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn. 21 Nhưng giao ước của Ta thì Ta lập với I-xa-ác, đứa con mà Xa-ra sẽ sinh cho ngươi vào độ này sang năm.” 22 Sau khi phán với ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa từ giã ông mà đi lên.
Đáp ca : Tv 127,1-2.3.4-5 (Đ. c.4)
Đ. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
1Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.
2Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
bạn quả là lắm phúc nhiều may.
Đ. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
3Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái ;
và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.
Đ. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
4Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
5Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Ước chi trong suốt cả cuộc đời
bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh.
Đ. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
Tung hô Tin Mừng : Mt 8,17
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mt 8,1-4
Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. 2 Bỗng có một người mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói : “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 3 Người giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong. 4 Rồi Đức Giê-su bảo anh : “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”
Ca hiệp lễ : Tv 144,15
Lạy Chúa,
muôn loài ngước mắt trông lên Chúa
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
SUY NIỆM
LÒNG CHÂN THÀNH
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói trong thư gửi các linh mục và tu sĩ rằng: “Chúng ta phải cầu nguyện với lòng chân thành, tức là can đảm, vững mạnh và tín thác.”
Người phong hủi trong bài Tin Mừng hôm nay đã can đảm chạy đến với Đức Giêsu, tha thiết nài xin Người cho mình được lành sạch. Đức Giêsu, với quyền giải thoát con người khỏi bệnh tật và tội lỗi, đã thấu cảm với nỗi đau và động lòng trắc ẩn trước lời cầu xin chân thành của anh, nên Người đã giơ tay đụng vào anh để làm cho anh được sạch.
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi lòng tin và lòng chân thành của người Kitô hữu để ban ơn chữa lành cho họ. Thật vậy, tội lỗi làm cho con người ngày càng xa cách Chúa như cơn bệnh kéo dài đang cần liều thuốc thần linh cứu chữa. Mỗi người hãy chân thành và tin tưởng đến với Chúa Giêsu qua Bí tích Hòa giải để Người thanh tẩy tội lỗi chúng ta.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin ban cho con ơn đức tin và lòng chân thành, để con biết chạy đến với Ngài mỗi khi lầm lỗi. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Tiếp kiến chung của ĐTC ngày 28/6/2023
Thánh Mary MacKillop, vị thánh phục vụ những người kém may mắn
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 28/6/2023, Đức Thánh Cha đã trình bày chứng tá của Thánh Mary MacKillop, một nữ tu người Úc, một nhà giáo dục vĩ đại và là người sáng lập Dòng Nữ Tu Thánh Giuse Thánh Tâm, một gương mẫu của việc loan báo Tin Mừng bằng hoạt động giáo dục và chăm sóc người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội.
Buổi tiếp kiến chung đầu tiên sau phẫu thuật
Sau buổi tiếp kiến chung gặp gỡ các tín hữu hôm thứ Tư 7/6/2023, Đức Thánh Cha đã đến bệnh viện Gemelli ở Roma và được phẫu thuật vào ban chiều để giải quyết chứng thoát vị gây ra các hội chứng tắc nghẽn khiến ngài bị đau. Sau gần 10 ngày, vào thứ Sáu 16/6/2023 ngài đã xuất viện trở về lại Vatican, nhưng hôm thứ Tư 21/6/2023, Đức Thánh Cha vẫn không tiếp kiến chung vì ngài cần thời gian để nghỉ dưỡng và hồi phục. Do đó buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 28/6/2023 là buổi tiếp kiến đầu tiên kể từ khi Đức Thánh Cha nhập viện hồi đầu tháng 6. Tuy nhiên đây cũng là buổi tiếp kiến chung cuối cùng trước khi Đức Thánh Cha sẽ ngưng tất cả các cuộc tiếp kiến trong tháng 7, và sẽ bắt đầu lại vào tháng 8.
Chia sẻ thời tiết nóng nực với tín hữu
Dưới cái nóng mùa hè ở Roma vào cuối tháng 6 vẫn có rất đông tín hữu hiện diện gặp gỡ Đức Thánh Cha. Còn Đức Thánh Cha, như thường lệ, dù đang hồi phục sau cuộc phẫu thuật, đã đi xe quanh quảng trường để chào các tín hữu. Và sau phần công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự cảm thông với các tín hữu chịu đựng ánh nắng nóng gắt của mùa hè Roma và ngài đã cảm ơn họ đã đến tham dự và gặp gỡ ngài, bất chấp cái nóng, bất chấp mặt trời chói chang.
