THỨ SÁU TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Solemnity of the Most Sacred Heart of Jesus
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mt 11:25-30
At that time Jesus exclaimed:
“I give praise to you, Father, Lord of heaven and earth,
for although you have hidden these things
from the wise and the learned
you have revealed them to little ones.
Yes, Father, such has been your gracious will.
All things have been handed over to me by my Father.
No one knows the Son except the Father,
and no one knows the Father except the Son
and anyone to whom the Son wishes to reveal him.
“Come to me, all you who labor and are burdened,
and I will give you rest.
Take my yoke upon you and learn from me,
for I am meek and humble of heart;
and you will find rest for yourselves.
For my yoke is easy, and my burden light.”
Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 32,11.19
Đời nọ tới đời kia,
Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng
ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.
Bài đọc 1 : Đnl 7,6-11
Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em.
Bài trích sách Đệ nhị luật.
6 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Anh em là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. 7 Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. 8 Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập. 9 Anh em phải biết rằng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành : cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người. 10 Còn ai thù ghét Người, thì Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa, khiến nó phải chết ; với kẻ thù ghét Người, Người không trì hoãn, Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa. 11 Vậy anh em phải tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định mà hôm nay tôi truyền cho anh em đem ra thực hành.”
Đáp ca : Tv 102,1-2.3-4.6-7.8 và 10 (Đ. x. c.17)
Đ. Ân tình Chúa thiên thu vạn đại, Chúa dành cho ai kính sợ Người.
1Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh !
2Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Đ. Ân tình Chúa thiên thu vạn đại, Chúa dành cho ai kính sợ Người.
3Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
4Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.
Đ. Ân tình Chúa thiên thu vạn đại, Chúa dành cho ai kính sợ Người.
6Chúa phân xử công minh,
bênh quyền lợi những ai bị áp bức,
7mặc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người,
cho con cái nhà Ít-ra-en
thấy những kỳ công Người thực hiện.
Đ. Ân tình Chúa thiên thu vạn đại, Chúa dành cho ai kính sợ Người.
8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
10Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
Đ. Ân tình Chúa thiên thu vạn đại, Chúa dành cho ai kính sợ Người.
Bài đọc 2 : 1 Ga 4,7-16
Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.
7Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra,
và người ấy biết Thiên Chúa.
8Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa là tình yêu.
9Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta
được biểu lộ như thế này :
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian
để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
10Tình yêu cốt ở điều này :
không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,
và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
11Anh em thân mến,
nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế,
chúng ta cũng phải yêu thương nhau.
12Thiên Chúa, chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ.
Nếu chúng ta yêu thương nhau,
thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,
và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.
13Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng
chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta :
đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta.
14Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng
và làm chứng rằng : Chúa Cha đã sai Con của Người đến
làm Đấng cứu độ thế gian.
15Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa,
thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy
và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.
16Còn chúng ta,
chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta,
và đã tin vào tình yêu đó.
Thiên Chúa là tình yêu :
ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa,
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
Tung hô Tin Mừng : Mt 11,29ab
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mt 11,25-30
Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
25 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
Ca hiệp lễ : Ga 7,37-38
Chúa nói : “Ai khát, hãy đến với tôi,
ai tin vào tôi, hãy đến mà uống.
Từ lòng người ấy sẽ chảy ra
những dòng nước đem lại sự sống.”
SUY NIỆM
ĐỂ ĐƯỢC NGHỈ NGƠI BỒI DƯỠNG
Thân phận con người vốn dĩ mỏng giòn yếu đuối, không ít lần chúng ta bị choáng ngợp trước những thập giá có vẻ như vượt quá sức mình. Đức Giêsu mời gọi chúng ta – là những kẻ đang vất vả, lo lắng sự đời – hãy đến với Người vì Người đang rộng mở vòng tay để ôm ta vào lòng bằng một trái tim chan chứa tình yêu, luôn nhẹ nhàng và âu yếm vỗ về ta. Hãy đến với Người để Người nâng đỡ mọi thập giá cuộc đời mà chúng ta đang phải gánh vác.
Mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo hội mời gọi chúng ta đến chiêm ngắm Trái Tim Chúa đã chết vì yêu thương. Đức Giáo hoàng Piô XI đã nói trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc rất nhân hậu: “Việc tôn sùng Thánh Tâm sẽ chắc chắn dẫn chúng ta đến việc biết Chúa Kitô một cách thân mật và sẽ làm cho tâm hồn chúng ta yêu mến Người cách dịu dàng hơn.”
