THỨ TƯ TUẦN III PHỤC SINH

Wednesday of the Third Week of Easter

Bread of Life (John 6: 35-40)” by Fr. Michael Sparough, S. J. | Fr. Michael  Sparough, SJ

SNG LI CHÚA

GOSPEL : Jn 6:35-40

Jesus said to the crowds,
“I am the bread of life;
whoever comes to me will never hunger,
and whoever believes in me will never thirst.
But I told you that although you have seen me,
you do not believe.
Everything that the Father gives me will come to me,
and I will not reject anyone who comes to me,
because I came down from heaven not to do my own will
but the will of the one who sent me.
And this is the will of the one who sent me,
that I should not lose anything of what he gave me,
but that I should raise it on the last day.
For this is the will of my Father,
that everyone who sees the Son and believes in him
may have eternal life,
and I shall raise him on the last day.”

Bài đọc : 

Ca nhập lễ : Tv 70,8.23

Lạy Chúa,

xin cho miệng con đầy lời tán tụng Chúa,

để con cất tiếng ca.

Miệng con sẽ reo mừng hớn hở,

khi con hát khen Ngài. Ha-lê-lui-a.

Bài đọc 1 : Cv 8,1b-8

Họ đi khắp nơi loan báo Lời Chúa.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

1b Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri.

2 Có mấy người sùng đạo chôn cất ông Tê-pha-nô và khóc thương ông thảm thiết.

3 Còn ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh : ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục.

4 Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa.

5 Ông Phi-líp-phê xuống một thành miền Sa-ma-ri và rao giảng Đức Ki-tô cho dân cư ở đó. 6 Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Phi-líp-phê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm. 7 Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám. Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành. 8 Trong thành, người ta rất vui mừng.

Đáp ca : Tv 65,1-3a.4-5.6-7a (Đ. c.1) 

Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

1Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa,
2đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời,
nào dâng lời ca tụng tôn vinh !
3aHãy thưa cùng Thiên Chúa :
“Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài !

Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

4Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ,
và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh.”
5Đến mà xem công trình của Thiên Chúa :
hành động của Người đối với phàm nhân
thật đáng kinh đáng sợ !

Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

6Chúa làm cho biển khơi hoá đất liền,
và dân Người đi bộ qua sông ;
việc Người làm đó khiến ta hoan hỷ.
7aChúa uy dũng hiển trị muôn đời.

Đ. Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

Tung hô Tin Mừng : x. Ga 6,40

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Tất cả những ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Ga 6,35-40

Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con, thì được sống muôn đời.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

35 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng : “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ ! 36 Nhưng tôi đã bảo các ông : các ông đã thấy tôi mà không tin. 37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Ca hiệp lễ

Chúa đã sống lại và toả sáng trên chúng ta,

cứu chuộc chúng ta bằng Máu Thánh của Người. Ha-lê-lui-a.

SUY NIỆM

NGƯỜI BẠN CAO CẢ

Chúng ta không tìm đến Bí tích Thánh Thể như một liệu pháp tâm lý để được yên trí vì được coi là giữ đạo tốt lành. Chúng ta cũng không lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa như sự minh chứng với cộng đoàn rằng tôi là con chiên ngoan đạo. 

Nhưng chúng ta đón rước Chúa vì yêu mến Người. Rước Chúa vào lòng là đón nhận chính bản thể Chúa, là chính Thiên Chúa. Tức là chúng ta được trở nên thân thiết, thân tình, thân mật với Chúa, là người bạn – có thể nói như thế – luôn trung tín yêu mến, người bạn tri âm tri kỷ của chúng ta. 

Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Người yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu đã phục sinh và về với Chúa Cha; nhưng để chúng ta vững tin và khỏi có cảm giác bị bỏ rơi, thì trước đó, Người đã quan phòng ban cho chúng ta Bí tích Thánh Thể để ở mãi với chúng ta. Xin cho chúng ta luôn hân hoan mỗi khi tiếp rước Người Bạn Cao Cả này. 

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã hạ cố đến với chúng con, thì xin cho chúng con cũng biết mở rộng tấm lòng đón rước và yêu mến Chúa. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

Kinh Lạy Nữ Vương TĐ 23/4: Cùng Chúa đọc lại câu chuyện đời mình

Trưa Chúa Nhật 23/4, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu làm phút hồi tâm mỗi ngày để tạ ơn Chúa và để cho lòng mình mở ra với Người.

