Tuesday of the First Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mk 1:21-28
Jesus came to Capernaum with his followers,
and on the sabbath he entered the synagogue and taught.
The people were astonished at his teaching,
for he taught them as one having authority and not as the scribes.
In their synagogue was a man with an unclean spirit;
he cried out, “What have you to do with us, Jesus of Nazareth?
Have you come to destroy us?
I know who you are–the Holy One of God!”
Jesus rebuked him and said, “Quiet! Come out of him!”
The unclean spirit convulsed him and with a loud cry came out of him.
All were amazed and asked one another,
“What is this?
A new teaching with authority.
He commands even the unclean spirits and they obey him.”
His fame spread everywhere throughout the whole region of Galilee.
Bài đọc :
Ca nhập lễ
Tôi thấy Chúa ngự toà cao cả
giữa ngàn muôn thiên sứ bái thờ
và đồng thanh ca ngợi tung hô :
Vương quyền Chúa muôn đời tồn tại.
Bài đọc 1 : Hr 2,5-12
Đức Giê-su phải trải qua gian khổ, để dẫn đưa mọi người tới nguồn ơn cứu độ.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
5 Thưa anh em, Thiên Chúa đã không trao cho các thiên thần quyền làm chủ thế giới tương lai, thế giới mà chúng ta đang nói đến. 6 Nhưng trong một đoạn Kinh Thánh kia, có người đã làm chứng rằng : Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến ? Con người là gì mà Chúa phải thăm nom ? 7 Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, 8 đặt muôn loài, muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người. Khi bắt muôn loài muôn sự phải phục quyền con người, Thiên Chúa không để cho một sự gì không phục quyền con người. Thật ra, hiện nay chúng ta chưa thấy muôn loài muôn sự phục quyền con người. 9 Nhưng con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giê-su. Thật vậy, Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.
10 Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. 11 Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em, 12 khi nói : Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương.
Đáp ca : Tv 8,2a và 5.6-7.8-9 (Đ. x. c.7)
Đ. Chúa đã đặt Con Chúa làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo.
2aLạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !
5Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?
Đ. Chúa đã đặt Con Chúa làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo.
6Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
7cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân :
Đ. Chúa đã đặt Con Chúa làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo.
8Nào chiên bò đủ loại,
nào thú vật ngoài đồng,
9nào chim trời cá biển,
mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
Đ. Chúa đã đặt Con Chúa làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo.
Tung hô Tin Mừng : x. 1 Tx 2,13
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em hãy đón nhận lời Thiên Chúa, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mc 1,21-28
Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy : 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
Ca hiệp lễ : Tv 35,10
Lạy Chúa, Ngài chính là nguồn sống,
nhờ ánh sáng của Ngài chiếu soi,
chúng con nhìn ánh sáng rạng ngời.
SUY NIỆM
LUỒNG GIÓ MỚI
Thánh Gioan XXIII có một câu nói thời danh khi triệu tập Công đồng Vaticanô II: “Hãy mở cánh cửa sổ để luồng gió mát thổi vào Giáo hội.”
Khi xuống thế làm người, Đức Giêsu đã mang đến cho nhân loại một luồng gió mới từ trời cao. Luồng gió mới này không thổi con người đến một sự canh tân đổi mới theo phương diện chính trị như nhiều người vẫn lầm tưởng, nhưng hướng con người đến một cuộc biến đổi nhờ Tình Yêu. Tình yêu phát xuất nơi Đức Giêsu là một tình yêu đích thực. Ở nơi Người, tình yêu không so đo, tính toán mà chỉ có hành động yêu thương mà thôi.
Ngày nay Thánh Thần vẫn hiện diện, vẫn hoạt động trong mỗi người, trong thế giới. Thế nhưng, đáng tiếc thay người ta lại lo chạy theo lợi ích cá nhân, chạy theo cái tôi của mình để rồi dập tắt đi Thần Khí mà Thiên Chúa đã ban cho.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin canh tân tâm hồn chúng con để chúng con biết mở lòng ra yêu thương hết mọi người mà chúng con gặp gỡ. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Đức Thánh Cha dâng lễ Chúa chịu phép rửa và rửa tội cho 13 em bé
Sáng Chúa Nhật 8/1, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh Lễ tại Nhà nguyện Sistine và rửa tội cho 13 em bé, là con của các nhân viên làm việc tại Toà Thánh.
Tại Việt Nam, Lễ Hiển Linh được dời vào Chúa Nhật và lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa được dời vào thứ Hai, trong khi tại Roma, Lễ Hiển Linh được cử hành chính ngày thứ Sáu và hôm nay Chúa Nhật 8/1 là Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.