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin biến đổi trái tim chúng con nên giống Trái Tim Chúa, và xin cho chúng con luôn biết chạy đến với Ngài mỗi lúc gian nguy. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
HƯỚNG VỀ LỄ KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Thứ sáu 16/6 tới đây là lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Lễ này chính là cao điểm trong tháng 6, là tháng biệt kính Trái Tim Chúa. Đâu là những điểm trọng yếu của lòng sùng kính này?
Nhắc nhở của Đức Thánh Cha Phanxicô
Trong các buổi tiếp kiến chung trong tháng 6, ĐTC thường nhắc nhở các tín hữu về lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Tâm Chúa, biểu tượng tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 22 tháng 6 năm ngoái (2022), khi chào những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn, ngài nhắc đến lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và lễ kính Khiết Tâm Đức Mẹ mà Giáo Hội chuẩn bị cử hành, và nói rằng: các lễ này nhắc nhớ chúng ta cần phải đáp lại tình yêu thương xót của Chúa Kitô và mời gọi chúng ta hãy tín thác nơi sự chuyển cầu của Mẹ Chúa Kitô.
Trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư 7/6 vừa qua, trước khi vào bệnh viện Gemelli để chịu phẫu thuật, khi chào các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha, ĐTC nói: “Trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta hãy cầu xin Chúa làm cho con tim chúng ta trở nên giống con tim của Chúa, và trở thành những dụng cụ của Người để thực hiện những điều tốt lành. Chúng ta noi gương Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sống tận hiến cho Thiên Chúa và quên mình, yêu mến và an ủi Chúa Giêsu, đồng thời chuyển cầu cho phần rỗi của mọi người”.
Lẽ ra thứ Tư 14/6 sắp tới, ĐTC cũng sẽ tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, và ắt hẳn ngài cũng tái nhắc nhở mọi người về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa, nhưng vì còn dưỡng bệnh, nên buổi tiếp kiến này sẽ không diễn ra như thường lệ, vì vậy, trong bài hôm nay, chúng tôi xin gợi lại cùng quý vị vài điểm về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Trái tim biểu tượng tình yêu
Trên đồi Canvê, chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, một người lính cầm đòng đâm cạnh sườn, trúng trái tim của Chúa Giêsu đang chịu treo trên thập giá, tức thì máu và nước chảy ra (x. Ga 19,34). Qua bao thế hệ, Giáo Hội vẫn nhìn qua sự kiện đó một dấu chỉ tình thương tột đỉnh của Thiên Chúa đối với loài người. Thánh Phaolô đã kêu lên: “Người đã yêu thương tôi và đã chịu phó nộp vì tôi” (Gl 2,20).
– Trong tiểu sử thánh nữ Catarina thành Siena có ghi lại lời Chúa Giêsu nói với thánh nữ: “Khi chỉ cho con cạnh sườn mở toang của Cha, Cha muốn con thấy bí mật của con tim Cha, để con hiểu rằng Cha đã thương yêu nhiều hơn là Cha có thể bày tỏ tình yêu đó qua những đau khổ của Cha”.
– Thánh Bonaventura, Tiến Sĩ Hội Thánh, cũng than thở với Chúa: “Con tim Chúa đã bị thương, để qua vết thương hữu hình đó, chúng con có thể thấy vết thương vô hình của tình yêu”.
– Từ thế kỷ 13 trở đi với thánh nữ Mechtilde de Hackeborn và Gertrude, việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu như biểu tượng tình thương khôn lường của Thiên Chúa đối với nhân loại bắt đầu phát triển. Đến cuối thế kỷ 17, Chúa Giêsu lại hiện ra với thánh nữ Margarita Maria Alacoque, bên Pháp, trao cho thánh nữ sứ mạng cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm và kêu gọi loài người ăn năn trở lại, đền bù những lỗi lầm, những thương tích đã gây ra cho Thánh Tâm Chúa. Thánh nữ sinh năm 1647, sống khiêm hạ và âm thầm trong đan viện dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial và qua đời tại đây năm 1690.
Các vị Giáo Hoàng
Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa, qua dòng thời gian đã được nhiều vị Giáo Hoàng phê chuẩn và cổ võ qua một số thông điệp.
