Friday of the Third Week of Lent
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mk 12:28-34
One of the scribes came to Jesus and asked him,
“Which is the first of all the commandments?”
Jesus replied, “The first is this:
Hear, O Israel!
The Lord our God is Lord alone!
You shall love the Lord your God with all your heart,
with all your soul,
with all your mind,
and with all your strength.
The second is this:
You shall love your neighbor as yourself.
There is no other commandment greater than these.”
The scribe said to him, “Well said, teacher.
You are right in saying,
He is One and there is no other than he.
And to love him with all your heart,
with all your understanding,
with all your strength,
and to love your neighbor as yourself
is worth more than all burnt offerings and sacrifices.”
And when Jesus saw that he answered with understanding,
he said to him,
“You are not far from the Kingdom of God.”
And no one dared to ask him any more questions.
Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 85,8.10
Lạy Chúa,
không một thần linh sánh kịp Ngài,
vì Ngài thật cao cả
và làm nên những việc lạ lùng ;
chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa.
Bài đọc 1 : Hs 14,2-10
Chúng con sẽ không gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra.
Bài trích sách ngôn sứ Hô-sê.
2 Đức Chúa phán như sau :
“Hỡi Ít-ra-en, hãy trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.
Chính vì tội ác của ngươi mà ngươi đã vấp ngã.
3Hãy trở về với Đức Chúa, mang theo lời cầu nguyện.
Hãy thưa với Người :
‘Xin thứ tha mọi gian ác, xin vui nhận lời ngợi khen
chúng con dâng lên Ngài làm lễ vật thay thế bò tơ.
4Chúng con sẽ không cầu cứu với Át-sua,
sẽ không cậy nhờ vào chiến mã,
cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra,
vì chỉ ở nơi Ngài, kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm.’
5Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung,
sẽ yêu thương chúng hết tình,
vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng.
6Với Ít-ra-en Ta sẽ như làn sương mai
làm nó vươn lên như bông huệ,
cho bén rễ sâu như cây ngàn Li-băng.
7Họ sẽ đâm chồi nẩy lộc, sum sê tựa ô-liu tươi tốt,
toả hương thơm ngát như rừng Li-băng.
8Chúng sẽ trở về cư ngụ dưới bóng Ta,
sẽ làm cho lúa miến hồi sinh nơi đồng ruộng,
tựa vườn nho, chúng sẽ sinh sôi nẩy nở,
danh tiếng lẫy lừng như rượu Li-băng.
9Ép-ra-im còn liên hệ gì với các ngẫu tượng ?
Còn Ta, Ta đã nhậm lời và đoái nhìn đến nó.
Ta như một cây trắc bá xanh tươi,
chính nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái.
10Ai đủ khôn ngoan để hiểu được điều này,
đủ thông minh để biết được điều ấy ?
Quả thật đường lối Đức Chúa rất mực thẳng ngay.
Trên con đường này, người công chính sẽ hiên ngang tiến bước,
còn kẻ gian ác sẽ phải té nhào.”
Đáp ca : Tv 80,6c-8a.8bc-9.10-11ab.14 và 17 (Đ. x. c.11 và
Đ. Chính Ta là Thượng Đế Chúa ngươi : hãy nghe Ta cảnh cáo.
6cMột giọng nói tôi nghe khác lạ,
7rằng : “Gánh nặng vai dân, Ta đã cất cho,
tay họ thôi cầm chiếc ki người nô lệ.
8aLúc ngặt nghèo, ngươi đã kêu lên, Ta liền giải thoát.”
Đ. Chính Ta là Thượng Đế Chúa ngươi : hãy nghe Ta cảnh cáo.
8bcGiữa mây mù sấm chớp, Ta đã đáp lời,
bên mạch nước Mê-ri-ba, Ta thử lòng ngươi.
9Dân Ta hỡi, nghe Ta cảnh cáo,
Ít-ra-en này, phải chi ngươi chịu nghe Ta.
Đ. Chính Ta là Thượng Đế Chúa ngươi : hãy nghe Ta cảnh cáo.
10Ngươi đừng đem thần lạ về nhà,
thần ngoại bang, chớ hề cúng bái.
11abChính Ta là Thượng Đế Chúa ngươi,
đã đưa ngươi lên tự miền Ai-cập.
Đ. Chính Ta là Thượng Đế Chúa ngươi : hãy nghe Ta cảnh cáo.
14Ôi dân Ta mà đã nghe lời,
Ít-ra-en chịu theo đường Ta chỉ,
17Ta sẽ nuôi bằng lúa mì tinh hảo,
mật ong rừng, Ta cho hưởng thoả thuê.
Đ. Chính Ta là Thượng Đế Chúa ngươi : hãy nghe Ta cảnh cáo.
Tung hô Tin Mừng : Mt 4,17
Chúa nói : anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.
Tin Mừng: Mc 12,28b-34
Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất ; ngươi phải yêu mến Người.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
28b Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu ?” 29 Đức Giê-su trả lời : “Điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
Ca hiệp lễ : x. Mc 12,33
Hết lòng yêu mến Thiên Chúa
và yêu người thân cận như chính mình
thì hơn là dâng mọi hy lễ.
