Chân Phước Giô‑Đa‑nô Xa‑xô‑ni‑a, OP., Linh mục. Lễ nhớ
Monday of the Sixth Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mk 8:11-13
The Pharisees came forward and began to argue with Jesus,
seeking from him a sign from heaven to test him.
He sighed from the depth of his spirit and said,
“Why does this generation seek a sign?
Amen, I say to you, no sign will be given to this generation.”
Then he left them, got into the boat again,
and went off to the other shore.
Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 30,3-4
Lạy Chúa,
xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,
như thành trì để cứu độ con.
Núi đá và thành trì bảo vệ con,
chính là Chúa,
vì uy danh Ngài,
xin dẫn đường chỉ lối cho con.
Bài đọc 1 : St 4,1-15.25
Ca-in xông đến giết A-ben, em mình.
Bài trích sách Sáng thế.
1 Con người ăn ở với E-và, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Ca-in. Bà nói : “Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người.” 2 Bà lại sinh ra A-ben, em ông. A-ben làm nghề chăn chiên, còn Ca-in làm nghề cày cấy đất đai. 3 Sau một thời gian, Ca-in lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên Đức Chúa. 4 A-ben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Đức Chúa đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, 5 nhưng Ca-in và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt. 6 Đức Chúa phán với Ca-in : “Tại sao ngươi giận dữ ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt ? 7 Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không ? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi ; nhưng ngươi phải chế ngự nó.” 8 Ca-in nói với em là A-ben : “Chúng mình ra ngoài đồng đi !” Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình.
9 Đức Chúa phán với Ca-in : “A-ben em ngươi đâu rồi ?” Ca-in thưa : “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao ?” 10 Đức Chúa phán : “Ngươi đã làm gì vậy ? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta ! 11 Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. 12 Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất.” 13 Ca-in thưa với Đức Chúa : “Hình phạt dành cho con quá nặng, không thể mang nổi. 14 Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con.” 15 Đức Chúa phán với ông : “Không đâu ! Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy.” Đức Chúa ghi dấu trên Ca-in, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông.
25 Ông A-đam lại ăn ở với vợ. Bà sinh một con trai và đặt tên là Sết ; bà nói : “Thiên Chúa đã sắp đặt cho tôi một dòng dõi khác thay cho A-ben, vì Ca-in đã giết nó.”
Đáp ca : Tv 49,1 và 8.16bc-17.20-21 (Đ. c.14a)
Đ. Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ.
1Đức Chúa, Thượng Đế chí tôn, nay Người lên tiếng,
từ khắp cõi đông tây, Người triệu tập hoàn cầu.
8Ta chẳng trách cứ ngươi về hy lễ ;
lễ toàn thiêu của ngươi
hằng nghi ngút trước mặt Ta đêm ngày.
Đ. Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ.
16bcThánh chỉ của Ta, sao ngươi thường nhắc nhở,
mở miệng ra là chữ thánh ước trên môi ?
17Nhưng chính ngươi lại ghét điều sửa dạy,
lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng.
Đ. Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ.
20Hễ ngồi lê là bới xấu anh em
và bêu diếu cả người ruột thịt.
21Ngươi làm thế, chẳng lẽ Ta thinh lặng,
ngươi tưởng rằng Ta cũng giống ngươi sao ?
Này đây Ta khiển trách,
những tội kia, Ta vạch rõ ngươi xem.
Đ. Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ.
Tung hô Tin Mừng : Ga 14,6
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mc 8,11-13
Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
11 Khi ấy, những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. 12 Người thở dài não nuột và nói : “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ ? Tôi bảo thật cho các ông biết : thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” 13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.
Ca hiệp lễ : Tv 77,29-30
Họ được ăn, ăn thật no nê,
thèm thứ gì, Chúa đãi cho thứ đó,
ước ao chi, họ chẳng hề thất vọng.
