Wednesday of the First Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mk 1:29-39
On leaving the synagogue
Jesus entered the house of Simon and Andrew with James and John.
Simon’s mother-in-law lay sick with a fever.
They immediately told him about her.
He approached, grasped her hand, and helped her up.
Then the fever left her and she waited on them.
When it was evening, after sunset,
they brought to him all who were ill or possessed by demons.
The whole town was gathered at the door.
He cured many who were sick with various diseases,
and he drove out many demons,
not permitting them to speak because they knew him.
Rising very early before dawn,
he left and went off to a deserted place, where he prayed.
Simon and those who were with him pursued him
and on finding him said, “Everyone is looking for you.”
He told them, “Let us go on to the nearby villages
that I may preach there also.
For this purpose have I come.”
So he went into their synagogues, preaching and driving out demons
throughout the whole of Galilee.
Bài đọc :
Ca nhập lễ
Tôi thấy Chúa ngự toà cao cả
giữa ngàn muôn thiên sứ bái thờ
và đồng thanh ca ngợi tung hô :
Vương quyền Chúa muôn đời tồn tại.
Bài đọc 1 : Hr 2,14-18
Đức Giê-su đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành vị thượng tế nhân từ.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
14 Thưa anh em, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giê-su đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, 15 và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. 16 Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Áp-ra-ham. 17 Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. 18 Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.
Đáp ca : Tv 104,1-2.3-4.6-7.8-9 (Đ. c.8a)
Đ. Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
1Hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Người,
vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân.
2Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa,
và suy gẫm mọi kỳ công của Người.
Đ. Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
3Hãy tự hào vì danh thánh Chúa,
tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ.
4Hãy tìm Chúa và sức mạnh của Người,
chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan.
Đ. Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
6Hỡi anh em, dòng dõi Áp-ra-ham tôi tớ Chúa,
con cháu Gia-cóp được Người tuyển chọn !
7Chính Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta,
những điều Người quyết định
là luật chung cho cả địa cầu.
Đ. Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
8Giao ước lập ra, muôn đời Người nhớ mãi,
nhớ lời đã cam kết đến ngàn thế hệ !
9Đó là điều đã giao ước cùng Áp-ra-ham,
đã đoan thệ cùng I-xa-ác.
Đ. Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
Tung hô Tin Mừng : Ga 10,27
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mc 1,29-39
Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” 38 Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
Ca hiệp lễ : Tv 35,10
Lạy Chúa, Ngài chính là nguồn sống,
nhờ ánh sáng của Ngài chiếu soi,
chúng con nhìn ánh sáng rạng ngời.
SUY NIỆM
TÌNH YÊU
Khi bàn luận về tình yêu, thánh Augustinô đã nói: “Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân.”
Vì yêu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, sống kiếp phàm nhân như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Vì yêu nên khi thực hiện sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã dành hầu hết thời gian của mình để đi khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng cứu độ và chữa lành bệnh tật cho nhiều kẻ ốm đau. Và, cũng vì yêu mà Người đã chấp nhận chịu treo trên cây thập giá để cứu độ hết thảy chúng ta. Đó chính là tình yêu cao cả của một vì Thiên Chúa sẵn sàng hiến dâng tất cả cho người mình yêu.
Ngày nay Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta bắt chước tình yêu của Chúa để yêu thương hết thảy mọi người, nhờ đó góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp, bình an và hạnh phúc.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin mở rộng trái tim con và đốt lên trong con ngọn lửa yêu mến để con luôn bao dung với tất cả mọi người mà con gặp gỡ. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Kinh Truyền Tin 8/1: Tôi là người chia rẽ hay người chia sẻ?
Trưa Chúa Nhật, ngày 8/1, sau khi chủ sự Lễ Chúa Giêsu Chịu phép rửa tại Nhà nguyện Sistine, Đức Thánh Cha đã đến cửa sổ Điện Tông Toà đề cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu. Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh tập trung vào ý nghĩa của việc Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước để chia sẻ thân phận mong manh của con người.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa chịu phép rửa và Tin Mừng trình bày cho chúng ta một khung cảnh đáng kinh ngạc: đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện trước công chúng sau cuộc đời ẩn dật ở Nazareth; đến bờ sông Giođan để được Gioan làm phép rửa (Mt 3,13-17). Đó là một nghi lễ mà mọi người ăn năn sám hối và dấn thân vào việc hoán cải; một bài thánh ca phụng vụ nói rằng những người đi chịu phép rửa với “linh hồn trần và đôi chân trần”, nghĩa là với sự khiêm nhường và tấm lòng trong sáng. Nhưng, khi thấy Chúa Giêsu đứng giữa những người tội lỗi, người ta kinh ngạc và tự hỏi: tại sao Người, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa vô tội, lại chọn làm như thế? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong những lời mà Chúa Giêsu nói với Gioan: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” (c. 15). Giữ trọn đức công chính: Điều đó có nghĩa là gì?
Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta sự công chính, công lý của Thiên Chúa, mà Người đã đến để mang lại cho thế giới. Chúng ta thường có một ý niệm hẹp về công lý và nghĩ rằng công lý có nghĩa là: ai làm sai thì phải trả và như vậy là thỏa đáng cho cái sai mình đã làm. Nhưng công lý của Chúa, như Kinh Thánh dạy, lớn hơn nhiều: mục đích của nó không phải là kết án kẻ có tội, mà là cứu rỗi và tái sinh người ấy, làm cho họ trở nên công chính. Đó là một công lý xuất phát từ tình yêu, từ tận đáy sâu của lòng trắc ẩn và thương xót vốn là trái tim của chính Thiên Chúa, là Cha, Đấng cảm thương khi chúng ta bị sự dữ đè bẹp và làm chúng ta ngã quỵ dưới sức nặng của tội lỗi và những yếu đuối. Do đó, công lý của Thiên Chúa không muốn đưa ra những hình phạt và trừng phạt, nhưng, như thánh Tông đồ Phaolô khẳng định, hệ ở chỗ làm cho chúng ta, con cái của Người, trở nên công chính (x. Rm 3,22-31), giải thoát chúng ta khỏi cạm bẫy của sự dữ, chữa lành chúng ta, và lại nâng chúng ta dậy. Thêm nữa, chúng ta cũng hiểu rằng, bên bờ sông Giođan, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta ý nghĩa sứ mạng của Người: Người đến để thực thi công lý của Thiên Chúa, tức là để cứu những người tội lỗi; Người đến để gánh trên vai mình tội lỗi của thế gian và Người bước xuống dòng nước sâu của sự chết, để cứu chúng ta và không để chúng ta chết đuối. Người cho chúng ta thấy công lý đích thực của Thiên Chúa là lòng thương xót cứu độ. Chúng ta sợ nghĩ đến Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, nhưng Thiên Chúa thực sự là Đấng thương xót, bởi vì công lý của Thiên Chúa chính là lòng thương xót cứu độ, là tình yêu chia sẻ thân phận con người, đến gần, cảm thông nỗi đau của chúng ta, đi vào bóng tối của chúng ta để mang chúng ta lại với ánh sáng.
Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI khẳng định “Thiên Chúa đã muốn cứu độ chúng ta bằng cách tự mình xuống tận đáy vực thẳm của sự chết, để mọi người, kể cả những người đã sa ngã đến mức không còn thấy nước trời, tìm được bàn tay của Chúa để bấu víu và trỗi dậy từ bóng tối để nhìn thấy lại ánh sáng mà vì đó họ được tạo dựng” (Bài giảng, ngày 13 tháng 1 năm 2008).
Anh chị em thân mến, cả chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, cũng được mời gọi thực thi công lý theo cách này, trong các mối tương quan với người khác, trong Giáo hội, trong xã hội: không phải với sự hà khắc của những người phán xét và lên án bằng cách phân chia người ta thành người tốt và kẻ xấu, nhưng với lòng thương xót của những người đón nhận, khi chia sẻ những vết thương và sự mong manh của anh chị em mình, để nâng họ dậy. Tôi có thể nói như thế này: không phải phân chia nhưng là chia sẻ. Không chia rẽ, mà hãy chia sẻ. Hãy làm như Chúa Giêsu: hãy chia sẻ, hãy mang gánh nặng cho nhau, hãy nhìn nhau với lòng trắc ẩn, hãy giúp đỡ nhau. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi là người gây chia rẽ hay người chia sẻ?
Và giờ đây chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, đã sinh ra Chúa Giêsu, Đấng dìm mình trong sự mỏng dòn của chúng ta để chúng ta có lại được sự sống.
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến việc ngài vừa rửa tội tại nhà nguyện Sistine cho một số em bé là con của các nhân viên của Toà Thánh. Và hôm nay là Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Đức Thánh Cha cũng gởi lời chào đến tất cả các em bé hôm nay được chịu phép rửa. Ngài cũng mời gọi mọi người nhớ đến và mừng ngày rửa tội của mình.
Vatican News