– Đặc biệt ngày 15/05/1956, nhân kỷ niệm 100 năm Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX thiết lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu cho toàn thể Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố Thông Điệp “Haurietis Aquas” về Lòng Sùng Kính Thánh Tâm, trình bày những nền tảng đức tin và căn bản Thánh Kinh của lòng sùng kính Thánh Tâm, bản chất cũng như sự cần thiết và lợi ích lớn lao của lòng sùng kính này.
Đức Piô XII
Trong thông điệp này, Đức Piô XII nhấn mạnh rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa được Giáo Hội nhìn nhận và nhiệt liệt cổ võ không phải vì đã được mạc khải riêng cho Thánh Margarita Maria, nhưng vì lòng sùng kính này hoàn toàn phù hợp với bản chất của Kitô giáo, thực chất là đạo của tình yêu. Ngài viết: “Vì vậy, thật hiển nhiên, những mạc khải được tiết lộ cho Thánh Margarita Maria đã không thêm gì vào đạo lý Công Giáo. Ý nghĩa của những mạc khải ấy dựa vào điều này: Chúa Kitô khi biểu lộ Thánh Tâm Người một cách ngoại thường và đặc biệt, muốn kêu gọi tâm trí con người chiêm ngắm và tôn kính mầu nhiệm tình yêu rất thương xót của Thiên Chúa dành cho loài người”.
Đức Piô XII cũng nêu lên ý nghĩa căn bản của lòng sùng kính Thánh Tâm như sau: “Chúng ta sẵn sàng hiểu rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cốt yếu là lòng sùng kính đối với tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta qua Chúa Giêsu và đồng thời cũng là tình yêu làm sống động tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và con người. Hay nói cách khác, lòng sùng kính này được hướng tới tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta để ta thờ lạy Người, cảm tạ Người và suốt đời noi gương Người”.
Cũng trong thông điệp này, Đức Thánh Cha Piô XII đã cho thấy lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là tinh hoa và tổng hợp của tất cả mọi lòng sùng kính cần thiết và lành mạnh khác trong Giáo Hội như việc suy tôn Thánh Giá, việc tôn sùng Thánh Thể và lòng biệt kính Đức Mẹ. Ngài khẳng định: “Lòng sùng kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn có thể được coi như sự tuyên xưng đức tin Kitô giáo cách hoàn hảo. Nó không phải chỉ là một hình thức đạo đức bình thường mà ai nấy tùy ý thực hiện như thể không có hiệu quả gì hay bỏ qua một bên như là thua kém các việc đạo đức khác”. (Thông Điệp “Haurietis Aquas”, 15/05/1956).
Thánh nữ Têrêsa Calcutta
Gần đây hơn cả, trong tiểu sử Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta có kể lại: Ở Calcutta, có một nhà thương thí dành cho những người sắp chết. Một hôm, có một bệnh nhân bị ung thư, người gầy guộc tàn tạ bị đưa vào đây. Mọi người đều bỏ rơi bệnh nhân đó, vì thấy không còn làm gì cho ông ta được nữa. Nhưng Mẹ Têrêxa lại gần ông, ân cần lau rửa cho ông ta. Ông ta trố mắt hỏi: “Làm sao bà có thể chịu đựng sự hôi thối của thân xác tôi như thế?”. Nhưng Mẹ Têrêxa đáp: “Ồ, điều này có là gì đâu so với những đau khổ mà ông đang phải chịu!”. Người bệnh trở nên điềm tĩnh hơn và nói: “Chắc chắn là bà không phải là người ở đây. Vì dân chúng ở đây không cư xử đẹp như bà!”. Một lát sau, người bệnh thì thào: “Hỡi bà, chúc tụng bà”. Nhưng Mẹ Têrêxa đáp: “Không phải thế, chúc tụng ông là người đang chịu đau khổ với Chúa Kitô”, và cả hai trao đổi nụ cười. Người bệnh ngưng đau khổ. Hai ngày sau, ông từ trần. (José Gonzalez-Balado, Il Sorriso dei poveri, Città Nuova ed., 1982, p.13)
Động lực khiến Mẹ Têrêxa Calcutta và các nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ cũng như bao nhiêu tín hữu khác nhiệt thành và ân cần giúp đỡ các bệnh nhân là xác tín chính Chúa Giêsu hiện diện nơi anh chị em bệnh nhân, và mỗi chị nữ tu được kêu gọi biểu lộ tình yêu thương của Trái Tim Chúa cho người bệnh, cho những người nghèo khổ và cho tha nhân nói chung là hình ảnh của Thiên Chúa.
G. Trần Đức Anh, O.P – Nguồn: vaticannews.va/vi