SUY NIỆM
THÁCH THỨC
Trên hành trình tìm kiếm Chúa, ai trong chúng ta cũng mong muốn được Thiên Chúa tỏ lộ cho mình một dấu chỉ nào đó để có thể nhận ra Chúa và thờ phượng Người cho phải đạo. Đôi khi, nhiều người lại thách thức Thiên Chúa làm điều đó. Đây là cám dỗ lớn đối với con người ở mọi nơi và mọi thời.
Tác giả sách Khôn Ngoan dạy rằng: “Ai không thách thức Người, thì được Người cho gặp. Ai tin tưởng vào Người, sẽ được Người tỏ mình cho thấy” (Kn 1,2). Thật vậy, chỉ có những ai thành tâm thiện chí tìm Chúa và kiên nhẫn trông chờ Chúa tỏ mình, thì mới có thể nhận ra những điều nhiệm lạ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta cần phải ý thức thân phận thụ tạo trước Đấng Tạo Hóa mà sống khiêm tốn, chứ chúng ta chẳng có quyền chi mà thách thức Thiên Chúa.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra giới hạn của mình, và biết mở rộng lòng đón nhận những mặc khải của Chúa. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Tiếp kiến chung 08/02/2023 – ĐTC Phanxicô: Đừng khai thác bóc lột Châu Phi nữa!
Tại hai nước CHDC Congo và Nam Sudan, Đức Thánh Cha đặc biệt kêu gọi nói “không” với tham nhũng, bạo lực và cam chịu; nói “có” với hy vọng và hoà bình. Ngài kêu gọi các vị lãnh đạo quan tâm đến công ích, đến người dân đau khổ và cũng kêu gọi Kitô hữu hai nước này hạ vũ khí xuống, đón nhận lòng thương xót và trở thành những nhà truyền giáo của hoà bình.
Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tuần trước tôi đã viếng thăm hai quốc gia châu Phi: Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Tôi cảm ơn Chúa đã cho tôi được thực hiện cuộc hành trình mong muốn từ lâu này. Hai “giấc mơ”: thăm viếng người dân Congo, những người gìn giữ bảo vệ một đất nước mênh mông, lá phổi xanh của châu Phi: cùng với miền Amazon, đây là hai lá phổi của thế giới. Vùng đất giàu tài nguyên và đẫm máu bởi một cuộc chiến không bao giờ kết thúc bởi vì luôn có người thổi lửa chiến tranh. Và đến thăm người dân Nam Sudan, trong chuyến hành hương vì hòa bình cùng với Tổng Giám mục Justin Welby của Canterbury và mục sư Iain Greenshields, Tổng Điều hành Giáo hội Scotland: chúng tôi đã đi cùng nhau để làm chứng rằng có thể và cần phải cộng tác trong sự đa dạng, đặc biệt nếu chúng ta chia sẻ niềm tin vào Chúa Kitô.
Đừng bóc lột Châu Phi nữa nhưng hãy tiến bước cùng nhau!
Ba ngày đầu tiên tôi ở Kinshasa, thủ đô Cộng hòa Dân chủ Congo. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới Tổng thống và các Nhà chức trách khác của đất nước vì sự đón tiếp dành cho tôi. Ngay sau khi đến, tại Dinh Tổng thống, tôi đã có thể gửi thông điệp tới quốc gia: Congo giống như một viên kim cương, xét về bản chất, tài nguyên, và trên hết là người dân của đất nước; nhưng viên kim cương này đã trở thành nguồn gốc của tranh chấp, bạo lực và một cách nghịch lý, nó là nguyên nhân của sự bần cùng hóa của người dân. Đó là một lý do cũng được tìm thấy ở các khu vực châu Phi khác, và được áp dụng chung cho lục địa này: một lục địa bị thuộc địa, bóc lột và cướp bóc. Đối mặt với tất cả những điều này, tôi đã nói hai từ: từ đầu tiên có ý nghĩa tiêu cực: “đủ rồi, đừng nữa!”, đừng bóc lột Châu Phi nữa! Nhiều lần tôi đã nói rằng một cách vô thức chúng ta có ý tưởng rằng “Châu Phi phải bị bóc lột”: đủ rồi. Tôi đã nói thế. Từ thứ hai có ý nghĩa tích cực: “cùng nhau”, cùng nhau với phẩm giá và sự tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau nhân danh Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta. Đừng bóc lột và hãy tiến bước cùng nhau.