Thánh Mary MacKillop
Trong bài giáo lý tiếp tục về chủ đề “Lòng nhiệt thành tông đồ, lòng say mê loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã trình bày chứng tá của Thánh Mary MacKillop, một nữ tu người Úc, một nhà giáo dục vĩ đại và là người sáng lập Dòng Nữ Tu Thánh Giuse Thánh Tâm. Là con của những người Scotland nhập cư, Thánh Mary MacKillop nhận thấy nhu cầu được giáo dục của trẻ em ở các cộng đồng nông thôn nghèo khó của nước Úc. Cùng với các nữ tu trong hội dòng, ngài đã thành lập nhiều trường học trên khắp đất nước để chăm sóc việc đào tạo nhân bản và thiêng liêng cho giới trẻ.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng niềm tin tưởng tuyệt đối của thánh nhân vào sự quan phòng của Thiên Chúa và sức mạnh của thập giá đã nâng đỡ ngài giữa những thử thách không thể tránh khỏi mà ngài phải đối mặt trong quá trình hoạt động tông đồ của ngài và giúp ngài không đầu hàng, bỏ cuộc. Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện để sự đáp lời cách sáng tạo của Thánh Mary MacKillop đối với những nhu cầu của Giáo hội vào thời của ngài sẽ truyền cảm hứng cho những nỗ lực của các bậc cha mẹ, các giáo lý viên và các nhà giáo dục ngày nay, khi họ cố gắng giới thiệu những người trẻ tuổi đến với vẻ đẹp của tình bạn với Chúa Giêsu và chuẩn bị họ trở thành men Tin Mừng trong xã hội đang thay đổi nhanh chóng ngày nay.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau: Trong loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ này, chúng ta gặp gỡ một số gương mẫu của những người nam nữ ở mọi thời và mọi nơi, những người đã dâng hiến mạng sống cho Tin Mừng. Hôm nay chúng ta đến Châu Đại Dương, một lục địa gồm rất nhiều đảo lớn nhỏ. Niềm tin vào Chúa Kitô, mà rất nhiều người di cư châu Âu đã mang đến những vùng đất này, đã sớm bén rễ và sinh nhiều hoa trái (x. Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Ecclesia in Oceania, 6). Trong số này có một nữ tu nổi bật, đó là Thánh Mary MacKillop (1842-1909), người sáng lập Dòng Nữ tu Thánh Giuse, người đã cống hiến cuộc đời mình cho việc giáo dục tri thức và tôn giáo cho người nghèo ở vùng nông thôn Úc.
Ơn gọi loan báo Tin Mừng
Mary MacKillop chào đời gần Melbourne, có cha mẹ là người di cư từ Scotland đến Úc. Khi còn là một thiếu nữ, thánh nhân cảm thấy được Thiên Chúa gọi để phục vụ Người và làm chứng cho Người không chỉ bằng lời nói, nhưng trên hết bằng một cuộc đời được biến đổi bởi sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Evangelii gaudium, 259). Như Thánh Maria Mađalêna, người đầu tiên gặp Chúa Giêsu phục sinh và được Người sai đi báo tin cho các môn đệ, Thánh Mary MacKillop xác tín rằng mình cũng được sai đi loan báo Tin Mừng và thu hút người khác đến gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.
Truyền giáo bằng giáo dục
Đọc các dấu hiệu của thời đại một cách khôn ngoan, thánh nhân hiểu rằng đối với ngài, cách tốt nhất để làm điều đó là thông qua việc giáo dục những người trẻ tuổi, với nhận thức rằng giáo dục Công giáo là một hình thức truyền giáo. Một hình thức truyền giáo vĩ đại. Như vậy, nếu chúng ta có thể nói rằng “mỗi vị thánh là một sứ vụ; là một dự án từ Chúa Cha để suy tư và nhập thể, trong một thời điểm xác định của lịch sử, một khía cạnh của Tin Mừng” (Tông huấn Gaudete et exsultate, 19), thì Mary MacKillop truyền giáo trên hết bằng việc thành lập các trường học.
Quan tâm chăm sóc người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Đức Thánh Cha nói tiếp: Một đặc điểm cốt yếu trong lòng nhiệt thành của thánh nhân đối với Phúc Âm là quan tâm chăm sóc người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Và điều này rất quan trọng: trên con đường nên thánh, là con đường Kitô giáo, người nghèo, những người bị gạt ra bên lề là những nhân vật chính và một người không thể tiến tới việc nên thánh nếu không dấn thân cho họ, bằng cách này hay cách khác. Nhưng họ là sự hiện diện của Chúa, là những người cần sự giúp đỡ của Chúa. Tôi đã từng đọc một câu khiến tôi kinh ngạc; nói rằng: “Nhân vật chính của lịch sử là người ăn xin: họ là những người thu hút sự chú ý đến sự bất công lớn lao này, đó là sự nghèo đói lớn lao trên thế giới. Tiền được dùng để chế tạo vũ khí, không phải để sản xuất thực phẩm. Và đừng quên: không có sự thánh thiện nếu bằng cách này hay cách khác không quan tâm đến người nghèo, người túng thiếu, những người phần nào ở bên lề xã hội. Việc quan tâm chăm sóc người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội đã thôi thúc thánh Mary (MacKillop) đi đến nơi mà những người khác không muốn hoặc không thể đến. Ngày 19 tháng 3 năm 1866, lễ Thánh Giuse, ngài mở trường học đầu tiên tại một vùng ngoại ô nhỏ ở miền Nam Úc. Sau đó nhiều trường khác đã được thánh nhân và các nữ tu cùng dòng thành lập tại các cộng đồng nông thôn ở Úc và New Zealand. Lòng nhiệt thành tông đồ gia tăng các công trình.