SUY NIỆM
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô thuật lại cuộc đối thoại giữa một vị kinh sư và Đức Giêsu. Vị kinh sư đã hỏi Người điều răn nào trọng nhất. Đức Giêsu trả lời điều răn đứng hàng đầu là: “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực ngươi.” Và điều răn thứ hai là, “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”
Kính mến Chúa và yêu thương con người là hai bổn phận chính yếu của mọi Kitô hữu. Hơn nữa, lòng yêu thương tha nhân phải được đặt nền trên lòng kính mến Thiên Chúa, là Đấng đã luôn yêu thương và ban nhiều ơn lành cho hết mọi người.
Trong cuộc sống, sự yêu thương đòi hỏi chúng ta phải biết từ bỏ tính ích kỷ, từ bỏ những đố kỵ, hiềm khích, để hướng đến tha nhân nhiều hơn.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân nhiều hơn. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Kitô hữu là một tông đồ khiêm nhường, không phải là người tìm kiếm địa vị
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta hãy tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng đam mê rao giảng Tin Mừng, không chỉ về việc loan báo Tin Mừng nhưng là về niềm đam mê rao giảng Tin Mừng; và, tại trường học của Công đồng Vatican II, chúng ta hãy cố gắng hiểu rõ hơn là “các tông đồ” ngày nay có nghĩa là gì. Từ ngữ “tông đồ” gợi nhớ đến nhóm Mười Hai môn đệ được Chúa Giêsu tuyển chọn. Đôi khi chúng ta gọi một số vị thánh, hay cách chung hơn, các Giám mục, là “tông đồ”. Nhưng chúng ta có ý thức rằng việc là tông đồ liên quan đến mọi Kitô hữu không? Chúng ta có ý thức rằng nó cũng liên quan đến mỗi người chúng ta không? Thật vậy, chúng ta được mời gọi là tông đồ trong một Giáo hội tông truyền như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Vậy là tông đồ nghĩa là gì? Nó có nghĩa là được sai đi thi hành một sứ vụ. Sự kiện Chúa Kitô Phục Sinh sai các tông đồ đi vào thế giới, và truyền cho các ông quyền năng mà chính Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha và ban cho các ông Thần Khí của Người chính là sự kiện mẫu mực và nền tảng. Chúng ta đọc trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Chúa Giêsu lại nói với các ông: ‘Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi và bảo các ông: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’” (20,21-22).
Ơn gọi tông đồ
Một khía cạnh cơ bản khác của việc là tông đồ là ơn gọi, tức là lời kêu gọi. Điều này đã xảy ra ngay từ đầu, khi Chúa Giêsu “gọi những kẻ Người muốn và họ đến cùng Người” (Mc 3,13). Người lập các ông thành một nhóm, ban cho họ tước hiệu “tông đồ”, để họ ở với Người và để sai họ đi truyền giáo (xem Mc 3,14; Mt 10,1-42). Trong các thư của mình, Thánh Phaolô tự giới thiệu như sau: “Phaolô, được gọi làm tông đồ”, nghĩa là được sai đi (1 Cr 1,1) và thêm nữa: “Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, tông đồ được kêu gọi, được tuyển chọn để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa” (Rm 1 ,1). Và ngài nhấn mạnh rằng ngài là “tông đồ không phải do loài người, cũng không nhờ một người nào, nhưng bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người sống lại từ cõi chết” (Gal 1,1); Thiên Chúa đã gọi Người từ trong lòng mẹ để loan báo Tin Mừng giữa muôn dân (x. Gl 1,15-16).
Kinh nghiệm của Nhóm Mười hai Tông đồ và chứng từ của Thánh Phaolô cũng thách đố chúng ta ngày nay. Những điều này mời gọi chúng ta xác minh thái độ, lựa chọn, quyết định của chúng ta dựa trên những điểm nền tảng này: mọi sự tùy thuộc vào lời mời gọi nhưng không của Thiên Chúa; Thiên Chúa cũng chọn chúng ta cho những công việc phục vụ mà đôi khi dường như vượt quá khả năng của chúng ta hoặc không tương ứng với mong đợi của chúng ta; lời mời gọi nhận được như một món quà được ban cách nhưng không phải được đáp lại cách nhưng không.
“Ơn gọi Kitô hữu […] tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ”
Đức Thánh Cha nói tiếp: Công đồng nói: “Ơn gọi Kitô hữu […] tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ” (Decr. Apostolicam actuositatem [AA], 2). Đó là một ơn gọi chung, “cùng chung một phẩm giá giữa các chi thể do được tái sinh trong Đức Ki-tô, cùng chung một ơn là con cái Thiên Chúa và cùng chung một ơn gọi hướng tới sự hoàn thiện; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia” (LG, 32).
