Third Sunday of Advent
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Mt 11:2-11
When John the Baptist heard in prison of the works of the Christ,
he sent his disciples to Jesus with this question,
“Are you the one who is to come,
or should we look for another?”
Jesus said to them in reply,
“Go and tell John what you hear and see:
the blind regain their sight,
the lame walk,
lepers are cleansed,
the deaf hear,
the dead are raised,
and the poor have the good news proclaimed to them.
And blessed is the one who takes no offense at me.”
As they were going off,
Jesus began to speak to the crowds about John,
“What did you go out to the desert to see?
A reed swayed by the wind?
Then what did you go out to see?
Someone dressed in fine clothing?
Those who wear fine clothing are in royal palaces.
Then why did you go out? To see a prophet?
Yes, I tell you, and more than a prophet.
This is the one about whom it is written:
Behold, I am sending my messenger ahead of you;
he will prepare your way before you.
Amen, I say to you,
among those born of women
there has been none greater than John the Baptist;
yet the least in the kingdom of heaven is greater than he.”
TIN MỪNG : Mt 11,2-11
Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
2 Đang ngồi tù, ông Gio-an nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng : 3 “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?” 4 Đức Giê-su trả lời : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe : 5 Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, 6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
7 Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng : “Anh em ra xem gì trong hoang địa ? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng ? 8 Thế thì anh em ra xem gì ? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. 9 Thế thì anh em ra xem gì ? Một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó ; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. 10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng : Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.
11 “Tôi nói thật với anh em : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”
SUY NIỆM
NGÔN SỨ CỦA NGÀY HÔM NAY
Ngày 6/2/2020, truyền thông Trung Quốc loan tin bác sĩ Lý Văn Lượng đã qua đời do virus Corona khi mới 34 tuổi. Sự ra đi của ông để lại bao tiếc nuối, kính phục, lẫn xót xa cho nhiều người trên thế giới. Ông là một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh ở Vũ Hán nhưng bị chính quyền thành phố cáo buộc là tung tin đồn thất thiệt và bắt phải giữ im lặng.
Ông Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng hôm nay đã được chính Đức Giêsu công nhận là một vị “Ngôn sứ” và là “Sứ giả” của Thiên Chúa. Ông trở nên người “dọn đường” cho Chúa đến bằng chính lời rao giảng cùng với đời sống chứng tá trong sự thật của mình. Ông tìm kiếm, nói lên sự thật về Thiên Chúa và về chính mình để không gây ngộ nhận cho người khác, hầu dẫn đưa họ đến với sự thật.
Trong xã hội chúng ta ngày hôm nay, sự thật dường như đang bị bóp nghẹt bởi lợi ích, quyền lực, chủ trương an toàn, sự hưởng thụ… Người ta chỉ chấp nhận những sự thật mà họ muốn. Do đó, thế giới cần đến người Kitô hữu chúng ta, những ngôn sứ dám nói lên và làm chứng cho sự thật, dù là những sự thật có thể gây đau đớn, chống đối, nhưng lại mang giá trị chữa lành và góp phần làm cho Nước Chúa hiển trị ngay giữa thế gian này.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ giúp để chúng con trở nên ngôn sứ truyền rao sự thật về chính Chúa. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
ĐỌC KINH THÁNH THEO PHƯƠNG PHÁP LECTIO DIVINA
Kinh Thánh không phải là cuốn tiểu thuyết hoặc truyện kiếm hiệp. Nói như thế để chúng ta thấy Kinh Thánh không chỉ là một cuốn sách, nhưng còn là khung cảnh để gặp gỡ Thiên Chúa. Từng lời Kinh Thánh đều mang một sứ điệp nào đó. Từ lâu trong dòng lịch sử Giáo hội, nhiều người đã trải nghiệm và để lại những phương pháp đọc Kinh thánh rất hiệu quả. Nói là tốt bởi khi áp dụng phương pháp này, người cầu nguyện có thể gặp gỡ được Thiên Chúa dễ hơn. Chút chia sẻ dưới đây, chúng ta thử đi vào phương pháp đọc thánh: Lectio divina. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã cảm nghiệm về tầm quan trọng của phương pháp này: “Lectio divina là lối đọc thực sự có khả năng mở các kho tàng Lời Thiên Chúa ra cho tín hữu, và như thế cũng tạo ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời hằng sống của Thiên Chúa”[1].
