THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Tuesday in the Octave of Easter

My Reflections...: Reflection for April 14, Tuesday in the Octave of  Easter: John 20:11-18

SNG LI CHÚA

GOSPEL : Jn 20:11-18

Mary Magdalene stayed outside the tomb weeping.
And as she wept, she bent over into the tomb
and saw two angels in white sitting there,
one at the head and one at the feet
where the Body of Jesus had been.
And they said to her, “Woman, why are you weeping?”
She said to them, “They have taken my Lord,
and I don’t know where they laid him.”
When she had said this, she turned around and saw Jesus there,
but did not know it was Jesus.
Jesus said to her, “Woman, why are you weeping?
Whom are you looking for?”
She thought it was the gardener and said to him,
“Sir, if you carried him away,
tell me where you laid him,
and I will take him.”
Jesus said to her, “Mary!”
She turned and said to him in Hebrew, “Rabbouni,”
which means Teacher.
Jesus said to her, “Stop holding on to me,
for I have not yet ascended to the Father.
But go to my brothers and tell them,
‘I am going to my Father and your Father,
to my God and your God.’”
Mary went and announced to the disciples,
“I have seen the Lord,”
and then reported what he had told her.

Bài đọc : 

Ca nhập lễ : x. Hc 15,3-4

Chúa cho kẻ kính sợ Người uống nước

là chính sự khôn ngoan

để họ được vững lòng

và không hề nao núng.

Chúa cho họ rực rỡ vinh quang

đến muôn thuở muôn đời. Ha-lê-lui-a.

Bài đọc 1 : Cv 2,36-41

Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

36 Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô nói với người Do-thái rằng : “Toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này : Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.”

37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác : “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?” 38 Ông Phê-rô đáp : “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. 39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” 40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói : “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” 41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.

Đáp ca : Tv 32,4-5.18-19.20 và 22 (Đ. c.5b) 

Đ. Tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

4Lời Chúa phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
5Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

Đ. Tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

18Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,
19hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

Đ. Tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

20Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa,
bởi Người luôn che chở phù trì.
22Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

Đ. Tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

Tung hô Tin Mừng : Tv 117,24

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Đây là ngày Chúa đã làm ra,

nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Ga 20,11-18

Tôi đã thấy Chúa, và Người đã nói với tôi.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

11 Khi ấy, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà : “Này bà, sao bà khóc ?” Bà thưa : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !” 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà : “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16 Đức Giê-su gọi bà : “Ma-ri-a !” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : “Ráp-bu-ni !” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17 Đức Giê-su bảo : “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

Ca hiệp lễ : Cl 3,1-2

Anh em đã được sống lại cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thương giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Chúa Cha. Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới. Ha-lê-lui-a.

SUY NIỆM

GẶP ĐƯỢC CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI

Các nhà chú giải cho rằng: nhân vật Maria Mácđala trong Tin Mừng hôm nay chính là người đã được Đức Giêsu trừ cho bảy quỷ (x. Lc 8,2). Bà là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh cho thấy và được sai đi loan báo tin vui này cho các môn đệ. 

Đã từng bị quỷ dữ quấy phá, Maria hiểu thế nào là sống trong tình trạng xa Chúa. Giờ đây, điều này dường như lặp lại khi bà không thấy xác của Người trong ngôi mộ. Chúng ta đừng vội trách Maria kém lòng tin hay kém hiểu biết Kinh Thánh, nhưng hãy trân trọng tình cảm quý mến của bà dành cho Đức Giêsu ngay cả khi Người chỉ còn là một xác chết. 

Kinh nghiệm vắng bóng Chúa khiến Maria hiểu rằng sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời bà là điều thiết yếu. Bà chỉ có niềm vui khi được Chúa ở cùng. Thật vậy, con người chỉ thật sự an vui khi sống kề bên Chúa, Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Đó cũng chính là niềm vui mà Đức Giêsu Phục Sinh muốn mang đến cho những ai đón nhận Người.  

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa, xin cho con được gặp Chúa trong cuộc đời để con mang Chúa đến cho mọi người con gặp gỡ hôm nay. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

SỨ ĐIỆP PHỤC SINH URBI ET ORBI CỦA ĐỨC THÁNH CHA

NĂM 2023: ĐẤNG HẰNG SỐNG Ở VỚI CHÚNG TA MÃI MÃI

Lúc 12:00 trưa giờ Roma ngày 9/4/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc Sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành Urbi et Orbi.

Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đã Phục Sinh!