Và nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi đã quy tụ trong buổi cử hành Thánh Thể trọng thể.
Nói “không” với bạo lực
Các cuộc gặp gỡ khác cũng diễn ra ở Kinshasa. Trước hết là gặp gỡ những nạn nhân của bạo lực ở phía đông đất nước, khu vực trong nhiều năm đã bị chia cắt bởi chiến tranh giữa các nhóm vũ trang bị thao túng bởi các lợi ích kinh tế và chính trị. Người dân sống trong lo sợ, bất an, bị hy sinh trên bàn thờ của những phi vụ phi pháp. Tôi đã lắng nghe những chứng từ gây chấn động của một số nạn nhân, đặc biệt là của các phụ nữ, những người đã đặt dưới chân Thánh giá vũ khí và các dụng cụ giết người khác. Cùng với họ, tôi nói “không” với bạo lực và sự đầu hàng cam chịu, nói “có” với hòa giải và hy vọng. Họ đã đau khổ rất nhiều và đang tiếp tục chịu đau khổ.
Trợ giúp và thăng tiến
Sau đó tôi đã gặp các đại diện của các tổ chức bác ái khác nhau ở nước này, để cảm ơn và khuyến khích họ. Hoạt động của họ với người nghèo và vì người nghèo không gây ồn ào, nhưng ngày qua ngày nó phát triển lợi ích chung. Đặc biệt là với sự thăng tiến. Các sáng kiến bác ái trước hết phải luôn để thăng tiến, nghĩa là không chỉ trợ giúp mà còn để thăng tiến. Trợ giúp nhưng thăng tiến.
Cầu nguyện, đời sống cộng đồng, sự trung thực, sự tha thứ và sự phục vụ
Một khoảnh khắc thú vị phấn khởi là cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ và các giáo lý viên người Congo. Nó giống như một sự đắm chìm trong hiện tại hướng tới tương lai. Chúng ta hãy nghĩ đến sức mạnh đổi mới mà thế hệ Kitô hữu mới, được hình thành và sinh động bởi niềm vui của Tin Mừng, có thể mang lại! Tôi chỉ cho những người trẻ năm con đường: cầu nguyện, cộng đồng, trung thực, tha thứ và phục vụ. Tôi đã nói với người trẻ của Congo: đây là con đường của các con: cầu nguyện, đời sống cộng đồng, sự trung thực, sự tha thứ và sự phục vụ. Xin Chúa nghe tiếng kêu cầu hòa bình và công lý của họ.
Giám mục là dấu chỉ sự cảm thông, gần gũi và dịu dàng của Thiên Chúa
Tại Nhà thờ Chính tòa Kinshasa, tôi đã gặp các linh mục, phó tế, các tu sĩ nam nữ và các chủng sinh. Họ rất đông và trẻ trung, bởi vì ơn gọi rất nhiều: đây là ơn Chúa. Tôi mời gọi họ hãy trở thành những người phục vụ người dân như những chứng nhân của tình yêu Chúa Kitô, vượt qua ba cám dỗ: sự tầm thường về tinh thần, sự thoải mái của thế gian và sự hời hợt. Đó là – tôi muốn nói – những cám dỗ chung của các chủng sinh và linh mục. Dĩ nhiên, sự tầm thường về đời sống thiêng liêng, khi một linh mục rơi vào tình trạng tầm thường thì thật đáng buồn; sự tiện nghi thế gian, đó là tinh thần thế gian, là một trong những tệ nạn tồi tệ nhất có thể xảy ra cho Giáo hội; và sự hời hợt. Cuối cùng, với các Giám mục Congo, tôi đã chia sẻ niềm vui và sự vất vả trong hoạt động mục vụ. Tôi mời gọi họ để cho mình được an ủi bởi sự gần gũi của Thiên Chúa và trở thành những ngôn sứ cho dân chúng, với sức mạnh của Lời Chúa, trở thành dấu chỉ về cách thế, thái độ của Thiên Chúa đối với chúng ta: lòng trắc ẩn, sự gần gũi và sự dịu dàng. Đây là ba thái độ của Thiên Chúa đối với chúng ta: Người đến gần, gần gũi cách cảm thông và dịu dàng. Đây là điều tôi yêu cầu các linh mục và Giám mục.
