CHÚA NHẬT TUẦN III PHỤC SINH

Third Sunday of Easter

On the Road to Emmaus -Lk | Listen to God, Receive Grace

SNG LI CHÚA

GOSPEL : Lk 24:13-35

That very day, the first day of the week,
two of Jesus’ disciples were going
to a village seven miles from Jerusalem called Emmaus,
and they were conversing about all the things that had occurred.
And it happened that while they were conversing and debating,
Jesus himself drew near and walked with them,
but their eyes were prevented from recognizing him.
He asked them,
“What are you discussing as you walk along?”
They stopped, looking downcast.
One of them, named Cleopas, said to him in reply,
“Are you the only visitor to Jerusalem
who does not know of the things
that have taken place there in these days?”
And he replied to them, “What sort of things?”
They said to him,
“The things that happened to Jesus the Nazarene,
who was a prophet mighty in deed and word
before God and all the people,
how our chief priests and rulers both handed him over
to a sentence of death and crucified him.
But we were hoping that he would be the one to redeem Israel;
and besides all this,
it is now the third day since this took place.
Some women from our group, however, have astounded us:
they were at the tomb early in the morning
and did not find his body;
they came back and reported
that they had indeed seen a vision of angels
who announced that he was alive.
Then some of those with us went to the tomb
and found things just as the women had described,
but him they did not see.”
And he said to them, “Oh, how foolish you are!
How slow of heart to believe all that the prophets spoke!
Was it not necessary that the Christ should suffer these things
and enter into his glory?”
Then beginning with Moses and all the prophets,
he interpreted to them what referred to him
in all the Scriptures.
As they approached the village to which they were going,
he gave the impression that he was going on farther.
But they urged him, “Stay with us,
for it is nearly evening and the day is almost over.”
So he went in to stay with them.
And it happened that, while he was with them at table,
he took bread, said the blessing,
broke it, and gave it to them.
With that their eyes were opened and they recognized him,
but he vanished from their sight.
Then they said to each other,
“Were not our hearts burning within us
while he spoke to us on the way and opened the Scriptures to us?”
So they set out at once and returned to Jerusalem
where they found gathered together
the eleven and those with them who were saying,
“The Lord has truly been raised and has appeared to Simon!”
Then the two recounted
what had taken place on the way
and how he was made known to them in the breaking of bread.

Bài đọc : 

Ca nhập lễ : Tv 65,1-2

Cả trái đất, nào tung hô Thiên Chúa,

đàn hát lên, mừng danh thánh rạng ngời,

hãy dâng Người lời ca tụng tôn vinh. Ha-lê-lui-a.

Bài đọc 1 : Cv 2,14.22b-33

Cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

14 Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với dân chúng rằng : “Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây.

22b “Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. 23 Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. 24 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. 25 Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng : Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. 26 Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. 27 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. 28 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.

29 “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng : người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. 30 Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, 31 nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói : Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. 32 Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. 33 Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống : đó là điều anh em đang thấy đang nghe.”

Đáp ca : Tv 15,1-2a và 5.7-8.9-10.11 (Đ. c.11a) 

Đ. Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.

1Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
2aCon thưa cùng Chúa : “Ngài là Chúa con thờ.
5Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con ;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

Đ. Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.

7Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
8Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

Đ. Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.

9Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
10Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.

Đ. Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.

11Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống :
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !

Đ. Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.

Bài đọc 2 : 1 Pr 1,17-21

Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn là Đức Ki-tô.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.

17 Anh em thân mến, Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này. 18 Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. 19 Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô. 20 Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. 21 Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.

Tung hô Tin Mừng : x. Lc 24,32

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa Giê-su, xin mở trí cho chúng con hiểu lời Kinh Thánh. Và khi Chúa phán dạy, xin đốt lòng chúng con cháy lửa nồng nàn. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Lc 24,13-35

Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

13 Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ : “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời : “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi : “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa : “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không thấy.”