Đó là một ơn gọi liên quan đến cả những người đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức thánh và những người thánh hiến, cũng như mỗi tín hữu giáo dân, nam hay nữ; là một lời mời gọi tất cả. Kho tàng mà bạn đã lãnh nhận nhờ ơn gọi Kitô hữu của mình, bạn buộc phải cho đi: đó là tính năng động của ơn gọi, đó là tính năng động của cuộc sống. Và đó là một tiếng gọi giúp chúng ta có thể thi hành nhiệm vụ tông đồ của mình một cách tích cực và sáng tạo, trong một Giáo hội trong đó “có sự đa dạng về thừa tác vụ nhưng hiệp nhất về sứ mạng. Các tông đồ và những người kế vị các ngài đã nhận từ Đức Kitô nhiệm vụ giảng dạy, cai quản và thánh hóa nhân danh Người và với quyền bính của Người. Nhưng các giáo dân cũng vậy, là những người dự phần vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, trong sứ vụ của toàn dân Thiên Chúa, họ có nhiệm vụ riêng trong Giáo hội và trong thế giới” (AA, 2).
Ơn gọi Kitô hữu không phải là sự thăng chức
Trong bối cảnh này, Công đồng hiểu thế nào về sự cộng tác của giáo dân với hàng giáo phẩm? Đó có phải là một sự thích ứng đơn thuần về chiến lược cho các tình huống mới đang xảy ra? Không phải; có điều gì đó hơn thế nữa, điều vượt trên những tình huống ngẫu nhiên của thời điểm và đối với chúng ta, nó cũng vẫn có giá trị riêng của nó. Giáo hội là như thế, được thành lập và có đặc tính tông truyền.
Trong bối cảnh của sự thống nhất trong sứ vụ truyền giáo, sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ không được làm nảy sinh các loại đặc quyền trong thân thể giáo hội; ở đây không có sự đề bạt, và khi bạn quan niệm đời sống Kitô hữu là sự thăng chức, trong đó người cấp trên chỉ huy những người khác bởi vì anh ta đã có thể leo lên chức cao, thì đây không phải là Kitô giáo. Đây là ngoại giáo thuần túy. Ơn gọi Kitô hữu không phải là sự thăng chức để đi lên, không! Nó là một điều khác.
Sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của mọi tín hữu
Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha lưu ý: Có một điều quan trọng bởi vì, mặc dù “theo ý Đức Kitô, một số người được đặt ở những vị trí quan trọng hơn, làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của mọi tín hữu trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô” (LG, 32). Ai có phẩm giá cao hơn trong Giáo hội: có phải là giám mục, hay linh mục? Không… tất cả chúng ta đều là Kitô hữu phục vụ người khác. Ai quan trọng hơn trong Giáo Hội: nữ tu hay người bình thường, người đã rửa tội hay chưa rửa tội, trẻ em, giám mục…? Mọi người đều bình đẳng, chúng ta đều bình đẳng và khi một trong hai bên cho rằng mình quan trọng hơn những người khác và hếch mũi lên, thì người này đã sai. Đó không phải là ơn gọi của Chúa Giêsu. Ơn gọi mà Chúa Giêsu ban, cho mọi người, cũng như cho những người có vẻ ở địa vị cao hơn, đó là phục vụ, phục vụ người khác, khiêm nhường tự hạ. Nếu bạn thấy một người có ơn gọi cao hơn trong Giáo hội và bạn thấy người đó vô ích, bạn sẽ nói: “Thật tội nghiệp”; hãy cầu nguyện cho người này vì người này chưa hiểu ơn gọi của Thiên Chúa là gì. Ơn gọi của Thiên Chúa là thờ phượng Chúa Cha, yêu thương cộng đoàn và phục vụ. Đây là tông đồ, đây là chứng tá của các tông đồ.
Lắng nghe, tự hạ mình, phục vụ
Vấn đề bình đẳng về phẩm giá đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ lại về nhiều khía cạnh trong các mối quan hệ của chúng ta, những khía cạnh mang tính quyết định đối với việc loan báo Tin Mừng. Chẳng hạn, chúng ta có ý thức rằng những lời nói của mình có thể làm tổn hại đến phẩm giá của người khác, do đó hủy hoại các mối quan hệ trong Giáo hội không? Trong khi chúng ta cố gắng đối thoại với thế giới, chúng ta có biết cách đối thoại với nhau như những tín hữu không? Hay trong giáo xứ người này chống đối người kia, người này nói xấu người kia để leo cao hơn? Chúng ta có biết cách lắng nghe để hiểu lý do của đối phương hay chúng ta áp đặt bản thân, thậm chí có thể bằng những lời nói nhẹ nhàng? Lắng nghe, tự hạ mình, phục vụ người khác: đây là phục vụ, đây là Kitô hữu, đây là tông đồ.
Anh chị em thân mến, chúng ta đừng ngại tự hỏi mình những câu hỏi này. Chúng có thể giúp chúng ta minh xác cách chúng ta sống ơn gọi của bí tích rửa tội, cách chúng ta là tông đồ trong một Giáo hội tông truyền, một Giáo hội phục vụ tha nhân. Cảm ơn anh chị em.
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Hồng Thủy – Vatican News