Thursday of the Third Week in Advent
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Lk 7:24-30
When the messengers of John the Baptist had left,
Jesus began to speak to the crowds about John.
“What did you go out to the desert to see a reed swayed by the wind?
Then what did you go out to see?
Someone dressed in fine garments?
Those who dress luxuriously and live sumptuously
are found in royal palaces.
Then what did you go out to see?
A prophet? Yes, I tell you, and more than a prophet.
This is the one about whom Scripture says:
Behold, I am sending my messenger ahead of you,
he will prepare your way before you.
I tell you,
among those born of women, no one is greater than John;
yet the least in the Kingdom of God is greater than he.”
(All the people who listened, including the tax collectors,
who were baptized with the baptism of John,
acknowledged the righteousness of God;
but the Pharisees and scholars of the law,
who were not baptized by him,
rejected the plan of God for themselves.)
Bài đọc :
Ca nhập lễ : x. Tv 118,151-152
Lạy Chúa, Chúa đã ở gần bên,
đường lối Chúa đều là chân lý.
Nhờ Chúa thương chỉ dạy,
từ lâu con đã hiểu :
Chúa tồn tại muôn đời.
Bài đọc 1 : Is 54,1-10
Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
1Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con ;
hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ,
vì con của phụ nữ bị bỏ rơi
thì đông hơn con của phụ nữ có chồng – Đức Chúa phán.
2Hãy nới rộng lều ngươi đang ở,
căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ.
Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc,
3vì ngươi sẽ tràn ra hai bên tả hữu,
dòng dõi ngươi sẽ thừa kế các dân tộc
và đến ở trong các thành bỏ hoang.
4Đừng sợ chi : ngươi sẽ không phải xấu hổ,
chớ e thẹn : ngươi sẽ không phải nhục nhằn.
Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân
và không còn nhớ bao nhục nhằn thời goá bụa.
5Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt
chính là Đấng đã tác thành ngươi,
tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh ;
Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Ít-ra-en,
tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất.
6Phải, Đức Chúa đã gọi ngươi về,
như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn.
“Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành ?”,
Thiên Chúa ngươi phán như vậy.
7Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi,
nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp.
8Lúc lửa giận bừng bừng,
Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi,
nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót,
Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy.
9Ta cũng sẽ làm như thời Nô-ê : lúc đó, Ta đã thề rằng
hồng thuỷ sẽ không tràn ngập mặt đất nữa,
cũng vậy, nay Ta thề
sẽ không còn nổi giận và hăm doạ ngươi đâu.
10Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay,
tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi,
giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay,
Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy.
Đáp ca : Tv 29,2 và 4.5-6.11-12a và 13b (Đ. c.2a)
Đ. Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt.
2Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
4Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
Đ. Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt.
5Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa,
cảm tạ thánh danh Người.
6Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
Đ. Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt.
11Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con,
lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ.
12aKhúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu.
13bLạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.
Đ. Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt.
Tung hô Tin Mừng : Lc 3,4.6
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Lc 7,24-30
Ông Gio-an là sứ giả dọn đường cho Chúa đến.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
24 Khi những người do ông Gio-an sai đến đã ra về, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng : “Anh em đi xem gì trong hoang địa ? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng ? 25 Hẳn là không ! Thế thì anh em đi xem gì ? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện. 26 Thế thì anh em đi xem gì ? Một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó ; mà tôi nói cho anh em biết : đây còn hơn cả ngôn sứ nữa ! 27 Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng : Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến !
28 “Tôi nói cho anh em biết : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an ; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông. 29 Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính, và đã chịu phép rửa của ông. 30 Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông.”
Ca hiệp lễ : Tt 2,12-13
Chúng ta hãy sống công chính và đạo đức
ở thế gian này
trong khi đợi chờ ngày hồng phúc,
ngày Chúa cao cả xuất hiện vinh quang.