Bài huấn dụ của ĐTC trước khi đọc kinh.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Vào Chúa Nhật III Phục Sinh này, Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24:13-35). Đây là hai môn đệ, đau khổ vì cái chết của Thầy, vào ngày Phục sinh đã quyết định rời Giêrusalem để về nhà. Có lẽ họ có chút xao xuyến, bởi vì họ đã nghe các phụ nữ từ mộ trở về và kể về ngôi mộ trống… nhưng họ vẫn ra đi. Và khi họ buồn bã nói về những gì đã xảy ra, Chúa Giê-su đã cùng đi với họ, nhưng họ không nhận ra Người. Người hỏi họ tại sao lại buồn như vậy, và họ trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” (câu 18). Và Chúa Giêsu hỏi lại: “Chuyện gì vậy?” (câu 19). Họ đã kể cho Người tất cả câu chuyện. Chúa Giê-su đã làm cho họ kể về câu chuyện. Sau đó, khi cùng họ bước đi, Người giúp họ đọc lại các sự kiện theo một cách khác, dưới ánh sáng của các ngôn sứ, của Lời Chúa, của tất cả những lời loan báo cho dân Israel. Đọc lại: đó là điều Chúa Giêsu đã làm với họ, giúp họ đọc lại. Chúng ta dừng lại ở điểm này.

Thật vậy, điều quan trọng đối với chúng ta là đọc lại câu chuyện của chúng ta cùng với Chúa Giêsu: câu chuyện về cuộc đời chúng ta, về một giai đoạn nhất định, về những ngày của chúng ta, với những thất vọng và hy vọng của chúng ta. Mặt khác, chúng ta cũng giống như các môn đệ đó, trước những gì xảy đến với chúng ta, chúng ta có thể thấy mình lạc lõng trước các biến cố, cô đơn và bấp bênh, với nhiều thắc mắc và lo lắng. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nói với Chúa Giêsu mọi sự một cách chân thành, không sợ làm phiền Người, không sợ nói những điều sai, không xấu hổ về những uẩn khúc khó hiểu của chúng ta. Chúa vui khi chúng ta mở lòng mình ra với Người; chỉ bằng cách này, Người mới có thể nắm lấy tay chúng ta, đồng hành với chúng ta và làm cho trái tim của chúng ta bừng cháy trở lại (x. c. 32). Rồi chúng ta, cũng như các môn đệ Emmau, được mời gọi nài nỉ Người, để khi chiều đến, Người ở lại với chúng ta (x. c. 29).

Có một cách hay để làm điều này, và hôm nay tôi muốn đề xuất với anh chị em: đó là dành một chút thời gian, vào mỗi buổi tối, để làm phút hồi tâm ngắn. Điều gì xảy ra trong tôi? Đây là câu hỏi. Là đọc lại ngày sống của mình với Chúa Giêsu, đọc lại ngày sống của tôi: mở lòng ra với Người, mang đến với Người những con người, những chọn lựa, sợ hãi, sa ngã và hy vọng, tất cả những điều xảy ra; để dần dần học cách nhìn mọi thứ bằng con mắt khác, bằng con mắt của Người chứ không chỉ của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có thể sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau đó. Trước tình yêu của Chúa Kitô, ngay cả những gì có vẻ mệt mỏi và không thành công cũng có thể xuất hiện dưới một ánh sáng khác: một thập giá khó khăn không ôm nỗi, sự lựa chọn tha thứ khi đối diện với sự xúc phạm, một cuộc trả thù còn đó, sự mệt mỏi trong công việc, sự chân thành phải trả giá đắt, những thử thách của đời sống gia đình sẽ có thể mở ra trước mắt chúng ta dưới một ánh sáng mới, ánh sáng của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, Đấng biết cách làm cho mỗi lần vấp ngã lại tiến lên một bước. Nhưng để làm được điều này, điều quan trọng là phải loại bỏ sự phòng thủ: dành thời gian và không gian cho Chúa Giêsu, không giấu giếm Người bất cứ điều gì, mang những đau khổ đến với Người, để cho mình bị tổn thương bởi sự thật của Người, để cho trái tim rung động trước hơi thở Lời Người.

Chúng ta có thể bắt đầu ngay hôm nay, dành một chút cầu nguyện vào buổi tối, nơi đó chúng ta tự hỏi: ngày hôm nay của tôi thế nào? Đâu là những viên ngọc, có lẽ được giấu kín, để tạ ơn? Đâu là một chút yêu thương tôi đã làm? Và đâu là những vấp ngã, buồn phiền, nghi ngờ và sợ hãi mà tôi cần mang đến với Chúa Giêsu để Người mở ra cho tôi những con đường mới, nâng tôi dậy và khích lệ tôi? Xin Mẹ Maria, Trinh Nữ khôn ngoan, giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu, Đấng đồng hành với chúng ta và đọc lại mỗi ngày sống của chúng ta trước mặt Người.

Vatican News