Nhà nguyện Sistine nổi tiếng với các bức vẽ của Michelangelo về Công trình Tạo Dựng trên trần nhà nguyện và bức Ngày phán xét cuối cùng phía sau cung thánh.
Nhà nguyện Sistine là nơi diễn ra các mật nghị hồng y bầu giáo hoàng. Đây được coi là nơi linh thiêng và vượt thời gian, nơi Chúa Thánh Thần soi sáng cho các hồng y để bầu chọn người kế vị thánh Phêrô.
Truyền thống rửa tội cho trẻ sơ sinh trong Nhà nguyện Sistine có từ thời thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bắt đầu vào năm 1981. Trong 40 năm qua, hàng trăm trẻ em, là con của các nhân viên Vatican đã được các Đức Giáo Hoàng rửa tội tại nơi linh thiêng và đẹp nhất của nội thành Vatican.
Lúc đầu, chỉ có các trẻ sơ sinh là con của các Vệ binh Thuỵ Sĩ được rửa tội nơi đây, nhưng sau mở rộng ra cho cả các em là con của nhân viên của Vatican.
Đức Thánh Cha đã có một bài giảng ứng khẩu
Các bậc cha mẹ thân mến, cảm ơn anh chị em đã đưa con cái đến đây, để cho con cái gia nhập Giáo hội. Và hôm nay là một ngày tốt lành. Vì chúng ta quên mất ngày rửa tội của mình là khi nào… Nó giống như một ngày sinh nhật, bởi vì Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta được tái sinh trong đời sống Kitô hữu. Đây là lý do tại sao tôi khuyên anh chị em nên dạy cho con cái mình về ngày Rửa tội, giống như ngày sinh nhật mới: để hàng năm chúng nhớ và cảm tạ Chúa vì hồng ân được trở thành Kitô hữu. Và đây là một nhiệm vụ mà tôi khuyên anh chị em nên làm.
Sau đó, hãy suy nghĩ một chút rằng những đứa con mà anh chị em mang đến hôm nay bắt đầu một con đường, nhưng chính anh chị em và cha mẹ đỡ đầu có giúp chúng tiếp tục con đường đó hay không. Chúng ta được dạy cầu nguyện khi còn nhỏ. Khi còn nhỏ, chúng học cách cầu nguyện, ít nhất là cầu nguyện thế này bằng tay, bằng cử chỉ… Khi còn nhỏ, chúng học cách cầu nguyện, bởi vì lời cầu nguyện sẽ mang lại cho chúng sức mạnh trong suốt cuộc đời: để cảm ơn Chúa, và trong thời điểm tồi tệ, để tìm thấy sức mạnh. Đó là điều đầu tiên anh chị em phải làm: cầu nguyện. Và cũng hãy cầu nguyện với Đức Mẹ là Mẹ: Mẹ là Mẹ của chúng ta. Người ta nói rằng khi ai đó giận Chúa, hay xa cách, Đức Mẹ luôn ở bên cạnh để dọn đường cho người ấy đến với Chúa. Có câu nói thế này: Chúa luôn ở gần chúng ta, nhưng Đức Mẹ là người mẹ, và mẹ luôn gần hơn cha. Luôn luôn là như vậy. Tại sao: bởi vì nó là như vậy. Các bà mẹ là như vậy, và điều đó thật tuyệt.
Hãy giúp cho các bé học làm Kitô hữu. Bây giờ thì tất cả chúng đều im lặng, rất tốt… nhưng có thể một bé nào đó khởi động khóc… Khi các bé tạo thành bản giao hưởng, thì có thể tất cả bồng ra phía sau. Cứ để cho chúng khóc. Có thể chúng khóc vì đói: hãy cho chúng bú. Với tất cả sự tự do. Điều quan trọng hôm nay là một ngày lễ, ngày lễ bắt đầu một cuộc hành trình Kitô hữu tốt đẹp, trong đó anh chị em sẽ giúp cho con cái mình tiến bước. Có thể có bé bị quá chật chội và nóng bức: hãy để cho các bé cảm thấy thoải mái, để chúng đều cảm thấy thoải mái. Và chúng ta mừng sự khởi đầu của cuộc hành trình với chúng. Và đến phiên anh chị em giúp cho chúng bước tới, bởi vì tôi kết thúc ở đây nhưng anh chị em thì cả đời! Và cảm ơn anh chị em vì quyết định này để đưa chúng đến với phép rửa.
Văn Yên, SJ – Vatican News