Nói “không” với tham nhũng và buôn bán vũ khí
Phần thứ hai của chuyến Tông du diễn ra tại Juba, thủ đô của Nam Sudan, một quốc gia ra đời vào năm 2011. Cuộc viếng thăm này mang một sắc thái rất đặc biệt, được thể hiện qua khẩu hiệu lấy từ lời của Chúa Giêsu: “Con cầu nguyện để tất cả được nên một” (xem Ga 17,21). Trên thực tế, đó là một cuộc hành hương đại kết vì hòa bình, được thực hiện cùng với những người đứng đầu của hai Giáo hội có mặt trong lịch sử ở vùng đất đó: Giáo hội Anh giáo và Giáo hội Scotland. Đó là điểm đến của một hành trình đã bắt đầu cách đây vài năm, khi chúng tôi gặp nhau tại Rôma vào năm 2019, cùng với chính quyền Nam Sudan, để đưa ra cam kết vượt qua xung đột và xây dựng hòa bình. Vào năm 2019, một cuộc tĩnh tâm kéo dài hai ngày đã được thực hiện ở đây, tại Giáo triều, với tất cả những chính trị gia này, với tất cả những người khao khát các chức vị, một số kẻ thù của nhau, nhưng tất cả họ đều tham gia cuộc tĩnh tâm. Và điều này đã cho họ sức mạnh để tiếp tục. Thật không may, quá trình hòa giải đã không tiến triển và đất nước Nam Sudan non trẻ là nạn nhân của lối lý luận cũ kỹ về quyền lực và sự cạnh tranh, vốn tạo ra chiến tranh, bạo lực, người tị nạn và những người di tản trong nước.
Tôi cảm ơn ngài Tổng thống rất nhiều về sự đón tiếp mà ông đã dành cho chúng tôi và về nỗ lực thực hiện con đường không dễ dàng này, để nói “không” với tham nhũng và buôn bán vũ khí và nói “có” với gặp gỡ và đối thoại. Và điều này thật đáng xấu hổ: nhiều quốc gia được gọi là văn minh cung cấp viện trợ cho Nam Sudan, và viện trợ bao gồm vũ khí, vũ khí để kích động chiến tranh. Đây là một sự xấu hổ. Vâng, hãy tiến lên bằng cách nói “không” với tham nhũng và buôn bán vũ khí và nói “có” với gặp gỡ và đối thoại. Chỉ như vậy mới có sự phát triển, người dân mới yên tâm làm ăn, người ốm đau được chữa trị, trẻ em được đến trường.
Cầu nguyện đại kết
Đặc tính đại kết của chuyến viếng thăm Nam Sudan được thể hiện cách đặc biệt trong giờ cầu nguyện được cử hành cùng với các anh chị em em Anh giáo và những người thuộc Giáo hội Scotland. Chúng tôi cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, cùng nhau dâng lên những lời cầu nguyện chúc tụng, nài xin và chuyển cầu. Trong một thực tế đầy xung đột như ở Nam Sudan, việc cầu nguyện này là điều quan trọng và không phải tự nhiên mà có, bởi vì thật không may, có những người lạm dụng danh Chúa để biện minh cho bạo lực và lạm dụng.
