LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY

THỨ HAI : ĐẠI LỄ GIÁNG SINH –LỄ BAN NGÀY

The Nativity of the Lord (Christmas) – Mass during the Day

Premium AI Image | Scene of the birth of Jesus Christ Christmas nativity  scene

SNG LI CHÚA

GOSPEL : Jn 1:1-18

    In the beginning was the Word,
        and the Word was with God,
        and the Word was God.
    He was in the beginning with God. 
    All things came to be through him,
        and without him nothing came to be.
    What came to be through him was life,
        and this life was the light of the human race;
    the light shines in the darkness,
        and the darkness has not overcome it.
A man named John was sent from God.
He came for testimony, to testify to the light, 
so that all might believe through him.
He was not the light,
but came to testify to the light.
The true light, which enlightens everyone, was coming into the world.
    He was in the world,
        and the world came to be through him,
        but the world did not know him.
    He came to what was his own,
        but his own people did not accept him.

But to those who did accept him
he gave power to become children of God, 
to those who believe in his name, 
who were born not by natural generation 
nor by human choice nor by a man’s decision 
but of God.
    And the Word became flesh
        and made his dwelling among us,
        and we saw his glory,
        the glory as of the Father’s only Son,
        full of grace and truth.
John testified to him and cried out, saying, 
“This was he of whom I said, 
‘The one who is coming after me ranks ahead of me 
because he existed before me.’”
From his fullness we have all received,
grace in place of grace,
because while the law was given through Moses, 
grace and truth came through Jesus Christ.
No one has ever seen God.
The only Son, God, who is at the Father’s side, 
has revealed him.

Bài đọc :

Ca nhập lễ : Is 9,6

Một trẻ thơ chào đời để cứu ta,

một người con được ban cho nhân loại,

Người mang quyền bính ở trên vai,

danh hiệu Người là Cố Vấn kỳ tài.

Bài đọc 1 : Is 52,7-10

Người bốn bể sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

7Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,
người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ
và nói với Xi-on rằng : “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.”
8Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi
cùng cất tiếng reo hò vang dậy ;
họ sẽ được tận mắt thấy Đức Chúa đang trở về Xi-on.
9Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,
hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,
vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
10Trước mặt muôn dân,
Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người :
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta,
người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

Đáp ca : Tv 97,1.2-3ab.3cd-4.5-6 (Đ. c.3cd)

Đ. Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

1Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công.
Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,
nhờ cánh tay chí thánh của Người.

Đ. Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

2Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ,
mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân ;
3abNgười đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa
dành cho nhà Ít-ra-en.

Đ. Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

3cdToàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
4Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát.

Đ. Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

5Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt,
nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca.
6Kèn thổi vang xen tiếng tù và,
tung hô mừng Chúa, vị Quân Vương !

Đ. Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Bài đọc 2 : Hr 1,1-6

Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.

Khởi đầu thư gửi tín hữu Híp-ri.

1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; 2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. 3 Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. 4 Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.

5 Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào : ‘Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con’, hoặc là : ‘Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta’. 6 Còn khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói : Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Ngày thánh đã bừng lên chiếu rọi chúng ta, muôn dân hỡi, đến mà thờ lạy Chúa. Vì hôm nay, ánh huy hoàng rực rỡ, toả xuống khắp cõi trần. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng : Ga 1,1-18 

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
11Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố :
“Đây là Đấng mà tôi đã nói :
Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
16Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
17Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả ;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

Ca hiệp lễ : Tv 97,3

Toàn cõi đất này được xem thấy

ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

SUY NIỆM

NGÔI LỜI NÊN NGƯỜI PHÀM

Một ông chủ giàu có mở tiệc vui đãi khách. Tất cả khách mời đều ăn mặc sang trọng đi dự tiệc. Trong số đó, có một vị khách đã bất cẩn làm dơ áo của mình và cảm thấy xấu hổ nên định quay trở về. Nhưng vì muốn vị khách ấy ở lại dự tiệc, nên sau một hồi nài nỉ không được, ông chủ đã quyết định tự làm bẩn áo mình để vị khách kia không còn phải xấu hổ vì chiếc áo mà ở lại dự tiệc cùng ông và khách mời.

