THỨ HAI TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN
Monday of the Twenty-eighth Week in Ordinary Time
SỐNG LỜI CHÚA
GOSPEL : Lk 11:29-32
While still more people gathered in the crowd, Jesus said to them,
“This generation is an evil generation;
it seeks a sign, but no sign will be given it,
except the sign of Jonah.
Just as Jonah became a sign to the Ninevites,
so will the Son of Man be to this generation.
At the judgment
the queen of the south will rise with the men of this generation
and she will condemn them,
because she came from the ends of the earth
to hear the wisdom of Solomon,
and there is something greater than Solomon here.
At the judgment the men of Nineveh will arise with this generation
and condemn it,
because at the preaching of Jonah they repented,
and there is something greater than Jonah here.”
Bài đọc :
Ca nhập lễ : Tv 129,3-4
Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng ?
Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ,
lạy Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en.
Bài đọc 1 : Rm 1,1-7
Nhờ Đức Ki-tô, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho các dân ngoại vâng phục Tin Mừng.
Khởi đầu thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
1 Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su ; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. 2 Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. 3 Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít. 4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.
5 Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. 6 Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.
7 Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh.
Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
Đáp ca : Tv 97,1.2-3ab.3cd-4 (Đ. c.2a)
Đ. Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ.
1Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công.
Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,
nhờ cánh tay chí thánh của Người.
Đ. Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ.
2Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ,
mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân ;
3abNgười đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa
dành cho nhà Ít-ra-en.
Đ. Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ.
3cdToàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
4Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát.
Đ. Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ.
Tung hô Tin Mừng : x. Tv 94,7b.8a
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng,
nhưng hãy nghe tiếng Chúa. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Lc 11,29-32
Thế hệ gian ác này sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
29 Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói : “Thế hệ này là một thế hệ gian ác ; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. 30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn ; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng ; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.”
Ca hiệp lễ : Tv 33,11
Kẻ giàu sang phải bần cùng khốn khổ,
còn ai tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì.
SUY NIỆM
DẤU LẠ
Thời nay, những chuyện lạ tâm linh vẫn còn thu hút sự tò mò của nhiều người. Người ta dễ dàng chạy đến khấn vái nơi những cây cối, hòn đá thiêng thánh theo tin đồn. Còn người Kitô hữu, dấu lạ tâm linh nào mà chúng ta kiếm tìm?
Vì muốn cứu dân Ninivê nên Chúa đã sai ngôn sứ Giôna đến nói cho họ về sứ điệp hoán cải. Dân Ninivê dù ngoại đạo nhưng đã biết sám hối, tin tưởng và nại vào tình thương Thiên Chúa nên được ơn tha thứ. Ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày mà vẫn còn sống, đúng là một dấu lạ cho dân thành Ninivê!
Đức Giêsu còn là một dấu lạ lớn hơn cho nhân loại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa tin vào dấu lạ ấy. Nếu ông Giôna được Chúa sai đến cứu dân Ninivê thì Đức Giêsu là Thiên Chúa đích thân đến cứu nhân loại. Cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu là bằng chứng cho lời Người đã hứa và là dấu lạ vĩ đại biểu lộ quyền năng và tình yêu cứu độ của Người.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra những dấu chỉ tình yêu của Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Đại hội Thượng hội đồng: “Giáo hội đẹp nhất khi những cánh cửa được mở ra”
Vẻ đẹp thực sự của Giáo hội Công giáo “trở nên rõ ràng khi cánh cửa của Giáo hội rộng mở và chào đón mọi người. Chúng tôi hy vọng rằng Thượng Hội đồng sẽ giúp chúng ta cởi mở hơn nữa”.
Vatican. Trong cuộc họp báo ngắn hôm thứ Ba 10/10 với báo giới, Tiến sĩ Paolo Ruffini, Chủ tịch Ủy ban Thông tin, đã cập nhật về các cuộc thảo luận trong các nhóm nhỏ, cũng như danh sách các thành viên của Ủy ban Báo cáo Tổng hợp vừa được bầu chọn.