Hãy trở thành hạt giống của một Nam Sudan mới hòa giải và hoà bình
Anh chị em thân mến, Nam Sudan là một quốc gia có khoảng 11 triệu dân, trong đó, do xung đột vũ trang, hai triệu người phải di tản trong nước và con số tương tự đã chạy sang các nước láng giềng. Đây là lý do tại sao tôi muốn gặp gỡ một nhóm rất đông những người di tản nội địa, lắng nghe họ và làm cho họ cảm thấy sự gần gũi của Giáo hội. Thật vậy, các Giáo hội và các tổ chức theo tinh thần Kitô giáo đang ở tuyến đầu bên cạnh những người nghèo này, những người đã sống trong các trại dành cho người di tản trong nhiều năm. Đặc biệt, tôi ngỏ lời với các phụ nữ – có những người phụ nữ tuyệt vời – lực lượng có thể biến đổi đất nước; và tôi khuyến khích mọi người trở thành hạt giống của một Nam Sudan mới hòa giải và hoà bình, không có bạo lực.
Trong cuộc gặp gỡ với các mục tử và những người thánh hiến của Giáo hội địa phương đó, chúng tôi đã suy tư về ông Môsê như một mẫu mực của sự vâng nghe Thiên Chúa và kiên trì trong việc chuyển cầu.
Hãy là “muối và ánh sáng”
Và trong cử hành Thánh Thể, hoạt động cuối cùng của chuyến viếng thăm Nam Sudan và cũng là của toàn bộ chuyến viếng thăm, tôi đã làm cho lời Tin Mừng vang vọng khi khuyến khích các Kitô hữu trở thành “muối và ánh sáng” trên vùng đất nhiều khó khăn đó. Thiên Chúa không đặt niềm hy vọng vào những người vĩ đại và quyền lực, nhưng vào những người nhỏ bé và khiêm nhường. Đây là cách thế hành động của Thiên Chúa.
Tôi xin cảm ơn các cấp chính quyền của Nam Sudan, ngài Tổng thống, những người tổ chức chuyến đi và tất cả những người đã nổ lực làm việc để chuyến thăm diễn ra tốt đẹp. Tôi cảm ơn những người anh em của tôi, Justin Welby và Iain Greenshields, đã đồng hành cùng tôi trong cuộc hành trình đại kết này.
Chúng ta hãy cầu nguyện để tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Sudan, và toàn thể Phi châu, hạt giống của Vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình của Người có thể nảy mầm.
Hồng Thủy – Vatican News
Chân Phước Giô‑Đa‑nô Xa‑xô‑ni‑a, OP.
Chân phước Giô‑đa‑nô chào đời vào cuối thế kỷ XII tại Bô‑tê‑ga (Bước‑bê), miền Oét‑pha‑li‑a. Tại Pa‑ri, ngày 12 tháng 2 năm 1220, người lãnh tu phục từ tay chân phước Rê‑gi‑nan‑đô.
Chân phước Giô‑đa‑nô là Tổng Quyền thứ nhất kế vị thánh Đa Minh, Đấng mà người rất thân thiết yêu quý. Trong vòng 15 năm, người đã chăm sóc anh chị em trong Dòng cách rất đặc biệt hiền hậu, bằng khuyên nhủ, gương sáng, thư từ, soạn thảo hiến pháp, thăm viếng an ủi. Người đã dùng đời sống đạo đức và tài lợi khẩu hiếm có để làm cho Dòng được phát triển lạ lùng.
Chân phước Giô‑đa‑nô sốt sắng sùng mộ Đức Trinh Nữ Ma‑ri‑a, Thánh Mẫu Thiên Chúa ; với tâm tình con thảo, người đã truyền hát kinh “Lạy Nữ Vương” cuối giờ Kinh Tối.
Khi kinh lý Tỉnh Dòng Đất Thánh trở về, người bị đắm tàu và ly trần ngày 13 tháng 2 năm 1237.
Từ ngày người qua đời, anh em trong Dòng cũng như giáo dân đã tôn kính người bằng nhiều cách ; và ngày 10 tháng 05 năm 1826, Đức Lê‑ô XII đã chuẩn y việc tôn kính người như một vị chân phước.
Phụng Vụ Dòng Anh Em Giảng Thuyết