Thiên Chúa yêu thương con người đến độ chấp nhận mang lấy tất cả đau khổ, nghèo hèn, vất vả của phận người. Hôm nay, lời Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục đến với chúng ta qua Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ. Hài Nhi Giêsu sinh ra để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa và gánh lấy tội lỗi của nhân loại. Nhờ vậy, con người được thứ tha tội lỗi và được trở nên con cái Thiên Chúa, được sống trong ân sủng và tình thương của Chúa.  

(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)

LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY

Lạy Chúa Hài Đồng, Chúa làm người để cho con được làm con Chúa. Xin cho con gặp được Chúa và biết đưa Chúa đến với tha nhân. Amen.

TU ĐỨC SỐNG ĐẠO

HẠNH PHÚC TRONG THIÊN CHÚA

Câu hỏi: Phải chăng khi con người không cần quan tâm đến Thiên Chúa nữa thì sẽ hạnh phúc hơn không?

Trả lời: 

Nếu ai đã từng xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” được phát trên sóng truyền hình VTC3, chúng ta sẽ không ít thì nhiều bùi ngùi xúc động trước những cuộc gặp gỡ của những người thân yêu sau bao năm xa cách. Có những người do hoàn cảnh mà thất lạc nhau trong nhiều năm trường, nhưng cũng có những trường hợp do nỗi uất ức, hay do hiểu lầm gia đình, khiến họ bỏ nhà ra đi, và rồi thất lạc từ đó. Thế nhưng, sau nhiều năm xa cách, với những kinh nghiệm của cuộc sống, họ đã hiểu ra được những sai lầm non dại của tuổi trẻ, và mong ước được trở về với tình thân gia đình.

Chương trình này giúp kết nối để những con người thất lạc được tìm về với gia đình sau bao năm xa cách. Thế mới biết, nguồn cội và những giá trị của tình thân gia đình thật quý báu dường bao, nên dù cho điều gì hay hoàn cảnh nào chăng nữa, con người vẫn luôn khát khao tìm về với nguồn cội của chính mình.

Tôi muốn trả lời cho câu hỏi của bạn bằng tâm tình của những con người trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”: ai cũng khát khao để gắn kết với nguồn cội, nơi mình đã được sinh ra. “Tôi là ai? đã là chủ đề rất lớn để nhà tâm lý học Erik Erikson nghiên cứu về vấn đề căn tính của mỗi người. Nói cách khác, nguồn cội của mỗi người chính là nơi khởi đầu cho hạnh phúc làm người. Chính nơi đây, ta được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương, được sống trong sự bảo bọc chở che của tình gia đình. Sẽ không có ai tự hào và cho rằng mình hạnh phúc vì bản thân là một người mồ côi cả.  

Chỉ khi chúng ta nhận thức rằng, hạnh phúc là được sống trong mối tương quan, chúng ta mới có được hạnh phúc đích thực cho đời mình. Vì thế, dẫu cho hành trình cuộc sống có những thăng trầm của cảm xúc, nhưng khi đối diện với sâu thẳm cõi lòng, chúng ta vẫn biết rằng, cuộc đời không phải là một thoáng thời gian trôi đi cách vô tình, nhưng luôn có nơi xuất phát và có điểm để về. Và chỉ khi ta biết được đâu là nguồn cội đích thực cho cuộc đời, ta mới thực sự chân nhận đó là hạnh phúc của đời ta.

Đối với người Kitô hữu, chúng ta thật hạnh phúc khi được Thiên Chúa mặc khải cho biết về phẩm giá làm người và làm con Chúa của mình. Với việc đáp trả bằng đức tin, chúng ta biết được Thiên Chúa chính là nguồn cội và là hạnh phúc đích thực cho cuộc đời chúng ta: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17,7). Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, được Ngài che chở và chúc lành cho hành trình làm người của mình. Do đó, chỉ khi biết gắn kết với Thiên Chúa, đặt trọn cuộc đời nơi Ngài, thì con người mới có được hạnh phúc trọn vẹn cho đời mình.