Hôm nay chúng ta tuyên xưng rằng Người, Chúa sự sống của chúng ta, là “sự sống lại và là sự sống” của thế giới (x. Ga 11,25). Đó là sự Phục Sinh, có nghĩa là “cuộc vượt qua”, bởi vì nơi Chúa Giêsu, cuộc vượt qua mang tính quyết định của nhân loại đã hoàn tất: từ cái chết đến sự sống, từ tội lỗi đến ân sủng, từ sợ hãi đến tin tưởng, từ cô đơn đến hiệp thông. Trong Người, Chúa của thời gian và lịch sử, tôi muốn nói với tất cả anh chị em, với niềm vui trong tâm hồn: Chúc Mừng Lễ Phục Sinh!

Anh chị em thân mến, ước mong đó là một cuộc vượt qua từ gian truân đến an ủi đối với mỗi người trong anh chị em, đặc biệt là những người đau yếu và nghèo khổ, những người cao tuổi và những ai đang trải qua những giây phút thử thách và mệt mỏi. Chúng ta không đơn độc: Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, ở với chúng ta mãi mãi. Xin cho Giáo hội và thế giới vui mừng hân hoan, vì hôm nay những hy vọng của chúng ta không còn đụng phải bức tường sự chết nữa, nhưng Chúa đã mở cho chúng ta một nhịp cầu dẫn đến sự sống. Vâng, thưa anh chị em, nơi sự Phục sinh, số phận của thế giới đã thay đổi và hôm nay, cũng trùng với ngày có thể là đúng ngày Chúa Kitô phục sinh nhất, chúng ta có thể vui mừng cử hành, nhờ ân sủng thuần khiết, ngày quan trọng và đẹp đẽ nhất trong lịch sử.

Chúa Kitô đã sống lại, Người đã thực sự sống lại, như được loan báo trong các Giáo hội Đông phương. Điều đó thực sự nói với chúng ta rằng hy vọng không phải là ảo ảnh, đó là sự thật! Và hành trình của nhân loại, từ lễ Phục sinh trở đi, được đánh dấu bằng niềm hy vọng, sẽ tiến nhanh hơn. Những nhân chứng đầu tiên của sự Phục sinh cho chúng ta thấy điều này qua tấm gương của họ. Các sách Tin Mừng thuật lại sự vội vàng tốt lành của các phụ nữ khi “các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ” (Mt 28,8) vào ngày Phục Sinh. Và, sau khi bà Maria Mađalêna “chạy đến với ông Simon Phêrô” (Ga 20,2), thì Gioan và chính Phêrô “cả hai cùng chạy” (x. câu 4) để đến nơi chôn cất Chúa Giêsu. Và rồi chiều Phục Sinh, khi gặp Đấng Phục Sinh trên đường Emmaus, hai môn đệ “lên đường ngay” (Lc 24,33) và vội vã vượt qua chặng đường dài hàng cây số, với những con dốc, và trong bóng tối, xúc động vì niềm vui Phục Sinh không thể kìm nén được đang đốt cháy tâm hồn họ (xem câu 32). Cũng chính bởi niềm vui đó mà Phêrô, trên bờ biển Galilêa, khi nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh, đã không thể nán lại trên thuyền với những người khác, mà lập tức nhảy xuống nước, bơi thật nhanh để gặp Người (x. Ga 21:7). Nói tóm lại, vào Lễ Phục Sinh, cuộc hành trình gia tăng tốc độ và đi nhanh hơn, bởi vì nhân loại nhìn thấy mục tiêu hành trình của mình, ý nghĩa vận mệnh của mình, là Chúa Giêsu Kitô, và được kêu gọi nhanh chóng đến với Người, niềm hy vọng của thế giới.

Chúng ta cũng hãy nhanh chóng tăng tốc trên hành trình tin tưởng lẫn nhau: tin tưởng giữa các cá nhân, giữa các dân tộc và các quốc gia. Chúng ta hãy ngạc nhiên trước lời loan báo hân hoan về sự Phục Sinh, trước ánh sáng chiếu rọi bóng đêm và những điều tăm tối thường bao trùm thế giới.

Chúng ta hãy nhanh chóng vượt qua những xung đột và chia rẽ, và mở rộng trái tim của chúng ta với những người đang cần giúp đỡ nhất. Chúng ta hãy nhanh chóng bước đi trên con đường hòa bình và tình huynh đệ. Chúng ta hãy vui mừng trước những dấu hiệu cụ thể của niềm hy vọng đến với chúng ta từ rất nhiều quốc gia, bắt đầu từ những quốc gia cung cấp sự trợ giúp và lòng hiếu khách cho những người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói.

Tuy nhiên, trên đường đi, vẫn còn nhiều tảng đá khiến chúng ta vấp ngã, làm cho cuộc hành trình của chúng ta tiến đến với Chúa Phục Sinh trở nên gian nan và vất vả. Chúng ta hãy cầu khẩn Người: Xin giúp chúng con chạy đến với Ngài! Xin giúp chúng con mở rộng tâm hồn!