SUY NIỆM
ĐỂ NÊN CAO TRỌNG
Năm 2017, Esmeralda Solis Gonzales, 23 tuổi, người Mêxicô, đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông khi cô quyết định từ bỏ chiếc vương miện hoa hậu danh giá, cùng với công việc của một chuyên gia dinh dưỡng, để trở thành tập sinh trong một dòng tu.
Trong cuộc sống, nhiều khi người ta cố gắng chạy đua, nỗ lực để tìm kiếm và tạo lập những giá trị trần thế như tiền bạc, danh vọng, để nhờ đó họ có thể trở nên cao trọng trong mắt người đời. Tuy nhiên, lòng bác ái, sự hy sinh, chia sẻ,… vốn là những phương thế giúp con người đạt được hạnh phúc trong Nước Trời, lại thường bị lãng quên, bỏ qua hay chưa nhìn nhận đúng mức.
Chúng ta hãy ghi nhớ lời Đức Giêsu và rút ra bài học cho riêng mình: cao sang quyền quý ở thế gian hữu hạn này chẳng là gì so với việc trở nên đơn sơ, bé nhỏ trong hạnh phúc vĩnh hằng của Nước Thiên Chúa.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin soi sáng để chúng con có thể nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Kinh Truyền Tin (11/12): Sự hồ nghi đôi khi cần thiết cho sự phát triển thiêng liêng
Trưa Chúa nhật 11/12, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với rất đông các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Đức Thánh Cha nhắc rằng đôi khi người vĩ đại như Gioan Tẩy giả cũng phải trải qua đêm tối. Nhưng sự hồ nghi đôi khi cần thiết cho sự phát triển thiêng liêng.
Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã có một bài giảng ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng, về việc ông Gioan, khi đang ở trong tù, đã sai môn đệ của ông đi hỏi Chúa Giêsu có thật Ngài là Đấng phải đến không. Và Chúa Giêsu đã cho ông câu trả lời thuyết phục.
Bài giảng của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!
Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng này nói với chúng ta về việc Gioan Tẩy Giả, khi ở trong ngục, đã sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,4). Thực tế, ông Gioan, khi nghe nói về các công việc của Chúa Giê-su, đã bắt đầu nghi ngờ liệu Người có thực sự là Đấng Mê-si-a hay không. Thật vậy, ông đang nghĩ đến một Đấng Mê-si-a nghiêm khắc, Đấng khi đến sẽ thực thi công lý với quyền năng bằng cách trừng phạt những kẻ tội lỗi. Tuy nhiên, giờ đây Chúa Giêsu đã có những lời nói và cử chỉ đầy lòng trắc ẩn đối với mọi người, mà trung tâm hành động của Người là lòng thương xót với sự tha thứ, nhờ vậy “Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (c. 6). Tuy nhiên, chúng ta nên chú ý đến sự khủng hoảng này của Gioan Tẩy giả, bởi vì nó cũng có thể nói lên điều gì đó quan trọng đối với chúng ta.