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng : “Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng : “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông : “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Ca hiệp lễ : Lc 24,35

Các môn đệ đã nhận ra Chúa Giê-su,

khi Người bẻ bánh. Ha-lê-lui-a.

SUY NIỆM

CON ĐƯỜNG EMMAU

Đôi khi chúng ta tự hỏi: Chúa Kitô đã phục sinh hai ngàn năm nay rồi nhưng tại sao ta không nhận biết Người? Thật ra, Chúa Kitô phục sinh với thân xác vinh hiển nên người ta chỉ có thể nhận biết Người bằng con mắt đức tin. Không phải Chúa muốn làm khó chúng ta nhưng để chúng ta có cơ hội tăng thêm công ích của đức tin. 

Có nhiều người tỏ ra tiêu cực khi không nhận thấy sự hiện diện của Chúa, như hai môn đệ trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Các ông nghe tin Người đã phục sinh nhưng đã mấy ngày trôi qua mà Chúa vẫn biệt tăm tung tích, và các ông thất vọng. Sự thật là Chúa Giêsu đang đồng hành, đang lắng nghe các ông nói; Người còn giảng giải nhiều điều cho các ông nghe nhưng không ai nhận ra Người. 

Chúa Giêsu vẫn luôn ở bên cạnh mỗi người chúng ta. Nhưng con mắt đức tin của chúng ta bị che mờ bởi tâm trí còn ấp ủ những suy tính đen tối, những hoài nghi. Tuy nhiên, đừng bao giờ chúng ta nản lòng khi không cảm nhận được Chúa, vì điều quan trọng không hệ tại ở việc thấy hay không thấy, mà là việc chúng ta tin như thế nào. Vì cứ tin thì sẽ được cứu rồi, như lời Thánh Phaolô đã từng nói: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ” 

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa Giêsu, xin mở con mắt đức tin cho chúng con, để chúng con nhận ra Chúa mỗi ngày trong cuộc đời mình. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

MƯỜI ĐẶC NÉT CỦA SỰ THÁNH THIỆN

Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh. Làm sao mà chúng ta biết được điều này? Chính Chúa Giêsu đã truyền lệnh: “Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Nói cách khác: Hãy trở thành một vị thánh! Trong phụng vụ Giáo hội, chúng ta mừng kính rất nhiều vị thánh, nhưng chắc chắn, con số những vị thánh ẩn danh còn đông hơn gấp nhiều lần.  

Ý thức lời mời gọi hãy nên thánh này, chúng ta cùng suy tư về 10 đặc điểm nổi bật của đời sống thánh thiện, như một cách thúc đẩy chúng ta cố gắng mỗi ngày để trở thành người mà Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành —một vị thánh!

1. Tránh xa tội lỗi

Chúng ta hãy khởi đầu từ mặt tiêu cực: tránh xa tội lỗi. Nền văn hóa hiện đại cổ võ lối sống ích kỷ, hướng chiều theo tội lỗi, trong khi đó, lời mời gọi nên thánh đòi hỏi chúng ta đi ngược với xu hướng này. Thánh Đaminh Savio có một Khẩu hiệu khi Rước Lễ Lần Đầu: Thà chết còn hơn phạm tội!

2. Sống đời cầu nguyện

Một sự thật không thể chối cãi đó là không có cuộc đời của bất kỳ vị Thánh nào mà lại không coi trọng đời sống cầu nguyện, có nghĩa là, lại không kết hợp và xây dựng tình bằng hữu với Thiên Chúa. Để được như vậy, chúng ta cần dành thời gian để cầu nguyện và cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn chúng ta nâng cao đời sống cầu nguyện trong việc theo đuổi sự thánh thiện.

3. Khiêm nhường qui hướng về Thiên Chúa

Các thánh là những người khiêm nhường thực sự. Ở đây, khiêm nhường được hiểu là: Các Thánh quy tất cả những điều tốt lành mình đã làm được cho Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc, tác giả và cùng đích của mọi điều tốt lành. Do đó, khi được khen ngợi về bất kỳ việc tốt nào thực hiện được, hầu như các ngài đáp lại một cách tự nhiên: Tạ ơn Chúa!