Về phương diện lịch sử, cách đọc này đã có từ thời Cựu Ước. Anh em Do Thái giáo đã áp dụng phương pháp này không những để chú giải Kinh Thánh, nhưng còn để cầu nguyện với Giavê (x. Nkm 8,1; Lc 4,17). Giáo hội sơ khai cũng tiếp tục truyền thống này (x. 2 Tm 3,14-16). Nhưng rõ nhất là khoảng năm 540, thánh Biển Đức (Bênêdictô, 480-547) đã soạn thảo những nguyên tắc nhằm giúp các tu sĩ sống đúng với linh đạo của nhà Dòng. Cuốn sách này được biết với tựa: Quy luật Biển Đức (Rule of St. Benedict). Trong thời gian làm bề trên, thánh Biển Đức thường nhắc nhở các tu sĩ trẻ chú ý đến đời sống nội tâm của mình. Đây là thái độ của một người muốn tìm hiểu và gặp gỡ Chúa. Ngoài việc chú trọng đến phụng vụ như là cách cầu nguyện tốt, thì việc tiếp cận sách Thánh cũng là nơi để gặp Thiên Chúa. Theo đó, thánh nhân đề nghị ít nhất 2 giờ mỗi ngày (Khoản luật 48), các tu sĩ cần dành giờ thinh lặng để đọc và suy niệm Kinh Thánh: “nunc cum Deo loquere, nunc Deus tecum (khi đọc Sách Thánh: thỉnh thoảng nói chuyện với Chúa, Ngài cũng trò chuyện với bạn.)
Thú vị là ban đầu thuật ngữ suy niệm không nhất thiết liên quan trực tiếp đến cầu nguyện. Trong các quy tắc của tu viện, suy niệm có nghĩa là lặp lại, ghi nhớ và đọc thuộc lòng. Suy niệm trong tiếng Latinh là “meditatus”, có nghĩa là suy nghĩ về điều gì đó, cân nhắc, hướng tới một điều gì đó. Thuật ngữ này cũng gần với từ “meletô-μελετω” trong tiếng Hy Lạp, ngoài nghĩa là “suy nghĩ” cũng có nghĩa “chăm sóc, tham dự, học tập, rèn luyện, v.v.” Như thế, suy niệm (meditare) trong Lectio Divina thời đó chỉ đơn giản là học thuộc lòng hoặc làm quen với bản văn. Chẳng hạn những người mới vào tu viện nên học các bản văn phụng vụ ngắn (cả Kinh Thánh nữa). Vì vậy, khi đọc thành tiếng, họ cũng phải chú ý đến giọng điệu, ngữ pháp và ý nghĩa của văn bản. Tất nhiên, luật của Thánh Biển Đức không cấm người đọc nói chuyện với Chúa. Khi thực hành Lectio Divina, họ có thể cảm nếm bằng trái tim “palatum cordis”, hoặc lắng nghe bằng tấm lòng “ore cordis”. Để thực hành phương pháp này, mỗi cộng đoàn tu viện thường có một phòng đọc sách (scriptorium). Với những ích lợi của Lectio Divina nên phương pháp này rất phổ biến vào đầu thời Trung cổ.
Bước ngoặt của cách cầu nguyện này có thể bắt đầu từ thế kỷ 12, bởi trong một lá thư gửi cho các tu sĩ Dòng Carthusian, tác giả là Guigo (không rõ là ai) đã chính thức đưa Lectio Divina vào đời sống cầu nguyện của các tu sĩ. Trong lá thư với tựa đề: The Ladder for Monks: A Letter on Contemplative Life, Lectio Divina không chỉ là một phương pháp học tập, mà quan trọng hơn, là một phương pháp cầu nguyện thực sự. Từ tài liệu này, chúng ta có thể thấy rằng các khái niệm lectio (đọc), meditatio (lặp lại và suy niệm), oratio (cầu nguyện) và contemplatio (chiêm niệm). Các bước này thường tách biệt với nhau. Mục đích là giúp người đọc có thể cầu nguyện được với bản văn Kinh Thánh. Cụ thể, chúng ta thử đi vào bốn bước của phương pháp này[2], vốn là hành trình thiêng liêng thực sự:
1. Đọc: Khi chuẩn bị nơi chốn và tâm hồn sẵn sàng cầu nguyện, bạn mở đoạn Kinh Thánh đã chuẩn bị trước. Hãy từ từ đọc với chú tâm vào bản văn. Đơn giản, bạn đọc để lấy thông tin cần thiết ở bước này. Thường bạn cầu nguyện một mình thì có thể đọc thầm (dĩ nhiên cũng có thể đọc thành tiếng). Lưu ý rằng: “Nếu bạn không biết hoặc không muốn đọc lại những đoạn Kinh Thánh, thì bạn chẳng bao giờ cầu nguyện tốt được đâu; bạn giống như những người du lịch muốn xem thấy tất cả mà không có thì giờ để thưởng thức suy tư, nghĩa là nhìn xem với tình yêu và sự thán phục sự vật mình chứng kiến.”[3]
2. Suy niệm: Truyền thống linh đạo cho chúng ta cách hiểu về “suy niệm như là việc dùng các khả năng suy tư, tưởng tưởng, cảm xúc và ước muốn để tìm hiểu các mầu nhiệm đức tin, trong tinh thần câu nguyện.”[4] Đây là bước bạn dùng tài năng của trí nhớ và trí hiểu để nhận thông điệp của bản văn. Hiểu từ ý chung của câu chuyện Tin Mừng cho đến những chi tiết. Từ nghĩa đen đến nghĩa bóng. Nói ví von, bạn có thể nhai nuốt từng lời bạn vừa đọc. “Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây. Tôi đã ăn cuộn sách, và nó ngọt như mật trong miệng tôi.” (Ed 3,3). Càng hiểu sâu và nhiều ở bước này, càng giúp bạn dễ cầu nguyện ở bước tiếp theo.