Mục đích của giáo dục là sự phát triển toàn diện của con người
Thánh Mary MacKillop tin chắc rằng mục đích của giáo dục là sự phát triển toàn diện của con người, vừa là một cá nhân vừa là một thành viên của cộng đồng; và tin rằng điều này đòi hỏi sự khôn ngoan, kiên nhẫn và bác ái từ phía mỗi giáo viên. Thật vậy, giáo dục không hệ tại ở việc lấp đầy đầu con người những ý tưởng, nhưng ở việc đồng hành và khuyến khích học sinh trên con đường phát triển nhân bản và thiêng liêng, cho các em thấy tình bạn với Chúa Giêsu Phục sinh mở rộng tâm hồn và làm cho cuộc sống trở nên nhân bản hơn. Giáo dục và giúp suy nghĩ tốt, cảm nhận tốt (ngôn ngữ của trái tim) và hành động tốt (ngôn ngữ của đôi tay). Tầm nhìn này hoàn toàn phù hợp với ngày nay, khi chúng ta cảm thấy cần có một “hiệp ước giáo dục” có khả năng liên đới các gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Tin tưởng mạnh mẽ vào sự Quan phòng của Thiên Chúa
Lòng nhiệt thành của Thánh Mary MacKillop trong việc truyền bá Tin Mừng cho người nghèo cũng khiến ngài thực hiện nhiều công việc bác ái khác, bắt đầu với “Ngôi nhà của Đấng Quan phòng” được mở ở Adelaide để đón tiếp người già và trẻ em bị bỏ rơi. Thánh Mary (MacKillop) tin tưởng mạnh mẽ vào sự Quan phòng của Thiên Chúa: ngài luôn tin tưởng rằng trong mọi tình huống, Thiên Chúa đều lo liệu. Nhưng điều này không tránh khỏi cho ngài những lo lắng và khó khăn phát sinh từ công việc tông đồ của ngài, và thánh nhân có những lý do chính đáng cho việc đó: ngài phải trả các hóa đơn, đối phó với các giám mục và linh mục địa phương, quản lý các trường học và lo việc đào tạo nghề nghiệp và thiêng liêng của các nữ tu; và sau đó là các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, trong tất cả những điều này, ngài vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn vác thập giá vốn là một phần không thể thiếu của sứ vụ.
Học yêu mến Thánh Giá
Vào một dịp nọ, vào ngày lễ Suy tôn Thánh Giá, Thánh Mary (MacKillop) đã nói với một nữ tu cùng dòng: “Hỡi con của Mẹ, trong nhiều năm Mẹ đã học biết yêu mến Thánh Giá”. Từ nhiều năm mẹ đã học yêu mến Thánh Giá. Thánh nhân đã không bỏ cuộc trong những lúc thử thách và tăm tối, khi niềm vui của ngài bị dập tắt bởi sự chống đối và từ chối. Anh chị em hãy quan sát đièu này: tất cả các thánh đều gặp sự chóng đối, kể cả trong Giáo hội. Và thánh nhân cũng thế. Ngài vẫn xác tín rằng, ngay cả khi Chúa trao cho ngài “bánh ngặt nghèo và nước khốn quẫn” (Is 30,20), chính Chúa sẽ sớm đáp lại tiếng kêu cầu của ngài và bao bọc ngài bằng ân sủng của Người. Đây là bí mật của lòng nhiệt thành tông đồ của thánh nhân: tương quan không ngừng với Chúa.
Đáp lại cách sáng tạo nhu cầu của Giáo hội
Thưa anh chị em, tinh thần môn đệ truyền giáo của Thánh Mary MacKillop, sự đáp ứng sáng tạo của thánh nhân đối với các nhu cầu của Giáo hội vào thời đó, sự dấn thân của ngài đối với việc đào tạo toàn diện giới trẻ đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta ngày nay, những người được kêu gọi trở thành men Tin Mừng của xã hội đang thay đổi nhanh chóng của chúng ta. Xin cho gương sáng và lời chuyển cầu của thánh nhân nâng đỡ công việc hàng ngày của các bậc cha mẹ, thầy cô, giáo lý viên và tất cả những nhà giáo dục, vì lợi ích của giới trẻ và vì một tương lai nhân bản và đầy hy vọng hơn.
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.Hồng Thủy – Vatican News