4. Khao khát nên thánh

Trong cuộc sống, nhiều người khao khát tiền bạc, quyền lực, lạc thú, thành công và của cải. Các Thánh thì không như vậy: các ngài khao khát yêu mến Thiên Chúa ngày càng sâu xa hơn, trọn vẹn hơn và kết hợp với Chúa bền chặt hơn, như lời Thánh Vịnh 42, 1: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa”. Các thánh cũng thừa nhận rằng mình không phải là một thánh nhân nhưng thực sự khao khát một ngày nào đó sẽ trở thành một vị thánh. Khao khát này, có thể nói, giúp chúng ta đạt được một nửa chặng đường trong trận chiến giành lấy vương miện của sự thánh thiện.

5. Thực thi đức ái

Các thánh được thúc đẩy để suy niệm và thực hiện một cách cụ thể bằng lời nói và hành động giới răn cao trọng nhất đó là: yêu mến Thiên Chúa cách trọn vẹn và yêu tha nhân như chính mình. Nếu muốn nhìn thấy một hình ảnh sống động về đức ái, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá.

Một ngày kia, Chúa Giêsu hiện ra với thánh Thánh Tôma Aquino và hỏi xem ngài muốn được phần thưởng gì nhất sau những thành tựu đã đạt được, thánh nhân trả lời không do dự: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn để yêu mến Chúa mỗi ngày một nhiều hơn”.

Thánh Gioan Thánh Giá đã khẳng định: “Vào điểm cuối của cuộc đời, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”. Thánh Phanxicô Salesiô nói thêm: “Mức độ mà chúng ta yêu mến Thiên Chúa là chúng ta yêu mến Ngài không có mức độ”.

6. Nhiệt thành đối với phần rỗi các linh hồn

Một ngày kia, có một thiếu niên đến gặp một vị linh mục. Cậu thiếu niên nhìn lên và thấy trên tường có viết một vài từ bằng tiếng Latinh và cậu hỏi vị linh mục những từ đó là gì và ý nghĩa ra sao. Vị linh mục trả lời bằng cách nói rằng những từ đó là phương châm sống của ngài: “Xin hãy cho con các linh hồn và hãy cất lấy tất cả những gì còn lại”. Vị linh mục đó là Thánh Gioan Bosco; và cậu thiếu niên là Thánh Đaminh Savio.

Một vị thánh đích thực là người biết yêu Chúa và yêu những gì Chúa yêu—phần rỗi đời đời của các linh hồn. Lý do cho sự đau đớn tột cùng mà Chúa Giêsu phải chịu trong Cuộc Khổ nạn đó chính là để mang lại phần rỗi cho nhân loại. Thánh Padre Pio mang Thánh tích trong 50 năm để cầu nguyện cho các linh hồn; Thánh Gioan Vianney ngồi toà giải tội 13-18 tiếng mỗi ngày để đưa các linh hồn trở về với Thiên Chúa; Thánh Faustina chịu nhiều đau khổ vì khao khát phần rỗi các linh hồn.

7. Can đảm đứng dậy khi vấp ngã

Các thánh không phải là những người được miễn trừ khỏi những yếu đuối, thất bại, sa ngã, nhưng giống như chúng ta, các ngài cũng là những tội nhân. Tuy nhiên, có điểm khác là, dù sai phạm, dù lỗi lầm, dù vấp ngã, các ngài vẫn kiên cường đứng dậy; thật lòng trở về với Chúa qua việc lãnh bí tích hoà giải, và khiêm tốn, với thiện chí để thay đổi và cố gắng sống tốt hơn. Đấng đáng kính Bruno Lanteri có lời khuyên là: Hãy bắt đầu lại, có nghĩa là, nếu chúng ta sa ngã, hãy đứng dậy ngay và càng tin tưởng hơn vào ân sủng và lòng thương xót của Trái Tim đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu. Chẳng có gì ngạc nhiên khi trong Nhật ký của Thánh nữ Faustina, Chúa Giêsu nhắc nhở rằng một tội nhân nặng nề có thể trở thành một vị thánh vĩ đại nhất nếu biết hoàn toàn tin tưởng vào lòng thương xót của Người.