Tiến sĩ Ruffini cho biết các tham dự viên đã có được bầu không khí chia sẻ tuyệt vời. Trong các nhóm nhỏ, các thành viên có nhiều cơ hội hơn để phát biểu với nhiều vòng chia sẻ. Các tham dự viên đã làm quen với việc chia sẻ trong nhóm nhỏ ngay từ những buổi tĩnh tâm trước khi khai mạc Đại hội Thượng Hội Đồng. Các nhóm nhỏ đã thảo luận sâu hơn về các mục riêng của phần B1 liên quan đến sự hiệp thông, trong đó có các đề tài: giáo dục, môi trường, đa văn hóa, đồng hành với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và những người di cư. Báo cáo viên của các nhóm nhỏ sẽ trình bày những suy tư của họ tại các phiên họp khoáng đại sắp tới.
Đáng chú ý, Đức Hồng y Joseph William Tobin, Tổng Giám mục Newark (Hoa Kỳ), đã chia sẻ cảm nghĩ của mình khi suy tư và cầu nguyện với đề tài “Một sự hiệp thông có sức lan tỏa”: Vẻ đẹp thực sự của Giáo hội Công giáo “trở nên rõ ràng khi cánh cửa của Giáo hội rộng mở và chào đón mọi người. Chúng tôi hy vọng rằng Thượng Hội đồng sẽ giúp chúng ta cởi mở hơn nữa”. Vị hồng y nói điều này với tư cách một thành viên tham dự Thượng Hội Đồng và một mục tử tại giáo phận của ngài. Đức Hồng Y Tobin cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng tiến trình thảo luận giữa các thành viên không bị áp đặt từ trên xuống, và không hề bị bó buộc.
Bên cạnh đó, Đức Hồng y Tobin cũng nói đến sự hấp dẫn của cuộc đối thoại đa văn hóa. Ngài kể rằng trong nhóm nhỏ của ngài còn có một phụ nữ trẻ đến từ Nga, một bà mẹ đến từ Ukraina, một mục sư Ngũ Tuần đến từ Ghana, một nhà thần học đến từ Malaysia và điều phối viên đến từ Singapore. Chính bản thân vị hồng y cũng đã lớn lên ở Detroit trong một môi trường đa văn hóa, và là một linh mục trong 45 năm đã sống “trong những nền văn hóa không phải của riêng mình”. Ngài mô tả đây là “Thượng Hội Đồng đa dạng nhất mà tôi từng tham gia”.
Cũng theo Đức Hồng y Tobin, “lựa chọn của Giáo hội là tình huynh đệ: có chỗ cho mọi người”. Ngài chia sẻ một kinh nghiệm mục vụ cụ thể, việc đón tiếp tại Nhà thờ Chính tòa Newark đối với “một cuộc hành hương của những người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội vì xu hướng tính dục của họ”. Vị hồng y nhớ lại bài thuyết trình của một linh mục, người đã nói với nhóm: “Đây là một nhà thờ đẹp, nhưng đẹp nhất khi cửa mở”. Theo ngài, đó là một kinh nghiệm về một Giáo hội mở ra. Và ngài kết luận rằng “trong một thế giới được đặc trưng bởi chủ nghĩa dân tộc loại trừ, bài ngoại, trong đó có những nhà lãnh đạo cam kết xây dựng biên giới, thì lựa chọn của Giáo hội là tình huynh đệ, tính hiệp hành, một lựa chọn giúp chúng ta hiểu rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em”.
Sơ Gloria Liliana Franco Echeverri, người Colombia, thuộc Dòng Đức Mẹ Maria, chủ tịch Liên hiệp Tu sĩ Mỹ Latinh (CLAR), nhấn mạnh rằng các tham dự viên mong muốn sống như Chúa Giêsu, Đấng đã làm người, đề cao phẩm giá con người, đón nhận mọi người, và mở cửa cho người khác. Sơ Echeverri cho biết trong các nhóm nhỏ, các tham dự viên đã nhận ra chính xác phẩm giá chung này của mọi người, một phẩm giá bắt nguồn từ sự tôn trọng, hiệp thông và công nhận lẫn nhau. Sơ cũng đề cập đến lời mời gọi lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, người di dân, nạn nhân của nạn buôn người được vọng lên trong Đại hội, không chỉ trong những buổi thảo luận, nhưng cả trong bàn ăn.
Vatican News