3. Cầu nguyện: Với những gì bạn nhận được, hãy trò chuyện với Thiên Chúa. Có thể trình bày cho Ngài những gì mình hiểu, cả những gì mình thắc mắc. Cầu nguyện nghĩa là bạn gặp gỡ Thiên Chúa. Không chỉ bạn nói với Chúa, nhưng chính Chúa cũng muốn nói với bạn trong bước này. Cứ bình thường, “một người sốt sáng trong cầu nguyện thường mong muốn có được những gì tốt đẹp và tránh những gì xấu xa.” Bạn trò chuyện với Chúa như một người bạn, hoặc như một vị Thiên Chúa đang yêu thương bạn.
4. Chiêm niệm: Đây là bước cuối cùng nên bạn cứ để bản thân được đắm chìm trong những lời của Thiên Chúa. Lúc này Chúa Thánh Thần sẽ giúp bạn được hiệp thông, đắm chìm trong sự hiện diện của Thiên Chúa qua những lời của Ngài. Mục đích là để bạn cảm nhận sự bình an và no thỏa thiêng liêng trong sự hiện diện của Chúa.
Khi phân tích các bước của Lectio Divina trong thư trên đây, Dan Burke[5] đã tóm 4 bước trong những từ rất hay: đọc=tìm kiếm; suy niệm=tìm thấy; cầu nguyện=đề nghị, trò chuyện; chiêm niệm=cảm nếm[6].
Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không kể đến bước sau chiêm niệm, đó là hành động (actio). Thường khi nói đến cách cầu nguyện Lectio divina, bước hành động như là cách diễn tả hoa trái của cầu nguyện (GLHTCG 1177). Chúng ta đưa cầu nguyện, đưa Lời Chúa vào cuộc sống. Linh đạo của dòng Biển Đức giúp ta hiểu hơn về bước này: Ora et Labora – Cầu nguyện và lao động. Như vậy phương pháp này còn có thể giúp bạn thực hành Lời Chúa trong chính đời sống cụ thể của mình. Trong hoàn cảnh đó, Lời Chúa là ngọn đèn thực sự soi cho bạn bước, bởi bạn đã được Lời thấm vào tâm hồn.
Các bạn trẻ thân mến,
Có thể bạn còn ngại hoặc chưa quen với lối cầu nguyện trên. Không sao đâu! Chúng ta tập từ từ, thử bước vào phương pháp này. Ban đầu có thể khô khan hoặc ngượng ngạo. Càng tập, bạn càng thấy được hoa trái của phương pháp này. Hoặc nói như Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI:
“Anh chị em hãy nuôi dưỡng ngày sống của anh chị em bằng cầu nguyện, suy niệm và nghe Lời Chúa. Là những người đã quen với việc thực hành Lectio divina, anh chị em cũng hãy giúp các tín hữu đánh giá cao phương pháp này trong cuộc sống thường nhật của họ. Và anh chị em nên biết cách diễn ra thành chứng từ những gì Lời đã chỉ cho anh chị em, bằng cách để cho anh chị em được Lời ấy nắn đúc như hạt giống được đón nhận vào trong một mảnh đất tốt sẽ cung cấp hoa trái dồi dào. Như thế anh chị em phải ngoan ngoãn với Thần Khí và anh chị em sẽ lớn lên trong sự hợp nhất với Thiên Chúa, anh chị em phải trau dồi sự hiệp thông huynh đệ giữa anh chị em với nhau và anh chị em phải sẵn sàng phục vụ anh em mình với lòng quảng đại, nhất là những người đang sống trong quẫn bách”[7].
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ.
[1] Tông huấn Verbum Domini số 87.
[2] Dĩ nhiên trước bước đọc, bạn cần chuẩn bị chỗ cầu nguyện, nhất là giữ thinh lặng và cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần.
[3] Jean Lafrance S.J, Cầu nguyện với Chúa Cha trong thầm lặng, tr.191
[4] X. Từ Điển Công Giáo
[5] https://spiritualdirection.com/author/dan
[6] https://spiritualdirection.com/2021/11/09/lectio-divina-a-guide-what-it-is-how-it-helps-prayer-life
[7] Đức Bênêđictô XVI, Diễn từ cho Ngày Đời sống thánh hiến 2008.