Đấng đáng kính Fulton J. Sheen cũng cho thấy rằng vị thánh đầu tiên được Chúa Giêsu công nhận là một tội phạm, bị treo trên thập giá bên cạnh Người trên đồi Canvê: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng” (Lc 23, 43). Thật thế, “người ấy đã chết như một tên trộm vì anh đã lấy trộm được thiên đàng”! Chúng ta hãy đọc và suy niệm Dụ ngôn Người con hoang đàng (Lc 15,11-32) để nhắc nhở mình về việc can đảm trở về mỗi khi lầm đường lạc lối.

8. Nhiệt tâm yêu mến Thánh Thể

Nguồn mạch của ân sủng, sự trong sạch, sức mạnh và sự thánh thiện là chính Chúa Giêsu, và phương thế hữu hiệu nhất để chúng ta kết hiệp với Người là Bí tích Thánh Thể. Khi được nuôi dưỡng bằng Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Chúa Giêsu với đức tin, lòng sùng kính, nhiệt thành và tình yêu, thì chúng ta cũng được biến đổi để trở nên giống Chúa Giêsu qua từng suy nghĩ, cảm nhận, lời nói, hành động như Thánh Phaolô đã khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

9. Cởi mở và ngoan nguỳ đối với Chúa Thánh Thần

Trong cuốn sách “Trong Trường Học của Chúa Thánh Thần”, cha Jacques Philippe nhắc nhở độc giả của mình rằng, sự thánh thiện chủ yếu tùy thuộc vào một thái độ, hành động và kế hoạch sống cơ bản: ngoan nguỳ trước sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Dù nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, Chúa Thánh Thần hướng dẫn những tâm hồn khiêm nhường vào lộ trình dẫn đến đời sống thánh thiện, giúp họ trở thành những vị thánh theo đúng ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nhìn nhận: “chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8, 26). Chính vì lý do này mà Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã tuyên bố: “Các Thánh là kiệt tác của Chúa Thánh Thần”.

10. Yêu mến Mẹ Maria

Mẹ Maria, Đấng được mệnh danh là Nữ vương các Thiên Thần, và Nữ vương Các Thánh. Mẹ Maria truyền cảm hứng cho Các Thánh nhiệt thành cầu nguyện; Mẹ nhắc nhở Các Thánh trở về với Chúa sau khi phạm tội; Mẹ khuyến khích Các Thánh yêu mến Chúa Giêsu với trọn vẹn con người của mình. Sự hiện diện từ mẫu của Mẹ giúp Các Thánh tránh khỏi những nguy hiểm về đời sống đạo đức; Sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ Maria dẫn Các Thánh đi từ sự phiền muộn đến sự an ủi. Chắc chắn, chẳng có vị Thánh nào mà lại không có lòng yêu mến Mẹ Maria.

* * *

Với 10 đặc nét đơn sơ về sự thánh thiện, như lời mời gọi chúng ta sống ý nghĩa cuộc đời mình như là một thụ tạo được dựng nên và dành riêng cho Thiên Chúa: sống trọn vẹn mỗi ngày với sự khao khát nên thánh thiện; can đảm và khiêm tốn đặt sự yếu đuối của bản thân trong tình yêu tha thứ của Thiên Chúa; sống liên đới với mọi người bằng mối dây đức ái. Nhờ đó, chúng ta cùng nhau đạt tới cùng đích ơn gọi làm người của mình: nên hoàn thiện, như Cha chúng ta trên trời là Ðấng hoàn thiện.

LmEd Broom, OMV

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP– Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: catholicexchange.com (17. 4. 2023)