Xin hãy giúp đỡ dân tộc Ucraina thân yêu trên con đường đi đến hòa bình, và xin toả lan ánh sáng Phục sinh cho dân tộc Nga. Xin an ủi những người bị thương và những người mất người thân trong chiến tranh và cho các tù nhân có thể bình an trở về với gia đình của họ. Xin mở rộng trái tim của toàn thể cộng đồng quốc tế để họ hành động nhằm chấm dứt cuộc chiến này và tất cả các cuộc xung đột đang làm đẫm máu thế giới, bắt đầu từ Syria, đất nước vẫn đang chờ đợi hòa bình. Xin nâng đỡ những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ và ở chính Syria. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã mất gia đình và bạn bè và những người không còn nhà cửa: xin cho họ nhận được sự an ủi từ Thiên Chúa và sự giúp đỡ từ đại gia đình của các quốc gia.

Vào ngày này, lạy Chúa, chúng con xin phó thác cho Chúa thành Giêrusalem, chứng nhân đầu tiên về sự Phục sinh của Chúa. Xin cho cuộc đối thoại giữa người Do Thái và người Palestine được nối lại, trong bầu không khí tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, để hòa bình ngự trị tại Thành Thánh và khắp trong Vùng.

Lạy Chúa, xin giúp đỡ nước Libăng, quốc gia vẫn đang tìm kiếm sự ổn định và thống nhất, để vượt qua sự chia rẽ và mọi công dân cùng nhau làm việc vì lợi ích chung của đất nước.

Xin Chúa đừng quên những người dân Tunisia thân yêu, đặc biệt là những người trẻ tuổi và những người đang phải chịu đựng những vấn đề xã hội và kinh tế, để họ không mất hy vọng và cộng tác trong việc xây dựng một tương lai hòa bình và huynh đệ.

Xin Chúa nhìn đến Haiti, quốc gia đã nhiều năm gánh chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo và chính trị xã hội nghiêm trọng, đồng thời xin nâng đỡ sự dấn thân của các chủ thể chính trị và cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp dứt khoát cho nhiều vấn đề đang ảnh hưởng đến dân tộc đang gặp nhiều khó khăn đó.

Xin củng cố các tiến trình hòa bình và hòa giải được thực hiện ở Ethiopia và Nam Sudan, đồng thời xin chấm dứt bạo lực ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Lạy Chúa, xin nâng đỡ các cộng đồng Kitô hữu cử hành lễ Phục sinh hôm nay trong những hoàn cảnh đặc biệt, như ở Nicaragua và Eritrea, và xin nhớ đến tất cả những người bị ngăn cản không được tự do và công khai tuyên xưng đức tin của mình. Xin an ủi các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là ở Burkina Faso, Mali, Mozambique và Nigeria.

Xin giúp Myanmar đi trên con đường hòa bình và xin soi sáng trái tim của những người có trách nhiệm để những người Rohingya bị áp bức tìm được công lý.

Xin an ủi những người tị nạn, những người bị trục xuất, những tù nhân chính trị và những người di cư, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như tất cả những ai đang phải chịu cảnh đói nghèo và những tác hại của việc buôn bán ma túy, buôn người và mọi hình thức nô lệ. Lạy Chúa, xin soi sáng cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia, để không một người nào bị phân biệt đối xử và nhân phẩm của họ bị chà đạp; để trong sự tôn trọng đầy đủ các quyền con người và dân chủ, các vết thương xã hội này được chữa lành, đồng thời chỉ và luôn tìm kiếm lợi ích chung của các công dân, đảm bảo an ninh và các điều kiện cần thiết cho đối thoại và chung sống hòa bình.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy tìm lại hương vị của cuộc hành trình, chúng ta gia tăng nhịp đập của hy vọng, chúng ta hãy nếm trải vẻ đẹp của Thiên Đàng! Hôm nay chúng ta hãy kín múc những nghị lực để tiến bước trong cuộc gặp gỡ tốt đẹp với Đấng Tốt lành, Đấng không làm chúng ta thất vọng. Và nếu, như một Giáo Phụ xưa đã viết, “tội lỗi lớn nhất là không tin vào quyền năng của sự Phục Sinh”, (SAINT ISAAC OF NINEVE, Sermones ascetici, I,5), thì ngày nay chúng ta hãy tin rằng: “Vâng, chúng con chắc chắn: Chúa Kitô đã thực sự sống lại” (Ca Tiếp liên). Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin vào Chúa, chúng con tin rằng cùng với Chúa, niềm hy vọng được tái sinh, cuộc hành trình tiếp tục. Lạy Chúa, Chúa của sự sống, xin khích lệ các cuộc hành trình của chúng con và cũng lặp lại với chúng con, như với các môn đệ vào chiều Phục Sinh: ‘Bình an cho anh em!’” (Ga 20,19.21).

Vatican News Tiếng Việt