Thánh Augustinô cũng đã từng cảm nhận và thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và lòng con khắc khoải cho tới khi tâm hồn con được an nghỉ trong Chúa”. Chỉ những ai có mối tương quan cá vị sâu sắc với Thiên Chúa, mới cảm nhận được thế nào là hạnh phúc đích thực cho cuộc đời. Sự khắc khoải ưu tư của thánh nhân, cũng chính là sự khắc khoải của tâm hồn mỗi con người. Khắc khoải không phải là để chạy trốn, để chối bỏ vận mạng cuộc đời, hay là để từ chối cội người tình yêu trong Thiên Chúa. Nhưng sự khắc khoải đó giúp chúng ta biết rằng, mỗi phút giây của cuộc sống mà ta đang trải qua, phải là cơ hội để đưa ta đến với Thiên Chúa. Chỉ có như thế, chúng ta mới thực sự được sống trong tình yêu thương, trong niềm hạnh phúc của hành trình làm người. Vì trong Ngài, chúng ta mới định hướng được cho cuộc đời một cách vững chắc, mà như lời thánh vịnh nhắc nhớ:

“Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy, hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người !”(Tv 33,9)

Thế nhưng, có những người lại không nhận ra được chính Thiên Chúa là ý nghĩa, là hạnh phúc cho cuộc đời. Họ chỉ cho rằng Thiên Chúa là Đấng ngăn cấm bản thân hoàn thành vận mệnh đời mình. Vì thế, khi đặt Thiên Chúa trở thành một chướng ngại cho cuộc đời, họ đã cố gắng để dứt ra khỏi Ngài: từ bỏ hoặc chạy trốn. Vậy phải chăng chúng ta cũng đang giống như một vài trường hợp trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”? Một vài người trong số họ thất lạc gia đình, là do họ đã có cảm tưởng bố mẹ không thương yêu, hay gia đình là nơi khiến họ mất tự do, kìm hãm con đường kiếm tìm hạnh phúc.

Thú vị là dòng thời gian đã cho họ nhận ra được giá trị và hạnh phúc của cuộc đời không phải là cứ “dứt áo ra đi” mới có được tự do và hạnh phúc đích thực. Nhưng gia đình và nguồn cội mới thực sự tạo nên ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc đời họ. Đó cũng là điều mà nhân loại nói chung và cách riêng là Kitô hữu, chúng ta cần xác tín về hạnh phúc của mình là gì và ở nơi đâu: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ. Ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc” (Tv 16,2). Ở trong Thiên Chúa và nơi Thiên Chúa, con người biết mình sẽ tìm được hạnh phúc và có hạnh phúc viên mãn cho cuộc đời. Hạnh phúc đó không chỉ dừng lại ở những gì là bề ngoài, là cảm xúc nhất thời, nhưng là hạnh phúc của người được yêu thương: “Hãy sống thân tình với Thiên Chúa và xây dựng bình an, anh sẽ tìm lại được hạnh phúc” (G 22,21).

Có những lúc chúng ta đang ở trong tình yêu thương của Thiên Chúa, nhưng ta lại không nhận ra đó là tình thương, mà chỉ thấy mình bị kiểm soát và bị cướp mất hạnh phúc cuộc đời. Thiên Chúa không bao giờ là Đấng chèn ép con người, và cũng không bào giờ là Đấng ghen tị với hạnh phúc của con người. Có thể vì tâm hồn chúng ta quá hẹp và ích kỷ, nên không còn đủ sáng để nhận ra được tình yêu Thiên Chúa đang dành cho ta.

Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc, là cùng đích cho lý tưởng cuộc đời con người. Bao lâu con người đi ra khỏi lối đường này, con người trở nên chênh vênh giữa dòng đời và mất định hướng cho cuộc sống mình. Đôi khi chúng ta cứ tưởng không cần quan tâm, hoặc loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời mình, thế là ổn, là tự do để sống, và có được hạnh phúc đích thực. Nhưng rồi, những giá trị và hạnh phúc mà ta đạt được, như tiền bạc, địa vị, danh vọng, chức tước… lại có giới hạn và không mang tính tuyệt đối. Nó chỉ mang lại cho ta niềm vui và hạnh phúc trong một khoảng thời gian, để rồi ta cứ khát khao, cứ thao thức tìm kiếm.

Chỉ khi chúng ta ở trong mối tương quan tình yêu với Thiên Chúa, lúc đó chúng ta mới có được sự tự do và hạnh phúc đích thực. Thật đúng như lời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong cuốn sách “Thiên Chúa và Trần thế” đã nói: “Chấp nhận rằng mục đích của đời tôi không phải là cho chính mình, tôi phải vươn lên trên mọi mục tiêu khác. Nghĩa là vươn tới hợp nhất với Đấng muốn tương giao với tôi, và Đấng đó đồng thời cũng để tôi hoàn toàn tự do trong hành động mình”. Khi chúng ta biết dùng tự do để làm điều thiện, và hướng đến hiệp nhất trong mối tương quan với Thiên Chúa, lúc đó chúng ta đạt đến sự tốt lành và hạnh phúc cho cuộc đời mình.

Bên cạnh đó, không phải chỉ khi chúng ta có được thứ này điều kia, hay được thỏa mãn những ước muốn cho bản thân, lúc đó chúng ta mới hạnh phúc. Và hạnh phúc cũng không phải là khi chúng ta cứ loại bỏ những chướng ngại trước mắt trong các mối tương quan để đạt được mục đích của riêng mình. Hay cũng không phải là khi chúng ta cắt đứt mối tương quan thân thuộc của bản thân như gia đình, bạn bè, những người thương yêu… lúc đó ta mới có hạnh phúc. Đó không phải là hạnh phúc mà con người hướng đến.

Hạnh phúc đích thực là khi chúng ta biết sống vì và sống cho trong mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Nghĩa là bản thân biết mở ra để hướng đến Thiên Chúa và tha nhân, để sống yêu thương và phục vụ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh: “Hạnh phúc không phải là một thứ được mua ở siêu thị, hạnh phúc chỉ đến khi yêu và được yêu thương” (Hành hương Macerata-Loreta, 9/6/2018). Tình yêu thương chính là giá trị và dây nối kết chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân. Nó cho chúng ta biết hạnh phúc là khi ta còn ở trong tình yêu của Thiên Chúa, được Ngài yêu thương và đáp lại tình yêu thương của Ngài bằng chính đời sống của mình. Đồng thời, khi chúng ta biết mở ra để yêu thương tha nhân, như chính Chúa đã mở ra để yêu thương và đón nhận chúng ta. Hạnh phúc không chỉ dừng lại ở điều chúng ta được, nhưng còn mở ra ở việc chúng ta sống vì và sống với tha nhân.

Như thế, khi con người loại bỏ hoặc không còn quan tâm đến Thiên Chúa nữa, con người sẽ đánh mất chính mình, đánh mất nguồn cội của sự sống và cùng đích của cuộc đời. Bao lâu con người ở trong tình thương của Thiên Chúa, trong mối tương quan với Ngài, lúc đó con người mới hoàn thành vận mệnh đời mình, và mới có được hạnh phúc cuộc đời. Có thể nói, người hạnh phúc nhất trên đời là người biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương, và là người có khả năng để yêu thương và mang lại hạnh phúc cho người khác.

Hy vọng chút chia sẻ trên đây cho bạn nhiều hứng khởi để lên đường với Thiên Chúa. Đừng quên chính Thiên Chúa cũng đang quan tâm, muốn kết thân với mỗi người chúng ta. Ngài đi bước trước để chuẩn bị cho hành trình đi tìm hạnh phúc đích thật của mỗi người.

Phêrô Dương Hải Văn, SDB

Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (19.12.2023)