Hồ nghi đôi khi cần thiết
Bản văn nhấn mạnh rằng Gioan đang ở trong tù, và điều này, hơn cả nơi chốn thể lý, cho thấy tình trạng bên trong mà ông đang trải qua: trong tù nơi bóng tối, ông không có khả năng nhìn rõ và nhìn xa hơn. Thật vậy, Gioan Tẩy Giả không còn có thể nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia được mong đợi nữa. Và vì nghi ngờ, ông nên sai các môn đệ đi kiểm chứng: “Anh em đi và xem người này có phải là Đấng Mê-si-a không”. Chúng ta ngạc nhiên vì điều này xảy ra với chính Gioan, người đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu ở sông Giođan và đã chỉ cho các môn đệ biết Người là Chiên Thiên Chúa (x. Ga 1,29). Nhưng điều đó cũng có nghĩa là ngay cả người có niềm tin lớn nhất cũng đi qua đường hầm của sự nghi ngờ. Và thực ra, đường hầm hồ nghi không thể tránh khỏi này không phải là điều xấu, đôi khi nó cần thiết cho sự phát triển thiêng liêng: nó giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa luôn lớn hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng về Người; những việc Người thực hiện vượt quá sự tính toán của chúng ta; hành động của Người thì khác, và vượt xa những nhu cầu và mong đợi của chúng ta; và do đó chúng ta không bao giờ được phép ngừng tìm kiếm Người và hoán cải theo khuôn mặt thật của Người. Một nhà thần học vĩ đại đã từng nói về Thiên Chúa rằng, “chúng ta cần tái khám phá Thiên Chúa theo từng giai đoạn… đôi khi tin rằng chúng ta đang lạc mất Người” (H. DE LUBAC, Sulle vie di Dio, Milano 2008, 25). Điều này đã xảy ra với Gioan Tẩy giả: trong sự nghi ngờ, ông vẫn tìm kiếm Người, chất vấn Người, “bàn luận” với Người và cuối cùng khám phá được Người. Tóm lại, Gioan, người được Chúa Giêsu định nghĩa là người cao trọng nhất giữa những phàm nhân đã lọt lòng mẹ (x. Mt 11:11), dạy chúng ta rằng đừng đóng Thiên Chúa vào trong các kế hoạch của chúng ta. Thật là nguy hiểm khi có cám dỗ tạo nên nơi chúng ta một Thiên Chúa theo tiêu chuẩn của chúng ta, một Thiên Chúa để sử dụng. Không, Thiên Chúa thật thì rất khác.
Đừng để mình bị giam hãm trong định kiến
Anh chị em thân mến, đôi khi chúng ta cũng thấy mình ở trong tình huống của Gioan, trong một nhà tù nội tâm, không thể nhận ra sự mới mẻ của Chúa, Đấng mà có lẽ chúng ta giam giữ như một tù nhân của tư tưởng cho rằng mình biết tất cả về Người. Anh chị em thân mến, không bao giờ chúng ta có thể biết tất cả về Thiên Chúa, không bao giờ. Có lẽ chúng ta có sẵn trong đầu về một Thiên Chúa quyền năng làm theo ý chúng ta, hơn là một Thiên Chúa khiêm nhường hiền lành, thương xót và yêu thương, Đấng can thiệp bằng cách luôn tôn trọng sự tự do và lựa chọn của chúng ta. Có lẽ chúng ta cũng phải hỏi Người: “Ngài, với sự khiêm nhường như thế, có phải là Thiên Chúa đến cứu độ chúng con không?”. Và điều đó nơi chúng ta cũng xảy ra tương tự với anh chị em mình: chúng ta có sẵn ý nghĩ, định kiến của mình về họ và chúng ta dán những nhãn thô cứng cho người khác – đặc biệt là cho những người khác biệt với chúng ta. Vì thế, Mùa Vọng là thời gian đảo ngược các ánh nhìn, là thời gian cho phép chúng ta để cho mình được kinh ngạc trước lòng thương xót lớn lao của Thiên Chúa, là thời gian để, khi chuẩn bị máng cỏ cho Hài Nhi Giêsu, chúng ta học biết lại về Chúa của chúng ta; là thời gian để thoát ra khỏi những khuôn mẫu có sẵn và những định kiến nhất định về Thiên Chúa và về anh chị em mình; Mùa Vọng là thời gian, thay vì nghĩ đến những món quà dành cho mình, chúng ta có thể dành những lời nói và cử chỉ an ủi cho những người bị thương tích, như Chúa Giêsu đã làm với những người mù, người điếc và thương tật.
Xin Đức Mẹ, như một người Mẹ, nắm lấy tay chúng ta trong những ngày chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh này và giúp chúng ta nhận ra nơi sự nhỏ bé của Hài Nhi sự cao cả của Thiên Chúa Đấng đến với chúng ta.
Văn Yên, SJ – Vatican News